1 Xem: Đinh Hồng Hải, Bùi Huy Vọng, ‘’Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội qua tiếp cận khảo cổ học nhân văn”, Thông báo khoa học số 1 (3) 2014 của Trung tâm bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội).
1. Biểu tượng mặt người có sừng ở hang Đồng Nội và vấn đề tiếp cận lịch sử cổ đại
Khi đề cập đến lịch sử Việt Nam, nhiều tài liệu học thuật và sách giáo khoa hiện nay đều đưa những thông tin và hình ảnh về một hình mặt người có sừng ở hang Đồng Nội, Hòa Bình một cách trang trọng coi như một trong những chứng tích cổ xưa nhất về nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ. Tuy nhiên, một số tác giả đã quá “cao hứng” khi cho rằng những hình ảnh trong bức bích họa đó là vật tổ của người Việt hay cụ thể hơn là của cư dân Hòa Bình từ hơn 10.000 năm trước. Điều này thể hiện cách “làm sử” thiếu tính khoa học ở Việt Nam bắt nguồn từ thực trạng thiếu tài liệu nghiên cứu, hoặc sử dụng/vận dụng sai lý thuyết. Việc sử dụng một lý thuyết đã đi vào quên lãng (Vật tổ) để chứng minh một vấn đề cực kỳ hệ trọng có liên quan đến nguồn gốc tổ tiên của người Việt và dân tộc Việt Nam cho thấy các bộ môn khoa học có liên quan ở Việt Nam đã lạc hậu khá xa so với nền khoa học của thế giới. Nghiên cứu này đề cập đến một hướng tiếp cận mới (trong bối cảnh của Việt Nam) với việc vận dụng lý thuyết và sử dụng dữ liệu lịch sử như các hiện vật khảo cổ, mà hình vẽ trên hang Đồng Nội là một ví dụ.
Sẽ không quá lời nếu nói rằng hiện vật khảo cổ chính là bằng chứng quan trọng nhất và cụ thể nhất trong các chứng cứ lịch sử. Tuy nhiên, với các hiện vật khảo cổ có niên đại rất xa so với hiện tại thì việc liên hệ chúng với đời sống đương đại có vẻ như là một “sợi dây” quá dài. Nếu không kết nối được sợi dây đó bằng những nút thắt khả dụng thì sự đứt đoạn là điều khó tránh khỏi. Sự kết nối các hiện vật của văn hóa Hòa Bình với văn hóa Việt Nam hiện nay đang dựa trên một “sợi dây” dài như vậy. Để tìm hiểu văn hóa Hòa Bình hàng chục nghìn năm về trước có mối liên hệ gì với chúng ta hôm nay, nghiên cứu này sẽ tìm nút thắt các đoạn rời rạc của sợi dây đó để thử kết nối văn hóa Hòa Bình với văn hóa đương đại. Đây là một công việc “mò kim đáy bể” nhưng lại là một công việc cần thiết để tìm hiểu lịch sử Việt Nam giai đoạn tiền sử và sơ sử.
Để tiến hành nghiên cứu này, ngoài những cứ liệu lịch sử đã được công bố và những hiện vật khảo cổ đã đào được (đặc biệt là những hiện vật mà M. Colani đã thu thập từ những thập niên đầu thế kỷ 20) chúng tôi sẽ sử dụng một phương pháp tiếp cận mới (trong bối cảnh của Việt Nam) đó là khảo cổ học nhân văn.1
Khảo cổ học nhân văn, theo cách tiếp cận rộng, có liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau tạo nên một hướng tiếp cận liên ngành về khoa học nhân văn. Hướng tiếp cận này đã được nhiều nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau trong khoa học xã hội đề cập đến từ thế kỷ trước. Michel Foucault đã có một cuốn sách (xuất bản năm 1966 tại Pháp, được chuyển ngữ sang tiếng Anh năm 1970) với tên gọi “The Order of Things: An archaeology of the human sciences” (Sự sắp đặt của các vật: Một nghiên cứu khảo cổ về các khoa học nhân văn).2 PGS.TS. Lâm Mỹ Dung (Đại học Quốc gia- Hà Nội) tuy không đề cập đến thuật ngữ này nhưng có ý kiến cho rằng: “Khảo cổ học quan tâm đến mọi lĩnh vực cuộc sống con người trong quá khứ, với tư cách là khoa học nghiên cứu con người, khảo cổ học được xếp vào nhân học (giải thích văn hóa vật thể và phi vật thể bằng những thuật ngữ nhân học), với tư cách là khoa học nghiên cứu quá khứ, khảo cổ học là phần đáng kể của nghiên cứu lịch sử...”3
1 Thuật ngữ tiếng Anh: humanistic archaeology – Xem Huhtamo & Parikka, 2011; Preucel & Mrozowski, 2010; Ojala, 2009; Holtorf, 2007; Forsyth & Tarler, 2006; Vinsrygg, 1988 trong thư mục tài liệu tham khảo.
