Nhân loại ngày nay đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó chính là giao tiếp. Nếu như ngoại giao giữa các nước không được khai thông, sẽ dẫn đến bùng nổ các cuộc chiến; người với người nếu không hiểu nhau thì sẽ xảy ra hiểu nhầm, xung đột, mâu thuẫn. Do đó, để giữ được sự kết nối giữa người với người, nền hòa bình của thế giới, thì giao tiếp tư tưởng chính là pháp môn độc nhất.
Điều kiện để giao tiếp tư tưởng, là phải khiến cho đối phương cảm nhận được thành ý của bạn, phải khiến cho người đó cảm thấy được tôn trọng; nếu chỉ là lợi dụng mà không thể cho đối phương một điều tốt đẹp, những niềm vui, hay lợi ích, thì việc giao tiếp tự nhiên sẽ vấp phải muôn trùng khó khăn, trắc trở.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, có nhiều hiệp sĩ thuyết khách qua lại giữa các nước, bọn họ hẳn là phải nghĩ cho lợi ích của nước ấy, thì mới có thể khiến cho các bậc vương hầu ưng thuận. Thời cận đại, sau khi Bill Clinton lên làm tổng thống, bà Madeleine Jana Korbel Albright nhờ vào sự tài tình khéo léo trong giao tiếp ứng xử của mình, mà được mời đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Việc giao tiếp cũng yêu cầu hội tụ một số điều kiện, ngoài việc phải có nền tảng kiến thức phong phú, am hiểu tường tận về lịch sử, phát ngôn cần dựa trên sự thật và có minh chứng cụ thể, lời nói ngắn gọn, súc tích, có nội lực, và pha một chút gia vị hài hước ra, thì đặc biệt là thái độ của người đó phải thành khẩn, có thể nói một câu tốt đẹp trước với người ta, nở một nụ cười, một lời khen ngợi, hẳn sẽ khiến cho đối phương cảm động, chứ không chỉ là thuyết phục đối phương.
Thế giới ngày nay rất cần được giao lưu, nhưng muốn giao lưu, lại đòi con người phải thấu hiểu, cảm thông, và tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể vun đắp được hòa bình, hữu nghị. Vậy nên, thế giới ngày nay liên tiếp tổ chức các hội nghị, như về kinh tế có hội nghị kinh tế thương mại, ngoại giao có hiệp hội ngoại giao, chính trị có hội nghị thượng đỉnh, tôn giáo cũng có hội đàm tôn giáo, v.v. Tất cả sự giao tiếp, đều phải mang trong mình tư tưởng “thế giới một nhà”; chỉ có người ôm ấp tư tưởng “thế giới của chung”, thì mới chịu ngồi lên bàn đàm phán để thương thảo. Nếu như bạn không có ý niệm về bình đẳng dân chủ, mà chỉ ngạo mạn, cực đoan, tự cao tự đại, thì làm sao có thể mở lòng giao tiếp với người khác được?
Trên thế giới ngày nay có rất nhiều nơi cần phải giải quyết vấn đề thông qua giao tiếp tư tưởng, ví dụ như xung đột Ả Rập - Israel, vấn đề chủng tộc Nam Phi, cho đến các vụ bạo động ở các nơi trên thế giới, v.v. đó đều là do thiếu sự giao tiếp tư tưởng gây nên.
Giao tiếp tư tưởng không thể mặc định trước lập trường, mà là cần phải đứng trên lập trường của đối phương để nghĩ cho đối phương, giao tiếp là phải cảm nhận được tâm ý của đối phương. Có thể nói, giao tiếp giống như điệu nhảy Tango, hai bên phải biết phối hợp cùng tiến cùng lùi một cách nhịp nhàng.
Gia hòa vạn sự hưng, trong gia đình nhất định phải có sự giao tiếp khéo léo; đoàn thể xã hội thực sự có thể tạo phúc cho nhân dân, thì đoàn thể ấy nhất định phải có sự giao tiếp hài hòa; nước nhà chính trị thông suốt, lòng người an ổn, thì đất nước ấy nhất định cũng phải có sự giao tiếp uyển chuyển, mềm mại. Đạo lý giao tiếp là dựa trên nền tảng của sự bình đẳng, hai bên có thể trao đổi lập trường, luôn tôn trọng và thông cảm cho nhau. Chung quy lại, muốn xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng thì đạo lý giao tiếp chính là yếu tố cốt lõi cần được quan tâm và phát huy tối đa trí tuệ, cũng như tâm ý của nhân loại.