Người mà mẹ Điệp thần tượng nhất suốt thời tuổi trẻ (trước khi lấy bố, hihi) chính là bác Tuấn - anh trai của mẹ.
Tên đầy đủ của bác là Tuấn Anh nhưng cả nhà chỉ quen gọi là bác Tuấn. Nghe bà ngoại kể, hồi bác còn nhỏ, bà thường đùa, đặt tên bác là “Anh” để ai ai cũng gọi là anh. Bác, khi ấy còn rất bé nhưng đã biết thủng thẳng đáp lại: “Ồi, thế thì đặt tên là “cụ” có phải hay hơn không mẹ nhỉ!”
Kể xong lần nào bà cũng cười. Mình cũng cười theo.
Bác Tuấn Anh thường hóm hỉnh kiểu như thế. Mặc dù bác rất ít nói. Thực ra mình không có cơ hội tiếp xúc nhiều với bác nhiều. Một năm số lần gặp bác cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết những câu chuyện về bác mình đều được nghe qua mẹ Điệp.
Mẹ kể là bác học rất giỏi. Ngày còn đi học, bác được mệnh danh là “Vua hình học”. Bác có thể vẽ hình trong đầu và giải bài nhoay nhoáy. Khiếp thật. Trong khi đó, mình sợ nhất môn Hình học. Thật là chẳng được thừa hưởng tí tị gen di truyền nào từ bác.
Mẹ kể là bác xa nhà từ bé. Hình như bác đi học trường chuyên hay sao ấy (cái này mẹ nói nhưng mình quên rồi). Vì thế, cứ mỗi lần bác về là cả nhà vui như mở hội. Bà ngoại sẽ làm bữa ăn tươi. Bà sẽ sai mẹ ra vườn hái lá lốt về làm chả. Và với mẹ, việc đó chẳng khác gì đại lễ mùa xuân. Buồn cười thật, mình không thể hình dung ra cái việc hái lá lốt có gì vui mà mẹ lại hào hứng đến vậy. Hào hứng đến nỗi lần nào kể, má mẹ cũng đỏ bừng lên vì xúc động.
Mẹ kể là ông bà chiều bác “không thể tưởng tượng được” (nguyên văn lời của mẹ). Những tối mùa đông, mỗi khi bác học bài muộn, ông thường thức cùng để pha sữa, lấy nước ấm cho bác rửa mặt, ủ chân bác vào cái bao tải. Mùa hè thì ngồi cạnh phe phẩy quạt. Và nếu như bác chưa tắt đèn đi ngủ thì ông vẫn còn thao thức đợi.
Ông bà cũng chưa khi nào nặng lời với bác. À, ngay cả khái niệm “mắng” cũng không có. Đấy, cứ bảo con cái là phải mắng mỏ mới nên người, chứ như bác Tuấn nhà mình, có bị mắng gì đâu mà vẫn nên người ngời ngợi. Là mình trộm nghĩ thế vì mình cũng thi thoảng bị mắng, hihi.
Mẹ kể là bác rất hiền lành, ít đi chơi ngao du bè bạn. Ít đến nỗi hàng xóm còn tưởng nhà ông bà ngoại chỉ có mẹ và bác Thu. Về khoản này mình bái phục bác Tuấn. Mình mà bị phạt không cho nói thì đó sẽ là hình phạt nặng nề nhất. Cũng chính vì bác ít nói nên cả nhà đã thương lại càng thương. Có cảm giác ai cũng khẽ khàng, dịu dàng với bác như kiểu sợ làm bác đau. Người ít nói có ưu thế như vậy đó.
Vậy mà vào tuổi trung niên, vợ chồng bác lại phải hứng chịu biết bao nhiêu là sóng gió.
Hai bác xuôi ngược chèo chống, gắng gỏi vượt qua. Nhiều khi, nghe mọi người trong gia đình bàn chuyện chia sẻ cùng nhà bác, mình thấy ngột ngạt cả trong lòng.
Mỗi lần như thế, mình chỉ thấy bác già thêm, gầy đi chứ không hề mảy may nghe bác than thân trách phận bao giờ.
Có cảm giác những nỗi buồn đau cứ lặn cả vào trong từng nếp nhăn trên vầng trán bác và cứ nằm đọng ở đó mãi, mỗi lúc một sâu thêm. Đến nỗi cả nhà mình ai cũng có ý khẽ khàng hơn, sợ chạm vào thì những nỗi buồn ấy sẽ tan ra thành nước mà chảy lênh láng, bất tận.
Nếu có điều ước gì thì mình tin là mẹ Điệp, bố Thảo, ông bà ngoại, bác Hiền, bác Thu và tất cả những người thân đều ước sao cho bác Tuấn đỡ buồn hơn.
Vất vả, khổ sở là thế mà lần nào gặp mình, bác vẫn nở nụ cười tươi. Nụ cười hiền làm sáng bừng cả khuôn mặt. Và bác lại gọi mình bằng cái tên âu yếm do bác đặt từ khi mình chào đời: “Nhím đấy à, khỏe không cháu?”
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho lòng mình vui lắm.
Chắc cũng vui như lúc mẹ Điệp đi hái lá lốt về cho ông bà ngoại làm chả năm nào.
Thật luôn.