2 Đây là một trong những cuốn sách được báo Le Monde bình chọn (1999) là 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX. Bản tiếng Pháp: Les Mots et les Choses: Une archéologie des sciences humaines, được dịch là: Từ và Vật: Một khảo cổ học về các khoa học nhân văn (Cao Việt Dũng). Tuy nhiên, cuốn sách này của Foucault đề cập đến một đối tượng hết sức rộng lớn về các khoa học nhân văn dưới góc nhìn “hậu hiện đại” chứ không phải chỉ dành riêng cho khảo cổ, mặc dù tên gọi của cuốn sách dường như đã đặt khảo cổ học như một đối tượng nghiên cứu chính.
3 Xem thêm: Lâm Mỹ Dung, Liên ngành trong nghiên cứu khảo cổ học: Từ lý thuyết đến ứng dụng, trong trang: ttp://baotangnhanhoc.org/vi/index.php?option=com_content&v iew=article&id=1108:lien-nganh-trong-nghien-cu-kho-c-hc-t-ly- thuyt-n-ng-dng-&catid=27:bai-nghien-cu-kho-c&Itemid=35. Trong một cuộc trao đổi với PGS. TS. Lâm Mỹ Dung khi đang tiến hành một chương trình nghiên cứu ở Anh năm 2013, chị có gợi ý cho tôi hướng tiếp cận khảo cổ học biểu tượng. Tuy nhiên, nếu mở rộng vấn đề lý thuyết sẽ vượt quá nội dung của nghiên cứu mang tính sơ khởi này. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn gợi ý của PGS. TS. Lâm Mỹ Dung và sẽ tìm hiểu trong một chuyên khảo khác.
Ở góc độ hẹp, khảo cổ học nhân văn nhằm chỉ một trào lưu khảo cổ học phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ 20, còn có tên gọi là Hậu khảo cổ học quy trình (Post- Processual Archeology, phân biệt với Khảo cổ học quy trình là Processual Archeology1), hoặcKhảo cổ học diễn giải - interpretative archaeologies (Julian Thomas, 2000). Ban đầu, đây là một sự phản ứng đối với nguyên tắc của Khảo cổ học quy trình, bằng nhiều quan điểm lý thuyết khác nhau như một cách tiếp cận “hậu hiện đại” đối với khoa học xã hội nói chung và khảo cổ học nói riêng. Hướng tiếp cận này nhấn mạnh quan điểm bản địa về cách giải thích quá khứ, nhận thức vai trò xã hội của loài người để tìm hiểu quá khứ.2
1 Khảo cổ học quy trình (tiến trình hay quá trình) là tiến trình nghiên cứu điều tra cách thức con người tạo tác các đồ vật và quá trình các đồ vật bị phân hủy. Xem: http://archaeology.about.com/od/pterms/g/processual.htm. Phương pháp này đã được sử dụng từ giai đoạn phát triển ban đầu của khảo cổ học.
2 Định nghĩa này chúng tôi tóm lược từ trang: http://www.southwestlearning.org/topics/history-southwestern-archeology. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ không đi sâu vào phương pháp luận của khảo cổ học mà chỉ mượn tên gọi này để gợi mở một hướng tiếp cận mới đối với biểu tượng người có sừng trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam.
Qua đó có thể thấy rằng khảo cổ học nhân văn là một phương pháp hỗ trợ đắc lực cho các nhà nghiên cứu trong trường hợp họ không có đủ các cứ liệu lịch sử thành văn cũng như các thông tin có liên quan đến các hiện vật khảo cổ. Áp dụng phương pháp này chúng ta có thể có thêm được một phương pháp lý giải các thành tố văn hóa bản địa bằng chính những hiện vật khảo cổ học đã được khám phá và các thông tin có liên quan đến chúng để đưa ra những kiến giải về lịch sử cổ đại.
