Sớm nay, lội qua con phố ngập ngang đầu gối, nước ở rừng về ngơ ngác dồn dại rồi trào ra các vỉa hè ngõ ngách trên phố, bỗng nghe bên cạnh có người nói chuyện với nhau: “Lũ thế đấy, thế bảo tại sao đầu tư đến đâu miền núi cũng vẫn nghèo…”.
Thì bây giờ người ta biết tin bão đến trước hàng mấy ngày, thậm chí là cả tuần. Miền núi vẫn còn đó những “miếng ăn dở” của lũ quét sạt lở nhầy nhụa, dân thành thị nhớ mức nước ngập ở mỗi đoạn đường đến từng centimet. Những đôi vợ chồng trẻ bồng bế con tìm lại chút tài sản còn sót trong nước lũ, người kém may mắn hơn chết lặng bên bát hương mất vợ, mất con biết đâu cũng chưa một lần được vác rìu lên chặt cây trên rừng. Đơn giản, khi họ sinh ra đã thấy những đồi trọc, nhiều người còn nhọc nhằn đổ mồ hôi trồng keo, trồng xoan làm kinh tế.
Người ta thường nói “nước chảy chỗ trũng”, lực hút của cái đất hay quy luật giàu nghèo? Nhưng chưa kịp thấy người vùng trũng ra sao thì người miền núi đã bị cuốn phăng đi tất cả. Nhìn những clip lũ sôi réo ở Mường La (Sơn La), lũ quần thảo Mù Cang Chải (Yên Bái) mới thấy sức lực con người là vô nghĩa trước thiên tai. Nhìn ngôi nhà kiên cố ba tầng đổ sập như lâu đài cát, nhìn những cây cầu bị bẻ gãy như cọng hành ai đó tự hỏi: nước ở đâu mà nhiều thế?
Bão từ biển vào gặp dãy Ba Vì đã chỉ còn là giông, cánh chim bay qua võng núi (Sơn La) còn khó. Bao đời nay mái nhà sàn chênh chếch, suối có gầm réo cũng chỉ làm cho đồng ruộng tươi tốt hơn, nước giờ ngày càng hung dữ quần thảo trên những miền bao ngày khô hạn.
Tự dưng, một người sinh ra ở núi, lớn lên vịn tảng đá bẻ bông hoa rừng, nghe tiếng chim lanh lảnh hót đầu nương, giờ về phố nghe tin bão vào từ phía đông lại nhớ núi miền Tây đến thế. Người ở núi đâu dễ một lần nhìn thấy sóng biển bạc đầu dữ dội, đâu dễ thấy nước sông Hồng, sông Đà dâng cao kiểu “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”, họ chẳng hay “chớp bể” mà chỉ biết “mưa nguồn”. Mưa như sinh ra từ núi, bao nhiêu nước từ núi, từ rừng về, nước sinh ra từ đá hay từ lá rừng? Quanh năm sống dưới trời xanh, mây trắng, ngày nắng gắt mây vẫn quẩn quanh đỉnh núi không rời xa họ. Vậy nhưng, cuộc sống lam lũ luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ đâu dễ được nhìn mây “cõng” hạt nước từ biển, từ sông về rừng.
Mấy ngày lên mạng thấy từ khóa “lũ Tây Bắc” đậm đà không khó để tìm kiếm, nhưng khi xem kỹ các hình ảnh thấy người dân Tây Bắc hoang mang thật sự bởi lũ giờ dâng lên hay tràn xuống, họ đang ở non cao hay vùng chiêm trũng ngập lụt, mùa mưa hay mùa nước nổi? Sự tác động của con người, sự nóng lên của toàn cầu đang làm họ ngơ ngác trước những thực tế mới. Bàn chân quen trèo đèo, lội suối giờ bất lực trước dòng suối không thể lội, đèo bị cuốn phăng trong lũ.
Rồi những chuyến hàng cứu trợ, thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân lại ngước lên Tây Bắc, người Việt sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, nhiều bạn trẻ không quản vượt qua những con đường ngập bùn, sạt lở đến với bà con vùng lũ. Nhưng, ngoài gói mì tôm, bọc quần áo, cũng cần một cái gì đó thay đổi từ tập quán sinh sống, về trồng rừng và sẵn sàng sống chung với lũ cả khi ta đang ở những điểm cao nhất. Cái cách “chiến đấu” lâu dài với thủy tặc, khắc chế và dung hòa cũng là một câu chuyện dài nhưng cần sớm có một cái kết như thế.