Elastase
Cathepsin G
Proteinase 3
Collagenase
Gelatinase
1. Khí phế thũng di truyền
Khí phế thũng (KPT) có nhiều nguyên nhân như hen phế quản, viêm phế quản mãn, xơ phổi. Những nguyên nhân này không có tính di truyền.
KPT di truyền là do mất cân bằng của hệ thống “proteinase - kháng proteinase” không liên quan với bệnh nói trên. Do đó muốn nghiên cứu KPT di truyền ta phải tìm hiểu hệ thống “proteinase -kháng proteinase”. Vấn đề này đã được nghiên cứu khá kỹ, chúng tôi xin trình bày vắn tắt những kết quả nghiên cứu đó.
* Proteinase
Bình thường trong bạch cầu đa nhân và đại thực bào chỉ có một số lượng ít các men và chúng không bài tiết các men này ra ngoài. Khi quá trình viêm xảy ra, bạch cầu, đại thực bào được huy động đến phổi với số lượng lớn. Đồng thời những tế bào này trở nên những “tế bào được kích thích” và trở nên hoạt hóa. Chúng gấp rút sản xuất ra một số lượng lớn các men, dự trữ ở các không bào. Khi cần tham gia tiêu diệt vi trùng, những men này được thoát ra khỏi tế bào. Hoặc khi bạch cầu bị tiêu hủy thì các men này được giải phóng ra.
Chức năng của các men này là tiêu hủy các vi trùng, xác vi trùng, các mảnh vỡ tế bào, các sản phẩm lên bông. Chúng còn tham gia vào quá trình tiêu hủy, sửa chữa, tái tạo các cấu trúc protein của phổi. Các men này hoạt động trong những điều kiện pH nhất định, ở những vị trí nhất định và tổ chức nhất định.
Các proteinase của bạch cầu đa nhân gồm có:
Elastase
Cathepsin G
Proteinase 3
Collagenase
Gelatinase
Các proteinase của đại thực bào gồm có:
Elastase
Stromelasin
Cathepsin B&L
Các men này được kiểm soát bởi các kháng proteinase.
* Kháng proteinase (proteinase inhibitor)
Là một nhóm các protein tìm thấy trong tổ chức và tế bào cơ thể. Chức năng của nó như tên gọi là ức chế các men proteinase. Kháng proteinase có trong huyết thanh, trong mô phổi và chất tiết phế quản.
Các Anti proteinase (kháng proteinase) gồm có:
Alpha 1 proteinase inhibitor: Alpha PI
Alpha 2 Macroglobulin: Alpha 2 M
Anti Leucoproteinase: ALP
Alpha 1 Anti chymotrypsin: Alpha 1 Ach
Tissue Inhibitor of Metallo proteinase: TIMP
Bình thường có sự cân bằng giữa proteinase và anti proteinase. Khi có rối loạn cân bằng: do thừa proteinase, do thiếu Anti proteinase, hoặc cả hai (vừa thừa proteinase, vừa thiếu anti proteinase) đều có thể gây tổn thương phổi.
Trong KPT người ta nhấn mạnh đến vai trò của Elastase trong sự thiếu hụt Alpha 1 proteinase inhibitor hay còn gọi là Alpha 1 Antitrypsin.
Thiếu Alpa 1 Antitrypsin có tính di truyền, gây bệnh KPT di tuyền.
Tính di truyền đó được trình bầy sau đây
Trong di truyền học, người ta phân tích ADN bằng phương pháp PCR (Polimerase Chain Reaction) cho kết quả nhanh chóng. Trong cộng đồng có ba kiểu gen hình là PiM, PiZ, PiS. Phần nhiều người ta mang gen hình PiM, có đậm độ Alpha 1. Antitrypsin trong máu ở giới hạn bình thường. Một bộ phận nhỏ dân cư mang gen hình PiZ bị thiếu hụt Alpha 1 Antitrypsin trong huyết thanh, do đó sẽ bị KPT di truyền. Bệnh này thường gặp ở người trẻ tuổi và nói chung rất nặng.
