1. Hôm mẹ Điệp bị ốm, nằm lệt bệt ở giường, bác phi sang ngay. Bác bước từng bước nặng nề lên cầu thang, đi đến đâu thở hổn hển đến đấy.
Đến cửa là bác cằn nhằn: “Gớm, nhà cửa gì mà bí rì rì, ngột ngạt, ở thế này không ốm mới lạ.”
Đang cao giọng nhưng vừa nhìn thấy mẹ Điệp nằm trên giường, bác đã cúi xuống nhẹ nhàng: “Nào, ăn được gì chưa? Khổ quá. Cứ như con mèo hen. Dậy đi chị nấu cháo mang sang đây, ăn cho nhanh khỏi.”
Bác dịu dàng lắm.
2. Đợt đi Tuyên Quang với bác, cười vui hết cỡ. Bác có thể bắt chước mọi trò của con nít. Bác bắt chước Kiệt giả làm tiếng chó sủa. Thành ra lúc nào cũng như có cả tiểu đội chó trên xe. Đến nỗi vào nhà hàng một cụ già còn gọi bác ra nói thầm: “Này, hình như bọn cháu bị… chó nhập hay sao ấy. Nghe tiếng sủa giống lắm.” Mọi người cười đến vỡ cả xe.
Bác vui tính lắm.
3. Bác tập hợp học sinh trong trung tâm tiếng Đức của bác để mình đến nói chuyện. Hễ em nào đi muộn, vứt rác, nói chuyện riêng trong giờ học, bác đều mắng ngay. Lúc bác mắng thì thôi rồi. Bác đẩy tông giọng lên cao nhất, thái độ rất chi là hùng hổ.
Ấy thế mà bọn nhỏ đứa nào cũng mê bác kinh khủng. Chúng bám lấy bác như trẻ con bám váy mẹ. Chúng nhờ bác phân giải những chuyện lí tí li ti.
Mà bác cũng lạ, bác kiên nhẫn nghe hết, phân xử hết. Thi thoảng bác nói đùa cho chúng bật cười. Nhưng mình biết bác giấu nỗi trăn trở vào lòng.
Bác “tâm lý” lắm.
4. Bác bị dị ứng với các loại hoa quả. Cứ ăn quả gì vào là người sưng phồng lên, khó thở. Ấy thế nhưng sang nhà mình, mẹ Điệp nhiệt tình mời là bác cũng vẫn ăn. Vì bác tiếc cái công mời của mẹ.
Bác cả nể lắm.
5. Bác về hưu mà hí hửng như người ta bỗng chốc nhận được món quà từ trên trời rơi xuống. Bác hào hứng với nó đến nỗi mình đoán là phải đến cả nửa thành phố Hà Nội biết sự kiện bác về hưu. Và cũng từ niềm vui ấy, bác làm được bao nhiêu việc mà trước đây chưa có thời gian để làm.
Nhưng mình biết, tự trong sâu thẳm, bác vẫn có những nỗi nhớ. Bác nhớ những đồng nghiệp cũ tốt bụng.
Bác nhớ những người đã ở cùng bên bác, cùng bác vượt qua bao nhiêu là khó khăn.
Bác cũng lo lắng khi mình đã về hưu rồi mà vẫn còn nhiều bạn bè, nhiều học trò chưa kịp giúp.
Bác cả lo lắm.
6. Bác đi ra ngoài đường, đi vào siêu thị, đi đến nhà hàng, đi vào rạp chiếu phim như kiểu anh hùng dẹp loạn.
Hễ thấy điều gì ngang tai trái mắt là bác nhắc nhở thậm chí quát ầm lên. Mấy lần mình được mời đi nói chuyện có bác “tháp tùng”.
Thấy bọn trẻ con bò lồm ngồm lên sân khấu, bác chống nạnh quát: “Con cái nhà ai kia, không biết phép tắc nơi công cộng à?”
Phụ huynh cứ gọi là sợ bác xanh cả mắt. Bác cũng “dữ dằn” lắm.
7. Khối lần bác bị lừa. Họ kể khổ. Họ kêu than. Họ khóc lóc. Bác đều tin hết. Rồi ra tay giúp đỡ. Xong một hồi mới biết là mình bị lừa.
Bác cả tin lắm.
Đầy đủ những cung bậc trong con người bác. Luôn là sự mâu thuẫn giữa nhân hậu, bao dung và nghiêm khắc, xét nét, giữa lào phào, phóng khoáng với cẩn thận, chỉn chu…
Nhưng nó làm cho mình cảm thấy, bác là bác, duy nhất.
Đáng yêu theo kiểu bác. Nghiêm khắc theo kiểu bác. Âu lo theo kiểu bác. Trong những tháng năm mình du học xa nhà, ngoài bố ra, bác là nơi mình tin tưởng gửi gắm mẹ Điệp. Mẹ lười ăn, mẹ ngây thơ, mẹ lao lực… mình đều nhắn tin để nhờ cậy bác.
Dù biết có thể bác cũng không giúp được gì nhiều nhưng nhắn tin xong mình cảm thấy lòng nhẹ nhàng đi rất nhiều.
Bởi bác như là một phần của quê nhà trong mình. Mỗi lúc nhắm mắt lại, mình đều nghĩ đến những tràng cười của bác, đến những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt.
Chắc bác chẳng biết đâu, có hôm đọc Facebook của bác, thấy bác nói bác bị ho, mình liền đi nhà thờ. Và mình dành những phút giây nghiêm cẩn trong nhà thờ để cầu nguyện mong bác nhanh khỏi. Những giây phút trang trọng ấy, thông thường mình dành cho gia đình.
Vì bác cũng chính là một người thân trong gia đình.
Bác ở đó để bảo vệ, che chở, âu yếm và thương mến mẹ Điệp, như thương mến một đứa em khờ khạo và bé bỏng cần được ôm ấp, vỗ về.
Nên mình yêu bác vô cùng.
Mình biết khi đọc xong bài này, thế nào bác cũng lau nước mắt và nói: “Cái thằng chó con làm tốn bao nhiêu nước mắt của bác.”
Vậy đó, có những người giữa cuộc đời bình dị họ đã sống hết mình trong sự chân thành, thẳng thắn với đầy những trải nghiệm, thao thức và trăn trở. Họ sống thật “đậm”, thật đẹp.
Dù có thể họ không làm được điều gì to tát vĩ đại.
Mình tin bác là một trong số đó.
Bác Hoa bếu của cháu!