Khi mình qua tuổi ấu thơ thì cả ông nội và bà nội đều đã rất già. Chính vì thế, mình không có nhiều kỉ niệm về việc được chơi cùng với ông bà. Đọc sách báo thấy người ta thường miêu tả cảnh ông bà cõng cháu đi chơi, bắt cho cháu con chuồn chuồn, dạy cháu tập bơi, mình thường ngạc nhiên lắm: “Ồ, sao ông bà lại có thể làm được nhiều việc đến vậy.”
Mấy năm trước khi mình sang Mỹ du học, bố mẹ đón hẳn ông bà lên ở với nhà mình. Hàng ngày ông bà thường chỉ ngồi một chỗ. Vì ông bà yếu lắm rồi.
Thế nhưng ông bà mình cực kỳ vui tính. Mỗi lần gặp mình là hôn hít, trò chuyện rất chi là rôm rả. Nhất là ông nội mình. Ông hiền lành và yêu thương bà nội cũng như con cháu hết lòng. Mình ấn tượng nhất ở ông là mái tóc bạc như cước. Lúc nào mình cũng muốn ngắm nhìn ông với mái tóc bạc trắng cùng nụ cười hiền ơi là hiền. Màu trắng gợi điều gì đó thanh thản, nhẹ nhõm, rất khó diễn tả thành lời. Như cảm giác bắt gặp vị tiên ông trong truyện cổ tích vậy.
Mỗi lần nhìn thấy mình, ông hay hỏi: “Nam đấy hả cháu? Cháu ăn cơm chưa?” Chắc tại ông thấy mình béo nên có nhu cầu ăn uống nhiều, thành thử gặp lúc sáng sớm hay trước giờ đi ngủ, ông đều hỏi đúng câu đó.
Hồi còn ở Việt Nam, những buổi tối mùa đông, mẹ Điệp thường hay làm lẩu. Mình thích những bữa tối đó vô cùng vì mình yêu cái không khí cả gia đình sum vầy. Ông bà, con cháu ngồi quây quần quanh chiếc bếp đang bốc hơi ấm sực. Ấy cũng là những giờ phút hiếm hoi cả nhà được ngồi ăn cùng ông bà vì thông thường ông bà sẽ ăn cơm trước.
Bố sẽ kéo chiếc ghế cao ra rồi nhẹ nhàng đỡ ông ngồi vào đấy để khi ăn xong ông có thể tự đứng dậy. Ông bị suy tim nặng nên mọi vận động của ông, bố mẹ đều cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ.
Ông thích lẩu lắm vì bữa đó ông sẽ ăn được nhiều rau. Bình thường ông ít chịu ăn rau. Vậy mà bữa lẩu nào ông cũng tấm tắc khen “rau ngon lắm, rau ngon lắm các con à”. Nói đoạn, ông cúi xuống gắp miếng này cho bà, gắp miếng kia cho bố. Nét mặt hân hoan. Khi ấy, mình thường lẩn mẩn nghĩ, đối với người già, món lẩu có lẽ là món ăn ngon nhất trên đời. Vì nhờ có lẩu ông bà được nhấm nháp cái không khí ấm áp của sự đoàn viên gia đình.
Ăn xong, ông khó nhọc vịn ghế đứng lên. Hễ bố mẹ mình định đưa tay dìu ông, ông đều xua tay: “Không, không, bố tự đứng lên được.”
Về sau này, mình luôn nhớ đến hình ảnh đó, nhớ cái khoát tay dứt khoát của một cụ già dù đã ở tuổi chín mươi mà vẫn thích độc lập. Mình càng hiểu rằng, bản năng của mỗi người là khát khao được tự do. Khi phải phụ thuộc vào ai kể cả con cháu cũng là bất đắc dĩ thôi.
Và với ông nội càng như vậy. Vốn là người bươn chải từ nhỏ lại rất can trường, ông thực sự mạnh mẽ, mạnh mẽ cả cho đến khi chỉ còn chút sức lực mong manh.