Sự kết hôn giữa các cặp của ba kiểu gen hình sẽ cho ta những thế hệ sau đây:
MM + MM cho ra các con MM MM MM MM
MM + MZ …………….. MM MZ MM MZ
MZ + MZ …………….. MM MZ MZ ZZ
MS + MS ……………. MM MS MS SS
MZ + MS …………….. MM MS MZ ZS
Những người mang gen ZZ thì thiếu hụt Alpha 1 Antitrypsin trong máu, nên mất cân bằng hệ thống “Proteinase - Antiproteinase”, do đó proteinase trong máu tăng (tức là Elastase tăng) làm phá hủy vách phế nang, dẫn đến KPT.
Theo thống kê của Liberman và cộng sự năm 1972 cho ta những số liệu sau:
MM chiếm 86%: Alpha 1 Antitrypsin bình thường.
MS..……...... 9%: Có thiếu hụt Alpha 1 Antitrypsin nhưng chưa KPT.
MZ……........ 3%: (như trên)
SS……..... 0,25%: Thiếu hụt Alpha 1 Antitrypsin có thể có KPT
SZ..…….. 0,2%: (như trên)
ZZ.……... 0,03%: Chắc chắn bị KPT.
2. Bệnh nhầy nhớt (Mucoviscidosis)
(Hay bệnh xơ hóa kén, Cystic - fibrosis, CF).
a. Đại cương
Là bệnh rối loạn ở nhiều cơ quan, có đặc điểm chung là rối loạn tuyến ngoại tiết: Suy tuỵ ngoại, tăng tiết tuyến phế quản, tăng tiết tuyến mồ hôi. Suy tuỵ ngoại là triệu chứng hay gặp nhất (85 %), ngoài ra còn có quá trình tiến triển mãn tính của cơ quan hô hấp, bệnh gan mật, bệnh tiết niệu sinh dục. Người ta đã phát hiện có rối loạn phân tử ADN và có gen CF (xơ hóa kén).
b. Triệu chứng
* Lâm sàng
- Hầu hết ở trẻ sơ sinh và trẻ em, một số đến tuổi trưởng thành. Đa số được chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa, bệnh tuỵ từ sớm, vì tắc ruột, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, sa trực tràng, ỉa chảy, vàng da, sỏi mật, xơ gan.
- Triệu chứng hô hấp hầu hết có biểu hiện giống viêm phế quản mãn, giãn phế quản.
- Tổn thương giải phẫu bệnh lý là phì đại tuyến phế quản, sau đó là hình thành nút nhầy làm tắc nghẽn phế quản, nhiễm trùng phế quản dẫn đến viêm phế quản mãn, giãn phế quản, viêm quanh phế quản. Ba loại vi trùng hay gặp là Staphylococcus Aureus, Hemophyllus Influenzae, Pseudomonas Aeruginosa.
93
Viêm phế quản mãn kéo dài làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp, suy tim phải. Ngón tay dùi trống gặp ở hầu hết bệnh nhân.
* X-quang
Hình phổi bẩn, hình đường ray, hình những nốt tròn sáng như tổ ong, hình phổi sáng do khí phế thũng.
c. Chẩn đoán
Dựa vào các yếu tố sau:
- Bệnh phổi phế quản mãn tính (viêm phế quản mãn, giãn phế quản) ở người trẻ tuổi. Căn nguyên viêm phế quản mãn do tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh (Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa).
- Test mồ hôi: Na, Cl, K tăng > 80mq/lit.
- Gia đình có người mắc bệnh này.
- Vô tinh trùng ở nam giới, vô sinh ở nữ giới.
- Có bệnh đường tiêu hóa, suy tuỵ ngoại, suy dinh dưỡng.
d. Điều trị
- Dẫn lưu cơ học như bệnh nhân viêm phế quản mãn.
- Kháng sinh chống Pseudomonas aeruginosa.
- Thuốc giãn phế quản.
- Điều trị suy tim nếu có biến chứng.
3. Bệnh Recklin Guansen
Bệnh này cũng hay gặp, có ba biểu hiện:
- Xạm da.
- U xơ thần kinh, phát triển từ chuỗi thần kinh giao cảm trung thất sau.
