1. Những ngày đầu thổn thức trên đất Mỹ
Hồi mới sang Mỹ, mình không nghĩ là mình sẽ buồn đến thế.
Buồn rụng buồn rơi, có những buổi chiều nhớ bố mẹ đến mức mình còn không dám chớp mắt. Vì chỉ cần chớp một cái thôi là nước mắt sẽ rơi không dừng được. Và rồi mắt sẽ đỏ. Và rồi khi skype mẹ sẽ biết mình khóc. Và rồi mẹ sẽ triền miên trong nhớ thương, lo lắng. Thế nên mình không được khóc.
Có những đêm nhớ nhà thổn thức. Lúc ấy chỉ ước một điều ước duy nhất, duy nhất là được quay trở về nhà, nằm bên cạnh bố mẹ mà ngủ một giấc dài không trằn trọc…
2. Một người làm vơi nỗi nhớ nhung
Giữa lúc nỗi nhớ nhung ngút ngàn xâm chiêm tâm hồn mình như thế thì bà J xuất hiện. Bà chính là người bạn lớn tin cậy và tuyệt vời nhất của mình.
Ngay buổi gặp đầu tiên, bà đã hỏi han mình đủ thứ - kiểu giao tiếp mà người Mỹ ít khi sử dụng. Có lẽ vì bà biết mình là đứa bé đang nhớ nhà, thèm nhà khủng khiếp.
Bà hỏi chuyện về gia đình rồi ngồi yên nghe mình kể về bố mẹ với ánh mắt trìu mến. Bà hỏi lý do mình sang Mỹ. Bà nghe xong, không bình luận gì về quyết định đó mà dịu dàng nói: “Ừ, đã sang rồi thì thử xem sao.” Câu này rất thú vị. Nó làm mình liên tưởng tới một cuộc chơi. Cảm giác thấy lòng nhẹ nhõm hẳn.
Bà hỏi mình về sở thích, đam mê. Đến đây thì mình phát hiện ra một điều rất tuyệt vời là cả mình và bà đều có sở thích chụp ảnh.
Ôi, thế là có bao nhiêu kiến thức về nhiếp ảnh mình đem ra “giãi bày”. Bà cũng thế, bà khoe bà là thành viên của hiệp hội nhiếp ảnh và đã từng chụp ảnh cho Nhà Trắng. Bà kể về những bức ảnh “để đời”.
Cứ thế cuộc nói chuyện cứ râm ran, râm ran nhiều khi đến tận canh khuya khi cả mình và bà đều đã mệt nhoài vì… nói. Nhưng cả hai đều rất vui.
Lần đầu tiên sau ba tháng xa nhà, có chút niềm vui len lỏi trong tim mình. Dịu dàng, dịu dàng…
3. Những ấm áp giữa nơi xa xứ
Kể từ hôm đó, mình và bà trở thành bạn thân. May mắn là nhà bà gần nhà mình ở nên những ngày cuối tuần mình có thể sang chơi. Nhà của bà xinh xắn, gọn gàng. Bà sống cùng với một người bạn khác và một cậu con trai đang tuổi lớn.
Mỗi lần sang chơi nhà bà, mình như bước chân vào một phòng triển lãm. Có nhiều bức ảnh chụp các quốc gia khác nhau, các sự kiện khác nhau, những cảnh sắc thiên nhiên khác nhau.
Và giống như hôm đầu gặp gỡ, mình lại cùng bà ngồi trò chuyện say sưa. Rồi thi thoảng bà còn đến tận trường đón mình về.
Những hôm được bà đón mình vui như mở cờ trong bụng. Cảm giác ngày học trôi nhanh hơn và mình được sống lại cái hân hoan như hồi ở Việt Nam được mẹ đón về từ trường. Mỗi lần nhìn thấy bà, mình đều muốn chạy lại ôm chầm lấy, như kiểu mình hay ôm mẹ Điệp. Nhưng rồi mình chỉ dám bắt tay và chào bà. Chỉ vậy thôi mà nhìn vào ánh mắt bà, mình như thấy cả một trời bình yên.
Sau đó vài tháng, mình chuyển đến ở nhà cô chú người Việt mà mình đã viết trong bài “Năm đầu tiên trên đất Mỹ và ngôi nhà nhiều kỷ niệm”.
Mình mang theo lời dặn của bà: bất cứ khi nào cháu cần, bà sẽ xuất hiện. Lời dặn ấy giống như một que diêm ủ sẵn trong tim mình.
4. Những nỗi cách xa… và niềm dấu yêu tha thiết…
Và từ ngày ấy, mình ít gặp bà hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa sự yêu quý của mình dành cho bà giảm đi. Mỗi khi chụp được bức ảnh nào đẹp, mình lại gửi cho bà. Bà lại tỉ mẩn xem và chỉ cho mình những kĩ thuật cần thiết.
Hết năm học đó, mình chuyển sang bang khác. Lại xa bà J thêm một ít. Thời gian, khoảng cách, việc học hành khiến mình ít liên lạc với bà hơn.
Rồi mình nghe tin bà chuyển nhà sang bang khác vì phải bán nhà cũ để trả nợ.
Rồi mình nghe tin bà có nhiều chuyện buồn…
Thế là tự nhiên mình đã ít liên lạc lại càng ít liên lạc hơn.
Nhiều lần mình tự trách, sao lại có thể “phụ bạc” người đã cưu mang mình như vậy. Nhưng có một cảm giác rất khó gọi thành lời khi mình viết email gửi bà.
Một cái gì đó tuồng như là nỗi buồn, nỗi tiếc nuối giăng ngang mắt mình chạy qua màn hình.
Mình nhớ đến những buổi chiều được nắm tay bà tung tăng đi từ lớp học ra xe trở về nhà.
Nhớ những hôm ngồi trong quán Starbuck, nơi bà làm thêm và được bà mang cho loại bánh mình vẫn thích cùng một cốc café sữa nóng…
Những nỗi nhớ ấy đẹp quá và mỏng mảnh quá nên mình không muốn chạm vào. Cũng không muốn đối diện với việc bà gặp buồn, gặp khổ.
Có thể rồi đây, khi lớn khôn hơn, mình sẽ có cách xử sự tốt hơn với bà.
Nhưng mình tin, dẫu có thế nào, bà vẫn bao dung, vẫn yêu quý mình như mẹ yêu con.
Và nếu gặp, chắc chắn bà sẽ lại ôm mình thật chặt và thủ thỉ cái câu quen thuộc: “Thoải mái đi con, cứ coi như là một cuộc chơi thôi mà…”
Có bà, nước Mỹ sao dễ thương quá đỗi!