Chronic obstructive pulmonary disease (COPD)
I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (viết tắt tiếng Anh là COPD) có đặc điểm là hạn chế lưu lượng thở dai dẳng, tiến triển và thường kết hợp với viêm mạn tính ở đường thở và nhu mô phổi do các hạt nhỏ (particles) và khí độc hại. Những đợt cấp tính và bệnh lý đi kèm góp phần làm cho bệnh nặng lên.
Chưa có thống kê toàn diện ở Việt Nam, nhưng số người vào viện vì những đợt tiến triển cấp tính của COPD là rất cao. Trên thế giới COPD là một trong những nguyên nhân hàng đầu về bệnh tật và tử vong, một gánh nặng rất lớn về kinh tế và xã hội. Bệnh đang tăng lên hàng năm.
II. NGUYÊN NHÂN
1. Yếu tố cá thể
Nam giới bị nhiều hơn nữ giới.
Người có thiếu hụt Alpha1- Antitrypsin. Đây là chất ức chế men phân giải đạm lưu hành trong máu.
Do khuyết tật của phổi trong quá trình phát triển từ lúc bào thai, khi mới đẻ đến lúc trưởng thành.
Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn nhiều lần, nhất là khi nhỏ tuổi.
2. Yếu tố môi trường
Khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây nên COPD.
Ô nhiễm môi trường: Khói nhà máy, lò cao, khói bếp; các loại bụi: bụi silic, bụi than, bụi đá, bụi xi măng; các hóa chất độc hại ở các nhà máy, các kim loại nặng…
III. TRIỆU CHỨNG
1. Đối tượng: Hay gặp ở nam giới tuổi từ 50 - 60 trở lên. Có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Người hút thuốc sớm có khi 40 tuổi đã bị.
2. Triệu chứng cơ năng
Ho và khạc đờm nhiều năm. Lúc đầu ho vào sáng sớm, ho thỉnh thoảng vài ba ngày, về sau ho cả ban ngày và ho thường xuyên hơn.
Khạc đờm, lúc đầu đờm nhầy trong, về sau đờm đục nhầy mủ, nhất là những đợt bùng phát.
Khó thở xuất hiện âm thầm. Lúc đầu bệnh nhân không để ý, về sau thấy khó thở khi vận động mạnh như leo thang gác hoặc chạy bộ. Dần dần thấy thở rít, đau tức ngực.
Những bệnh nhân bị môi tím, hay có đợt bùng phát, chóng suy hô hấp, suy tim, tâm phế mãn sớm, là những bệnh nhân thuộc type B.
Những bệnh nhân ho và khạc đờm ít hơn nhưng lồng ngực giãn nở hình thùng, khó thở nhưng môi vẫn hồng, tâm phế mãn muộn hơn, là những bệnh nhân thuộc type A.
3. Triệu chứng thực thể
Giai đoạn sớm: Triệu chứng chủ yếu chỉ thấy loáng thoáng ran rít, ran ngáy rải rác hai bên phổi. Nhưng rất giá trị nếu phát hiện ở những người thuộc đối tượng nêu trên. Bác sỹ phải cảnh báo họ bỏ thuốc ngay và phải đưa vào diện theo dõi.
Về sau các triệu chứng rõ hơn:
Lồng ngực giãn hình thùng, di động kém. Gõ vang, nghe rì rào phế nang giảm. Tiếng tim mờ.
Nếu nặng thì có rút lõm trên ức, trên đòn, rút lõm các cơ liên sườn.
Ran rít ran ngáy đầy hai phổi. Có thể có ran ẩm, ran nổ. Type B nghe phổi ồn ào. Type A phổi yên tĩnh hơn, ít ran.
Dấu hiệu Campbell: Khi bệnh nhân hít vào, nhìn thấy khí quản trên xương ức tụt xuống và co ngắn lại.
Dấu hiệu Hoover: Khi bệnh nhân thở vào, phần đáy hai bên lồng ngực co hẹp lại (ngược với người bình thường) do cơ hoành co lại.
Nếu có suy tim phải:
Phù mặt phù hai chân.
Gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
Phản hồi gan - tĩnh mạch cổ dương tính.
Dấu hiệu Harger dương tính.
Tiếng tim T2 vang mạnh ở huyệt động mạch phổi.
Đợt tiến triển cấp tính:
Sốt trên 380C, ho khạc đờm tăng lên, đờm nhầy mủ. Khó thở tăng trên 25 lần/phút, khó thở nổi bật, rút lõm các cơ hô hấp phụ. Tím tái tăng, phù hai chi dưới, nhịp tim trên 110 lần/phút. Dáng vẻ chậm chạp, phờ phạc, lờ đờ.
4. Xét nghiệm cận lâm sàng
- X-quang phổi: Type B chủ yếu là hình ảnh phổi bẩn, phổi tăng sáng, các mạch máu ngoại vi thưa thớt. Type A: Khoang gian sườn giãn rộng, nằm ngang. Cơ hoành dẹt xuống, hạ thấp. Bóng tim nhỏ lại và dài ra. Khoảng sáng sau xương ức và sau tim tăng lên.
- Chức năng hô hấp: FEV1 giảm, Tỷ số FEV1/VC giảm, FEF 25 - 75 giảm, RaW tăng, RV tăng.
Khí máu: PaO2 giảm, SaO2 giảm, PaCO2 bình thường hoặc tăng.
Điện tim: Dầy nhĩ phải (sóng p cao nhọn trên 2,5mm), dầy thất phải (Rv5 + Sv1 > 11mm).
- Siêu âm Dopler: áp lực động mạch phổi > 25mmHg.
- CT: Khí phế thũng trung tâm tiểu thùy hoặc khí phế thũng đa tuyến nang.
- Soi phế quản: Niêm mạc phế quản dầy, tăng tiết dịch nhầy, thay đổi mẫn cảm với ho, hình ảnh viêm với 3 mức độ: xung huyết đỏ, dầy mất vòng sụn, phế quản bị xoắn. Qua soi phế quản ta có thể hút dịch phế quản xét nghiệm vi trùng, sinh thiết phế quản chẩn đoán mô bệnh.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Kháng sinh. Những vi khuẩn thường gặp ở Việt Nam: Tụ cầu, phế cầu, Hemophilus Influenzae. Kháng sinh thường dùng:
Lincomycin + Gentamycin
Cefalojec + Gentamycin
Claforan + Peflacin
2. Thuốc giãn phế quản:
Ventolin dạng xịt, Berodual dạng xịt, Seretide dạng xịt.
Các thuốc giãn phế quản dạng khí dung dùng cho máy khí dung.
3. Thuốc long đờm: Mucitux, Mucomyst, Mucosolvan.
4. Corticoide: Prednisolon, Solu-Medrol.
5. Thở oxy ngắt quãng (Bệnh nhân nặng nên có bình oxy tại nhà).
6. Những trường hợp cần điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực: Điều trị tích cực vẫn không đỡ khó thở.
Hội chứng não - hô hấp: lú lẫn, ngủ gà ngủ gật (do suy hô hấp)
Toan máu pH < 7,3.