1. Môn Toán khi còn ở Việt Nam
Hồi ở Việt Nam, nói thật là mình chẳng có hứng thú gì với môn Toán. Mình đã rất nhiều lần muốn bỏ hẳn từ “Toán” ra khỏi đầu.
Ngay từ khi học tiểu học, mình đã có “thành tích” mấy lần “trốn thi”, nghĩa là cứ hôm thi môn Toán, mình lại xin nghỉ học.
May là mẹ rất thông cảm với mình. Mẹ cũng bày đủ trò để mình thấy yêu hơn môn Toán, để thấy môn Toán rất chi là cuộc đời. Nhưng mà mình cũng chỉ thích các trò chơi của mẹ chứ chẳng hề yêu thêm môn Toán ở trường.
2. Môn Toán khi ở Mỹ
Ấy thế mà khi du học ở Mỹ, ngay từ năm đầu tiên, mình đã mê Toán như điếu đổ. Mình mong đến giờ học Toán, mong được gặp cô giáo dạy Toán.
Trong số các thầy cô giáo dạy mình năm đó, mình ấn tượng với cô dạy Toán nhất. Cô có thể ngồi hàng buổi cùng mình chế tạo mấy thứ “vớ vẩn” mà cô gọi chúng là những “đồ dùng học toán tuyệt vời”. Cô cũng là người đầu tiên nói với mình: “Em cứ học Toán theo kiểu của em, theo lộ trình của em. Em tự quyết định. Điểm thì cô để sẵn ở đây rồi, riêng thái độ, niềm yêu thích của em cô cho điểm A+ . Em chẳng cần băn khoăn đến điểm số của bài kiểm tra, em cứ học những gì em cho là thú vị.”
Ôi đúng là được lời như cởi tấm lòng, mình càng say mê tìm hiểu những thứ mà trước đây mình cho là “chán òm”.
Mình chờ đợi mỗi khi đến giờ Toán như trẻ con mong mẹ về chợ. Thông thường, cô ít khi giảng giải mà hay tổ chức các trò chơi để học sinh tham gia và tự tìm ra kiến thức. Cô chỉ đóng vai trò là trọng tài.
Mình rất ấn tượng với những trò chơi kiểu như: “Tôi không biết trên đầu tôi có gì”. Trò chơi này cô sẽ chuẩn bị một phương trình hoặc một công thức, một phép toán nào đó. Việc của bạn là sẽ hỏi hoặc nghe gợi ý của các bạn xung quanh để có thể giải hoặc nói cho mọi người biết trên đầu bạn có gì. Các nhóm chơi rất sôi nổi. Ai cũng mong nhanh chóng hạ được cái câu hỏi trên đầu xuống.
3. Những kỉ niệm với cô dạy Toán
Không chỉ dạy hay, cô còn cực kì tình cảm. Hồi đó, mình mới sang Mỹ năm đầu tiên và lúc nào cũng buồn rười rượi.
Cả trường có mỗi mình mình là học sinh đến từ phương trời xa xôi nhất. Các bạn khác nhà đều ở gần trường, xa lắm cũng chừng hơn trăm cây số. Và vì thế chiều nào các bạn cũng có bố mẹ đến đón. Riêng chỉ có mình thì xa vời vợi. Mỗi buổi chiều nhìn bố mẹ các bạn dập dìu đến đón con, mình nhớ bố mẹ. Mình thường tìm một góc khuất, để mặc những giọt nước mắt tủi thân rơi ngậm ngùi…
Cô dạy Toán hiểu điều đó nên cô thường nán lại sau mỗi giờ tan học để nói chuyện với mình. Cô chẳng bao giờ nhắc tới từ “nhà”, cô toàn kể chuyện vui. Chính cô đã truyền cho mình hơi ấm tình thân trong những buổi chiều mùa đông giá buốt. Mình biết ơn cô rất nhiều.
