Khi một người đeo cặp kính màu gì, anh ta sẽ chỉ nhìn thấy thế giới với màu đó. Dù bạn có nói cho anh ta biết sự thật vốn có, thì anh ta cũng không chịu chấp nhận mà khư khư cố chấp ý kiến lệch lạc của mình. Giống như “ếch ngồi đáy giếng”, nó sẽ thấy bầu trời thật nhỏ bé vừa vặn bằng cái miệng giếng, rồi ai đó đi qua ghé xuống nói với nó rằng: “Này ếch! Thực ra, bầu trời rộng lớn vô cùng”. Nhưng vì nhất quyết chỉ tin vào hình dáng bầu trời tròn bằng miệng giếng của mình, nên ếch ta vĩnh viễn chẳng thể một lần nhìn thấy bầu trời bao la ngoài kia.
Hay ví như, anh nói với những người dân miền núi rằng, các tòa nhà cao ốc ở thành phố đều lát thảm ni lông, vì chưa từng nhìn thấy cũng như bị hạn chế bởi kiến thức, nhất định họ sẽ không tin. Bạn nói với họ rằng, ở trong tòa nhà 30, 40 tầng, chỉ cần vặn vòi nước, thì có nước sạch để dùng, những người dân sống cả đời nơi lều tranh vách đất hẳn sẽ không chịu tin, vì thực sự là họ chưa hề nhìn thấy bao giờ.
Khi đứng trước một người cố chấp định kiến vừa gặp thất bại, bạn khuyên họ rằng có thể làm lại từ đầu, thì họ tuyệt vọng bảo: “Tôi không thể nữa rồi”, vì thế tương lai của anh ta thật sự dừng lại ngay chính tại nơi đổ vỡ đó. Sau lần vấp ngã, anh ta không chịu nhìn kỹ lại, tìm hiểu xem nguyên nhân ở đâu, mà lại đóng băng tâm trí mình trong ý niệm “tôi chẳng có cách nào chiến thắng”. Và rồi, chính bức tường cố chấp đó đã trở thành chướng ngại vây hãm anh ta mãi mãi không thể bứt phá để vươn tới thành công.
Khổng Minh sáu lần ra khỏi Kỳ Sơn, chết ở gò Ngũ Trượng, mà ý chí phục quốc chưa từng lui sụt, dẫu rằng không còn hy vọng. Đại Vũ trị thủy, ba lần đi qua nhà mà không vào, vì ông cho rằng phải tranh thủ thời gian thì mới trị thủy thành công. Tôn Trung Sơn sau mười lần làm cách mạng thất bại, cuối cùng mới có thể thành công; Vương Miện nhiều lần thi Tiến sĩ, đến lúc hơn 40 tuổi mới có thể đạt được ước nguyện của mình. Từng có biết bao nhiêu nhà khoa học quyết tâm nghiên cứu sáng chế, song nếu không trải qua mấy trăm lần thất bại, thì sao có thể cho ra đời những phát minh vĩ đại như vậy?
Trong cuộc sống này, người khăng khăng bảo thủ giữ lấy ý kiến của mình cần phải không ngừng thay đổi bản thân như, sửa chữa lỗi lầm để tự hoàn thiện, sửa sai thành đúng, cải tà quy chính, đó gọi là “cùng tắc biến, biến tắc thông”, không ngừng cải tiến là cánh cửa mở ra những phát hiện mới và sự cải cách ưu việt hơn.
Quần áo quá chật, nếu khéo sửa rộng ra một chút, hẳn là mặc vào sẽ rất vừa vặn, đẹp mắt. Chiếc bàn quá dài so với không gian phòng, nếu chịu khó sửa cho nó ngắn lại, nhất định sẽ thuận tiện, dễ dùng.
Mấy thập niên về trước, chiều cao của người Nhật khá là khiêm tốn, song nhờ vào quá trình nỗ lực thực thi nhiều phương cách nhằm cải tạo giống nòi, thì người Nhật hiện nay đã đạt đến mục tiêu đặt ra. Hay như dựa trên kỹ thuật cải tiến giống cây trồng, mà con người dần nâng cao sản lượng và chất lượng; các loại hoa quả chuối, xoài, vải, dưa to hơn, ngọt hơn. Khi xưa, mỗi năm ta chỉ có thể thu hoạch một vụ lúa, sau khi cải tạo giống thì một năm thu hoạch đến hai, thậm chí là ba vụ. Như vậy có thể thấy, cố chấp chính là chướng ngại lớn nhất của sự tiến bộ, bởi chỉ có không ngừng cải tiến mới có thể không ngừng phát triển.
Chân lý nhà Phật chỉ ra rằng, thế giới luôn luôn biến động, đời người cũng không ngừng đổi thay, một người chỉ cần thuận theo chân lý, gạt bớt những cố chấp thành kiến, nuôi dưỡng trí tuệ, không ngừng thay đổi theo chiều hướng tốt, thì nhất định sẽ tiến bộ. Thời nguyên thủy xa xưa, khi chưa phát hiện ra lửa, loài người còn ăn cả thịt sống, nếu cố chấp như vậy mãi, chẳng phải ngày nay vẫn cứ duy trì một xã hội hoang dã như thế ư? Xưa kia, văn hóa vật chất lạc hậu, trải qua sự cải tiến không ngừng, thì văn minh ngày nay mới có thể một ngày đi nghìn dặm.
Có một người mù đi qua con sông cạn, không cẩn thận trượt chân ngã, may mắn thay anh ta nắm được thành cầu, hét lớn kêu cứu. Người qua đường nói anh ta đừng sợ, cứ buông tay đi, bên dưới là mặt đất rồi. Người mù không tin, vẫn run rẩy nắm lấy thành cầu, gào khóc không nghỉ cho đến khi hơi tàn sức kiệt, tuột tay rơi xuống, lúc đó anh ta mới tin lời mọi người nói. Hóa ra, dưới cầu quả thực không có nước, nhưng do bản thân quá sợ hãi mà khiến thân tâm mình phải chịu đựng nỗi vất vả một cách vô cớ.
Bảo thủ, cố chấp vào những hủ tục, cũng giống như người mù đi qua sông kia, phải chịu quá nhiều những nỗi bức bách khổ não rồi, tâm can mới có thể khắc sâu bài học nhớ đời.