Ông ngoại đối với mình là một người đặc biệt.
Ông đặc biệt hiền từ.
Mình chưa thấy ông to tiếng với ai bao giờ. Ai giận dỗi, ai nóng nảy, ai hiểu lầm, ông đều thể tất. Ông luôn cười, nụ cười hồn hậu, bao dung.
Những khi bà ngoại có điều gì bực bội thì hoặc là ông im lặng hoặc là ông khẽ khàng nói: “Thế này nhé… thế này nhé…” Một lát sau lại thấy bà vui ngay. Mình hiếm thấy có cặp vợ chồng già nào mà tình cảm lại đằm sâu như ông bà nội ngoại nhà mình. Mình mong sau này bố Thảo và mẹ Điệp cũng tình cảm được như thế, hiii.
Ông đặc biệt lạc quan.
Đây là điểm khiến mình học hỏi và ngưỡng mộ ông nhiều nhất. Trong mọi tình huống khó khăn hay khi buồn khổ, mất mát, ông đều tìm cách lý giải theo chiều hướng tích cực. Không những tự động viên bản thân, ông còn động viên, an ủi mọi người.
Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong năm rồi, cả gia đình nội ngoại nhà mình đều gặp chuyện buồn. Mình cũng lo lắng đến bần thần cả người. Mình liên tục cầu nguyện cho gia đình được bình yên. Giữa những khó khăn đó, ông ngoại như cây cột cái trụ đỡ cả gia đình. Ông giấu nỗi buồn vào trong. Ông cất nỗi lo lắng tận đáy sâu tâm khảm. Gặp ai ông cũng khỏa lấp bằng nụ cười. Phải thật tinh ý mới thấy, ẩn sau nụ cười ấy là cả một trời giông bão. Mọi người trong nhà vin vào nụ cười ấy mà gắng gỏi, mà thương nhau đến tận cùng.
Ông đặc biệt yêu thích nghề dạy học.
Ông dạy Văn hay lắm. Mẹ Điệp bảo, những gì mẹ tích lũy được về nghề dạy học phần nhiều hấp thụ được từ ông và do ông dìu dắt. Ông thường khuyên mẹ, khi đánh giá học sinh phải chú ý phân tích cả điểm tốt lẫn điểm chưa tốt. Mỗi bài làm của học sinh là kết quả của lao động sáng tạo nên cần chỉ ra những điểm sáng trong bài làm của học sinh để các em có động lực phấn đấu. Phải nhìn nhận cả quá trình học tập và tu dưỡng chứ không chỉ chăm chăm vào điểm số.
Nghề dạy học của ông cũng lắm bôn ba. Ông “chu du” qua nhiều vùng đất. Mỗi nơi ông đều để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng học trò. Nhưng suốt từng ấy năm, ông vẫn vui vẻ với chức vụ “giáo viên”. Hễ ai hỏi sao ông dạy hay vậy mà không làm chức này chức kia, ông lại nở nụ cười thật hiền.
Ông đặc biệt thích sách.
Nếu có một cuộc thi về người già yêu sách, mình đoán ông ngoại thể nào cũng đoạt giải Nhất. Vì ông cực kì ham mê sách. Ông nói, ông không thích xem, chỉ thích đọc. Ông hiểu biết sâu sắc về văn học Việt Nam và thế giới. Hầu như có cuốn tiểu thuyết nào mới, ông đều tìm mua bằng được. Biết ông thích đọc sách nên bố mình thường mua sách tặng ông. Những lúc được tặng sách, ông thích lắm. Ông đọc chầm chậm, chầm chậm, từng trang, từng trang. Ông bảo cần phải đọc thế mới thưởng thức hết được cái hay của nội dung và nghệ thuật ngôn từ. Ông kể, sau ngày mình cất tiếng khóc chào đời, bố mua tặng ông bà cuốn Báu vật của đời. Ông tấm tắc: “Bố cháu tinh tế lắm. Tặng ông bà quyển sách ấy là có ý “nhắc nhở” đấy. Cháu ngoại ông bà ra đời là báu vật của cả nhà nên ông bà “liệu” mà chăm bẵm”. Mỗi đợt ông đến chơi nhà mình, bố ôm ra cả một chồng sách mới tặng ông. Ông để luôn ở đầu giường, cứ mỗi ngày, cùng một lúc đọc cuốn này lại đọc cuốn kia. Bà ngoại thấy vậy ngạc nhiên nói: “Ơ, ông này buồn cười nhỉ, đọc thì đọc từng cuốn một thôi chứ.” Ông cười hiền: “Nhiều sách quá mà cuốn nào cũng mê nên cứ đọc thế để thấy vui.” Bà cười khà khà nhìn ông âu yếm.
