1. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy ấn tượng
Bác là người bạn lớn tuổi của mình.
Bạn chính hiệu hẳn hoi. Hình như bố gọi là “bạn vong niên” thì phải. Mình với bác làm bạn khi mình mới gần 6 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của mình về bác cũng “bình thường”. Bác ăn mặc bình thường, thái độ bình thường (không thân thiện mà cũng không vui vẻ), nói năng bình thường (không cao giọng mà cũng không thấp giọng). Duy chỉ có sự quan tâm bác dành cho mình là “không bình thường”. Bởi thông thường với một đứa trẻ 6 tuổi, người quan tâm nhất cũng chỉ nói: “Chào cháu, cháu có cái áo/ đôi giày/ cái mũ đẹp quá nhỉ? Cháu đi đâu đấy?...” Nhưng bác thì hỏi mình rõ nhiều. Bác hỏi xem mình học tiếng Anh từ bao giờ, có thích nói tiếng Anh không. Rồi khi biết mình nói được tiếng Anh, bác còn đề nghị hai bác cháu chuyển sang nói tiếng Anh.
Hồi đó, được nói tiếng Anh là điều khiến mình vui vẻ nhất. Khi nói, mình không phải cố gắng nghĩ xem từ này có hợp với “văn hóa giao tiếp” như mẹ dạy không. Mình được thoải mái bày tỏ quan điểm. Còn mẹ, cứ thấy mình nói tiếng Anh là mẹ mừng, không bắt bẻ gì cả, hiii. Thành ra, ấn tượng ban đầu về bác nói chung rất chi là “mượt mà”.
2. Người dẫn chương trình hay “khoe”
Về sau này, mình và bác ngày càng trở nên thân thiết. Thi thoảng bác đến nhà mình chơi. Mỗi lần đến chơi bác ngồi lâu lắm, hiii. Bác kể đủ các thứ chuyện từ Đông sang Tây. Chuyện nào bác cũng nói bằng vẻ hào hứng không thể tả. Bác bảo, bác biết ơn tất cả mọi điều trong cuộc sống này. Biết ơn những điều làm bác vui, biết ơn cả những điều làm bác buồn. Biết ơn những điều làm bác thành công và biết ơn cả những điều khiến bác thất bại. Biết ơn những người yêu thương bác và biết ơn cả những người ghét, giận, đố kị với bác. Nói chung đối với bác, tỉnh dậy nhìn thấy mặt trời là một ngày tràn đầy niềm tri ân. Chính vì thế, mặc dù nhiều lúc cũng hơi mệt (vì bác ngồi lâu, hii) nhưng mình cũng học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ các câu chuyện của bác.
Thi thoảng trong những sự kiện của cả nhà mình, bác làm người dẫn chương trình. Bác dẫn thì buồn cười lắm. Mình đoán mỗi lần bác dẫn là mỗi lần ban tổ chức lo lắng thót tim vì bác chẳng hỏi câu nào liên quan đến kịch bản. Ví dụ, đáng lẽ hỏi về việc vì sao mình lại viết sách thì bác hỏi mình ăn một bữa mấy bát cơm, cơm mẹ Điệp nấu có ngon không? Đại loại những câu như vậy. Nhưng mà rất vui.
Khi làm người dẫn chương trình, bác cũng thường tranh thủ “khoe” về tình bạn của mình với bác. Mình mua tặng bác cái áo khoác có hai mặt để nếu bẩn mặt này thì mặc mặt kia. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng lần nào lên sân khấu bác cũng mặc chiếc áo ấy và khoe với mọi người. Bác còn lật cả mặt bên trong ra để “trình diễn”. May mà hồi đó mấy sự kiện đều diễn ra vào mùa đông chứ mà vào mùa hè thì sẽ khổ thân bác lắm. Hiii. Không chỉ khoe trong sự kiện, mình nhớ hình như cái việc tặng áo đấy, bác còn đưa vào trong lời giới thiệu cho một cuốn sách nữa thì phải. Quả là cái áo “thần thánh”.
3. Thương mến ở xa
Về sau này, khi mình lớn lên, tình bạn của mình và bác không còn khăng khít như trước nữa.
Không phải là vì mình không thân quý bác nữa mà đơn giản vì cả hai bác cháu đều bận.
Bác thì bận với các khóa tâm linh. Càng ngày bác càng tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc qua các hoạt động tâm linh. Hình như khi cuộc đời gặp những điều bất như ý, cái điểm bám víu cuối cùng đầy ngọt ngào bao giờ cũng là một tôn giáo hoặc những niềm tin về tâm linh. Bác không chỉ sùng bái, bác còn tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời trong các hoạt động tâm linh. Bác luôn lan truyền được niềm vui, sự thanh thản, mãn nguyện của mình đến với mọi người qua những gì liên quan đến tôn giáo. Điều đó thật đáng quý biết bao.
Còn mình thì bận với việc học tập. Cuộc sống ở Mỹ với những kì thi, với áp lực học hành khiến mình đành tạm thời bỏ bê một vài mối quan hệ mình đã có trước đó. Bố mẹ hay nhắc nhở mình nhưng thú thực là mình cứ có cảm giác hơi ngại ngần khi nhắn tin hỏi thăm hay chúc tụng bác vào dịp gì đó dù biết điều ấy là cần thiết. Cũng chẳng hiểu tại sao.
Tuy thế, mỗi lúc nghĩ lại những kỉ niệm ngọt ngào đã có với bác, mình vẫn thấy lòng dâng lên những điều giản dị, ngọt ngào.
Và mình biết, nếu kể tên những người thân yêu luôn cầu ước những điều tốt đẹp nhất cho mình thì chắc chắn có bác trong danh sách đó.
Mình vẫn lưu giữ bức tượng nhỏ bác tặng mình trước ngày lên đường du học. Mình mang theo bức tượng đó, như một minh chứng của tình bạn vong niên tri kỷ.
Bác là bác Hùng - “người hùng” của nhà sách Thái Hà.