Hầm không đáy là một cái động tối không nhìn thấy đáy, dù cho có bỏ bao nhiêu đồ vào đó thì vĩnh viễn cũng không thể lấp đầy được.
Có người nói rằng: “dục vọng giống như cái động không đáy”, “hang sâu dục vọng khó lấp đầy”. Vậy há chẳng phải, tham muốn chính là “cái động không đáy” đó ư? Lại có người bảo rằng: “tâm địa đen tối che mờ lương tri, chính là động không đáy”, những người có tâm địa đen tối, tham lam không biết chán, chẳng phải là “động không đáy” hay sao?
Nói gần hơn một chút, động không đáy cũng chính là cái miệng mà chúng ta vẫn dùng để ăn cơm, ngày ngày ăn đều đặn ba bữa đủ các loại gạo, bún, miến, rau củ đủ thứ, vậy mà suốt cả trăm năm đời người mãi mãi chẳng thể lấp đầy nó được. Để đáp ứng nhu cầu của cái động không đáy đó, mỗi ngày con người phải trải qua muôn đắng nghìn cay cũng chỉ để thỏa mãn ham muốn ăn uống vô độ. Cái miệng không đáy như một cỗ máy thèm khát, càn quét đủ loại thức ăn nào là: nướng, quay, luộc, hấp, chiên, xào, ướp, tẩm, v.v. dù phải xuyên qua tầng tầng lớp lớp những nỗi gian truân vất vả phía trước chỉ để thỏa mãn một bữa ăn ngon. Dẫu nhà đông miệng ăn đến đâu, kinh tế khó khăn thế nào, dù bạn có chi nhiều tiền bao nhiêu, vất vả hơn nữa, chỉ để khỏa lấp những tham muốn vô độ của cái miệng, thì nó cũng không chút thương xót bạn.
Giả như cái “động không đáy” an phận hưởng thụ thức ăn đồ uống thì cũng có thể cho qua; đằng này, lúc bụng đói cồn cào mà nó còn lên tiếng chửi mắng người, trách bạn sao không cung ứng cho nó đồ ngon vật lạ. Đôi khi nó còn tùy tiện nói bừa, tùy tiện tranh luận, làm cho quan hệ giữa bạn và mọi người rối tung cả lên, không chỉ làm thân tâm bạn bất an mà còn ảnh hưởng đến xã hội và mọi người xung quanh.
Thêm vào đó, cái “động không đáy” này đâu chỉ biết ăn biết uống, có lúc nó còn ăn to nói lớn, lẫn lộn trắng đen, rêu rao bàn tán chuyện người, gây tạo khẩu nghiệp khắp chốn. Cho nên cổ nhân mới nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, thậm chí còn có thể đẩy con người ta rơi vào họa sát thân.
Trên thế giới, vì sao có chiến tranh? Chính là bởi cái miệng không đáy, vì muốn ăn nên không thể không có chiến tranh. Thậm chí ngay cả tình yêu nam nữ, nếu đời sống gia đình mà không có gạo lúa thì có thể duy trì lâu dài được chăng? Anh xem, cái miệng không đáy này thật khó phục vụ.
Khổng Tử nói rằng: “Những việc không theo đúng lễ thì đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói”. Mắt và tai thường dễ dàng chế ngự, chỉ có miệng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói đông bàn tay, dài ngắn thất thường, một mặt nhu cầu vô độ, mặt khác là nguồn gốc của mọi tai họa, khiến cuộc sống lạc vào mê cung trong muôn trùng nỗi bất an, khốn đốn.
Xét ra, khoản tiền chúng ta dùng vào việc may mặc, đi lại của bản thân còn có hạn lượng, duy chỉ có chi phí cho cái miệng không đáy lại là vô hạn. Vì vậy sống ở đời, ngoài việc phải điều phục tâm mình an trú trong chính niệm, thì việc hết sức quan trọng nữa đó là phải chăm lo cho cái “miệng không đáy” thật chu toàn, để nó không vì nhu cầu ăn uống mà tạo nghiệp sát sinh, biết tiết chế sở thích, giảm thiểu đi những tiêu thụ sa đà lãng phí không đáng. Và hơn thế nữa, làm sao để cái “động không đáy” này thường nói ra những lời hay ý đẹp, có ích cho mình cho người, cho cuộc sống nhân sinh. Có như thế, mới không phụ công lao bao ngày chúng ta vất vả đáp ứng nhu cầu cho nó.