Bà ngoại kể, bà sinh bác đúng vào mùa thu lại ở gần một cái hồ nước mát lành nên bà đặt tên bác là Hồ Thu. Thật trùng hợp họ của bà lại là Hồ nên chữ “Hồ” trong tên bác thành ra có hai nghĩa. Cả hai đều rất đẹp.
Có lẽ bác tên Thu nên thành thử chi tiêu của bác rất chi là “lợi ích”. Có lần mình còn nghe bác Tuấn (là anh trai của bác Thu và mẹ Điệp) nói đùa: “Đáng lẽ mẹ nên đặt tên em là ‘Chi’ cho mọi người được nhờ.” Hehe
Bác Thu có vẻ như rất vô tư. Bác không “xoắn xuýt” về việc học hành của chị Bống và anh Dương. Hoặc có thể bác lo nhưng mà không nói ra. Thành thử bà ngoại lần nào cũng cằn nhằn: “Phải để ý đến việc học hành của các con chứ!” Bác nghe xong chỉ cười hì hì.
Bác rất hay đi chơi. Hầu như lần nào mẹ Điệp gọi điện về hỏi thăm cũng thấy bảo bác đang đi thăm thú đâu đó. Khắp trong Nam ngoài Bắc, đâu đâu cũng thấy bác “check in”. Mặc cho mọi người lo lắng rằng đi như thế thì tốn tiền, phải lo tiết kiệm cho con cái sau này, bác vẫn tửng từng tưng. Riêng mình, mình thấy đó cũng là một thái độ sống tích cực. Sau này mình lấy vợ, chắc mình cũng sẽ làm như bác, đi chơi khi còn mạnh khỏe. Tất nhiên cũng cần phải tiết kiệm nhưng mình tin, có trí tuệ và sức khỏe thì cuộc sống chắc sẽ không nghèo. Thế nào cũng tìm ra cách kiếm tiền.
Điều mình thích nhất là ở tài nấu ăn của bác. Mọi món ăn qua tay bác đều trở nên có sức hấp dẫn kì lạ. Trước đây, mình cứ nghĩ trên đời này không ai nấu ăn ngon bằng bà ngoại nhưng từ khi ăn ở nhà bác Thu thì mình thay đổi quan niệm. Bác Thu chính là một phiên bản nấu nướng của bà ngoại nhưng hoàn hảo hơn nhiều.
Mỗi lần bác nấu ăn, bác như đặt toàn bộ tâm trí vào đó. Tay đảo thức ăn thoăn thoắt, mũi chun chun để ngửi (hình như bác không cần nếm, chỉ cần ngửi thôi là biết món ăn mặn hay nhạt), miệng liên tục cằn nhằn với chị Bống. Chị Bống trở nên thật vụng về trước sự khéo léo của bác nên cứ bị bác trách hoài: “Sao lại nhặt cái rau thế này!” “Thái củ hành thế này hả con!” “Pha nước chấm đi!” Thành thử mình nghĩ, mẹ khéo quá cũng không phải là tốt. Cứ như mẹ Điệp vụng về một chút thành ra mình làm cái gì cũng được khen quá trời, chả phải “đau khổ” như chị Bống. Hihi
Vì đặt toàn bộ tâm huyết vào món ăn nên đến bữa thấy có người ăn nhiệt tình như mình, bác vui lắm. Bác liên tục gắp thức ăn vào bát mình mặc cho mẹ Điệp nhấp nhổm không yên. Thi thoảng bác quay sang lườm mẹ: “Để cho nó ăn, mấy khi được ăn ngon miệng.” Mẹ Điệp lại ngồi im thít nhưng xem chừng sốt ruột lắm. Riêng việc này, mình ủng hộ bác Thu nhiệt liệt. Ăn uống mà còn lo béo gầy, thật là mệt mẹ Điệp quá đi.
Và cũng chính vì thế, mặc cho ai nhận xét là bác Thu không chu đáo, hơi lạnh lùng thì mình vẫn thấy, bác vô cùng tình cảm.
Bác luôn miệng gọi mình là “thằng bếu của bác”. Đi đâu bác cũng khoe: “Đấy, cháu tôi đấy” một cách đầy tự hào. Có lần về Kiến An, bác chở mình đi mấy cây số đến nhà một người bạn chỉ để cho người bạn “mục sở thị” rằng mình đích thị là cháu trai của bác. Thực ra thì mình rất ngại nhưng không nỡ từ chối trước sự hoan hỉ rất âu yếm của bác.
Dạo gần đây bác Thu hay bị ốm. Cứ đau đầu, đau lưng rồi mất ngủ. Thi thoảng bác lại lên Hà Nội khám bệnh.
Mỗi lần lên Hà Nội, bác vẫn náo nức đến chơi nhà bạn bè, vẫn vô tư như kiểu đi chữa bệnh cho một người xa lạ chứ không phải là chữa cho mình. Trong khi đó thì mẹ Điệp hoắng huýt lo lắng. Mỗi khi bác sỹ kết luận bác bị bệnh gì là lại nước mắt vòng quanh.
Lần gần đây nhất, bác bị một cái u ở ngực. Đúng đợt đó mình về nghỉ hè. Khỏi phải nói mình và bố mẹ lo lắng đến mức nào. Bác Thu thì vẫn như thế, khuôn mặt chả tỏ chút nào sợ hãi hay băn khoăn.
Trong khi chờ kết luận của bác sỹ, bác về nhà. Trên đường đi, bác gửi cho mẹ mình cái tin nhắn. Tự nhiên thấy mẹ ngồi xem mà nước mắt ròng ròng. Rồi mẹ cho mình xem tin nhắn của bác: “Điệp ơi, nếu có điều gì thì em đừng nói với ai nhé. Cứ để rồi hẵng tính vì con Bống sắp cưới rồi, chị sợ nói ra làm nó buồn. Khổ thân nó…”
Mình chẳng dám nói gì sợ mẹ Điệp lại òa lên khóc.
Nhưng đêm đó mình cũng trằn trọc. Chỉ nhắm mắt và cầu nguyện…
Rồi may mắn, cái u của bác là u lành.
Nghe tin báo, bác vẫn thế, chẳng mừng hơn, vui hơn.
Rồi mình biết thể nào về đến nhà bác lại cằn nhằn với chị Bống về mấy cái vụ thái hành, pha nước chấm, lại xưng “mày tao” với con chứ chẳng dịu dàng như mẹ Điệp.
Nhưng trong tim bác là cả một trời yêu thương. Một “Hồ Thu” đầy sóng…