- Xơ phổi kẽ lan tỏa. X-quang có hình lưới nốt. Có thể dẫn đến suy hô hấp.
4. Bệnh Bournecville (Buốc nơ vin)
Bệnh xơ cứng não củ.
Tổn thương giải phẫu bệnh lý là tăng các sợi cơ trơn của vách phế nang, do đó giống u cơ mạch bạch huyết.
Triệu chứng:
- Biểu hiện thần kinh là chậm phát triển tinh thần, trí tuệ, hoặc động kinh.
- Về phổi: Biểu hiện xơ phổi kẽ hay nhiễm trùng hô hấp.
- Biểu hiện lâm sàng khác như: u mạch xơ nhỏ ở vách mũi, cằm, móng tay, móng chân.
5. Bệnh thiếu hụt miễn dịch dịch thể
Bao gồm vô gamma globulin, giảm gamma globulin.
Các globulin miễn dịch gồm có: IgG, IgA, IgM, IgD, IgE. Thiếu hụt miễn dịch dịch thể là thiếu hụt một hoặc vài globulin miễn dịch trong số các globulin miễn dịch nói trên. Bệnh nguyên phát do di truyền.
a. Vô gamma globulin
- Vô gamma globulin thoáng qua: IgA và IgM thấp ở trẻ sơ sinh và đến 1-2 tuổi. Ở trẻ sơ sinh bình thường IgA và IgM do mẹ truyền sang sau khi sinh ra thì giảm dần, sau đó đến tháng thứ 3 cơ thể trẻ lại sản xuất ra và đạt mức bình thường. Nhưng ở trẻ vô gamma globulin thoáng qua thì đến tháng thứ 9 hoặc tháng 15 mới đạt đến mức bình thường. Ở thời kỳ mà IgA và IgM còn thấp trẻ dễ bị nhiễm trùng gram dương.
- Vô gamma globulin bẩm sinh: Các globulin miễn dịch hầu hết đều không có. Gặp chủ yếu ở trẻ sơ sinh nam. Triệu chứng khởi phát vào năm đầu 1 tuổi. Hạch lympho không có các tế bào plasma (tương bào). Hạch to ra khi đáp ứng với nhiễm trùng. Những cháu trai này dễ bị nhiễm trùng các loại như: tụ cầu, phế cầu, liên cầu, hemophyllus influenzae, các vi khuẩn gram (+), gram (-), virut, nấm, ký sinh trùng.
Biểu hiện ở phổi: rất dễ bị viêm phổi, phế quản phế viêm, giãn phế quản.
b. Giảm gamma globulin
Nhóm I: IgA giảm, IgG giảm, IgM tăng. Bệnh có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Triệu chứng lâm sàng biểu hiện hay nhiễm trùng hô hấp. Kèm theo giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu đa nhân trong máu, tổn thương thận và thiếu máu huyết tán. Bệnh giống như một bệnh tự miễn, có thể khuyết tật Chromosom X.
Nhóm II: IgA giảm, IgM giảm, IgG bình thường. Loại này rất hiếm. Nhóm III: Vắng mặt IgA, có thể kèm theo IgE giảm. Biểu hiện hay nhiễm trùng hô hấp, phối hợp với giãn mao mạch và mất điều hòa tiểu não. Bệnh có tính gia đình.
6. Bệnh thiếu hụt miễn dịch tế bào
a. Hội chứng Wiskott - Aldrich
Đây là bệnh rối loạn di truyền lặn, do Aldich mô tả 1954.
Bệnh có đặc điểm là giảm tế bào lympho trong hầu hết các trường hợp, có thể phối hợp với tăng tế bào lưới đệm (stromal reticulum), một số có bất thường về Lympho T. Ngoài ra các globulin miễn dịch bình thường hoặc gần bình thường, IgM có thể hơi giảm, IgA hơi tăng. Các kháng thể kháng nhóm máu A & B trong huyết thanh có thể ở mức thấp.
