Tiếp theo Tập 2 - Các vị thần thuộc bộ sách Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam xuất bản năm 2015, đáp ứng mong muốn của nhiều độc giả, chúng tôi tiếp tục ra mắt Tập 3 - Các con vật linh trong năm 2016 này. Đây là một cuốn sách có nội dung không kém phần phức tạp so với Các vị thần và là một nỗ lực tột bậc của chúng tôi để có thể hoàn thành sớm hơn dự định. Ban đầu, tác giả có ý định đặt tên cho tập sách này là Các linh vật. Nhưng sau khi cân nhắc lại các hàm nghĩa vô cùng rộng lớn và trừu tượng của thuật ngữ linh vật trong ngôn ngữ Hán Việt,1 chúng tôi quyết định đặt tên cho tập 3 này là Các con vật linh cho phù hợp với đối tượng nghiên cứu được đề cập trong cuốn sách này là “các con vật có tính chất linh thiêng” trong văn hóa của người Việt.
1 Xem bản thống kê của Trần Trọng Dương về các định nghĩa linh vật trong phần Phụ lục.
Theo các bộ từ điển lớn trên thế giới như Oxford, Merriam-Webster… Vật linh hay con vật linh (holy animal hay sacred animal) là con vật được sử dụng trong các tín ngưỡng thờ động vật (animal worship) thể hiện sự tôn kính con vật thông qua sự kết nối của nó với một vị thần đặc biệt. Ở đây, các vị thần được biểu hiện dưới hình dạng động vật nhưng hoàn toàn không phải là sự thờ phụng chính con vật đó. Thay vào đó, sức mạnh thiêng liêng của vị thần được thể hiện trong mỗi con vật như là hóa thân của chính vị thần này. Chẳng hạn, biểu tượng rắn Naga trong văn hóa Ấn Độ thường được xem là ứng thân của thần Siva trong khi biểu tượng khỉ là của thần Hanuman. Biểu tượng con công gắn với thần Hera trong văn hóa Hy Lạp, trong khi biểu tượng con dê đực được coi là sự hiện diện của thần Pan… Ở Trung Hoa, con rồng là biểu tượng độc tôn của Hoàng đế (Thiên tử - con Trời) trong khi ở Việt Nam, rồng là một con vật linh mang tính cung đình nhưng cũng được sử dụng nhiều trong văn hóa dân gian và được huyền thoại hóa thành truyền thuyết “con rồng cháu tiên”…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong lịch sử văn hóa Việt Nam kể từ giai đoạn nhà Nguyễn trở về trước hầu như không tồn tại thuật ngữ vật linh mà chỉ có linh vật (tiếp thu từ tiếng Hán) và vật thiêng (trong tiếng Việt có hàm nghĩa tương tự linh vật). Vật thiêng có thể là con vật, đồ vật, binh khí, pháp khí, đồ tế tự, gốc cây, tảng đá hay những sự vật, hiện tượng có sẵn trong tự nhiên như mưa, gió, sấm, chớp,… Thậm chí là một không gian thiêng có giới hạn (như một ngôi đền, miếu) hoặc một không gian thiêng không giới hạn bằng các ranh giới cụ thể như vùng đất thiêng - holy land. Thuật ngữ vật linh chỉ mới xuất hiện gần đây trong không gian học thuật của thế kỷ 20 - khi Việt Nam bắt đầu tiếp thu nền khoa học nước ngoài, đặc biệt là ở các nghiên cứu về dân tộc học, nhân học.
Một trong những lý thuyết tôn giáo ra đời ở Phương Tây trong thế kỷ 19, có nhiều ảnh hưởng nhất đến giới nghiên cứu dân tộc học/nhân học Việt Nam thế kỷ 20 (thông qua nghiên cứu tôn giáo) là thuyết vật linh hay vật linh giáo (animism) của Edward Burnett Taylor. Lý thuyết này khi du nhập vào Việt Nam được diễn giải bằng một cái tên Hán Việt vạn vật hữu linh, với hàm nghĩa mọi vật đều có tính thiêng. Tuy nhiên, phổ nhìn animism của Taylor dường như quá rộng với một đối tượng nghiên cứu phức tạp như tôn giáo, tín ngưỡng. Cho tới nay, lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng đã có thêm rất nhiều trường phái lý thuyết mới của nhiều nhà khoa học khác như Freud, Durkheim, Tambiah, van Gennep, Gell… Với nhiều góc nhìn cụ thể hơn, sâu sát hơn. Vì vậy, trong nội dung cuốn sách này chúng tôi không đề cập đến các vật linh với phổ nhìn rộng của Taylor hay linh vật với hàm nghĩa vô cùng rộng lớn trong tiếng Hán mà chỉ tìm hiểu một phần nhỏ trong vô số thành tố của đối tượng nghiên cứu này, đó là các con vật linh trong nền văn hóa Việt Nam.
Trên thực tế, các con vật linh là sản phẩm mang tính phổ quát trong nền văn minh nhân loại, đặc biệt là văn học (dù là văn học truyền miệng hay có chữ viết).
Các con vật linh thường gắn với các huyền thoại, truyền thuyết… Có ở nhiều nền văn hóa trên thế giới từ xưa đến nay. Ở Việt Nam, việc sử dụng các con vật linh trong nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy luật trên.
