Trong Phật giáo, khi cần bổ nhiệm vị thầy trụ trì một ngôi chùa, ngoài tài năng, điều kiện tiên quyết là người đó phải có tâm cống hiến. Người có tâm cống hiến, mới có thể gánh vác trên vai sứ mạng hết sức thiêng liêng ấy.
Đúng như vậy! Người lãnh đạo một tự viện, nếu cậy vào quyền thế, tự đề cao và làm lợi riêng cho bản thân, lạm dụng của công, đặt đại chúng vào hàng thứ yếu, như vậy sao có thể được lựa chọn? Cũng như lãnh đạo của một quốc gia, chắc chắn phải chú trọng các vấn đề dân sinh, thúc đẩy kiện toàn nền kinh tế của đất nước, thì anh ta mới có thể đứng vững trên vị trí cao quý của một quốc gia. Giả như dân sinh bất ổn, thì nhất định họ sẽ không để anh một mình ngồi hưởng lợi, và lịch sử cũng đã ghi nhận một số triều đại mất nước đa phần thường liên quan đến việc đời sống của dân chúng đương thời rơi vào hoàn cảnh khốn cùng lầm than.
Nói đến bốn sự cống hiến cúng dường, đầu tiên phải xem đại chúng trong chùa, một là quần áo có đủ ấm không, hai là cơm có đủ no không, ba là giường nằm có phù hợp không, bốn là thuốc thang có chữa được bệnh không? Và đương nhiên, nếu thức ăn, quần áo, giường nằm, thuốc thang không phù hợp, thì bốn chúng khó mà có thể yên tâm tu hành.
Đối với Phật tử tại gia, thành tâm cúng dường lên Tam bảo có mười thứ: hương, hoa, đèn, thuốc thang, hoa quả, trà, thức ăn, đồ báu, châu ngọc, quần áo. Còn đối với người đệ tử xuất gia, nên lấy ba nghiệp thân, khẩu, ý để cúng dường. Tâm cúng dường là một công hạnh quan trọng trên con đường tu đạo. Bởi ngay đến cả quần chúng trong xã hội cũng luôn kêu gọi sự cống hiến như: những người làm công ích cho xã hội sẽ dùng thời gian để cống hiến đại chúng, những người khỏe mạnh thì đem sức lực để phục vụ người khác, người có tài sản lại đem tiền của phân phát cứu giúp những người nghèo khổ, người có trí tuệ thì tư vấn giúp mọi người tìm phương cách giải quyết khó khăn, người có kiến thức Phật học uyên thâm khéo biện luận thì giảng pháp khai ngộ cho mọi người. Đây đều là những việc phải có tâm cống hiến cúng dường mới có thể làm được.
Tâm cúng dường, là một sự kính lễ. Trong giao tiếp xã hội, anh biếu tôi một giỏ hoa quả, tôi biếu anh một hộp kẹo; anh tặng tôi một bức tranh, tôi tặng anh một tờ báo, đó là phép đối đãi có qua có lại, hai bên cúng dường lẫn nhau. Một người chỉ nhận sự cúng dường của người khác mà không đáp lễ, không cống hiến, lâu dần cũng khiến người ta chán ghét.
Cúng dường, kết thiện duyên, là những việc làm tăng thêm tình hữu nghị, củng cố tình cảm đôi bên. Trong các loại cúng dường, đương nhiên sẽ lấy tâm cúng dường làm đầu. Bởi lẽ, cho dù anh có bố thí tiền tài, của cải cho người khác, nhưng nếu không thành tâm thành ý, thì những thứ vật chất phù du ấy cũng trở nên chẳng có nghĩa lý gì; cho dù anh có cho người khác vàng bạc, nếu chẳng hoan hỷ bố thí, thì số châu báu đó cũng nào có giá trị gì.
Tục ngữ có câu: “Của một đồng, công một nén”, để nói đến việc cúng dường dù nhỏ nhưng đem lại sự giúp đỡ lớn lao. Song đôi khi, lòng tham cố hữu của con người khiến họ chỉ mong nhận về chứ chẳng muốn cho đi, tạo thành thói quen xấu khó dứt bỏ, lại càng không thể phát tâm cúng dường hỷ xả: “Tôi chia sẻ tâm bố thí hoan hỷ, tâm từ bi cùng anh. Tuy tôi không thể tặng nhà cho anh, nhưng rất vui được đón tiếp anh đến nhà tôi ở một thời gian. Tôi không thể tặng khu vườn này cho anh, nhưng anh có thể đến thưởng thức hoa thơm trái ngọt bất cứ lúc nào”. Người Phật tử khi xả tục xuống tóc xuất gia, đều phát nguyện cúng dường: “Con nguyện đem thân tâm này phụng sự chúng sinh ở muôn vàn thế giới nhiều như cát bụi, thì đó chính là báo ơn Phật”. Thân tâm đều có thể cúng dường, thì đâu còn gì phải so đo, tính toán?