“Khám phá vĩ đại nhất của con người chính là việc chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình chỉ bằng cách thay đổi thái độ sống.”
- William James
Chúng ta trở nên như thế nào tùy thuộc vào suy nghĩ của chính mình
Cuộc sống của tôi bị đảo lộn năm tôi chỉ mới ba mươi hai tuổi, khi ấy cuộc hôn nhân của tôi bị tan vỡ. Trong khi tôi vẫn còn mang trong lòng nỗi đau khổ đó thì người ta bảo với tôi rằng một người đàn ông không thể chăm sóc ba đứa trẻ và thế là các con tôi được đưa đến sống ở một nơi cách xa bốn trăm dặm. Mọi lời nói của tôi lúc này đều không có ý nghĩa gì. Tôi đã đau đớn đến độ cảm thấy rằng cuộc sống này dường như muốn xô tôi xuống tận cùng của sự đau khổ.
Một thời gian sau, khi bắt đầu chậm rãi gắn lại những mảnh vỡ cuộc đời thì tình cờ tôi được đọc một cuốn sách có tựa là Ý nghĩa cuộc sống của con người, tác giả Victor Frankl. Những điều được nói đến trong quyển sách không thể hàn gắn cuộc hôn nhân đã tan vỡ hoặc giúp gia đình tôi sum họp, nhưng nó đã giúp tôi có một cách nhìn khác về hoàn cảnh của mình. Một trong những điều giá trị nhất mà tôi học được là: Người ta nghĩ và nhìn thế nào về những biến cố xảy đến quan trọng hơn chính bản thân những biến cố đó.
Hoàn cảnh của Frankl còn tệ hơn tôi nhiều. Nhưng bằng sức mạnh của ý chí, ông đã vượt qua tất cả. Frankl là một trong hàng triệu người Do Thái bị nhốt trong trại tập trung Đức quốc xã trong Thế chiến thứ 2. Chế độ Hitler đã tước đi của ông một gia đình hạnh phúc, một ngôi nhà xinh xắn, một công việc đầy hứa hẹn. Ông bị ném vào trại tù, nơi ông bị buộc phải trở thành một trong những con người hèn kém nhất. Frankl tận mắt chứng kiến người bạn của mình bị giết, nhiều người đã phải tự tử, trong khi những người khác đang mất dần ý chí sống còn. Sau này, Frankl viết rằng: giữa sự tàn bạo và đau đớn, điều làm cho ông bực bội và thất vọng nhất là nhìn thấy những người bạn tù cho rằng mình chẳng còn lý do và cơ hội nào để được tồn tại nữa, và rồi họ nhụt dần ý chí và chấp nhận từ bỏ cuộc sống như một sinh vật sắp vào lò sát sinh.
Ông nhận ra rằng có một điều mà trại tập trung không thể nào tước đi được - đó là việc lựa chọn cho mình một thái độ sống, một ý chí - đây cũng chính là điều có thể giữ vững khát vọng sống của ông, bất kể hoàn cảnh xấu đến thế nào. Victor Frankl không chỉ đã sống sau khi trải qua sự tàn bạo của trại tập trung và của cả cuộc chiến, mà sau này ông còn trở thành một trong những nhà tâm lý học được kính trọng nhất thế giới. Ông đã giúp hồi sinh khát vọng sống của hàng ngàn người đang chực chờ từ bỏ cuộc sống này, bằng cách chỉ cho họ thấy rằng họ vẫn còn có những lựa chọn, và giữa những lựa chọn ấy họ có thể tìm ra ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình. Ông nói: “Chúng ta có thể từ bỏ tự do và phẩm cách của mình để mặc cho hoàn cảnh nhào nặn, ép buộc chúng ta hoặc chúng ta sẽ vượt lên trên hoàn cảnh bằng chính thái độ của mình. Điều cốt lõi là phải hiểu rằng, chúng ta sẽ trở nên như thế nào là tùy vào quyết định của chính chúng ta”.
Kể từ đó, tôi quyết định sẽ sống cùng với các con tôi. Tôi đã làm mọi thứ để chứng minh rằng, một người đàn ông có thể nuôi nấng tốt ba đứa trẻ. Kết quả là, hai năm sau ngày ly hôn, cả ba đứa trẻ được trở lại sống với tôi. Và tôi thấy vui vì đã làm tốt nhất trong hoàn cảnh của mình.
Tại sao thái độ lại quan trọng đến như vậy?
“Điểm khởi đầu cho mọi thành công là biết hình thành một thái độ sống tích cực.”
- Khuyết danh
Thái độ sống là chiếc khung định hướng cho những suy nghĩ của chúng ta, là cách nhìn - bao gồm cả những ý tưởng và cảm nhận của chúng ta về chính bản thân mình, về những người xung quanh, về hoàn cảnh và về cuộc sống nói chung. Một cách tổng quát, người có thái độ tích cực luôn mong đợi những điều tốt, còn kẻ có thái độ tiêu cực chỉ hướng đến những điều bi quan mà thôi.
