Mình có rất nhiều “cô giáo người nhà” nhưng cô Hương là cô giáo người nhà nhất trong số những cô giáo người nhà, hii.
Vì hồi dạy mình, cô Hương toàn ở nhà mình.
Cô đến dạy học, chơi với mình, trò chuyện với mẹ Điệp, làm đứa em sai vặt của bố Thảo… Nói chung chẳng ai nghĩ hoặc nhớ đến cô là cô giáo.
Mình và cô Hương quen nhau cũng “thật tình cờ mà cũng thật bất ngờ”.
Đợt đó, mẹ Điệp nói sẽ chuyển mình về học ở trung tâm ngoại ngữ gần nhà.
Sau rất nhiều lần đến test thử, trung tâm quyết định cho mình học cùng lớp với các anh chị sinh viên đại học, dù ở trường mình mới… học lớp “đại học chữ to”.
Chẳng hiểu nghe ai kể chuyện mà ngay buổi học đầu tiên của mình, cô Hương đã xuất hiện.
Vừa nhìn thấy mình, cô ôm chầm lấy ríu rít: “A, con trai tôi đây rồi! Nam phải vào học lớp cô dạy đấy nhé.”
Mình hơi ngỡ ngàng vì sự vồ vập của cô nhưng lại thích ngay vì cô cho mình vào lớp cô - lớp của các anh chị sinh viên năm cuối.
Dù sao được học một lớp với toàn người lớn cũng có cái thú vị của nó. Vì các anh chị sẽ chép bài hộ mình. Hồi đó mình hầu như chưa viết được vì mình mới học lớp Một mà. Tuy nhiên nói và đọc thì khá ổn. Nên mình chỉ ngồi nghe, hỏi đáp và nói. Còn cô Hương thì nhìn mình rất chi là hãnh diện.
Vậy mà cái sự thích thú đó cũng không kéo dài được bao lâu. Vì mình thấy những kiến thức không hợp lắm.
Trước tình hình đó, mẹ Điệp quyết định “rút quân”. Mẹ Điệp thì bao giờ cũng thế, như một “vị chỉ huy thao lược trên mặt trận học hành”. Nên học gì, không nên học gì, nên học ai, không nên học ai, mẹ Điệp đều tính toán rất cẩn thận. Vì thế, khi nghe mẹ Điệp đề nghị nghỉ học, mình đồng ý ngay.
Nhưng còn cô Hương? Chia tay cô thì rất tiếc vì cô cực yêu quý mình.
Thế là cô Hương trở thành cô giáo dạy ở nhà.
Mình nhớ đợt đó cô có bầu, bụng to lặc lè nhưng vẫn đến nhà mình dạy đều đều.
Mình học thì ít mà nói chuyện về… em bé thì nhiều.
Mình hỏi cô đủ thứ về em bé trong bụng cô. Cô nói sẽ sinh em gái và sẽ “gả” cho mình. Hồi đó mình chưa biết “gả” là gì nên thấy cô nói thì cứ gật đầu lia lịa. (Sau này mới thấy đó là những cái gật đầu sai lầm. Ai lại đi “làm bạn” với… cái bào thai bao giờ, hii).
Cô Hương đến là mẹ Điệp vui như Tết. Mẹ bắt đầu nghĩ ra các món ăn để chiêu đãi bà bầu. Rồi mua sắm cho em bé. Rồi trò chuyện rôm rả. Nên mình nghĩ, mẹ là người hưởng lợi từ việc cô Hương dạy ở nhà mình nhiều nhất, hii.
Mình thích nhất là việc cô có rất nhiều tài liệu hay phục vụ cho các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế. Chẳng hiểu cô sưu tầm ở đâu mà mỗi lần đến dạy, cô lại khệ nệ ôm một chồng toàn tài lệu photo dày cộp. Mình khoái lắm nên cứ bò ra làm bài, chẳng hề kêu ca (công nhận hồi ấy mình ngoan ghê).
Học cô Hương mình cũng rất khoái vì cô ủng hộ mình trong mọi việc. Hồi đó mình thích nghỉ học ở nhà. Cô thường cổ súy nhiệt tình. Cô bảo ở nhà học được rồi con à, không cần đến trường đâu. Nói xong cô cười hi hi. Thật là một cô giáo không hề “mô phạm” nhưng mà mình rất ưng cái bụng.
Mình cũng thường xuyên tâm sự với cô việc ở trường. Nào là cãi nhau với bạn này, say nắng bạn kia, than phiền về cô giáo nọ… nói chung tất tần tật. Cô chăm chú lắng nghe rồi thủng thẳng buông ra những bình luận “lãng nhách”. Nhưng không sao, miễn là buổi học trôi đi nhẹ nhàng thôi mà.
Về sau này, cô Hương thân thiết với nhà mình đến nỗi, bất kì dịp sum họp nào ở nhà mình, cả cô chú và em cũng có mặt. Cô còn thường giục mẹ Điệp phải tổ chức gặp gỡ này kia để cô có dịp đến thăm, nói cười rôm rả.
Cô chẳng bao giờ gọi mình bằng tên, lúc nào cũng “Bếu ơi, thằng Bếu của cô ơi”, nghe quá đỗi thân thương.
Có cô giáo như cô Hương cũng thú vị vì có thêm được người bạn thân thiết. Và đó chẳng phải là một trong những mục đích của giáo dục là gì - giáo dục mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc. Theo ý nghĩa đó, cô Hương thực sự là một giáo viên “xịn”.
Mỗi lần mình về nước, cô nao nức cùng bố Thảo, mẹ Điệp ra sân bay đón. Rồi ôm ấp, rồi mừng vui quýnh quáng: “Ôi chao, Bếu! Thằng Bếu của cô đây rồi...”
Trời ạ, cứ như thế làm sao mà thành “mẹ vợ” của mình được cơ chứ. Nên cô cứ là cô Hương yêu quý của con như thuở nào thôi, cô nhé!