1. Tuy hai mà một
Lẽ ra mình định viết về bác gái. Vậy mà sau một hồi nghĩ ngợi, mình lại chọn viết về bác trai. Cũng không lý giải được vì sao lại có sự thay đổi đó. Chắc tại bác gái mình đã từng viết ở đâu đó rồi, hii.
Nói là viết về bác trai nhưng thực ra sẽ là cả hai bác vì hai bác tuy hai mà một. Hai bác luôn thuộc về nhau, là của nhau, bền chặt và đậm sâu.
Bác Chung và bác Tuấn Anh.
Nghe nói hai bác quen nhau trong các đợt làm thiện nguyện. Mãi sau này rồi bác Tuấn Anh mới sang Mỹ. Mình đoán, để chia tay quê hương sang sinh sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, chắc bác Tuấn Anh cũng nhiều nỗi niềm lắm. Vì mình biết ở tuổi của bác, mọi người thường thích những gì ổn định.
Bác Tuấn Anh lại thuộc type người “nhạy cảm”, bác cũng hay nghĩ ngợi, đầy tự trọng nên việc ra đi càng khó hơn.
Thế mà chỉ sang Mỹ một thời gian ngắn, bác đã nhanh chóng thích nghi. Không chỉ thích nghi mà bác còn sống một cách hoàn toàn “khỏe mạnh” giữa trung tâm thành phố New York phồn hoa.
2. Người đàn ông giàu tự trọng
Bác tự học tiếng Anh. Vốn chuyển từ tiếng Pháp sang nên cách phát âm tiếng Anh của bác hầu hết đều có “lai” tiếng Pháp. Bác chẳng ngại ngần gì. Bác trò chuyện nhiệt tình hồ hởi với người dân bản xứ, từ bà hàng xóm đến bác bảo vệ siêu thị. Vào những ngày rảnh rỗi, bác cắm tai nghe và ngồi luyện tiếng Anh theo băng. Tinh thần học hành chăm chỉ đó có lẽ thanh niên còn thua dài dài. Vì mình biết có nhiều bạn du học sinh Việt Nam, sang Mỹ thấy ngợp với ngôn ngữ bản địa. Thay vì học hỏi, các bạn tìm đến các khu nhà trọ cũng toàn là người Việt với nhau, thay vì phải dùng tiếng Anh, các bạn dùng luôn tiếng mẹ đẻ cho tiện. Thành thử dù đi du học có lâu nhưng trình độ ngoại ngữ của các bạn ấy không cải thiện được là bao. Các bạn cũng đừng cho rằng, hễ mình sống ở đâu thì mình sẽ giỏi thứ tiếng nước đó. Tất cả đều cần học hỏi và trau dồi một cách kiên trì, khổ hạnh. Nên mình nể phục tinh thần học của bác Tuấn Anh lắm.
Bác học lái xe. Vốn là “tay lái lụa” ở Việt Nam nên sang đây bác không gặp khó khăn gì với kĩ thuật lái. Tuy nhiên giữa việc lái xe thành thạo ở Việt Nam với việc thi lấy bằng lái xe ở Mỹ lại là hai chuyện khác xa nhau. Bác mua sách về nghiền ngẫm, tra cứu những vấn đề có liên quan đến lý thuyết lái xe, nhất là luật giao thông ở Mỹ. Và thật kỳ lạ, ngay lần thi đầu tiên bác đã đỗ. Trong khi đó có những người thi đến cả 7 lần đều trượt. Ở Mỹ, chuyện cấp bằng lái xe cực kì ngặt nghèo và nghiêm túc. Thì việc liên quan đến tính mạng của bản thân và người khác cơ mà. Khó là phải.
Khi đã lái xe được rồi, bác kiêm thêm việc chở khách từ Việt Nam sang du lịch, công tác hay thăm thân. Có lẽ bác là người hướng dẫn viên hiểu biết và tận tụy nhất mình từng thấy. Biết người Việt Nam thường thích đi mua sắm, bác có tất cả các địa chỉ mua sắm từ bình dân đến cao cấp ở New York. Bác tận tình dẫn khách đến nơi, chỉ cách mua, cách thanh toán, rồi đứng chờ. Kiên nhẫn và điềm tĩnh.
