1. Yêu thương không ranh giới
Năm đầu tiên chuyển đến học ở trường nội trú, mình ở cùng phòng với một bạn người da màu. Tuy là bạn cùng phòng nhưng mình và bạn ấy ít khi trò chuyện. Có lẽ vì tính tình mình với bạn ấy không hợp nhau. Bạn cao to, cực kì giỏi thể thao.
Ngày nhập học có cả ông bà của bạn đi cùng. Giây phút gặp gỡ đầu tiên, cả mình và bố mẹ đều rất thiện cảm với ông bà. Cái cách ông bà tay bắt mặt mừng với bạn của cháu giống hệt ông bà mình ở nhà.
Ông bà xắn tay dọn dẹp phòng. Rồi mang đồ của cháu ra sắp sắp xếp xếp. Cái phòng bé như lỗ mũi, ông bà thì to kềnh càng nên lúc thu xếp đồ đạc, ông bà luôn có ý nhường bố mẹ mình. Thấy bố mẹ mình xách đồ đạc, ông xăng xái xách giúp, còn bà thì quay luôn chiếc quạt về phía giường mình. Thế rồi hai cặp vợ chồng, một đã già và một chuẩn bị già, cùng nhau dọn dẹp phòng cho “bọn trẻ”. Vừa dọn dẹp vừa cười nói rôm rả, mà mình dám chắc, cặp này chẳng hiểu cặp kia nói gì, hii.
Lúc ấy, tất cả lý thuyết về việc dạy con tự lập của người Việt và người Mỹ đều xếp sang một bên. Tất cả chỉ nghĩ làm sao để hai đứa có một căn phòng tươm tất, để khi ông bà và bố mẹ về rồi, trong lòng sẽ thanh thản vì nghĩ rằng mình đã lo cho chúng nó chu tất. Thực sự khi ấy, nhìn bốn tấm lưng lui cui dọn đồ, mồ hôi mướt mải, mình thấy thân thương và ấm áp vô chừng. Và mình hiểu, dù ở quốc gia nào, dân tộc hay màu da nào thì tình yêu thương, sự lo toan của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu cũng đều như nhau cả....
2. Những lỗi lầm tuổi mới lớn
Ở với bạn một thời gian, mình hiểu ra hoàn cảnh của bạn. Bố mẹ bạn bỏ nhau và bạn ở cùng ông bà nội. Đầu cấp trung học cơ sở, bạn được vào học ở một ngôi trường dành cho con cháu những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi. Ở Mỹ, mỗi bang hoặc mỗi quận đều có kiểu trường như vậy. Chính vì thế các trường này hay tiếp nhận những đoàn tình nguyện đến để chơi và hướng dẫn các bạn học.
Hai năm đầu cấp trung học cơ sở ấy, bạn học rất giỏi. Chính vì thế, bạn được nhận vào trường mình với mức hỗ trợ tài chính gần như 100%. Khi đó, bạn chính là niềm tự hào của ông bà và ngôi trường bạn học. Vì số lượng học sinh được nhận học bổng như bạn không nhiều.
Ấy thế nhưng đến khi vào trường mới này thì bạn lại khác hẳn. Bạn có một người bạn gái thân thiết. Hai bạn thường xuyên gọi điện cho nhau. Điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Mình thường đeo tai nghe hoặc ra phòng chung của dorm học bài để khỏi làm phiền hai bạn. Chỉ có điều, bạn học hành bê trễ.
Hầu như buổi sáng nào bạn cũng đi học muộn. Trường mình có kỉ luật rất nghiêm đối với những học sinh vi phạm quy chế. Nếu bạn nào đi học muộn ba buổi liền sẽ phải lao động công ích trong trường (cắt cỏ, quét lá, dọn nhà vệ sinh…) hoặc cấm túc. Và bạn luôn nằm trong số đó.