H1. Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội
(Ảnh Lê Quốc Khánh, Bảo tàng Hòa Bình)
2. Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội qua cách lý giải cũ
Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội là những hình khắc trên đá do Madeleine Colani phát hiện tại vách hang Đồng Nội, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, công bố vào năm 1927. Đây là một hình khắc có một mặt thú1 và ba mặt người. Các hình thú và người ở đây đều có khắc cặp sừng trên đỉnh đầu. “Năm 1994, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng với một số chuyên gia của Vụ Kỹ thuật là những người đã phục chế lại bức bích họa đó để trưng bày tại Bảo tàng, tổ chức đi tìm lại hang Đồng Nội. Sau bao ngày vất vả, lặn lội leo trèo khu vực đồi núi xã Đồng Tâm, đoàn đã tìm được hang, nhưng tiếc thay toàn bộ nền hang và vòm trần đã bị một đơn vị công binh thuộc quân khu III cải tạo lại làm kho quân dụng. Những hình khắc trên chiếc chuông đá và hình khắc trên vách hang đã bị đập phá tan tành không còn lại dấu tích” (Đoàn Thị Nữ 2013).
1 Về “mặt thú” này, chúng tôi vẫn chưa khẳng định đây là mặt thú với đôi mắt và cặp sừng, hay cũng là mặt người có sừng với hai vòng tròn biểu tượng ở phía trên. Vì vậy, chúng tôi chỉ gọi bằng một cái tên chung là biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội trong nghiên cứu này.
Gần một thế kỷ sau khi Colani công bố công trình nghiên cứu gây chấn động giới học thuật thế giới và chính thức đặt tên cho một nền văn hóa có tên gọi quốc tế là Văn hóa Hòa Bình (Hoabinhian), sự lý giải về biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội trong giới khoa học Việt Nam vẫn gần như dậm chân tại chỗ với khái niệm Vật tổ. Theo cách lý giải trong Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội (tr.24-26): “chúng giống như những hình nửa người, nửa thú, nó còn mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng. Đó là tôn giáo thờ vật tổ (To-tem giáo). Tôn giáo này ra đời trong xã hội thị tộc của mình như: “Thị tộc Hươu”, “Thị tộc Gấu”, “Thị tộc Trâu”… Ngày nay, chúng ta còn thấy dấu vết tàn dư này ở những quy định “cấm kỵ” của một số dân tộc miền núi nước ta. Chẳng hạn ở người Mường (Hòa Bình), một số họ Bạch, họ Quách kiêng ăn thịt trâu trắng, một số họ khác không ăn thịt khỉ. Người Tày không ăn thịt trâu, thịt chó… Tục thờ trâu còn ở một số vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Trên mộ táng, người ta thường khắc hình đầu trâu (…). Như vậy, những hình khắc trên vách đá ở hang Đồng Nội cho phép ta suy đoán rằng những cư dân nguyên thủy ở đây có thờ vật tổ. Vật tổ của họ là một loại ăn cỏ, có thể là hươu hay trâu vì trên mặt có sừng.”
Cách lý giải trên đây bắt nguồn từ những sai lầm căn bản về lý thuyết tiếp cận, đặc biệt là ở Việt Nam chúng ta luôn thiếu tài liệu dịch.1 Khái niệm Vật tổ (totem) được John K. Long đề cập đến lần đầu tiên ở Anh vào năm 1791. Tầng lớp thượng lưu ở châu Âu vào giai đoạn này đang sống trong một xã hội được coi là văn minh nhất thế giới, chợt nhận ra một điều gì đó rất mới mẻ ở các bộ lạc mà họ cho là nguyên thuỷ và “man rợ” qua cuốn sách của John K. Long. Những người thuộc giai cấp thượng lưu này có cả nhà buôn, bác sĩ, kỹ sư, nhà chính trị, nhà khoa học… và một nhà tộc người học người Scotland là John F. Mac Lennan đã chính thức đưa danh từ Vật tổ vào từ điển khoa học mà không qua kiểm chứng thực tế. Kể từ đây bắt đầu một giai đoạn nghiên cứu Vật tổ rầm rộ của các nhà tộc người học. Với sự góp mặt của những tên tuổi lớn như E. Tylor, J. Frazer, S. Freud, E. Durkheim... Vật tổ đã trở thành một trào lưu nghiên cứu phổ biến về một loại tín ngưỡng phổ quát đại diện cho “tôn giáo nguyên thủy” (Dortier 2004).