Người ta hay nói về “văn hóa đọc”, người ta e ngại về việc giới trẻ ngày nay ít đọc sách. Nhưng mình tin nếu trong gia đình có một người làm gương về việc đọc sách như ông ngoại thì con cháu cũng sẽ ý thức hơn về việc đọc. Cách ông yêu chữ, trân trọng từng cuốn sách chính là một bài học đẹp đẽ, nhân văn đối với gia đình nhỏ của mình.
Ông đặc biệt yêu thương mình.
Đối với ông, mình không chỉ là đứa cháu ngoại mà còn là một người bạn. Ông cư xử với mình vừa gần gũi, ấm áp lại vẫn lịch thiệp, trân trọng.
Ông ủng hộ những quyết định của mình.
Ngày mình quyết định sang Mỹ du học, trong khi bố Thảo và mẹ Điệp tâm trạng rối bời, lo lắng mất ăn mất ngủ thì ông kéo mình ra một chỗ. Ông hỏi mình về việc mình đã lường trước những khó khăn khi đi du học chưa. Ông bảo, nếu cháu đã quyết tâm thì ông ủng hộ, coi như một trải nghiệm. Tuy nhiên, ông tin tưởng cháu trai yêu quý của ông sẽ nhanh chóng hòa nhập và trưởng thành. Lời động viên của ông khiến mình thấy có động lực hơn.
Cũng như với mẹ Điệp, ông luôn dành mọi thời gian có thể để trò chuyện với mình. Ông thường ôm chặt lấy mình, mình nằm gác chân lên ông. Ông lẩn mẩn hỏi han mình từng li từng tí. Ông bảo tất cả những gì liên quan đến đời sống của mình đều là niềm vui của ông. Với ông, đề tài thú vị nhất trong tất cả các cuộc trò chuyện là được nói về mình, được mình kể hoặc nghe kể về mình. Gi gỉ gì gi cái gì cũng được...
Rồi tự nhiên, từ hai khóe mắt già nua của ông từ từ lăn ra những giọt nước.
Mình hiểu, từ trong sâu thẳm, bao đau khổ, buồn bã, mất mát tích tụ trong những tháng ngày khó khăn, giờ ông muốn được trút bỏ chỉ với riêng mình, cho nhẹ lòng. Mình ôm ông thật chặt, thật chặt…
Người ta thường nghĩ, chỉ làm thầy mới có thể mang lại tri thức. Nhưng với mình, ông là người thầy “không giáo án”. Ông đã dạy mình bằng chính cuộc đời của ông, bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, bằng tấm lòng bao dung độ lượng và bằng biết bao nhiêu là ân cần, thương mến...
Những bài học đó quý giá biết chừng nào.
Đợt này ông bà ngoại chuyển đến ở chung cư, một căn hộ xinh xắn, ấm áp. Bà ngoại lại trồng rất nhiều lan hồ điệp - loài hoa mà bà ngoại yêu thích vì nó trùng với tên của mẹ Điệp.
Mình biết, dưới bàn tay của ông bà, cây cối rồi sẽ xanh tươi.
Vì hơn ai hết, ông bà thấu hiểu: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Còn chồi nảy cây…
Phải không ông thương yêu của cháu!