1. Những ấn tượng ngày đầu cấp
Vào cấp trung học cơ sở, mình có cô giáo chủ nhiệm mới, tên cô là Hường. Tính tình cô rất dễ thương, rất “xì tin”. Cô cũng hay cười lắm. Mỗi lần cô cười hai cái lúm đồng tiền nở bừng khuôn mặt. Mình rất ấn tượng với nụ cười đặc biệt ấy của cô.
Cô chăm chút và yêu quý từng bạn trong lớp. Hồi đó mới bước vào cấp trung học cơ sở, bạn nào cũng trái tính trái nết. Con trai thì quậy phá, con gái thì chia “phe” chia “nhóm”. Nói chung mỗi đứa một tính, rất mệt. Nhưng mà cô chiều hết. Cô chẳng chê trách đứa nào.
À, thực ra thỉnh thoảng cô cũng gọi cả lũ vào, rồi cô “lên lớp” hàng tiết liền. Mặt cô đỏ ửng lên. Cô không còn nói bằng ngữ điệu thân thương như trước. Đôi khi cô còn gọi cả lũ là “anh chị”. Bọn mình biết, ấy là lúc cô giận. Và cả lớp ngồi nín khe.
Nhưng những “trạng thái” đó không nhiều. Còn lại thì cô chơi đùa cũng chẳng khác gì bọn mình. Cả đám có trò gì vui vui cô cũng sà vào, mắt lấp lánh.
2. Kiểu học của cá nhân
Lên trung học cơ sở, mình học theo kiểu “nhảy cóc” một phần, nghĩa là những môn học tiếng Anh thì mình học với các anh chị trên mình hai lớp. Mình chỉ học những môn thuần tiếng Việt với các bạn bằng độ tuổi mình. Mình hay lợi dụng “khe hở” giữa các giờ chuyển từ lớp nọ sang lớp kia để lên văn phòng ngồi, hii.
Vì có một điều rất thú vị là thầy cô ở lớp này lại tưởng mình đang ở lớp kia nên chẳng ai hỏi han gì cả. Mọi người thường chỉ nhớ đến mình khi có bài kiểm tra. Nhưng cũng có thầy cô chẳng kịp nhớ đến mình khi kiểm tra, thi cử nữa. Ai cũng mặc định: Nó học được ở lớp trên cơ mà, bài này thế nào chả làm tốt. Thế là mình cứ “lách luật” ngon ơ.
Tuy nhiên cũng có những thầy rất nghiêm khắc như thầy dạy Toán. Thầy thường xuyên gọi điện giục mẹ Điệp là cần đưa mình đến làm bài. Những lúc ấy mẹ thường rủ rỉ: “Em thấy thế nào, mình đến lớp chứ nhỉ?” Mình ậm à ậm ừ rồi lần đến lần không. Nhưng được cái là bài nào trong sách giáo khoa mình cũng hiểu và giải được. May quá đi.
Cô Hường thì nới lỏng quy định với mình. Cô thường tỏ ra xót xa khi thấy mình phải chạy từ khu nọ sang khu kia để học “nhảy cóc”. Cô cứ xuýt xoa: “Khổ thân con trai tôi, đi thế có mệt không con.” Mình gật gật ra chiều khổ não chứ thực ra cái việc di chuyển ấy lại là niềm vui đối với mình. Trong thời gian di chuyển, mình có thể ngó nghiêng chỗ này chỗ kia trong khi các bạn còn đang bận rộn với các bài kiểm tra miệng.
3. Kỉ niệm lung linh
Đợt đó mình đang dịch cuốn Sống đẳng cấp. Cuốn sách hay quá nên mình dịch bằng tất cả sự hứng khởi. Cứ tranh thủ lúc lên văn phòng là mình lôi sách ra ngồi dịch. Mỗi lần cô Hường bắt gặp, cô lại cười tủm tỉm. Đôi khi cô còn ngồi nán lại xem mình dịch như thể xem một người nghệ nhân chế tạo món đồ thủ công. Nói chung mình chịu không thể hiểu là tại sao cô có thể ngồi nhìn chăm chú chỉ với một hoạt động vô cùng buồn tẻ là nhìn vào sách, gõ máy tính rồi lại nhìn vào sách.
Cô Hường cũng cực kì tôn trọng các quyết định của mình. Mình nhớ, đợt đó có mấy kì thi kiểu như thi học sinh giỏi trên máy tính. Cô rất muốn mình tham gia thi nhưng mình từ chối. Cô chỉ buồn buồn thôi chứ không nói gì.
Cô cũng là người hết lòng bảo vệ mình vượt qua những cơn sóng gió. Mình có cảm giác cô y hệt như gà mẹ luôn dang rộng đôi cánh sẵn sàng che chở cho gà con. Mặc dù “gà con” khi ấy đã nặng hơn cô rất nhiều.
Nói là “khi ấy” thôi vì chỉ sau một năm đi Mỹ về, mình đã không còn nhận ra cô. Sau khi sinh em bé, cô đã kịp tăng số cân nặng lên gấp rưỡi, à không phải gấp đôi lúc trước.
Mà rất lạ là lần nào sau này gặp lại cô, mình cũng thấy cô ở trạng thái đó, bụng to, đi lại lặc lè. Cũng có lần mình hỏi thì cô nói cô có bầu. Đến những lần sau mình hỏi cô lại có bầu em bé à, cô bảo không. Thật chả hiểu sao. Nhưng mình vẫn nghĩ cô là người phụ nữ giữ tốc độ sinh con nhanh và nhiều nhất mà mình biết.
4. Những kí ức còn mãi
Giờ đây mỗi lần nghĩ về ngôi trường, bạn bè cũ, mình luôn nhớ đến cô. Nhớ đến nụ cười với má lúm đồng tiền. Nhớ những câu khích lệ của cô với mình.
Cô cũng là người nhiệt tình “tác duyên” cho mình với đủ các bạn nữ, kể cả con gái của cô. Nên sau này mình tin nếu mình có ế, thế nào cô cũng giúp đỡ.
Cô là một phần kỉ niệm về những tháng năm học trò mơ mộng của mình. Người ta thường nói thầy trò có quan hệ như cha mẹ với con cái. Với cô Hường, mình chỉ cảm thấy cô như người bạn, người chị. Âu yếm, dịu dàng.
Và mình biết ơn cô vì những lần cho mình “lách luật”, về việc cô không đặt nặng vấn đề thắng thua điểm số. Ở khía cạnh đó, cô y hệt bố mẹ mình.
Có những điều dịu dàng như dòng nước mát lành len lỏi trong tâm hồn mình mỗi khi nghĩ về cô.
Con chúc cô luôn có những lần “vượt cạn” thành công, cô nhé!