I. ĐẠI CƯƠNG
Giãn phế quản là bệnh giãn thường xuyên, không hồi phục các phế quản trung bình từ cấp 4 đến cấp 8, do tổn thương các cấu trúc: cơ, sợi chun, sụn của thành phế quản, kèm theo bít tắc hoàn toàn các nhánh phế quản dưới chỗ giãn.
Không coi là bệnh giãn phế quản trong một số trường hợp sau: Giãn phế quản có hồi phục trong một số bệnh cấp tính.
Giãn các phế quản nhỏ trong viêm phế quản mãn, khí phế thũng. Giãn các tiểu phế quản tận trong xơ phổi kẽ.
II. NGUYÊN NHÂN
- Viêm hoại tử thành phế quản. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, quyết định nhất. Viêm nhiễm làm cho quá trình chống đỡ của thành phế quản bị giảm đi. Thông thường do căn nguyên nhiễm khuẩn hàng đầu. Tác nhân hóa chất, trào ngược dạ dày… ít gặp hơn.
- Chít hẹp phế quản: u carcinoide trong lòng phế quản, lao phế quản, lao hạch cạnh khí quản. Phía dưới chỗ chít hẹp dễ bị nhiễm khuẩn, đồng thời áp lực nội phế quản tăng gây giãn phế quản. Nguyên nhân này hay gây giãn phế quản cục bộ.
- Tổn thương xơ hóa quanh phế quản, co kéo gây giãn phế quản: lao xơ hang, lao xơ phổi, áp xe phổi mãn tính. Nguyên nhân này gây giãn phế quản cạnh tổn thương xơ.
- Căn nguyên bẩm sinh ít gặp hơn: Hội chứng Kartagener, Hội chứng Muonier-Kuhn, Hội chứng Young, Hội chứng William-Campbell…
III. TRIỆU CHỨNG
1. Triệu chứng toàn thân
Hay gặp ở nữ giới nhiều hơn nam. Khởi đầu sớm trước 20 tuổi, hay có ngón tay dùi trống. Thể trạng chung vẫn tốt, mặc dù có ho ra máu nhưng không gầy sút cân, không sốt (trừ những đợt bội nhiễm).
2. Triệu chứng cơ năng
Ho và khạc đờm nhưng khạc đờm là chủ yếu. Đờm rất nhiều, số lượng 200 - 400ml/24h. Đờm nhầy mủ và lẫn bọt. Đờm nhiều vào buổi sáng, để vào một cái cốc thủy tinh, đờm lắng thành 4 lớp, tính từ dưới lên: mủ, thanh dịch, nhầy, bọt.
Hay có ho ra máu, mức độ nhẹ, vừa hay nặng. Giãn phế quản thể khô hay gặp ho ra máu hơn nhưng lại ít khạc đờm.
Khó thở xuất hiện khi có những đợt cấp, có co thắt phế quản ở bệnh nhân giãn phế quản liên tục. Khi có khó thở thì tiên lượng đã xấu.
3. Triệu chứng thực thể
Nghe phổi ở nền phổi có ran nổ và ran ẩm ở một bên hoặc cả hai bên, vị trí nghe thấy thường hằng định. Có khi thấy ran rít, ran ngáy nhưng ít hơn, ran nổ, ran ẩm vẫn là chủ yếu.
Bệnh nhân có những đợt viêm phổi tái diễn, điều trị kháng sinh thì hết. Sau đó vẫn có thể bị lại.
4. Xét nghiệm
Chụp phim X-quang phổi chuẩn: cho biết những hình ảnh gián tiếp của ổ giãn.
Chụp CT rất hữu ích vì nó là phương pháp không xâm nhập.
Chụp phế quản cản quang là biện pháp chẩn đoán quyết định vì nó giúp ta biết vị trí và hình thù ổ giãn. Ngày nay người ta chụp phế quản cản quang khi có chỉ định mổ. Chụp xong, có kết quả thì mổ luôn.
Soi phế quản giúp ta lấy bệnh phẩm tìm nguyên nhân tại chỗ.
Chụp động mạch phế quản: áp dụng khi có ho ra máu nặng hoặc dai dẳng.
5. Tiến triển và biến chứng
Giãn phế quản là một bệnh mãn tính, không hồi phục được. Nếu không được điều trị thì các ổ giãn sẽ lan rộng ra. Bệnh tiến triển kéo dài, có những đợt cấp tính do bội nhiễm. Dần dần nhiễm khuẩn trở nên khó điều trị, các đợt bội nhiễm làm cho bệnh nặng lên, xuất hiện khó thở.
Ho ra máu rất hay tái phát. Có khi ho ra máu nặng, đe dọa tính mạng. Tiên lượng kém nếu là giãn phế quản lan tỏa ở nhiều thùy, có bội nhiễm, suy hô hấp mãn, suy tim phải.
Biến chứng toàn thân: Amiloidosis (thoái hóa dạng tinh bột ở thận, gan, lách).
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Nội khoa
Khi bệnh nhân khạc đờm mủ, cho bệnh nhân khạc đờm ra bằng cách: Thuốc long đờm Nabenzoat, Mucomyst, Mucosolvan. Khí dung phun mù nước muối ấm nếu đờm đặc quánh. Thuốc tiêu nhầy Alpha Chymotrypsin. Dẫn lưu đờm theo tư thế, vỗ rung. Làm như thế cho đến khi đờm trong trở lại mới thôi.
Điều trị kháng sinh các đợt bội nhiễm. Chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ là tốt nhất. Kháng sinh đường tiêm, uống, khí dung 10 - 15 ngày cho đến khi hết sốt, đờm trong.
Các vi khuẩn hay gặp là: Staphylococcus aureus, Streptococus pyogen, Hemophylus influenzae, Streptococcus pneumonia, vi khuẩn Gram (-) khác. Các kháng sinh thường phối hợp:
Lincomycin + Gentamycin
Claforan + Nebcin
Kháng sinh nhóm Cephalosporin + Kháng sinh nhóm Quinolon. Nếu có ho ra máu thì điều trị ho ra máu: Transamin viên hoặc tiêm. Điều trị khó thở: Theostat viên, Ventolin hít hoặc khí dung.
2. Điều trị ngoại khoa
Hiện nay ít làm vì điều trị nội khoa đã tiến bộ rất nhiều.
Chỉ định: Giãn phế quản cục bộ. Ho ra máu nặng đe dọa tính mạng. Phương pháp: cắt phân thùy hoặc thùy phổi.