Cơ Đốc giáo nói rằng: “Tin vào Thượng đế, sẽ được sự sống đời đời”. Nhưng đối với tín ngưỡng Phật giáo, không phải là sẽ không còn vấn đề sinh tử nữa, mà là muốn con người nhìn rõ về sinh tử! Sinh tử là việc không thể tự nhiên hơn nữa, cho dù là Đức Phật thì cũng “Có duyên, thì Phật xuất thế; hết duyên, thì Phật nhập diệt. Vì chúng sinh mà đến, cũng vì chúng sinh mà đi”.
Sống với chết theo nhau như hình với bóng, sinh rồi nhất định sẽ chết, chết rồi sẽ lại sinh ra; sinh sinh tử tử, tử tử sinh sinh, sinh tử nối tiếp không dứt. Rốt cuộc là, “sinh đến từ nơi đâu, chết quay về chốn nào?”, với vấn đề này, người bình thường chúng ta không thể hiểu được.
Theo như “Thập nhị nhân duyên” của Phật giáo có nói: “Chúng sinh hữu tình vì do phiền não “vô minh” từ nhiều kiếp mà tạo tác các loại “hành” vi, từ đó mà sản sinh ra nghiệp “thức”. Từ A lại da thức trú ngụ trong cơ thể người mẹ dần dần hình thành nên thân thể sinh mạng hoàn chỉnh, đó là “danh sắc”; danh (tên gọi) là phần tinh thần của thể sinh mạng, sắc tức là chỉ phần vật chất. Sau nhiều tháng, sáu căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của sinh mạng dần trưởng thành, gọi là “lục nhập”; thai nhi sau khi rời khỏi thân thể người mẹ bắt đầu quá trình tiếp “xúc” với bên ngoài và đưa đến những cảm “thụ” về khổ vui của thế giới ngoại cảnh, từ đó sinh ra cảm giác “ái” (yêu) hoặc ghét, dẫn tới các hành động chấp “thủ” (nắm giữ) những thứ yêu thích. Sau đó, lại từ chính thân, khẩu, ý, tạo tác nên các hành vi, gieo các nhân để tiếp nối sinh mạng sau này, gọi là “hữu” (có được). Và lẽ đương nhiên, có “sinh” thì ắt phải có “lão tử”, sau khi “tử” (chết), sẽ bắt đầu một sinh mạng mới theo chu trình như vậy. Thế nên Phật giáo nói rằng: “Sự lưu chuyển của sinh mạng, là sự ‘sinh tử luân hồi’ vô thủy vô chung” (không có bắt đầu, không có kết thúc).
Vòng tuần hoàn sinh tử vốn dĩ là một đạo lý tự nhiên, như thiền sư Tông Diễn từng nói: “Sự sinh diệt của con người như một giọt nước, chìm đắm trong sinh tử, sau lại về với nước”. Thiền sư Đạo Khải lúc viên tịch, cũng đã để lại lời giáo huấn rằng: “Ta đã 76 tuổi, duyên trần nay đã đủ, sống không yêu cõi trời, chết chẳng sợ địa ngục, buông tay nằm ngang ngoài ba cõi, đến đi tùy ý, nào có gì trói buộc được?”. Sự sống chết của những người tu thiền thật lạ, có khi là lễ Phật xong rồi liền tịch diệt, có khi ngồi kiết già mà đi, hay vào trong nước hát ca mà tịch, còn có người lại lên núi đào đất tự chôn mình, v.v. an nhiên, tự tại vô cùng.
Sự sống chết của chúng sinh được quyết định bởi nghiệp lực, bậc Thánh đã giải thoát thì nương vào nguyện lực mà thành tựu sinh mạng. Thế nhưng, nắm giữ được sinh mạng ấy còn chưa đủ kỳ lạ, điều mà con người chúng ta thực sự muốn, là siêu vượt ra khỏi cái sinh tử trong suy nghĩ. Thiền tông có câu kệ rằng: “Đánh được niệm về chết, thì pháp thân ông sống”. Ý thức của con người chúng ta sinh diệt biến hóa trong từng sát na, như Đại thừa lưu chuyển chư hữu kinh có nói: “Khi thức trước diệt, gọi đó là tử. Thức sau tiếp tục, gọi đó là sinh”. Thực ra, mỗi giây mỗi phút chúng ta đều đang đối mặt với sinh tử. Sự sống chết của ý thức, niệm niệm sinh diệt giống như thác chảy, chỉ có “vô niệm” mới có thể cắt đứt dòng thác sinh tử ấy. Khi thể chứng được Duyên khởi tính Không, thì “cũng như người gỗ nhìn thấy hoa cỏ chim chóc, có gì đâu vạn vật mượn vây quanh”, đạt đến cảnh giới sống chết như một, bất sinh bất tử. Cho nên, trong Lăng nghiêm kinh có ghi: “Khi thức trước diệt không có chỗ đi, thức sau tiếp nối không từ đâu đến”.
Sinh mạng không phải là sau khi sinh ra mới có, cũng không phải chết rồi thì được tính là kết thúc. Khi chết đi, cũng giống như việc di dân vậy, bạn đến một quốc gia khác, chỉ cần bạn có vốn liếng, có năng lực và phương tiện để sinh tồn, thì cuộc sống ở tại một đất nước mới sẽ rất đơn giản, dễ dàng. Thế nên cái chết không đáng sợ, sau khi chết đi đến nơi nào, mới là việc quan trọng.
Thiền sư Đạo Nguyên nói rằng: “Nếu trong sinh tử có Phật, thì liền có thể không có sinh tử. Nếu biết sinh tử chính là cái lý Niết bàn, thì liền ngay đó không chán ghét sinh tử. Cũng như, chẳng cầu chứng Niết bàn, tự nhiên sẽ siêu thoát sinh tử”. Nếu chúng ta có thể nhận thức rõ ràng đạo lý này, dứt mê lầm chứng pháp chân, giác ngộ rằng sinh tử - Niết bàn như một, tự nhiên sẽ không còn lạc đường trong mê cung sinh tử, tự tại an trụ bản tâm siêu vượt ba cõi. Như vậy, chết đâu có gì đáng sợ?