Trong quá trình giao lưu văn hóa với các nền văn minh lớn trên thế giới như Trung Hoa, Ấn Độ và Phương Tây, nền văn hóa Việt Nam đã tích hợp thêm nhiều giá trị từ các quốc gia đó và Việt hóa các con vật linh có nguồn gốc bên ngoài thành các biểu tượng riêng của mình. Biểu tượng con rồng trong văn hóa cung đình thời Lý hay biểu tượng con kìm, con nghê trong văn hóa dân gian Việt Nam là những ví dụ tiêu biểu. Qua đây, chúng ta có thể định danh các con vật linh là những con vật linh thiêng (có thực hoặc hư cấu) gắn với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư, được thiêng hóa thành những biểu tượng của cộng đồng đó hay nền văn hóa đó (cụ thể ở đây là người Việt với văn hóa Việt Nam).
Bên cạnh các con vật linh, chúng ta cũng thường được nghe tới các linh vật biểu tượng. Vậy linh vật biểu tượng là gì? Theo khảo sát của chúng tôi, cụm từ linh vật biểu tượng mới hình thành gần đây trong xã hội Việt Nam, được sử dụng để chỉ các biểu tượng trong thể thao, các biểu tượng quốc gia, logo của các công ty… Chẳng hạn, linh vật biểu tượng của nước Pháp là Gà trống Gô-loa (thường được dùng trong thể thao), linh vật biểu tượng của đội tuyển bóng đá Anh là sư tử (hay còn gọi là Tam sư), linh vật biểu tượng SEAGAME 23 ở Việt Nam là trâu vàng, logo của Diêm Thống Nhất là chim bồ câu, logo của Merill Lynch là con bò… Một trong những linh vật biểu tượng hiện đại nổi tiếng trên thế giới là biểu tượng Merlion là biểu tượng của quốc gia Singapore với đầu sư tử mình cá.1 Như vậy, có thể gọi linh vật biểu tượng là những linh vật (truyền thống hoặc hiện đại) được biểu tượng hóa thành một linh vật đại diện cho một thể chế (chẳng hạn như một quốc gia) hoặc một thiết chế xã hội (chẳng hạn như một đội bóng, một công ty…).2
1 “Cách đây 50 năm, vào giai đoạn lập quốc, người Singapore muốn tìm kiếm một biểu tượng đại diện cho hình ảnh đất nước vốn còn non trẻ. Nhiều ý tưởng được đưa ra thảo luận, nào là hoa cỏ, chim chóc, cá cảnh... Lúc bấy giờ, một người đàn ông quốc tịch Anh tên là Alec Fraser-Brunner, thành viên của Souvenir Committee, đồng thời quản lý thủy cung Van Kleef, Singapore đã đưa ra ý tưởng kết hợp đầu sư tử và mình cá thành biểu tượng Merlion. Lí do là Singapore ngày xưa vốn là một làng chài có rất nhiều cá, nên Fraser-Brunner vẫn muốn biểu tượng có liên quan đến cá. Hơn nữa, tên gọi của Singapore trước đây là Singapura, theo tiếng Malaysia nghĩa là thành phố sư tử, do hoàng tử Sang Nila Utama khi phát hiện ra Singapore tin rằng mình đã nhìn thấy loài vật này sinh sống tại đây.” Theo Thảo Nghi (2014), “Vì sao linh vật của Singapore có đầu sư tử, mình cá,” trong: http://dulich.vnexpress.net.
2 Công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ban hành ngày 8/8/2014, với nội dung không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam) chưa làm rõ ý nghĩa của các thuật ngữ linh vật, vật linh, vật thiêng, vật biểu tượng, biểu tượng và linh vật biểu tượng. Vì vậy, cụm từ linh vật biểu tượng được sử dụng trong Công văn này chỉ được hiểu một cách tương đối và không đồng nhất với thuật ngữ linh vật biểu tượng mà chúng tôi sử dụng trong cuốn sách này.
Trong khi đó, các con vật linh là những con vật có liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng gắn với đời sống văn hóa tinh thần của con người. Trong nội dung của tập sách này, chúng tôi đã tuyển chọn các con vật linh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam từ xưa tới nay như bò, hạc, nghê, rồng, các linh vật họ rồng, tỳ hưu,... Các con vật linh này có thể đã tồn tại trong văn hóa Việt Nam từ thời Đông Sơn (như bò/bò tót) hoặc được du nhập vào Việt Nam sau này như tỳ hưu, nhưng trên hết, chúng đã được Việt hóa thành các sản phẩm văn hóa mang đặc trưng Việt Nam và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa của người Việt trở thành những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam.
Trên thực tế, hệ thống các con vật linh trong văn hóa truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng nên thật khó để chúng ta có thể thống kê hết. Vì vậy, trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số con vật linh tiêu biểu có ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Việt Nam xưa và nay. Thông qua các đối tượng nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn đưa đến cho bạn đọc một góc nhìn mới và một hướng tiếp cận mới đối với linh vật, vật linh hay các con vật linh biểu hiện qua một số thành tố văn hóa tiêu biểu và là những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam.
Cuối cùng, chúng tôi xin được chuyển lời tri ân sâu sắc đến bạn đọc của Tủ sách nghiên cứu biểu tượng đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong một hành trình gian nan để hoàn thành bộ sách Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi rất mong nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc gần xa để các lần tái bản sau và các tập tiếp theo của bộ sách ngày càng được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, Xuân Bính Thân 2016
Đinh Hồng Hải