1. Trên má còn thơm mùi… nước hoa
Hồi làm cùng với chị, mình còn nhỏ xíu.
Nói là làm cùng cho oai chứ thực ra mình chỉ đóng vai trò ngồi cạnh chị. Thỉnh thoảng có diễn một tí, còn lại chủ yếu là nghe chị kể chuyện.
Mình cũng không chú ý mấy vào câu chuyện vì hầu hết là kiểu chuyện “rất trẻ con”. Chưa kể đã đoán được kết thúc như thế nào. Nên thành ra mình toàn chủ yếu nhìn chị.
Chị xinh lắm. Nhưng hồi đó mình chưa biết thế nào là khái niệm xinh, chỉ thấy rằng mỗi lần chị nói là cả khuôn mặt sáng bừng lên. Miệng cười mắt cười, tươi roi rói.
Và đặc biệt là chị còn rất thơm.
Mỗi lần mình đi quay truyền hình cùng chị về, bao giờ mẹ mình cũng bảo: “Chà Nam thơm ghê. Giá mà lúc nào Nam cũng thơm tho thế này thì mẹ sẽ ôm Nam suốt ngày.”
Ôi, mẹ chỉ nói thế thôi chứ mình biết mẹ thích ngửi cả mồ hôi của mình nữa. Mỗi lúc mình đi học về mồ hôi bê bết, áo quần xộc xệch, hôi xì mà mẹ vẫn hít lấy hít để.
Nhưng dù sao lúc đó mình cũng đã có suy nghĩ: Chà, phụ nữ đúng là có những cách rất đặc biệt để người khác chú ý đến mình. Ví dụ như chị, mãi đến về sau này, mình luôn nhắc về việc là chị rất thơm, thơm như một cánh đồng hoa. Và chị thì lại cười thật tươi.
2. Những câu chuyện ngoài ánh đèn sân khấu
Quay truyền hình là công việc rất vất vả nên có những hôm phải làm khuya. Khi ấy chị cũng nhăn nhó lắm. Ai cũng mệt lừ khừ. Cứ tắt máy quay là chị chui vào một góc ngủ. Nhưng khi đèn bật sáng, đạo diễn hô “diễn” là chị lại cười tươi như chưa từng mệt mỏi.
Có nhiều buổi trưa, mình đâu có muốn ngủ. Thế nên mình hay lân la ra chỗ chị để nói chuyện. Chị bảo mình nằm cùng chị ở cái ghế thường dùng làm đạo cụ và bắt đầu hỏi mình đủ thứ chuyện. Có khi cao hứng, chị còn giục mình nói tiếng Anh cho chị nghe. Mình thích lắm, “trổ tài” luôn.
Xong xuôi còn bình luận các kiểu. Bao giờ chị cũng cười ha ha và nói: “Ông cụ non Nam ơi, buồn cười quá. Chị mong sau này con chị cũng sẽ giỏi như Nam.”
Khi đó chị còn trẻ mà, chưa lập gia đình.
Vài năm sau thì chị lấy chồng. Mình cũng được đi dự đám cưới.
Trong đám cưới, chị khác hẳn với hình ảnh lúc đi quay cùng mình. Chị lộng lẫy, như một cô công chúa bên hồ nước trong xanh ngăn ngắt.
3. Bài học về sự “cho đi”
Rồi mình cũng lớn lên.
Thỉnh thoảng hai chị em mới có dịp gặp nhau.
Nhưng chị vẫn yêu thương mình như ngày nào, cái ngày được nằm trong lòng chị nghe kể chuyện. Hồi mình mới sang Mỹ, để tham gia Hội nghị TED, mình cần có người ủng hộ (vote), chính chị là người kêu gọi mọi người ủng hộ mình. Thực ra thì mình cũng không nhớ cách chị làm, chỉ nhớ lời chị viết trên Facebook của chị: “Luôn ủng hộ em, dù em ở xa hay gần.”
Nghe cảm động lắm…
Chị cũng vật vã với cuộc sống. Nghe mẹ Điệp kể ngoài công việc chính liên quan đến truyền hình, chị còn xoay xở làm nhiều việc khác. Có việc thì thành công, có việc thì ngang đường dở dang. Nhưng chị vẫn thế, vẫn nụ cười tươi rạng rỡ trên khuôn mặt trái xoan.
Bận rộn thế nhưng hễ mình có việc gì cần giúp, chị không nề hà. Hè năm vừa rồi, mình tổ chức đêm nhạc từ thiện “Hát cùng những niềm vui” lần thứ hai. Mình vừa ngỏ lời mời chị làm người dẫn chương trình, chị đồng ý luôn. Không những đến dẫn bằng tất cả trái tim, chị còn dành riêng 20 triệu của cá nhân để dành tặng chương trình.
Mình biết để kiếm được những đồng tiền ấy, đối với chị cũng đầy khó nhọc. Nhưng chị đã cho đi với tất cả sự ấm áp.
Nên mình tin, những khó khăn với chị cũng sẽ nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay. Rồi chị sẽ tìm được cách để giải quyết, để ổn thỏa với mọi người và với chính bản thân mình.
Và mình, dẫu có lớn thế nào đi chăng nữa, mình luôn nhớ về những buổi được đi quay cùng chị trong mùi nước hoa thơm ngọt ngào, trong điệu cười ha ha và lời gọi âu yếm: “Ông Nam cụ non ơi, ông Nam cụ non à…”
Chiều nay khoảng trời trên sân trường mình trong xanh vời vợi. Phía xa xa từng đám mây lững lờ trôi lơ đễnh. Mây trôi dường như vô định mà tự thân nó đã làm nên màu xanh cho cả bầu trời.
Nghĩ đến đó, mình cúi xuống viết tên chị.
Vì tên chị cũng có nghĩa là Mây xanh - Chị Thanh Vân - Vân Hugo của em!