Đợt ông ốm nặng cũng là dịp mình về nước nghỉ hè. Mỗi lần vào gặp ông là một lần mình phải tự đấu tranh với bản thân. Vì sao lại như vậy? Vì mình không muốn nhìn thấy ông trong cảnh ốm đau, bệnh tật. Và có lẽ ông cũng thế. Lần nào nhìn thấy mình, ông cũng mỉm cười hồn hậu. Nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác.
Những lúc ấy, mình nửa muốn ôm chầm lấy ông, nửa muốn quay ra ngoài lau nước mắt. Ông bé nhỏ và yếu ớt. Ông không còn là người ông mạnh mẽ khoát tay tự mình đứng dậy sau mỗi bữa ăn cùng cả gia đình. Ông nằm bất động trong đống dây rợ lằng nhằng, hơi thở như làn nắng, chớp có mà chớp mất.
Thót tim trong nỗi sợ hãi hoang mang… Thật sự đó là cảm giác của mình.
Là người đã chịu nhiều mất mát nên bố thấu hiểu cảm giác của mình. Bố dứt khoát ủn mình lên phòng. Bố không muốn mình bị shock khi ngày trở lại nước Mỹ của mình sắp đến gần.
Và rồi ông đi trong đêm. Ánh nắng vụt tắt.
Nửa đêm, như có linh tính mách bảo, mình vùng dậy và chạy xuống tầng hai. Nơi góc giường ông vẫn nằm giờ lặng phắc. Màn đêm phủ trùm lên không gian đông lạnh, đặc quánh.
Ông đã được bố mẹ đưa về quê. Về nơi mà ông yêu thương. Về nơi ông đã gắn bó suốt những tháng năm tuổi trẻ và mãi sau này. Về với những gì thuộc căn cốt của ông… Ở nơi ấy ông có bà con xóm giềng họ tộc với những thân phận luôn làm ông nhói lòng mỗi khi nghĩ đến. Rằng sao họ lại khổ thế, nghèo thế, họ tốt thế cơ mà... Từng số phận đều làm ông đau đáu. Như thể ông sinh ra trong cuộc đời là để thương lo cho những người dân quê hiền lành mà cơ hàn muôn nỗi thế!
Nên mình tin là ông sẽ rất vui với chuyến trở về. Trong màn đêm, nước mắt mình rơi ấm má.
Nhưng mình sẽ không khóc đâu. Đấy chỉ là khói nhang làm cay mắt như ông vẫn thường rủ rỉ lúc sinh thời thôi mà.
Vì mình biết, ông đã sống một cuộc đời quá đẹp, quá trọn vẹn. Ông là minh chứng cho một điều giản dị rằng, ăn ở hiền lành ắt sẽ gặp nhiều phúc ấm.
Mình tin ở thế giới bên kia ông sẽ lại mỉm cười thanh thản.
Mẹ bảo, phút lâm chung hơi thở ông phảng phất mùi trầm. Bởi vậy ông đã hóa thành hạc trắng bay về cõi bồng lai…
Tim mình luôn khắc ghi hình ảnh những bữa ăn cả nhà ríu ran bên nồi lẩu giữa mùa đông ấm áp với khóc bốc lên bảng lảng và lời ông náo nức khen: Rau ngon quá, rau ngon quá các con à.
Mình sẽ nhớ cái khoát tay đầy tự tin mạnh mẽ của ông.
Và trong mình luôn hiện hữu câu hỏi của ông hiền như gió thoảng: “Nam đấy hả cháu? Cháu ăn cơm chưa?”
Trong cuộc thiên di của ông, mình thấy mọi người trong gia đình mình “được” nhiều hơn là mất. Vì những di sản tinh thần mà ông để lại quá đủ đầy và viên mãn.
Đôi khi người ta cứ nghĩ phải làm thầy mới có thể mang lại cho người khác những bài học.
Nhưng từ ông nội, mình hiểu rằng, mỗi số phận, mỗi cuộc đời dù quá đỗi bình thường vẫn có thể là những trang sách quý.
Và những trang sách của ông nội mình, luôn mở. Với những điều nhân văn, lành lẽ và thánh thiện. Như một bài thơ ngọt ngào…
“Cháu chào ông nội. Cháu Nhật Nam của ông đây ông này!”