I. ĐẠI CƯƠNG
Các phế nang bình thường vẫn có tính chất đàn hồi, nở ra co lại rất nhịp nhàng. Khi thành phế nang bị tổn thương, tính đàn hồi đó bị mất, do đó nó chỉ nở ra và không co lại được.
Khí phế thũng là bệnh giãn thường xuyên, vĩnh viễn, không hồi phục các khoang khí phía dưới tiểu phế quản tận cùng, do tổn thương phá hủy không hồi phục các thành phế nang và tiểu phế quản hô hấp.
Cần phân biệt khí phế thũng (emphysema) với giãn phổi (distantion). Giãn phổi chỉ mang tính tạm thời, có hồi phục, ví dụ: hen phế quản trong cơn, giãn phổi bù.
II. NGUYÊN NHÂN
- Hen phế quản gây khí phế thũng type A.
- Viêm phế quản mãn gây khí phế thũng type B.
- Lao xơ phổi, bệnh bụi phổi (nhất là silicosis) gây khí phế thũng cạnh tổn thương xơ.
- Thiếu hụt alpha1 antitrypsin, bệnh có tính di truyền, trạng thái đồng hợp tử kiểu hình ZZ, hoặc dị hợp tử kiểu hình Mx. Bệnh có thể gây khí phế thũng nặng ở người trẻ tuổi.
- Biến dạng lồng ngực, những người thổi thủy tinh, thổi kèn, người già.
III. PHÂN LOẠI
1. Khí phế thũng (KPT) toàn tiểu thùy, hay KPT đa tuyến nang, Khí phế thũng type A (Ashthma), KPT type PP (Pink Puffer) (type khó thở môi hồng).
2. Khí phế thũng trung tâm tiểu thùy, hay KPT trung tâm tuyến nang, KPT type B (Bronchitis), Khí phế thũng type BB (Blue Bloater) (type tím tái mặt xị).
3. Khí phế thũng cạnh tổn thương xơ (do lao xơ, bệnh bụi phổi silicosis, xơ phổi kẽ).
IV. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1. Khí phế thũng type A
Toàn thân gầy, môi hồng, không tím tái.
Khó thở nhiều, nhất là khi gắng sức, tiếng nói bị ngắt quãng do khó thở.
Khạc đờm ít.
Khám phổi: Lồng ngực nở to, trên dưới bằng nhau gọi là “lồng ngực hình thùng”, lồng ngực di động kém, nở cả phía trước và phía sau trông gù đi. Gõ vang trong, nghe rì rào phế nang giảm, rất ít tạp âm nên có vẻ “phổi yên tĩnh”.
Bệnh chậm tiến đến tâm phế mãn.
2. Khí phế thũng type B
Toàn thân: mặt xị ra, môi tím, có thể thấy ngón tay dùi trống.
thở, ho và khạc đờm nhiều hơn.
Khám phổi: lồng ngực giãn nhẹ, không có hình thùng, nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy khắp hai phổi nên thấy “phổi ồn ào”.
Bệnh nhanh tiến triển đến tâm phế mãn.
Bảng so sánh hai loại KPT:
V. CẬN LÂM SÀNG
1. X-quang
Khoang liên sườn giãn rộng, các xương sườn nằm ngang.
Hai phế trường tăng sáng, mạng lưới phổi thưa thớt.
Cơ hoành hạ thấp và dẹt xuống.
Bóng tim trông nhỏ lại và dài ra (KPT type A).
Hình phổi bẩn (KPT type B).
2. Chức năng hô hấp
Thể tích khí cặn RV tăng, dung tích toàn phổi TLC tăng, độ bão hòa ô-xy SaO2 giảm, khuếch tán ô-xy DLO2 giảm, sức nở phổi Compleance giảm, rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục FEV1 giảm, Vmax giảm, FEV1/VC giảm, sức cản đường thở RaW tăng, test phản hồi âm tính (Sau khi tiêm Synthophylin FEV1 < 15%), thông khí phế nang VA giảm nếu 70% nhu mô phổi bị phá hủy.
3. Xét nghiệm máu:
Hồng cầu tăng (trong KPT type A là chính), Hematocrit tăng.
Điện tim: Dầy nhĩ phải, dầy thất phải, chủ yếu gặp trong KPT type B, do sớm bị tâm phế mãn.
VI. PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ
A. Dự phòng - Bỏ thuốc lá, thuốc lào. Tránh bụi.
Điều trị tốt hen phế quản.
B. Điều trị
Kháng sinh chống nhiễm trùng phế quản. Chọn kháng sinh thích hợp. Dùng đường uống hoặc đường tiêm. Đối với type B, trong mùa đông: kháng sinh từng đợt 10 ngày/tháng x 6 tháng.
Chống khó thở: Salbutamol, theophyllin, Ipratropium Bromid.
Long đờm: Mucitux, mucosolvan, tiêu nhầy alpha chymotrypsin.
Corticoid liều thấp, đợt ngắn.
Cortancyl 20mg/ngày, sau đó giảm liều dần rồi cắt.
Tập thở bụng để đẩy khí cặn ra.
Điều trị biến chứng nếu có như: suy hô hấp (thở ô-xy), suy tim phải (điều trị suy tim).