I. Đặc điểm
Bệnh truyền nhiễm là bệnh có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, một số lây truyền từ động vật, côn trùng sang người. Nhiều bệnh có thể phát triển thành dịch.
Có 4 yếu tố làm phát sinh bệnh là:
1. Mầm bệnh
Là nguyên nhân gây bệnh, thường là vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Ngoài ra có thể là ricketsia, nấm. Vi khuẩn có thể là vi khuẩn gram (+) hoặc vi khuẩn gram (-).
2. Nguồn bệnh
Người bệnh, người lành mang trùng, động vật, hoặc côn trùng. Một số bệnh có ổ dịch thiên nhiên.
3. Đường lây
Đường tiêu hóa.
Đường hô hấp.
Đường máu.
Đường da và niêm mạc.
Đường khác (ví dụ: đường sinh dục, mẹ sang con…).
4. Sức cảm thụ
Là những đối tượng cảm thụ với bệnh, tức là những người, những lứa tuổi dễ bị bệnh nhất. Để dễ hiểu và dễ nhớ chúng tôi gọi là người cảm thụ.
II. Tiến triển của bệnh
1. Thời kỳ nung bệnh, hay ủ bệnh
Từ lúc mầm bệnh vào cơ thể đến trước khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì. Thời kỳ này có thể ngắn (hàng giờ), có thể dài (hàng tháng).
2. Thời kỳ khởi phát
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện. Thường có 2 kiểu khởi phát là từ từ và đột ngột. Triệu chứng hay gặp nhất là sốt.
3. Thời kỳ toàn phát
Bệnh phát triển rầm rộ nhất, đầy đủ các triệu chứng nhất, và hay gặp biến chứng nhất. Tất nhiên đây là thời kỳ nặng nhất của bệnh.
4. Thời kỳ lui bệnh
Mầm bệnh và độc tố của chúng dần dần được loại trừ ra khỏi cơ thể (Do sức chống đỡ của cơ thể và do tác động của các biện pháp điều trị). Các triệu chứng giảm dần và mất đi. Bệnh nhân thấy đỡ dần.
5. Thời kỳ hồi phục
Các cơ quan bị tổn thương dần dần bình phục và hoạt động bình thường trở lại. Bệnh nhân nghỉ ngơi một thời gian rồi làm việc bình thường. Một số bệnh để lại di chứng.
III. Chẩn đoán
1. Yếu tố dịch tễ
Là yếu tố gợi hướng cho chẩn đoán:
- Những người tiếp xúc với bệnh nhân, những người cùng sống với bệnh nhân, có ai đã mắc bệnh được chẩn đoán bệnh truyền nhiễm gì không.
- Động vật nơi đang sống có gì đặc biệt (ví dụ chuột, trâu bò, chó mèo, gà, chim…).
- Khu vực đang sống hoặc công tác có dịch đang lưu hành (sốt rét, dịch cúm, dịch tả…).
2. Triệu chứng lâm sàng
Dựa vào các triệu chứng nổi bật và đặc trưng của từng bệnh. Trong thực tế đôi khi đây là yếu tố quyết định, nhất là những nơi không có điều kiện xét nghiệm đầy đủ.
3. Xét nghiệm
- Xét nghiệm không đặc hiệu: Huyết học, sinh hóa, nước tiểu, phân, chẩn đoán hình ảnh…
- Xét nghiệm đặc hiệu.
IV. Điều trị
1. Điều trị đặc hiệu
Là tiêu diệt mầm bệnh: Vi khuẩn, virus, ricketsia, ký sinh trùng, nấm. Thuốc diệt mầm bệnh là kháng sinh, hóa dược hoặc thảo dược. Điều trị đặc hiệu là yếu tố quyết định làm khỏi bệnh.
2. Điều trị theo cơ chế bệnh sinh
Là tác động lên quá trình sinh bệnh nhằm ngăn cản hoặc điều chỉnh những rối loạn bệnh lý trong cơ thể. Đây là biện pháp đặc biệt quan trọng. Nhất là với những bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
3. Điều trị triệu chứng
Làm giảm các triệu chứng, giúp cho người bệnh dễ chịu hơn. Đây là biện pháp hỗ trợ cần thiết.