Giữa năm học thì cô gặp phải biến cố. Nhà cô bị cháy. Nhưng dù sao cũng còn may mắn là không ai bị thương. Chỉ có đồ đạc là bị thiêu rụi hết. Và mình là người duy nhất trong trường được nghe cô kể về chuyện đó. Khi kể nét mặt cô vẫn không giấu nổi vẻ bàng hoàng. Cô nói trong tất cả đồ đạc bị cháy, cô tiếc nhất là những cuốn sách, có cuốn cô mua về từ các chuyến đi công tác xa, có cuốn là của bạn bè tặng… Vậy mà tất cả đã hóa tro tàn.
Nghe xong mình chỉ biết im lặng. Thương cô mà không thốt nên lời. Sau này mình cứ tự vấn là tại sao lúc đó mình không nói điều gì đó để an ủi cô. Có thể khi ấy mình còn nhỏ quá, chưa có kĩ năng nói lời chia sẻ với người khác. Thật là đáng tiếc.
Nhưng rồi, mình lại làm được một việc mà cô rất thích. Ấy là, vào cuối năm học trong ngày hội bán sách cũ của trường, mình đã dùng gần như toàn bộ số tiền tích lũy được để mua sách tặng cô. Trong đó có rất nhiều cuốn sách thiếu nhi. Bởi mình biết cô có người cháu, mới chỉ bảy tuổi thôi và sách của em cũng bị cháy hết. Và mình muốn mua thật nhiều sách thiếu nhi để em có thể lại được đọc những cuốn sách mà em yêu thích.
Cô nhận được món quà của mình thì cảm động lắm. Cô cứ ôm mình mãi.
Kết thúc năm học, các thầy cô đều ghi lưu niệm cho học sinh. Thầy cô nào viết lưu niệm dành cho mình, mình cũng cảm động. Nhưng sâu đậm hơn tất cả vẫn là những dòng lưu bút của cô. Cô bảo, em có tư chất của một nhà khoa học nên cô tin tưởng rồi đây em sẽ trở thành một nhà nghiên cứu thực thụ. Cô còn viết, em là người nội tâm, rất thiện, cô cũng tin em sẽ biết cách mang lại niềm vui cho nhiều người. Rồi cô nhắc lại kỉ niệm lần đầu khi cô nhìn thấy mình - cậu học sinh châu Á có ánh mắt buồn nhưng nụ cười thì luôn tươi tắn, hiền dịu (ồ mình không nghĩ là mình lại làm được điều đó). Tất nhiên, cô cũng nhắc đến những cuốn sách mình đã mua tặng cô. Những dòng lưu bút của cô thật là ấm áp. Mình luôn mang chúng bên mình để làm hành trang đến với vùng đất khác, lên những cấp học khác.
4. Và những bài học từ trái tim
Chia tay Texas và cô giáo dạy Toán với quá nhiều kỉ niệm, mình luôn tin rằng, thực ra không có môn học nào là “đáng chán” cả. Việc mình tự tìm được cách học, tìm ra được một hướng đi mới là điều quan trọng. Và trong quá trình đó, người giáo viên tốt sẽ có thể làm thay đổi quan niệm của học trò.
Trong tất cả những dấu ấn về các thầy cô giáo, điều đọng lại trong mình chưa hẳn là những tri thức sách vở mà nhiều khi lại chính là những cử chỉ yêu thương chân thành, sự quan sát tinh tế, sự tôn trọng đối với học trò.
Như mình, mỗi lần nhớ về cô giáo dạy Toán, lòng lại rưng rưng nhớ đến cái nắm tay của cô buổi đầu gặp mặt. Ký ức mãi khắc sâu những câu chuyện vui cô kể trong mỗi buổi chiều mùa đông tuyết bay trắng trời khi trên sân trường chỉ còn hai cô trò…
Thênh thang gió và nôn nao nhớ…
Mình biết ơn cô dạy Toán của mình rất nhiều…
Cô chính là một phần của Texas đong đầy kỉ niệm trong miền sâu thẳm trái tim mình.