Những hiểu biết về lịch sử, địa lý, phong tục… của nhiều vùng miền nước Mỹ cũng là sở trường của bác. Đi đến vùng đất nào bác cũng thuộc làu làu. Bố mình luôn tấm tắc: “ Bác Tuấn Anh đúng là quyển từ điển sống về du lịch nước Mỹ”. Tuy nhiên kiến thức ấy đến với bác cũng là cả một quá lượm lặt, tích lũy. Có khi chỉ một mẩu báo nói về thông tin du lịch gì đó bác cũng cẩn thận lưu lại rồi nghiên cứu, học hỏi.
3. May mắn nhân đôi
Tuy nhiên, mình đặc biệt ấn tượng và thương mến ở cái “cách làm chồng” của bác.
Bác rất độ lượng với những “sai phạm” của bác Chung, hii.
Bác hoàn toàn chia sẻ và cảm thông với những khó khăn của bác Chung. Bác coi tất cả người thân trong gia đình bác Chung là người thân của mình.
Vì lẽ đó, hai bác yêu thương nhau mặn và sâu.
Có lẽ điều bác Chung “không ưa” nhất ở bác Tuấn Anh là việc bác hút thuốc. Bác mê thuốc như người ta mê chơi game, thiếu một lúc là khó chịu. Trên đường thiên lý, hễ đến điểm dừng chân nào là bác hăm hở tìm địa điểm hút thuốc. Mình nghĩ, bác Tuấn Anh hút thuốc đâu chỉ vì nghiện, đâu phải chỉ để “giải tỏa” mệt mỏi thể chất. Trong chiều sâu nội tâm của một người đàn ông trải qua nhiều sóng gió như bác, đôi khi để cất giấu ký ức người ta thường tìm đến với thuốc lá.
Bác Chung chắc cũng thấu hiểu điều đó, hiểu và đồng cảm với những gì bác Tuấn Anh đã trải qua nên bác chỉ lẳng lặng “cấm vận” chứ cũng không làm điều gì quyết liệt cả, hii.
Còn mình, mình nhớ nhất cái dáng cao gầy lỏng khỏng lòng khòng của bác mỗi khi bác “tọa” ở cái ghế sofa ngoài phòng khách. Bên cạnh là cốc café. Mỗi sáng nhìn thấy mình bác đều hỏi: “Nam đấy hả con, ăn gì chưa con?”
Và nếu ngay sau đó, mình có nhờ bác đưa đi đâu hoặc làm gì, bác sẽ chiều ngay.
Nhiều người thường nói: Bác Tuấn Anh may mắn quá, cuối cùng thì cũng tìm được “ý trung nhân”, lại được sống ở Mỹ...
Nhưng mình thì nghĩ, cả hai bác đều may mắn…
3. Nước Mỹ và những kỉ niệm bé nhỏ
Chưa thể biết sau này trưởng thành, mình sẽ làm việc ở đâu.
Nhưng ký ức về những năm tháng sống và học tập trên đất Mỹ thuở hoa niên này chắc sẽ mãi mãi đậm sâu. Ở cái thuở “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, dấu ấn về mỗi kì nghỉ được về ở nhà hai bác, được ăn món lạc rang, đậu phụ do bác Chung nấu chắc chắn sẽ còn mãi trong tâm trí mình.
Sẽ còn mãi những ngày mùa đông, bên ngoài tuyết bay trắng trời nhưng trong căn nhà nhỏ của hai bác vẫn ấm sực. Ở căn nhà ấy luôn lảnh lót tiếng bác Chung trêu chọc bác Tuấn Anh. Luôn nao nức tiếng nước sôi trên bếp.
Luôn thơm nồng mùi café trong khói huyền mờ ảo. Và thi thoảng lại vang động tiếng bước chân thình thịch của một con khủng long... là mình.
Khung cảnh ấy thật sự nồng nàn, ấm cúng và quyến thuộc. Cho dù mai này mình có đi nơi đâu…