1 Trên thực tế, nếu chúng ta đã đọc cuốn Vật tổ và cấm kỵ (Totem and Taboo) của S. Freud thì ít nhất phải đọc thêm một số cuốn sách quan trọng như Thuyết vật tổ (Totemism) của Levi-Strauss, Thăm dò tiềm thức (Esai d’exploration de l’inconscient) của Jung… xuất bản sau đó với một số quan điểm mang tính phản biện. Nhưng ở Việt Nam, gần một thế kỷ sau cuốn Vật tổ và Cấm kỵ mới được dịch (cùng với cuốn Văn hóa nguyên thủy của E. Taylor). Cuốn sách này ít nhiều đều liên quan hay ủng hộ quan điểm Vật tổ và đều xuất bản trước cuốn Thuyết Vật tổ của Levi- Strauss (cuốn sách này của Levi-Strauss cho đến nay vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt). Vì vậy, một số quan điểm đã lỗi thời tới gần một thế kỷ của Freud và Taylor vẫn mặc nhiên được xem như “kim chỉ nam” trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong thế kỷ XXI chỉ vì thiếu tư liệu (dịch).
Sự ảnh hưởng của thuyết này sau đó đã phát triển ở mức độ toàn cầu với nhiều cuốn sách viết về Vật tổ và văn hóa có liên quan đến Vật tổ. Tất cả những cuốn sách này đều viết rất hấp dẫn và bán rất chạy bởi chúng không chỉ cuốn hút giới khoa học mà còn cả giới bình dân muốn thỏa trí tò mò bởi những điều “mới và lạ”có trong nội dung các cuốn sách này.1 Tuy nhiên, khái niệm Vật tổ đã dần bộc lộ tính phi lí của nó khi ngày càng có nhiều nhà khoa học thâm nhập sâu vào đời sống mang tính "nguyên thủy" của các bộ lạc thổ dân ở châu Mỹ, Australia hay Nam Thái Bình Dương. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 tới nay, các nhà khoa học trên thế giới đã dần phủ nhận sự tồn tại của Vật tổ và tín ngưỡng thờ Vật tổ. Theo đó, cái gọi là Vật tổ chỉ là một cách định danh trong phân loại xã hội học mà thôi.2 Trước sự thiếu cập nhật lý thuyết của nhiều nhà khoa học Việt Nam, gần đây Jean-Francois Dortier đã tái khẳng định rằng: “Sau khi giữ một vai trò lớn, thờ Vật tổ đã bị vứt bỏ, bị đưa xuống hàng những ảo giác về quá khứ. Một ảo giác khoa học cho thấy rằng các nhà tộc người học cũng có những tín ngưỡng và huyền thoại của họ”(Dortier 2004, 2009).
1 Một giả thuyết gây ảnh hưởng lớn nhất về thuyết vật tổ là Phức cảm Oedipe (Oedipus complex) của S. Freud. Theo đó, những người con trai trong xã hội nguyên thủy hợp nhau lại giết người cha để giành lấy người mẹ và những người phụ nữ khác của ông ta. Sau khi giết cha và ăn thịt ông ta, họ có mặc cảm tội lỗi và hối lỗi bằng cách tôn người cha thành một biểu tượng tôn giáo, đó là Vật tổ (Totem). Theo Freud, tục thờ vật tổ trong các xã hội nguyên thủy là sự lặp lại kịch bản ấy.
2 Về cách định danh này, Claude Levi-Strauss đã đề cập qua cuốn Thuyết Vật tổ của ông xuất bản năm 1962 bằng tiếng Pháp, bản tiếng Anh: Totemism (qua bản dịch của Rodney Needham) được phát hành tại Boston, Hoa Kỳ, do Nhà xuất bản Beacon ấn hành. Có thể xem thêm một số tài liệu đã được dịch ra tiếng Việt như Thăm dò tiềm thức, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Bản đồ tâm hồn con người của Jung trong thư mục tài liệu tham khảo để có một cái nhìn chung nhất về các quan điểm phản biện Vật tổ.
