1. Tình bạn ấm áp
Từ năm thứ hai, do đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện nên mình được chọn bạn cùng phòng. Mình và J chọn ở cùng nhau.
Gọi là bạn thôi nhưng J kém mình một tuổi do học “nhảy cóc”. Bạn học cực giỏi. J bảo, nếu được, bạn muốn “nhảy cóc” lên vài lớp nữa nhưng sợ khó trong việc chơi với bạn bè nên lại thôi.
Bạn học giỏi kiểu “tài tử” nghĩa là gần đến ngày thi mới vơ cả đống sách rồi ngồi nghiền ngẫm. Thế mà điểm của bạn vẫn cao chót vót. Các bạn khác trong dorm đêm nào cũng “tụng kinh” đến tận một, hai sáng còn bạn thì luôn lăn quay ra ngủ. Tài thật.
Mình không thuộc kiểu học lúc nào cũng ôm sách khư khư nhưng cũng phải vật vã với cả đống bài tập. Nhiều lúc nhìn bạn ấy nằm ngủ ngon lành mà tức tức là.
Nhưng cũng vì bạn ngủ rất sớm lại ngủ say nên mình khỏi lo việc mình bật loa sẽ làm phiền bạn. Mình có thói quen khi học hay bật nhạc. Nếu ở với người khác thì hay phải dùng tai nghe nhưng với J thì vô tư, vì theo lời bạn: “Càng có nhạc càng dễ ngủ!”
Bạn với mình rất hợp nhau trong việc dọn dẹp, sắp xếp phòng ở. Phòng của hai đứa lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm và luôn được cô phụ trách kí túc khen ngợi. Cô luôn lấy phòng mình ra làm gương cho các phòng khác. Tự hào lắm.
Bạn ấy chơi thể thao thì thôi rồi, giỏi miễn chê. Hầu như môn nào bạn chơi cũng cừ, giỏi nhất là đấu vật. Bạn ấy hầu như hạ gục tất cả các đối thủ cùng hạng cân trong đội vật của các trường cùng quận. Lần thi đấu nào bạn cũng mang về huy chương. Trong khi mình ì ạch để học kĩ thuật vật thì bạn luôn nghĩ ra các cách sáng tạo để có thể hạ gục đối phương nhằm mang lại vinh quang cao nhất.
Cũng nhờ bạn mà mình thêm yêu thể thao hơn. Bạn khuyến khích mình thử sức ở nhiều môn. Trường mình cho phép học sinh được tham gia học thử trong các câu lạc bộ thể thao để lựa chọn môn mà mình hợp nhất. Năm đầu tiên mình không hứng thú mấy với việc đó nhưng khi ở cùng bạn thì lại hăm hở đăng kí hết câu lạc bộ này đến câu lạc bộ khác. Chiều nào hai đứa cũng rủ nhau chơi thể thao cho đến khi mệt phờ mới về tắm rửa và ăn tối.
Rất kì lạ và cũng rất đáng ghen tị là bạn ăn nhiều khủng khiếp nhưng không béo, thậm chí lại còn gầy nữa kia. Mỗi bữa ăn, bạn thường nhìn mình ra chiều thông cảm và nói: “Đừng ngại, cứ ăn đi. Dù có ăn ít thì cậu hít thở cũng thành mỡ kia mà. Nên đằng nào cũng béo, ăn thoải mái đi.” Nói xong hai đứa bắt đầu hành trình dạo một vòng quanh nhà ăn để tìm ra món ăn yêu thích nhất. Vui lắm.
2. Bố mẹ kiểu Việt Nam
Nhà bạn ấy thuộc diện nghèo (hầu như các học sinh nghèo mà học giỏi đều được nhận vào trường mình vì trường có nguồn quỹ phúc lợi lớn dành cho các đối tượng này). Bố mẹ bạn làm công nhân với những công việc nặng nhọc. Bố bạn làm thợ xây còn mẹ làm nghề dọn vệ sinh. Ban đầu, bố mẹ bạn thuê một căn nhà nhỏ trong khu ổ chuột, có đận nhà bị cắt điện cắt nước đến cả tuần. Sau này thì họ tích cóp được một số tiền rồi mua nhà trả góp. Căn nhà hiện tại của gia đình bạn cũng nhỏ xíu, nhưng dẫu sao đó cũng là một thành quả cực kì to lớn. Cuộc sống trên đất Mỹ của những người nhập cư đâu có dễ dàng gì.
Cách quan tâm đến con cái của bố mẹ bạn cũng hệt kiểu bố mẹ Việt Nam, nghĩa là lúc nào cũng nghĩ con mình còn bé bỏng.
Hầu như tuần nào bố mẹ bạn cùng với chú chó nhỏ cũng đến chơi. Cả nhà lại rủ nhau đi siêu thị gần đó. Và lần nào họ cũng mua về đúng một thùng nước có 30 chai. Bố mẹ bạn giao hẹn là trong một tuần bạn phải uống hết nước. Vì theo lời hai bác, uống nước rất tốt cho sức khỏe mà bạn lại rất lười uống nước.
Thế là cả tuần, bất cứ lúc nào bạn cũng hỏi: “Uống nước không?” Hoặc có khi chẳng cần hỏi mà cứ thế dúi vào tay mình chai nước và nói: “Uống đi, uống hộ tớ với.” Có tuần, ngày bố mẹ lên thăm rồi mà thùng nước vẫn còn mấy chai. Cả hai đứa phải cuống cuồng đi giấu vào các ngóc ngách sợ hai bác nhìn thấy nước vẫn còn lại buồn. Hai bác đến nơi, liếc vào cái chỗ để nước thấy không còn chai nào thì mỉm cười. Rồi cả nhà lại chòng chành trên cái xe cà tàng cùng với chú chó đến siêu thị và lại mang về đúng một thùng nước nữa.
3. Những mơ ước đặt cả vào con
Sáng nào bố bạn cũng gọi điện hỏi thăm. Bạn thì cuống cuồng mặc quần áo, vừa phóng như bay sang khu lớp học vừa líu ta líu tíu: “Vâng, bố à, con đang ăn sáng. Phải ăn uống đủ bữa mới có sức khỏe để học, con nhớ rồi bố à.” Chết cười. Sáng nào cũng như sáng nào.
Nhưng mà mỗi lần chứng kiến cảnh ấy, mình cũng rưng rưng lắm…
Ở với nhau được một thời gian thì cả mình và bạn đều tranh cử chức trưởng dorm và đều trúng cử. Vì thế hai đứa chuyển sang hai dorm mà mình được cử làm trưởng.
Và hai đứa chia tay nhau.
4. Nỗi nhớ gần bên
Tất nhiên là mình và bạn vẫn gặp nhau hàng ngày, sang chơi với nhau suốt. Nhưng mình vẫn nhớ bạn lắm.
Mình nhớ người bạn hiền lành, đáng yêu, đáng quý với sự thông minh hiếm có.
Và nhớ hai bác, bố mẹ của bạn, những người lao động chân chất như bố mẹ mình. Những bậc cha mẹ hết lòng yêu thương con, đặt bao nhiêu âu yếm của cuộc đời mình vào đứa con, đêm ngày nguyện cầu nó trổ giò khoẻ mạnh và lành lẽ…
Và nhớ nhất cái cảnh cả nhà họ chòng chành trên cái xe vi vu cùng con chó nhỏ.
Không biết sang phòng mới, bạn ở cùng phòng có chịu khó uống nước giùm bạn J nhiều như mình không? Hihi