Sáng nào mình cũng làm thay nhiệm vụ của cái đồng hồ, đó là gọi bạn dậy. Nhưng vô ích. Bạn cứ tỉnh dậy một hồi rồi lăn ra ngủ tiếp. Hầu như bạn nào bằng tuổi mình cũng thường rơi vào trạng thái như vậy. Đó là trạng thái vô cùng thèm ngủ. Sau một đêm thức khuya học bài, sáng ra, vật dụng đáng ghét nhất là cái đồng hồ báo thức. Đôi khi, mình cũng nhỏm dậy, tắt chuông, rồi ngủ tiếp. Và sau đó sẽ là quáng quàng tỉnh dậy để mặc quần áo, làm vệ sinh cá nhân trong vòng khoảng năm phút rồi vắt chân lên cổ chạy sang khu lớp học. Vậy mà mình cũng một lần bị cấm túc. Thực ra cấm túc cũng không có gì kinh khủng. Thầy cô “nhốt” vào một phòng riêng khoảng một vài tiếng tùy lỗi nặng nhẹ. Gọi là “nhốt” thôi chứ trong căn phòng đó vẫn có nước uống và cả sách để có thể ngồi đọc. Tuy vậy, cái cảm giác ngại ngần thì không thể phủ nhận được.
Mình giục giã bạn mãi mà không có kết quả nên cũng nản. Phòng ở thì càng ngày càng bừa bộn hơn.
Năm ấy là năm đầu ở ký túc xá nên mình cũng chưa học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống tập thể. Nếu có dọn, mình chỉ dọn đúng khu vực quanh giường của mình. Thành ra, phòng mình luôn ở trong tình trạng bị nhắc nhở. Lắm hôm phòng ở của bọn mình còn bốc mùi vì quần áo bạn đi chơi thể thao về cứ vứt vào túi giặt mà không chịu giặt.
Nói thực là mình cảm thấy khó chịu và hơi ức chế. Mình thường xuyên đi sang phòng chung ngồi học. Và càng ngày càng ít trò chuyện với bạn ấy.
3. Nỗi bứt rứt khôn nguôi...
Nhưng cái cảm giác ngại ngần khi giao tiếp với bạn không đáng sợ bằng việc phải đối diện với ông bà của bạn.
Mình thường không dám trò chuyện lâu với ông bà. Và đặc biệt không dám nhìn thẳng vào mắt ông bà. Bởi mình đọc được trong đó bao nhiêu là khao khát mong mỏi cuối đời của ông bà đặt vào đứa cháu. Mình không nỡ thông tin một điều gì đó không tốt về bạn cho ông bà. Giải pháp là mình lảng tránh.
Hết năm học đó, bạn bị buộc phải chuyển sang trường khác. Lúc chia tay bạn, hai đứa chẳng nói với nhau được câu nào.
Bạn xếp đồ, thoắt qua chỗ mình và vỗ vai một cái thay lời chào tạm biệt. Mình cũng làm lại y như thế.
Rồi im lặng…
Nhìn theo cái bóng lừng lững của bạn khuất dần sau hàng cây, mình ngồi phịch xuống phòng.
Bỗng nhiên, lòng mình dâng lên bao nhiêu tiếc nuối...
Nếu có thể quay lại, biết đâu mình và bạn sẽ là những người bạn tốt của nhau. Lòng trĩu buồn và mình tự nhủ, có thể sang ngôi trường mới “vừa vặn” với bạn hơn, bạn sẽ khác đi.
Và điều mong ước của mình không chỉ dành cho bạn mà dành cho cả ông bà bạn nữa. Ở môi trường mới không nhiều áp lực, ông bà bạn sẽ hiểu bạn hơn, để không chỉ chăm lo cho bạn về vật chất mà cả đời sống tinh thần, cả mối quan hệ bạn bè, nhất là bạn gái. Và để bạn cũng thấu hiểu ông bà hơn, rằng tuổi trẻ của bạn chính là điểm tựa, niềm tin cho tuổi già xế bóng của ông bà.
Nếu được như thì mọi việc sẽ trôi qua nhẹ nhàng biết bao nhiêu.
Nghĩ vậy, mình nhào người qua cửa sổ khi bóng bạn đã hòa trong màu xanh của trời mây và của những nương ngô trải dài ngút ngát...
Gió thổi qua vai hun hút…