Từ khi sang Mỹ, mình cũng có dịp được sống chung, sống cùng với một số gia đình. Người Mỹ có và người Việt cũng có.
Mình biết ơn tất cả những gia đình đã cưu mang mình. Xa nhà nên chỉ cần được hưởng hạnh phúc ngồi quanh bàn ăn cùng với mọi người đã là hạnh phúc lắm rồi.
Cũng vì việc di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều, mình thường nhớ và ghi lại những kỷ niệm, những xúc cảm về những người đã qua.
Ở mỗi người, mình đều cố gắng phác họa những nét đặc trưng nhất. Trong văn miêu tả, hình như người ta gọi là “đặc tả”. Điều này lúc ở Việt Nam, bố mình có dạy. Bố mình còn lấy ví dụ về việc một bạn nhỏ khi miêu tả cô bán hàng thì chỉ tập trung tả đúng thời điểm cô vắng khách. Cô ngồi cắt móng tay và hát “Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi”. Mình chỉ nhớ được có vậy. Nhưng mình đoán, “đặc tả” nghĩa là tả về điều gì đặc biệt nhất của đối tượng mình hướng đến.
Nói lý thuyết vậy thôi nhưng đến khi bắt tay vào viết về từng người thì mình lại bị cảm xúc dẫn dắt. Đang định viết ý này, chợt nghĩ ra đặc điểm này, đặc điểm kia chưa kịp nói đến. Thế là mình vội vàng chuyển sang ý khác. Nên nói chung, càng viết càng xa ý định ban đầu. Duy chỉ có điều này luôn luôn nhất quán, đó là những bài học mà mình học được từ những người ấy. Vì những bài học đó chẳng khi nào thay đổi được.
Chúng như lớp lớp phù sa bồi đắp bờ bãi tâm hồn mình. Cho thêm màu mỡ. Cho thêm xanh tươi, trù phú.
Từ những người lao động giản đơn như bác giúp việc.
Từ những người làm công việc âm thầm, giản dị như cô biên tập nhà sách Thái Hà.
Từ những người “kỹ sư tâm hồn” như các cô giáo dạy mình những năm mình còn học ở Việt Nam.
Cho đến những người “nổi tiếng” như chị dẫn chương trình, bác giám đốc…
Tất cả đều mang đến cho mình những cảm nhận riêng, những bài học quý...