3. Biểu tượng người có sừng qua cách tiếp cận khảo cổ học nhân văn
Như vậy, cho tới nay, cách “lý giải khoa học” về biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội vẫn chỉ là một sự mặc định về một Vật tổ của cư dân Hòa Bình. Để xóa bỏ sự mặc định này, chúng tôi hướng sự quan tâm của mình đến những nút thắt cần được tìm hiểu và giải mã. Công việc đầu tiên của chúng tôi làm là thống kê những di vết khảo cổ học nhân văn (với một số di vết đang tồn tại trong văn hóa Mường) có liên quan đến biểu tượng người thú và sau đó là lý giải một phần những yếu tố có liên quan này:
a. Các di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình đa phần là những khu vực cư trú trọng tâm của người Mườn Trước khi Madeleine Colani phát hiện ra Văn hóa Hòa Bình, người Mường đã biết con người trước kia ở trong các hang đá rồi mới ra định cư ngoài các thung lũng bằng, hẹp, cạnh chân các quả đồi thấp và canh tác nông nghiệp. Điều này được phản ánh rất rõ trong Mo Mường với câu chuyện về gia đình Lang Tá Cài, Lang Tá Cần và Nàng út Dạ Kịt. Người Mường đã lưu giữ nhiều tư liệu bất thành văn trong đời sống. Chẳng hạn, các công cụ rìu đá có vai hoặc không có vai trong túi khoót 1 của các Pộ Mo được gọi là: Kẹo lẹt ma ươi (cái cuốc nhỏ của Ma ươi - đười ươi).
b. Các hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Hòa Bình và đặc biệt sau văn hóa Hòa Bình, hay còn gọi là giai đoạn Tiền Đông Sơn không chỉ được phát hiện ở các di chỉ khảo cổ thuộc các khu vực trọng tâm của người Mường mà còn được lưu giữ ngay trong đời sống hiện tại như các hiện vật từ thời đồ đá trong túi khoót của các Pộ Mo.
c. Các hiện vật khảo cổ học được thu thập trong quá trình khai quật chưa đầy đủ, vì vậy, các hiện vật trong đời sống, đặc biệt là trong túi Khoót của các Pộ Mo, có nhiều hiện vật chính là công cụ của con người thời tiền sử, sơ sử. Trong nghệ thuật tạo hình cổ truyền Mường như: Hoa văn cạp váy, trống đồng... cũng có nhiều vết tích như vậy.
d. Một trong những biểu tượng quan trọng nhất của văn hóa Hòa Bình là hình sừng thú trên đầu người hoàn toàn trùng khớp với kiểu mũ sừng bò mà một số Pộ Mo vẫn đang dùng. Người Mường gọi đó là Mũ Bông Beo.2 Bò tót là một loài động vật từng phát triển rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á trước đây nhưng cho đến nay đã gần như tuyệt chủng, tuy nhiên, vẫn còn một số cá thể bò tót tồn tại. Trong văn hóa của người Mường, có hai yếu tố liên quan đến nông nghiệp là roọng và bò đều có vết tích cổ: Roọng (hay ruộng trong tiếng Việt) ban đầu chỉ loại ruộng khô (nương), về sau, khi biết làm lúa nước thì mới canh tác theo cách thức như chúng ta thấy hiện nay. Với ruộng khô, con bò sẽ là lựa chọn tất yếu (khác với trâu dùng cho ruộng nước). Từ mũ sừng bò của Pộ Mo đến con bò cúng dâng cho người chết đã cho thấy mối quan hệ giữa bò (hay biểu tượng bò) với con người và văn hóa Mường (hoặc Việt-Mường xa xưa). Đây chính là những “hiện vật của khảo cổ học nhân văn” mà chúng ta cần tìm hiểu.
1 Hiện trong văn hóa dân gian Mường gọi những người hành nghề mo là Pộ Mo, Bố Mo hay Ông Mo. Trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ dùng danh từ Pộ Mo theo tiếng Mường. Những hiện vật trong túi khoót của Pộ Mo có dọi xe chỉ đá, mũi tên đồng, vòng đeo tay, đeo tai bằng đá, các loại rìu đá... Được cho là đã được người tiền sử sử dụng căn cứ vào mức độ mòn vẹt của chúng.
