1. Những tháng ngày thương mến
Những năm học tiểu học để lại trong lòng mình thật nhiều kỉ niệm. Có những kỉ niệm cực vui nhưng cũng có những kỉ niệm cực buồn.
Mỗi khi ngồi nhớ lại, những kỉ niệm ấy cứ chạy vèo qua đầu. Và mình lại chỉ toàn nhớ đến những gì “ngoài lớp học”. Ví như, mình nôn nao nhớ những buổi chiều, khi xe của trường đưa mình về đến cổng nhà. Mình vui không thể tả. Mình sẽ ngó nghiêng tìm mẹ. Vì mình biết là mẹ đang nấp ở một gốc cây nào đó chờ mình.
Mình vờ như không nhìn thấy rồi lẳng lặng đi ngang qua. Rồi trướ c vẻ mặt chưng hửng của mẹ, mình quay lại ôm chầm lấy mẹ. Hai mẹ con khoác tay líu ríu vào nhà. Vui cực.
Mình cũng nhớ “những dòng thư tay viết vội” của mẹ để vào hộp bút của mình mỗi ngày. Rất buồn cười là mỗi ngày mẹ lại ghi một nội dung khác nhau nên thành ra, mình rất tò mò. Tò mò đến nỗi trên đường xe chở đến trường, mình đọc đi đọc lại phải đến mấy lần.
2. Cô chủ nhiệm người nhà
Và mình nhớ rất nhiều kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm lớp 3 - cô Lành của mình.
Cô Lành vốn là vừa là sinh viên đại học vừa là học viên cao học của bố nên thân thuộc với cả nhà.
Vậy mà học lớp cô chủ nhiệm, mình cứ có cảm giác ngại ngần.
Mình ít khi nói chuyện với cô. Lại càng không tâm sự, chia sẻ gì cả.
Cô Lành hiểu về tâm lý học sinh sâu sắc và chi tiết lắm. Không chỉ với mình và với cả các bạn khác trong lớp nữa.
Cô biết mình ngại nên cũng rất tế nhị, ít khi hỏi mình trước các bạn. Nhưng cô lại lặng lẽ quan tâm đến mình như cách quan tâm của một người mẹ với đứa con bé bỏng.
Hễ bữa trưa nào mình ăn ít (hồi đó mình rất không thích các món ăn của trường vì chúng quá nguội) thì y như rằng lúc nằm ngủ thể nào cũng sờ thấy nắm xôi nóng hôi hổi trong ba lô. Mình biết là cô mua đặt vào. Không dám ăn, cũng không nỡ từ chối nên gói xôi cứ nằm lì đó. Có lần, mở ba lô, mẹ suýt ngất khi thấy lổn nhổn mấy gói xôi nằm khô khỏng trong đó.
Những sự quan tâm nhỏ nhẹ và âm thầm của cô để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mình. Chúng giúp mình hiểu rằng, không phải cứ làm một điều gì thật to tát mới có thể tạo được ấn tượng cho nhau. Đôi khi, điều ngọt ngào đến từ những việc rất nhỏ, rất “chạm”.
Mình nhớ có lần mẹ Điệp kể lại chuyện mẹ xuống thăm các anh chị sinh viên trong đợt thực tập ở một làng quê xa xôi hẻo lánh. Mẹ bước qua phòng bảo vệ và thấy có một lọ hoa lạ lắm. Toàn những thứ hoa hương đồng cỏ nội. Thấy mẹ đứng lại nhìn, cô hiệu trưởng mỉm cười và khoe: “Đây là hoa của các em sinh viên. Buổi sáng các em dậy quét đường thôn rồi rủ nhau ra đồng hái hoa về cắm.” Nói rồi, cô cười thật tươi.
Mẹ Điệp nghe lòng rưng rưng lắm. Mẹ ào lên phòng các anh chị sinh viên ở để “ôm mỗi đứa một cái”.
Câu chuyện giản dị ấy đã trở thành một trong những bài học của mình khi sống xa nhà. Có năm, sau đợt nghỉ, từ nhà bác Tuấn Anh trở về trường, mình để lại một lá thư tay để cảm ơn hai bác. Sau này nghe mẹ Điệp kể lại hai bác nhắn tin cho mẹ, nói là rất vui trước việc làm đó của mình.
3. Vẫn mãi là người nhà
Trở lại chuyện cô Lành, mình và cô cứ âm thầm thể hiện sự quý mến nhau. Vậy nên mặc dù cô ưu ái cho mình thật là nhiều nhưng các bạn trong lớp không hề hay biết.
Cô cũng nhiều lần bảo vệ mình. Ví như cái kiểu viết văn bay bổng của mình. Vì nhiều bài văn mình viết chẳng tuân thủ dàn ý của các cô giáo nên nhiều cô không tán đồng. Cô Lành thì khuyến khích mình sáng tạo và cô đấu tranh đến cùng vì điều đó.
Nghe đâu cũng vì những chuyện như thế mà cô không được cảm tình của một số thầy cô trong trường.
Hồi ấy, ngây thơ lắm nên mình chưa hiểu được những nỗi buồn mà cô phải chịu đựng khi đứng ra bảo vệ mình. Mình chỉ thấy, học cô Lành, mình có cảm giác ấm áp, thân thương hệt như cô là chị gái mình, là cô ruột mình.
Nhưng có sao đâu, kiến thức không bao giờ là đủ cho quá trình trưởng thành của một con người. Mình luôn nghĩ, tình nghĩa thầy trò mới là vĩnh cửu.
Giờ, cô Lành vẫn thường xuyên qua lại nhà mình. Thi thoảng trong các đợt nghỉ hè, mình cũng được gặp lại cô. Hai cô trò vẫn ít khi trò chuyện.
Tuy nhiên mình hiểu, khoảng giữa trong mối quan hệ giữa mình và cô vẫn luôn ắp đầy thương mến.
Rất lành và rất hiền!