1. “Bà đỡ” cho những cuốn sách gia đình
Khó có ai làm công tác xuất bản mà nhiệt tình với công việc đôn đốc tác giả như cô Hạnh. Cô Hạnh làm ở bộ phận nào trong nhà sách Thái Hà, mình cũng không biết rõ. Chỉ biết rằng, hầu hết các cuốn sách nhà mình được “ra lò” đều nhờ có cô âm thầm đứng sau hỗ trợ.
Bố Thảo thì còn cẩn thận, chỉn chu với việc viết lách chứ mẹ Điệp thì tâm hồn lúc nào cũng treo ngược cành cây. Mẹ viết với tốc độ rất nhanh nhưng hầu như viết xong mẹ chẳng nhớ là mình đã viết những gì. Trước tình hình đó, cô Hạnh luôn là người “gói ghém” thu vén các bài viết để có thể xuất bản sách của mẹ.
Tính cô hiền. Thường người hiền quá làm mình hơi e ngại. Bởi vậy ban đầu, mình cũng ngại giao tiếp với cô Hạnh. Cô thường đặt vấn đề dưới dạng câu hỏi: “Cô thấy thế này, Nam xem có được không?”. Cô có thói quen rất dễ thương là thường cắn cắn lọn tóc khi nói chuyện, chẳng hiểu là lúc ấy cô vui hay buồn. Nên mỗi khi nói chuyện, mình thường phải rất tập trung chú ý để khỏi bỏ lỡ ý tứ trong câu chuyện với cô.
2. “Bà đỡ” với các ca khó đỡ
Có lẽ cô Hạnh sợ bố nhất vì bố thường sửa từng lỗi nhỏ li ti. Không chỉ sửa mà bố còn luôn biến việc chỉnh sửa đó thành một giờ dạy về văn phạm tiếng Việt. “Chỗ này trạng ngữ nên phải có dấu phẩy em nhé”, “Dấu thanh phải đặt ở yếu tố thứ hai của nguyên âm đôi trong trường hợp âm tiết có âm cuối”, “ Từ này có dụng ý tu từ nên cần phải viết hoa”... Đại loại là thế. Nghe rất mệt. Thế nhưng cô Hạnh vẫn chăm chú nghe, gật gật đầu và lại cắn cắn lọn tóc. Chẳng thấy cô ý kiến gì.
Đối với bố, máy tính có “quyền năng” vô biên. Nghĩa là bố đã biên tập, cô Hạnh đã mang về sửa một lần trên máy tính thì có nghĩa là sẽ không được thêm một sai sót gì nữa. Cho nên, mỗi lần thấy lỗi sai là bố cằn nhằn ghê lắm. Bố sẽ cao giọng phê bình: “Đây nhé, chỗ này anh đã giải thích, đã viết bút bi đỏ, đã in đậm mà các em vẫn làm sai. Vì sao em không chịu ngồi với bạn chế bản để cùng sửa.” Cô Hạnh lại gật gật đầu, lại cắn cắn lọn tóc. Có lần mình còn thấy cô suýt khóc nữa. Tội ghê.
Nhưng với mình thì cô thoải mái hơn. Cô thường gợi ý: “Nam ơi, hay là Nam viết cho cô cái này nhé.” Nếu mình nói là không, cháu không thích thì cô lại lập tức: “OK, OK không sao, không sao, Nam thích viết cái gì cũng được.”
Rất chi là dễ thương.
3. Chăm sách như chăm con
Cô Hạnh rất am hiểu về các dòng sách. Hầu như thể loại sách nào cô cũng biết. Cô còn biết các loại bìa, các khổ sách, cách thiết kế bìa sách, rành như lòng bàn tay. Cô nhớ cả nội dung những cuốn sách tiêu biểu mà bên Thái Hà phát hành, biết hết các tác giả nổi tiếng. Nói chung, cô có kiến thức về sách rất đáng nể.
Hồi cô sinh con, mẹ Điệp thường trêu: “Con của Hạnh sẽ hấp thụ được những phương pháp giáo dục tiên tiến nhất vì mẹ đọc quá nhiều sách về nuôi dạy con.” Cô Hạnh cười, cắn cắn lọn tóc và nói: “Chị ơi, khéo em bị “tẩu hỏa nhập ma” vì đọc nhiều quá í chứ. Lý thuyết nắm rất vững mà vẫn không thực hành được.”
Mình nhớ cách đây hơn ba năm khi nhà mình ra mắt bộ sách gia đình mới. Cả ba cuốn đó được làm trong thời gian cô Hạnh có bầu. Bụng to lặc lè, cô vẫn qua và kiên nhẫn ngồi nghe bố Thảo “trình bày” về dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, các quy tắc viết hoa… Cực kì kiên nhẫn.
4. Những ca “sinh nở” thành công
Ngày bộ sách của gia đình mình chuyển đi in cũng là ngày cô Hạnh… đi sinh. Thật là có duyên quá. Và hôm cả nhà ra mắt sách, nghĩa là sau ngày in khoảng chừng gần ba tháng, điều bất ngờ là sự có mặt của cô Hạnh. Khỏi phải nói mẹ Điệp xúc động đến thế nào. Mẹ Điệp rất mau nước mắt nên nhìn thấy cô mới sinh xong, còn xanh xao, từ khán đài bước ra là chỉ trực khóc òa. Đến hôm đó mình mới thấy cô Hạnh cười, nụ cười tươi tắn hiếm hoi.
Tìm được người yêu sách, gắn bó với nghề như cô thật khó. Mình cũng học từ cô Hạnh, học được những cách ứng xử, kỹ năng biết lắng nghe, tỉ mỉ, chỉn chu trong công việc. Các kỹ năng ấy thật hữu dụng khi mình sống tự lập.
Thực ra, từ khi đi du học, mình rất ít trò chuyện với cô, chỉ một vài lần nhắn tin. Tất cả những điều mình viết về cô là do mình âm thầm ghi nhận, như kiểu cô âm thầm hỗ trợ việc viết sách của cả nhà mình.
Và mình biết, khi đọc được những dòng này, cô lại cười mủm mỉm và lại cắn cắn lọn tóc…
Rất chi là ngại ngùng.