2 Bông Beo (hay Bông Trăng) trong tiếng Mường là hoa của một loại dây mọc thành bụi ven các con sông, suối ở khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa. Mũ Bông Beo dân gian còn gọi là mũ có sừng, bởi nó được tạo hình có hai chiếc sừng gần giống như sừng bò được thêu nổi nhiều họa tiết hoa văn và các loài động vật. Đây là chiếc mũ quan trọng nhất, thể hiện uy lực của Pộ Mo. Qua phỏng vấn một số Pộ Mo chúng tôi đã thu được một kiến giải đáng quan tâm về hình thức chiếc mũ này, đó là sự mô phỏng sừng bò tót. Pộ Mo Bùi Văn Cù 84 tuổi tại xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã giải thích cho chúng tôi rằng Mũ Bông Beo (mũ có sừng) của Pộ Mo mô phỏng theo hình của sừng bò, cụ thể là bò tót. Pộ Mo Bùi Văn Mẹo ở xóm Mương, xã Định Cư có kể một tích chuyện liên quan đến mũ Bông Beo như sau: "Có hai vợ chồng người thợ săn đi vào rừng, không may người vợ bị con bò rừng húc chết. Sau này khi người thợ săn diệt được con bò rừng đã mổ thịt tế vợ mình và lột da đầu bò lấy cả sừng đội trong lễ tế vợ. Sau này các Pộ Mo lấy mũ sừng làm trang phục tế trong các nghi lễ tang ma. Mối quan hệ đó không chỉ được thể hiện qua các hiện vật cụ thể như mũ có sừng hay các câu chuyện kể mà còn được thể hiện rõ nét trong nghệ thuật diễn xướng. Khi bắt đầu một nghi lễ Mo trong tang lễ, một roóng (chương) Mo, với đầy đủ trang phục: Đầu đội mũ Bông Beo có sừng, tay cầm khénh (chuông đồng nhỏ), cùng quạt, gươm... Pộ Mo tay rung chuông, miệng cất lời: "Hâm... Mo....o....o..." trong tiếng chiêng, trống cùng dàn bát âm tấu nhạc hòa thành một âm thanh kỳ vĩ. Điều đáng lưu ý là tiếng "Hâm... Mo....o....o..." trong dân gian Mường gọi là tiếng kêu của con bò rừng trong đêm. Như vậy, người Mường không chỉ sử dụng một hiện vật cụ thể (sừng bò) mà còn sử dụng cả âm thanh đặc trưng của loài vật này như một biểu tượng tượng thanh trong nghi lễ. Tất cả những biểu tượng tượng hình và tượng thanh đó đều thể hiện sức mạnh của con bò tót.
H2a. Các hiện vật “khảo cổ” trong túi khoót
H2b. Mũ sừng bò của Pộ Mo
H2. Những hiện vật có liên quan đến Pộ Mo
Ảnh: Bùi Huy Vọng
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong đời sống người Mường có sự phân biệt khá rõ vai trò của trâu và bò, trâu dùng để cày ruộng, bò để cày ở bãi. Bò có bản tính dã thú và hung hãn hơn trâu. Người Mường có câu: "Thà ăn cơm độn củ nâu hơn chăn đàn trâu trộn với đàn bò", chỉ đặc tính hay đi hoang và phản chủ của bò. Trong sinh hoạt tín ngưỡng trước 1945, nhà Lang có "luật" nếu không có trâu bò làm lễ Cúng dâng cơm hay Mo lên trời thì nhà Lang không cho tổ chức tang lễ, không cho phép mang người chết đi chôn, khi nào nhà có tang sắm được trâu bò làm Mo thì khi đó mới cho tổ chức tang lễ và đi chôn. Đây là một tục lệ có liên quan đến nghi lễ Mo hay nói đúng hơn là tục dùng trâu bò cúng tế trong văn hóa Mường. Người Mường dùng trâu bò để tế người chết, sau dần biến thành nghi lễ Chia của cho người chết mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại.1 Như vậy, ở giai đoạn này cả bò và trâu đều được dùng trong nghi lễ cúng tế nhưng các vết tích trong Mo Mường thì chỉ có bò mà không có trâu.
1 Đây là thực tế đã được Pierre Grossin trong Tỉnh Mường Hòa Bình, hay Jeannie Cuisinier trong Người Mường, địa lý nhân văn xã hội học nói đến khá rõ. Chúng tôi biết rất rõ trong địa phương mình có bao nhiêu gia đình không có trâu bò làm Mo, phải để “ma khô” trong nhà. Năm 1947, khi quân Pháp dùng pháo binh và không quân bắn vào làng, người dân vội vàng đẩy hai cỗ quan tài xuống gốc cây chuối phía trước nhà để chúng khỏi bị cháy. Buổi Mo đêm đầu tiên tổ chức Mo Lên Trời, người con gái đầu của người chết (nếu đã lập gia đình) phải có một con bò làm vật dâng cúng trong nghi lễ Mo Cúng dâng cơm và Mo Lên trời. Quy định tuy không thành văn bản nhưng rất rõ ràng, con bò đó không kể là to hay nhỏ, béo hay gầy, yêu cầu phải có gờ, vết chai trên gáy, đó là dấu hiệu con bò đã được đóng ách, biết cày bừa hay đã được thuần hóa.
