1. “Vũ công” không sàn diễn
Mình chuẩn bị sang Mỹ du học thì bác cũng đến giúp việc nhà mình. Vì thế, mình ít có dịp gặp bác. Chỉ chủ yếu là vào mùa hè.
Bác có dáng người cao to. Ở quê mà cao to như bác cũng là hiếm, vì thế bác hay kể chuyện là ngày xưa suýt nữa bác không lấy được chồng vì dáng người quá khổ.
Tuy cao to nhưng bác lại rất “mỏng manh”. Bác đi lại nhẹ nhàng, uyển chuyển hệt như một vũ công ba lê. Mẹ Điệp hay kể chuyện là mỗi lần mẹ ngồi làm việc trên tầng 3, mẹ đều phải quy ước là nếu bác gần lên đến nơi thì phải bước chân mạnh hơn hoặc gõ vào cái gì đó. Vì nếu không, bác sẽ đột nhiên tiến lại đằng sau lưng mà không có bất cứ tiếng động gì. Êm hơn mèo.
Bác ăn uống cũng gảnh gót. Cả nhà hay đùa là bác ăn kiểu “sợi giá cắn đôi”. Mỗi bữa ăn bác cầm đôi đũa thật cao, chọn chọn rồi mới gắp, từng miếng nhỏ nhẻ, nhỏ nhẻ.
Bác cũng rất thích diện. Bác bảo bác chỉ thích mặc quần áo có màu thật sặc sỡ, nổi bật, càng nhiều hoa càng tốt. Thành thử nhiều lúc nhìn bác không khác gì vườn hoa di động.
Chính vì những đặc điểm nổi bật đó nên mọi người trong nhà mình đồng thanh gọi bác là bác Mộng Thìn. Bác có vẻ thích cái tên ấy lắm. Hễ bố về đến nhà, cất tiếng gọi: “Mộng Thìnnnn”... là bác lật đật chạy ra.
Mỗi lần mình về, bác chiều mình lắm. Bác thường xuyên hỏi mình thích ăn gì để bác nấu. Nhưng nói thực là bác nấu không hề ngon chút nào, rất nhiều dầu mỡ. Vậy mà, mỗi lần mình ngồi thừ trước ngồn ngộn những đĩa xào, rán do bác chế biến là bác có vẻ bần thần. Thành ra, mình thường cố ăn cho bác vui.
2. Những câu chuyện “lấn lộn”
Bác cũng rất hay hỏi chuyện. Bác thường lẫn thanh ngã với thanh sắc, âm a với âm â… thành ra mình cứ phải căng tai ra để đoán.
“Nước Mí có vui không cháu?”
“Cháu đi Mí xa nhỉ. Bé mà giỏi quá. Thế ở đấy người ta có ăn cơm như mình không? Có xào rau với mớ như mình không?”
“Chắc là cúng nhớ bố mẹ chứ nhỉ? Hồi bác mới ra đây cúng nhớ nhà nhưng giờ thì đớ rồi.”
“Bác có mấy đứa cháu, lúc nào bác về chúng cúng xúm lấy đòi bà bế bà cóng. Lần nào đi bác cúng khóc. Bác chỉ thương chúng nó thôi.”
“Năm nay nhà bác mất mùa, chỉ được có mối tạ thóc. Bác phải gửi tiền về hố trợ con đong thóc không thì đói rá họng.”
Mình chăm chú lắng nghe và gật gật đầu. Thành ra bác rất phấn khởi khi có người hiểu và chia sẻ.
3. Những nỗi niềm ẩn giấu
Mình biết, trong góc sâu tâm hồn của bác là nỗi nhớ thương quê, là nỗi trăn trở về đàn cháu thơ dại. Có lần mình hỏi: “Bác có bao giờ đọc truyện cho cháu của bác nghe không?” Bác bảo: “Không, nó chẳng có cuốn truyện nào cháu ạ.” Mình mới bảo: “Thế cháu gửi truyện về cho cháu bác nhé.” Bác ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu: “Không, chắc chúng nó chẳng đọc đâu. Chúng học mái mà vấn dốt lắm.”
