Nhà vệ sinh, vốn là công trình xây dựng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của con người. Nhà vệ sinh có rất nhiều tên gọi khác nhau, như thời cổ gọi là “mao phòng” (nhà cỏ), “tiện sở” (nơi đại tiểu tiện), người hiện đại gọi là “phòng rửa tay”, “phòng tắm rửa”, “phòng trang điểm”, Phật giáo thì gọi là “tịnh phòng”. Càng là nơi nhơ uế, thì lại càng phải chú trọng sạch sẽ, và đặt cho nó cái tên nghe thật hay.
Nhà vệ sinh, là nơi để đại tiện tiểu tiện, đại tiện còn gọi là số lớn, đi nặng; tiểu tiện còn gọi là số bé, đi nhẹ, tiểu tịnh, thậm chí người hiện đại còn gọi tiểu tiện là “ca hát”.
Phật giáo rất coi trọng việc đi tịnh phòng (đi vệ sinh), và trong Hoa nghiêm kinh có rất nhiều lời kệ để nói về việc đại tiểu tiện như: “Khi đại tiểu tiện, nên nguyện chúng sinh, bỏ tham sân si, trừ sạch lỗi lầm”, “Xong việc rửa nước, nên nguyện chúng sinh, trong pháp xuất thế, mau chóng thành tựu”, “Lấy nước rửa tay, nên nguyện chúng sinh, được tay thanh tịnh, thụ trì Phật pháp”.
Nhà tắm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống, mỗi ngày chúng ta đều phải điểm danh nơi đó mấy lần. Từ sáng sớm thức dậy đánh răng, rửa mặt, đại tiểu tiện, đều sẽ diễn ra trong nhà tắm đó; đến tối trước khi ngủ, thậm chí là cả sau khi ngủ, nửa đêm còn phải thức dậy điểm danh vài ba lần nữa. Thêm vào đó, khi ra ngoài lo công chuyện, trước khi tiếp khách chúng ta phải đến phòng trang điểm chỉnh trang nhan sắc, vóc dáng, để tự tin hơn trong giao tiếp.
Các quốc gia văn minh hiện đại, đều rất chú trọng phòng trang điểm ở các nơi công cộng, thậm chí có một số quốc gia còn có quy định về văn minh, ở các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn, nhà vệ sinh đều phải có đầy đủ các thiết bị vật dụng như: xà phòng, giấy vệ sinh, giấy lau tay, gương, v.v. Hơn thế, không chỉ dành cho người lớn, mà còn còn có khu chuyên dụng để thay tã lót cho trẻ em; không chỉ dành cho người khỏe mạnh, mà còn có phòng dành riêng cho người khuyết tật, nếu không thì sẽ không được phép kinh doanh công khai.
Người dân các quốc gia văn minh, khi tới nhà vệ sinh công cộng cũng hết sức ý thức, họ không chỉ xếp hàng theo thứ tự trước sau rất nề nếp, mà khi sử dụng xong thì đều tiện tay dọn dẹp sạch sẽ, để trả lại một không gian dễ chịu cho người đến sau. Nhìn lại những quốc gia văn hóa còn hạn chế, thì hầu như nhà vệ sinh công cộng đều ở trong tình trạng dơ bẩn, lộn xộn không chịu nổi.
Qua quá trình thay đổi hình thức của nhà vệ sinh, ta có thể nhìn được ra sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Từ bệ xí rào chắn ngoài trời tại các thôn quê ngày xưa, cho đến phòng trang điểm cao cấp ngày nay. Đặc biệt, phải kể đến phòng trang điểm tại những khách sạn năm sao, trong đó không chỉ có bàn trang điểm, gương, sữa tắm, sữa rửa mặt, nước hoa, giấy vệ sinh, giấy lau tay, mà họ còn bài trí một bộ sô pha, điểm thêm giỏ hoa, treo vài bức tranh nghệ thuật, thực sự là hào nhoáng hơn cả phòng khách của nhiều nhà bình thường.
Thậm chí, vì để nâng cao văn hóa nhà vệ sinh, người ta đã bắt đầu thu một mức phí tương ứng. Thời xưa, ở nơi nhà vệ sinh công cộng ta thường sẽ bắt gặp một số người văn chương nho nhã còn đề một bài thơ trong đó.
Trên đà phát triển kinh tế của xã hội hiện đại, nhà vệ sinh không chỉ cần coi trọng không gian thông thoáng, rộng rãi, mà rất chú ý tới sự gọn gàng, sạch sẽ. Bởi lẽ, hiện trạng nhà vệ sinh công cộng, chính là hình ảnh phản chiếu rõ ràng nhất về sự tiến bộ của văn minh con người, là ý thức tự giác của nhân sinh. Vậy nên, đây là một vấn đề rất đáng để chúng ta quan tâm, và hoàn thiện tốt hơn mỗi ngày.