Thái độ sống của chúng ta có tác động giống như thỏi nam châm. Những suy nghĩ của chúng ta, dù tích cực hay tiêu cực sẽ định hướng hành động của chúng ta. Hiện tại mà chúng ta đang có hôm nay là kết quả của những thái độ ứng xử mà chúng ta đã chọn trước đây. Do đó, nếu muốn thay đổi hiện tại của mình thì điều đầu tiên chúng ta cần thiết phải làm ngay là tìm cách thay đổi cách nhìn của mình ở những vấn đề đang rắc rối nhất và đang không tìm được lời giải.
Để có một cuộc sống hạnh phúc
1. HÃY SUY NGHĨ BẰNG MỘT TƯ DUY RỘNG MỞ
“Một tư duy rộng mở là khởi đầu của sự tự khám phá và trưởng thành.
Chúng ta không thể học thêm bất cứ điều gì mới cho đến khi chúng ta dám thừa nhận với chính mình rằng chúng ta chưa biết hết mọi thứ và có lúc đã sai lầm.”
- Erwing G. Hall
Tôi từng được học chuyên sâu môn triết ở trường đại học. Tất cả các buổi học đều bắt đầu với một bài học về logic. Vị giáo sư nói với chúng tôi rằng mục đích của logic là giúp chúng ta suy nghĩ một cách đúng đắn khi xem xét tất cả các mặt của vấn đề để đi đến một kết luận hợp lý. Thầy luôn dạy chúng tôi rằng không bao giờ nghĩ rằng mình đã biết hết mọi thứ. Đó là khuyết điểm mà giới trẻ ngày nay thường hay gặp phải bởi họ thường nghĩ rằng mình đã là giỏi, đã biết hết trong khi thực sự mới chỉ biết được đôi chút.
Ông giải thích với chúng tôi rằng một tư duy rộng mở chứa đựng một thái độ cầu tiến, luôn học hỏi và khám phá những điều mới mẻ. Càng học hỏi, càng trải nghiệm, chúng ta càng thấy mình còn nhiều điều chưa biết. Giá trị của một tư duy rộng mở chính là giúp chúng ta hiểu biết hơn, và nhận biết được sự hạn hẹp của mình.
2. HÃY LÀM CHỦ NHỮNG SUY NGHĨ CỦA MÌNH
“Đừng để thế giới chung quanh ép bạn vào khuôn khổ của nó.”
- Khuyết danh
Những phương tiện truyền thông trong các chương trình quảng cáo cố gắng áp đặt suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự quan tâm tới những gì đang xảy ra chung quanh thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát những suy nghĩ cũng như niềm tin và khả năng nhận biết những giá trị thực sự trong cuộc sống. Chúng ta có thể làm những việc mà chúng ta mong muốn hay tự suy nghĩ ra thay vì làm theo những việc mà người khác đang làm.
3. HÃY SUY NGHĨ TÍCH CỰC
“Suy nghĩ tích cực giúp chúng ta nhận biết vị trí hiện tại của mình và định hướng một tương lai mà chúng ta hằng mong đợi.”
- Wilferd Arlan Peterson
Ngay trong những giờ phút “mây mù bao phủ” hay “tối tăm không có hướng đi”, chỉ cần một suy nghĩ tích cực sẽ có tác dụng xua tan mọi u ám, mang đến cho bạn những điều tươi sáng ngay lập tức, báo hiệu một ngày mai tốt đẹp, bạn hãy tin vào điều đó và giữ vững suy nghĩ đó, đừng để những suy nghĩ tiêu cực chen vào, dù đối với hầu hết mọi người nó dường như là một điều xa vời. Họ trông chờ và nghĩ là phải có một phép màu nào đó hay một ai đó mới mang lại cho họ được điều tốt lành, chứ họ nghĩ bản thân họ thì không thể làm gì được. Có những người chỉ mới nghĩ rằng họ có thể làm được nhưng họ vẫn chưa thật sự tin vào điều đó, nên những suy nghĩ đó chợt đến lại chợt đi. Sự tự tin không phải là kết quả từ những tác động đơn lẻ ngẫu nhiên của suy nghĩ lạc quan mà lòng tự tin được hình thành qua quyết tâm rèn luyện, được củng cố và cuối cùng trở thành một lối sống. Những người có suy nghĩ tích cực nhận biết sự đối kháng của những ý tưởng tiêu cực để đề phòng và không để bị chúng lôi kéo. Hơn nữa, họ còn biết cách chọn lọc những thông tin để hình thành những suy nghĩ và cách nhìn lạc quan trong cuộc sống trong mọi hoàn cảnh.
Tất cả những điều tôi muốn nhắn nhủ với bạn là hãy suy nghĩ bằng một tư duy rộng mở, hãy làm chủ những suy nghĩ của mình và suy nghĩ một cách tích cực.
“Những gì xảy đến với bạn trong cuộc sống không quan trọng bằng cách bạn ứng xử, đối diện với chúng.”
- John Homer Miller