Mình cứ suy nghĩ mãi về câu nói đó. Cảm giác sẽ có một thế hệ nữa lại lớn lên trong sự hoang mang với những định hướng đầy áp đặt và định kiến từ chính những người lớn.
Vì bác là người dân tộc nên hầu hết con cái của bác cũng ít nói tiếng Kinh. Mỗi lần gọi điện về bác dùng tiếng Mường để nói chuyện. Mình nói với bác: “Bác cứ giữ tiếng dân tộc nhưng nhớ là đừng để cho các cháu của bác thất học nhé. Phải cho các em ấy học giỏi cả tiếng Kinh và các môn học khác.”
Bác mân mê tà áo rồi nói: “Có thằng cháu ngoại nó học mái mà không biết chứ. Ngày nào lúc học bài cúng bị mẹ đánh. Mẹ nó dứ đòn lắm, đánh dá man lắm. Bác thương mà không biết làm gì.”
Nói rồi bác lặng ngồi nhìn xa xăm.
4. Ước mơ của một “vũ công”
Có lần mình hỏi, thế bác có ước mơ gì không?
Bác bật cười, ước mơ là cái gì? Mình giải thích ước mơ là điều tốt đẹp mà mình mong muốn sẽ thành hiện thực ấy.
Bác bảo, à hồi trẻ bác ước làm diến viên. Bác đã suýt nứa được chọn làm văn công nhưng rồi bác lại bỏ về chăn lợn. Bây giờ thì bác chỉ ước đủ ăn và các cháu mâu (mau) lớn thôi.
Bác mơ ước thành diễn viên thể nào mà bác rất thích nghe nhạc, toàn những bài hát của dân tộc. Hễ được nghỉ ngơi lúc nào là bật nhạc lên nghe say sưa. Mỗi lần đi làm về, thấy bác bật ti vi não nuột, bố lại la inh ỏi: “Tôi lạy bà, bà tắt giùm cái ti vi cho tôi nhờ.”
Mệt nhọc thì bố gắt gỏng thế thôi chứ đôi lần mình chứng kiến thấy bố đã rơm rớm nước mắt khi bắt gặp bác ngồi lặng phắc trước màn hình ti vi. Lúc ấy trên ti vi đang có cảnh các cô gái Thái váy múa dập dìu. Bố cũng có tuổi thơ đói khát và thiếu thốn đủ bề mà…
Bố tôn trọng giây phút bác được sống lại tuổi thanh xuân của mình. Bác được quay lại thời thanh nữ với mơ ước đẹp đẽ. Giờ thì, với tuổi của bố và bác, tất cả đã vèo trôi như chiếc lá buông theo dòng nước…
Rồi liệu những đứa cháu của bác có giống như bác? Lại như những chiếc lá vèo bay cùng với thời gian mênh mang trong cõi vô thường.
Mình tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện. Vậy mà đôi khi, những chỗ như các cháu của bác, nhiều khi chỉ cần gửi tặng mấy cuốn sách hoặc bớt chút thời gian lên thăm các em, mình cũng chưa làm được…
Nghĩ đến đó, tự nhiên thấy hai mắt cay cay.
Mình cất tiếng gọi: “Bác Mộng Thìn ơi.” Bác lại lật đật chạy lên: “Bác đây…”
“À, không, cháu gọi chỉ để nhắc bác nhớ ăn mấy cái bánh mẹ cháu để phần bác bữa sáng thôi mà.”
“Ừ, bác biết rồi, bác không ăn đâu, cháu ăn đớ cho bác...”
“Vâng ạ”, mình đáp và bần thần nghĩ về cuộc đời của bác… bác Mộng Thìn.