Tây Bắc, chẳng phải chỉ có “đèo vua” Ô Quy Hồ, đỉnh Pha Đin, núi Mường Hung, ghềnh sông Mã, thác sông Đà... đó sao? Hẳn thế, nhưng, lặng lẽ sau những địa danh ấy là những tên đất cổ. Náu mình trong vẻ yên bình là bao câu chuyện ly kỳ, như vẻ đẹp của những bông hoa rừng mọc trong khe đá. Ai đã bị mê hoặc bởi đường 6, ai đã từng lạc ở những cánh rừng Phong Thổ, Sìn Hồ rồi cũng tìm đến đất Thuận. Nằm giữa trung tâm của khu vực cư trú của dân tộc Thái, đất này xưa có tên là Mường Muổi. Nhưng, phải đến khi ghé lại một đêm ở đây, gắng thức bên bếp lửa nhà sàn trước cơn buồn ngủ với tiếng muỗi rừng man dại, mới hiểu hết tên đất, lòng người.
Cái tên Mường Muổi nghe thật thâm u, huyền bí, nhất là vào những đêm tối trời, lặng gió nhưng vo ve tiếng muỗi, râm ran tiếng côn trùng. Chẳng biết khi còn thuộc Vạn Bú, đất ấy thế nào nhưng lên đến đây, núi không nỡ cao thêm, nhưng đồng lõa với rừng vây giáp bốn mặt biến đất Thuận thành một tòa thành nhỏ. Mặt đất ở đây đen sẫm trầm tích triệu lớp lá rừng, nước từ mó bản Pó chảy ra quanh năm trong xanh tưới mát những cánh đồng chiềng Ly, chiềng Pha êm đềm như chưa từng biết đến những đợt hạn hán.
Nghe nói, xưa là thủ phủ của tộc người Thái Trắng, các cô gái dệt áo cóm trắng, gắn hàng cúc bạc, cô nào dáng dấp cũng cao, thon, tròn lẳn, eo óc trong nếp áo váy với khăn piêu kiều diễm. Chẳng nói ra cũng hiểu, con gái Thái là công chúa của một vùng mà trai bốn phương thầm mơ ước. Nghe người già kể, nhớ xưa, bàn tay thon như búp măng lay của các mĩ nữ đặt những chum tiền bạc trắng của dòng họ Bạc xuống hố sâu trước khi các tráng sĩ Thái áo cóm sợi thô lực lưỡng vùi lấp. Để rồi, trăm năm sau dân quanh vùng vẫn chưa ngớt lời đồn thổi về nơi chôn giấu. Đất Thuận thì rộng, chuyện về Thuận cũng nhiều, nên chỉ có thể kể hết được những gì ấn tượng nhất, gắn với vùng đất nơi đây mà thôi. Thuận Châu là điểm mốc cuối cùng của tỉnh lỵ Sơn La, sau khi tách ra khỏi lộ Vạn Bú và Khu tự trị. Nằm giáp với Lai Châu bằng đèo Pha Đin mà giữa mùa hè, đứng Ngọ, sương mù vẫn bay miên man lạnh lẽo. Người đất Thuận vẫn tự hào về mảnh đất với những lịch sử rất riêng chẳng bị lẫn với đất nào. Du khách đến thị trấn Thuận Châu ngày nay, bỏ quốc lộ 6, đi dọc con đường mòn cỏ may lên chiềng Sơ, chiềng Ly, chiềng Pha mới hiểu lòng đất Thuận. Nơi đây từng có đội xòe của quan Ba người Pháp. Họ múa đẹp lắm, những vòng xòe tròn như vòng nón Thái nhưng thắt nghẹn một niềm uất ức. Đêm hội xòe tan bởi tiếng súng kíp của những người du kích giờ chỉ còn hồn vía quanh những câu chuyện bên bếp lửa. Dọc con đường mòn ấy, còn là sân vận động với đội bóng đá bản Pán một thời có những chân sút ngang ngửa với đội bóng tỉnh đội. Nhìn lên cao là cửa hang quân chính dây leo phủ kín, còn hằn vết mảnh bom cứa đá, người dân người xóm làm nương vẫn đào được những mảnh còn sót lại hay một chiếc cát tút, kẹp đạn… gợi cái thời máy bay địch thả pháo sáng, bà con trong hang đá vẫn hô vang cổ vũ bộ đội cao xạ chống trả máy bay địch.
Vào các bản vùng này, nhìn mái sàn khum như lưng rùa núi, nán lại một đêm ăn cá nướng, rau đồ và nghe chuyện người già mới thật thú vị. Xưa, trên núi Khâu Tú - đỉnh núi cả - còn hoang vu lắm. Sáng ra đi lên núi kiếm củi, người dân vẫn bắt gặp những con chim tỉnh giấc bay vút đi trong nắng sớm. Phượng hoàng đất lặng lẽ hàng giờ trên ngọn me cổ thụ trầm mặc nơi cửa rừng vắng. Đã từng có đêm người thợ săn nhỏ bé soi đèn ló bắt gặp khúc gỗ xù xì chắn ngang lối đi, anh đủ hiểu đó là thứ gì rồi bình tĩnh giương súng bắn. Nhưng rồi súng không nổ, bởi chẳng biết vì sao hôm ấy anh quên không lên đạn. Cũng từ đêm con rắn vàng to lớn lặng lẽ nhìn ảnh anh rồi bỏ đi, gia cảnh anh khấm khá. Người già bảo có thần rừng phù trợ. Lên con dốc cheo leo giữa hai sườn núi, nhìn thân cây trơ trọi còn sót lại giữa khoảng đồi vắng, nhớ câu chuyện có người đàn ông đường xuôi, thấy không ai chặt cây, ông bèn đốn hạ. Cây đổ, bỗng một tiếng “rầm”, trong tích tắc anh chợt hiểu ra tảng đá nằm sau thân cây cũng là một triết lý: Không có gì sót lại một cách tự nhiên… nhưng đã muộn.
Đất Thuận mùa mưa thật dài, có lần ngót nghét đến ba tuần lễ mà nước trên mái gianh không ngớt. Người Thái ở đây đã quen với cảnh ấy. Cá suối bắt vội, mặc cho mưa ướt sũng tóc, nấu với măng chua trong hũ, hành hoa mọc trong máng gỗ đầu sàn. Chỉ vậy thôi đã đủ đãi khách. Ngồi trên sàn mà nhìn ra bằng cửa sổ gỗ, ngẫm đến những văn nhân người Thái, mới thật thú vị. Đọc Hoa trong men của cố nhà văn Vương Trung, Em tắm của thi nhân họ Bạc (Bạc Văn Ùi); Nhớ vợ của anh bộ đội chống Pháp họ Cầm (Cầm Vĩnh Ui)… Thật sự người Thái sung túc cả văn minh vật chất và tinh thần. Nhưng, phải về với đất Thuận, giữa mênh mang cây rừng và phiêu diêu mây mù các ngọn núi như tòa thành quách. Và đêm đến, với cá nướng, lạc rang, thịt lợn chấm chéo (một loại muối chấm của người Thái) mới cảm nhận hết hương vị của cuộc sống. Âu, đó cũng là vẻ đẹp rất riêng của từng vùng đất.