Có người nói rằng: “Đạo đức có thể lấy bốn lạng cho gần bằng nửa cân, học vấn thì có bao nhiêu là bấy nhiêu, không thể giả vờ dù là một chút”. Thực ra thì một con người, cho dù bề ngoài có thể tỏ ra “an nhiên đạo mạo”, nhưng cái khí chất phát ra bên trong là đạo khí hay là tục khí, thì người tinh tường đều có thể nhìn ra liền.
Vậy, thế nào là đạo khí? Thế nào gọi là tục khí?
Đạo khí, nghĩa là chỉ một con người có tu dưỡng, có nội hàm, có phong độ, gặp chuyện không dễ nổi giận, không tùy tiện nói năng hay hành xử thiếu suy nghĩ, vui vẻ giúp đỡ và đối đãi với người như với chính bản thân mình. Không chỉ tính tình bình tĩnh chín chắn, làm việc đều không bị cảm tính chi phối, không tức giận bất bình, không sân hận ganh ghét, không oán hận trách móc, không tham lam xu nịnh, mà họ còn luôn giữ được tinh thần an định thanh nhàn, tâm bình khí tịnh, giản dị dễ gần, ung dung quý phái, uy nghi trang trọng.
Người tục khí, thì khi nói chuyện thường hay thốt ra những lời thị phi tốt xấu, bàn tán chuyện tiền bạc, hưởng lạc sa đà, ăn nói ba hoa vô nghĩa, ăn mặc thì lòe loẹt bóng bẩy, trêu hoa ghẹo nguyệt, tham danh cầu lợi, đắm sắc mê rượu, luồn cúi nịnh bợ.
Người có đạo khí, thì họ biết học cách chịu thiệt, nhẫn nại, khoan dung, độ lượng, coi trọng việc tu trì, và nuôi dưỡng lý tưởng. Đối nghịch lại với người có đạo khí, là những người tham lợi nhỏ, tính khí nóng giận, hẹp hòi, sợ được sợ mất, vui buồn thất thường, tâm tính đa nghi, tinh thần dễ xuống dốc, họ đi tới đâu cũng đem đến cho người khác cảm giác chán ghét, xa lánh.
Phật Thích Ca Mâu Ni khi mới thành đạo, một hôm Ngài đi bên bờ sông Hằng, trưởng giả Da Xá vừa gặp liền cảm nhận được đạo khí phi phàm toát lên từ một vị Thánh. Đại sư Huyền Trang, ngay từ nhỏ đã mang một khí chất khác người, thầy không thích chơi đùa như những đứa trẻ đồng trang lứa bình thường. Lớn lên, thầy chẳng bàn luận đến tiền bạc, phú quý, về thị phi nhân gian, thế nên có biết bao nhiêu vị cao tăng đại đức đều thấy rằng, thầy rất có đạo khí.
Người tu hành thời nay, để phân biện rõ ai có đạo khí, ai có tục khí, thì rất dễ; chỉ là mọi người trong xã hội ngày nay đã không còn quá xem trọng việc nhìn nhận về đạo khí hay tục khí nữa.
Tuy nhiên, người mang cốt cách đạo khí vẫn tỏa ra nguồn năng lượng tự nhiên, có thể khiến người khác sinh lòng ngưỡng mộ. Ví như khi nhìn thấy bức chân dung của đại sư Hoằng Nhất, hay tấm áo choàng và trượng cầm tay của trưởng lão Hư Vân, chúng ta sẽ cảm nhận được một luồng từ trường hoan hỷ lan tỏa khắp thân tâm mình.
Một người thà nghèo tiền thiếu bạc, cũng không thể để duyên lành bị nghèo nàn; thà là thất nghiệp, chứ không thể đánh mất lòng tin; thà không được người khác xem trọng, chứ không thể không có tôn nghiêm; thà quay lưng với công danh lợi lộc, chứ không thể để phong độ đạo khí bị khiếm khuyết.
Đạo khí và tục khí, bạn có từng để ý đến chăng? Trên người của bạn lan tỏa ra đó là đạo khí hay là tục khí đây?