H3. Hình bò thời Đông Sơn. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
Những truyền thuyết về con bò mà các Pộ Mo cung cấp và ứng xử của người Mường với con bò trong các nghi lễ tín ngưỡng ở trên cho thấy một sự tôn sùng sức mạnh của con bò. Việc dùng sừng bò làm mũ Pộ Mo hay biểu tượng con bò to khỏe thể hiện ước muốn có được sức mạnh của nó. Việc chế ngự, thuần hóa giống vật khỏe mạnh hung hãn này thành vật nuôi có ích trong đời sống canh tác nông nghiệp và thành vật dụng của người chết cho thấy phần nào đó con người đã “lấy được sức mạnh” của một mãnh thú - con bò. Nhiều cổ vật Đông Sơn có mô tả hình con bò, đặc biệt là bức tượng "Chân đèn hình bò" trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia thể hiện một con bò to lớn với cặp sừng đầy uy lực, hai mắt mở to hướng về phía trước, trong khi người trên lưng bò ở tư thế quỳ, động tác hai tay giống như đang hành lễ chứ không phải cưỡi bò đơn thuần. Hình người này có tỉ lệ rất chênh lệch so với con bò. Dường như tỉ lệ hình người ở đây thể hiện sự tôn sùng sức mạnh của con bò nhưng cũng cho thấy rằng họ chính là kẻ đã chế ngự được con vật đó.
Ngoài những biểu tượng sức mạnh được thể hiện qua sừng bò (mũ Bông Beo) và tiếng kêu của bò (Hâm- Mo) các Pộ Mo còn sử dụng nhiều loại sức mạnh khác của răng voi, nanh hổ, vuốt gấu, nanh lợn lòi, sừng tê giác, các loại rìu đá cổ, mũi tên đồng… Trong túi Khoót của Pộ Mo. Ở đây mỗi một đồ vật là một biểu tượng, biểu trưng cho một sức mạnh... Sức mạnh tổng hợp này được đặt dưới sự điều khiển của Pộ Mo để đưa hồn người chết đi qua các thế giới Mường Klơi (trời), Mường Ma, Mường Pưa Tín,v.v... Với nhiều “gian nguy, bất trắc” trong suốt hành trình.1 Vì vậy, khi làm chủ tế (làm Mo) cho một đám tang, nghi lễ trước tiên Pộ Mo phải cúng "bài" Khấn Nổ (Nổ bao gồm Tổ tiên các đời trước có làm Mo) trong đó có việc “thức” gọi các đồ vật có trong túi Khoót, khi các đồ vật đã được đánh thức, lúc này Pộ Mo mới có uy lực thực sự.2
1 Trong những đêm Mo thâu đêm suốt sáng, Pộ Mo dẫn dắt linh hồn người chết và người nghe qua vô vàn sông, suối, cầu, đường… với vô số hiểm nguy rình rập. Câu chuyện kể về những hành trình này được thể hiện hết sức hấp dẫn mà Mo Đẻ Đất Đẻ Nước là một ví dụ.
2 Uy lực này được thể hiện qua đoạn Mo sau: " Chân ta cạp sắt. Đầu ta đội mũ Bông Beo dũng mãnh. Lời ta nói ra có gang, có thép. Ta vào trị quỷ trong nhà. Vào trị ma trong đám. Chân ta rắn hơn thép. Ta đạp xuống đất chết con giun lớn, giun bé. Đạp xuống nước chết con cá đang bơi. Đạp lên rừng, lên núi chết con thú hoang...
