1. Cơ duyên gặp gỡ
Mình quen cô nhân dịp tổ chức đêm nhạc từ thiện “Hát cùng những niềm vui” lần thứ nhất. Khi ấy, mình đang cần tiền cho đêm nhạc một cách khủng khiếp. Từ nhỏ chưa khi nào mình nghĩ là tiền lại quan trọng như vào thời điểm đó. Vì mình cần tiền để còn đặt cọc cho nhà hát rồi chi trả cho rất nhiều các hoạt động khác.
Chả lẽ lại cứ xin bố mẹ mãi.
Đêm ngủ mình còn nằm mơ được lạc vào một cái hang rộng ơi là rộng mà trong hang thì toàn tiền là tiền. Như kiểu người anh trong truyện Cây khế lạc vào hang toàn vàng ấy, hii.
Giữa lúc đó thì cô xuất hiện. Nên mình thầm gọi cô là “Đại bàng”. Cô “tha” mình đến bao nhiêu nơi để có thể xin tiền tài trợ. Và bản thân cô cũng ủng hộ đêm nhạc số tiền khá lớn. Số tiền đủ để thuê nhà hát. Ôi, mình sướng lịm cả tim. Không chỉ cho tiền, cô còn tham gia tư vấn nhiệt tình cho đêm diễn.
Vì cô thường đi biểu diễn nên cô biết rất nhiều về các yêu cầu liên quan đến đêm nhạc: tổ chức diễn viên ra sao, âm thanh ánh sáng thế nào, bài trí sân khấu làm sao cho bắt mắt… Cô chạy xất bất xang bang từ nơi này sang nơi khác, ra lệnh, điều chỉnh, chỉ huy. Nói chung là như lo lắng công việc của chính cô. Cảm động vô cùng.
Không những thế, cô còn bỏ tiền ra mua vé để tặng bạn bè.
Điều còn đọng lại mãi trong lòng mình là nụ cười hồn hậu trên khuôn mặt khả ái của cô. Dường như nụ cười ấy không bao giờ tắt, ngay cả khi cô mệt mỏi thậm chí bực bội. Lấp lánh sau từng lời nói là nụ cười, nụ cười mênh mang. Nên mình yêu quý cô lắm.
2. Món xôi tím và trận cười giữa đêm
Sau đêm nhạc, mẹ con mình và cô “Đại bàng”, thêm cả bác Hoa bếu trở thành những người bạn thân thiết của nhau.
Mình được cô mời sang nhà chơi. Ôi chao, từng đồ vật trong nhà cô được bày biện một cách vô cùng tinh tế. Nó đẹp đến nỗi mà sau một hồi, bác Hoa phát hiện ra, đồ vật gần gũi nhất, khiến bác cảm thấy đỡ tủi thân nhất đó là… một đôi dép tổ ong mà cô dùng để đi ngoài vườn.
Cứ tưởng với tiện nghi ấy, sự sang trọng ấy thì phải có một cung cách gì đó tương ứng. Nhưng không, cả nhà cô đều thân thiện, đều ấm áp. Và cô, tất nhiên vẫn giữ nguyên nụ cười đẹp lấp lánh ấy.
Có một chi tiết rất buồn cười là hôm đó mẹ cô làm xôi, loại xôi ở quê bà thường làm. Xôi được tẩm ướp bằng loại lá gì có màu tím mình không nhớ rõ, chỉ nhớ là rất tím. Ai cũng say sưa ăn vì nó rất ngon. Đến lúc về, khi xe đã đi được chừng nửa đường thì thấy cô gọi điện cho bác Hoa. Cô dặn mọi người nếu ai đi tiểu thấy nước tiểu có màu tím thì đừng sợ vì đó là màu của xôi đấy. Lúc đó bố Thảo nghe thấy mới reo lên: “Ôi thế à, may quá. Là em đây này, em sợ từ lúc đi vệ sinh đến giờ mà không dám nói, đang định sáng mai đi xét nghiệm. Em đã vào nhà vệ sinh mấy lần, đau khổ khi thấy nước tiểu đổi màu. Bây giờ thì nhẹ người rồi.”
Cả xe cười nghiêng ngả. Bác Hoa cười đến nỗi va cả đầu vào thành xe. Chiếc xe chòng chành trong màn đêm dâng lên ngập lối.
Những điều vui vẻ ấy, mình cất giữ trong lòng như món quà kỉ niệm. Sang bên Mỹ rồi, mỗi khi cô đơn, mình lại “rút” chúng ra nhấm nháp như người ta nhấm nháp một thanh kẹo cao su có vị quế thơm ấm trong ngày mùa đông buốt giá.
3. Giọt nước mắt của người “đầy đủ”
Sau này khi thân thiết với cô rồi, mình còn biết thêm cô không thuận lợi lắm về đời tư. Nhưng dường như chẳng ai biết điều đó. Mọi người nhìn cô vẫn chỉ thấy cô là người thành đạt, giàu có, xinh đẹp và hạnh phúc. Mình đã cố gắng thử “nhìn” xem phía sau nụ cười lấp lánh của cô có chút ưu phiền nào không. Vậy mà tịnh không thấy. Có lẽ bởi trái tim cô đủ mạnh mẽ để gạt điều đó sang một bên.
Nhưng chỉ một lần, vào dịp cô tổ chức lễ vu lan báo hiếu, cô lại mời cả nhà mình cùng bác Hoa sang chơi. Hôm đó, cả sân, vườn nhà cô biến thành lễ hội hoa với hàng mấy chục loại hoa khác nhau. Cô mời cả bác Mười (mẹ của bạn cô và cũng là… cựu học trò của bố mình) đến chơi. Gần tan tiệc là màn biểu diễn các bài hát tặng mẹ.
Cô cũng hát, bài hát Lòng mẹ.
Và đúng lúc ấy cô ngước nhìn mẹ cô...
Rồi từ hai khóe mắt cô, chầm chậm lăn ra những giọt nước mắt. Mình không dám nhìn cô lâu vì sợ cũng rơi nước mắt theo.
Trải nghiệm một chút rồi, mình thấu hiểu, con người ta dù có mạnh mẽ đến bao nhiêu, giỏi giang đến bao nhiêu cũng luôn yếu mềm trước mẹ.
Từ trong sâu thẳm, cô vẫn day dứt một điều, dù đã chăm lo cho mẹ thật nhiều nhưng cô vẫn chưa thể mang lại cho bà niềm hạnh phúc vẹn tròn. Bà vẫn đau đáu thương cô, đứa con gái tài sắc mà lận đận.
Mình cũng không biết rồi sau này, khi đã trưởng thành hơn, mình có còn giữ nguyên ý nghĩ ấy không nữa. Nhưng vào buổi tối ngày hôm đó, mình đã thực sự cảm nhận như vậy.
Mình chẳng mong gì hơn là cô hạnh phúc, đúng như những gì cô xứng đáng được nhận.
Cô là cô Hạnh, “đại bàng” thương mến của mình - một chú “chim sẻ” non vừa mới ra ràng.