Đặc điểm của bệnh: Giảm tiểu cầu, Eczema trong những năm đầu đời (1 tuổi), thường sau đó kèm theo hen phế quản, viêm phế quản và dễ bị nhiễm trùng hô hấp. Một số có thể chết do nhiễm trùng phế cầu. Trong các báo cáo chỉ thấy xảy ra ở các cháu trai, mà đa số chết trong năm đầu do nhiễm trùng nặng. Số sống sót qua 1 tuổi, sau này cũng dễ bị chết do nhiễm trùng máu với nhiều loại vi trùng. Có trẻ bị u lympho lưới. Cá biệt có trường hợp nhẹ hơn cũng chỉ sống đến 24 tuổi.
b. Bệnh bất sản tuyến ức di truyền (Hereditary Thymic Aplasia) Đây là một bệnh miễn dịch có tính di truyền lặn, gặp cả hai giới
nam và nữ. Cơ sở của bệnh là sự bất sản của tuyến ức từ trong bào thai. Tổ chức Lympho giảm và vắng mặt. Xét nghiệm Lympho máu giảm trong hầu hết các ca vì thế suy giảm khả năng đáp ứng với tăng mẫn cảm muộn, vô gamma globulin huyết, một số giảm gamma globulin huyết. Vì thế có thể coi là thiếu hụt miễn dịch hỗn hợp.
Triệu chứng lâm sàng: Trẻ chậm lớn, có hội chứng “Runting” (còi cọc). Dễ bị nhiễm trùng họng, ngoài da, đi lỏng, và phế quản phế viêm. Hay mắc Pseudomonas hoặc pseudocystic, virut, Monilia. Thường không sống quá 2 tuổi.
c. Hội chứng De George (Đi Giooc)
Đây là bệnh mất tuyến ức bẩm sinh và bất sản tuyến cận giáp. Khuyết tật xảy ra vào tháng thứ 3 - 4 của bào thai.
Biểu hiện: Có bất thường ở mặt, tai, mũi và đôi khi ở tim mạch.
Cơn Tetani xảy ra vào những ngày đầu mới đẻ. Thời kỳ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng. Globulin miễn dịch bình thường, nhưng miễn dịch tế bào suy giảm, không đáp ứng với tăng mẫn cảm muộn. Do thiếu hụt miễn dịch tế bào di truyền, nên ở những bệnh nhân này nếu tiêm BCG phòng lao có thể gây tai biến tử vong.
7. Hội chứng bất động lông mao
Bình thường nhung mao chuyển động ngược lại với phế quản, tức là chuyển động từ trong ra ngoài, tạo nên khả năng thanh lọc nhung mao của đường thở, để bảo vệ cho nhu mô, không cho vi trùng và dị vật xâm nhập vào nhu mô phổi.
Đây là một bệnh di truyền do rối loạn nhiễm sắc thể lặn. Bệnh có khuyết tật cấu trúc cơ quan vi ống của tế bào biểu mô nhung mao phế quản và tinh trùng. Vì vậy nó làm giảm khả năng thanh lọc nhầy của nhung mao. Ở nam giới gây vô sinh, ở nữ giới khả năng sinh sản giảm.
Biểu hiện:
- Ho khạc đờm nhầy mủ.
- Hay có viêm xoang, viêm tai.
- Đảo lộn phủ tạng chiếm 50%.
Vì vậy hội chứng Kartagener còn được coi là một phó type của hội chứng bất động lông mao. (Hội chứng Kartagener = đảo lộn phủ tạng + viêm xoang hàm + giãn phế quản).
- Hay tắc mũi, chảy nước mũi, polyp mũi.
- Hay có giãn phế quản, viêm phế quản mãn.
- Ngón tay dùi trống.
Chẩn đoán:
Sinh thiết niêm mạc mũi hoặc phế quản. Soi kính hiển vi điện tử phát hiện có rối loạn cấu trúc nhung mao.
Điều trị:
- Lưu thông đờm, cho khạc đờm ra ngoài.
- Kháng sinh dựa vào cấy đờm.
- Nếu giãn phế quản khu trú thì có chỉ định mổ cắt ổ giãn (giãn phế quản lan tỏa đương nhiên không mổ được).