Có thể nói, nền văn hóa Hòa Bình có khá nhiều mối liên hệ với cư dân Việt - Mường cổ. Đặc biệt, có những thành tố vẫn đang tồn tại ngay trong văn hóa đương đại của người Mường như chiếc mũ hình sừng bò của Pộ Mo, các giai thoại về bò tót trong mo Mường, tiếng kêu của con bò trong giai điệu Hâm-Mo, các hiện vật đồ đá và đồ đồng trong túi khoót, v.v… Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, biểu tượng người có sừng không phải là một hiện tượng duy nhất được phát hiện trong văn hóa Hòa Bình hay văn hóa Việt - Mường mà đây là một sản phẩm văn minh của nhiều nền văn hóa trên khắp các châu lục. Từ hình người trong văn hóa Đông Sơn (H4) đến thần Nejamesa trong văn hóa Ấn Độ (H6), từ vị thần đầu sừng ở Trung Cận Đông (H5) đến các vị Pharaoh có sừng trong văn hóa Ai Cập (H7), từ Enkomi có sừng (H8) đến chiếc mũ chiến binh có sừng của người Viking (H9),…
Những ví dụ đó cho thấy phạm vi phổ biến hết sức rộng lớn của biểu tượng người có sừng. Vậy hình người có sừng có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử văn hóa của nhân loại? Thật khó để chúng ta có thể đưa ra một lời giải đáp chung cho tất cả những biểu tượng đó mà chỉ có thể tiếp cận các biểu tượng này qua mỗi nền văn hóa. Vì vậy, theo chúng tôi, vai trò của biểu tượng người có sừng, về cơ bản là: Một biểu tượng trong đời sống văn hóa; Một thành tố của tôn giáo; và Một tác phẩm nghệ thuật.
Với vai trò một biểu tượng trong đời sống văn hóa, nghiên cứu này muốn nhấn mạnh đến những thành tố thiết yếu trong đời sống loài người giai đoạn nguyên thủy như lửa, nước, đá, vũ khí, nơi cư trú… Qua trao đổi với nhà dân tộc học Chu Thái Sơn, chúng tôi đã tập hợp được một số cách lý giải về biểu tượng sừng thú mang tính công cụ. Chẳng hạn, tấm da nai còn nguyên sừng mà những người đi săn khoác lên mình khi đi săn nai là một cách “nghi binh” để tiếp cận mục tiêu. Những trang trí hình sừng trâu trên nóc nhà hay những ngôi nhà mồ và quan tài của nhiều tộc người như Cơtu, M’nông… Là sự mô phỏng sức mạnh “vô địch” của con trâu. Đầu trâu và sừng trâu trang trí trong nhà còn là di vết chiến tích đi săn của các chiến binh dũng mãnh được ghi lại bằng số lượng hiện vật (đầu hoặc sừng). Hành vi này cũng giống như những chiến binh “săn đầu người” Iban ở Malaysia hay Nagar ở Ấn Độ thường treo những chiếc sọ người ngay cửa chính hoặc những mảnh xương sọ trên cổ.
Ở đây, các biểu tượng này đóng vai trò như những “tấm huân chương” dành cho những chiến binh dũng mãnh. Ngoài ra, biểu tượng sừng còn có một ý nghĩa nữa khá quan trọng, đó là ý nghĩa phòng thủ. Những ngôi nhà có trang trí sừng trâu, thậm chí mô phỏng hệt như hình con trâu, hay những bộ giáp phục có sừng đều có tính chất “đe dọa” kẻ thù. Trong bộ phim Thượng đế cũng phải cười (The Gods Must Be Crazy), cậu bé người Sho ở sa mạc Kalahari đã dùng hai thanh củi dựng lên đầu giả dạng thú có sừng để dọa những con chó hoang muốn tấn công cậu.
H4. Tượng người thời Đông Sơn. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
H5. Tượng thần có sừng khu vực Viễn Đông (proto- Elamite 3000-2800 B.C.) chất liệu đồng. Nguồn: Charles F. Horne
H6. Thần có sừng Nejamesa (Naigamesa) ở Kaumaram, Ấn Độ (khoảng thế kỷ 1-2 tr.CN). Nguồn: Charles F. Horne
H7. Tượng pharaoh Mekaura 2548-2530 tr.CN. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Boston.
H8. Tượng người có sừng ở Enkomi, Hy Lạp. Nguồn: Gerhard Haubold
H9. Mũ có sừng của người Vikings. Nguồn: http://www.histor y.com/news/ask- history/did- vikings-really- wear-horned- helmets
Một số biểu tượng cổ về người có sừng trên thế giới
Trong vai trò tôn giáo, chúng tôi phủ nhận quan điểm coi biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội là một con vật tổ của người Việt hoặc của cư dân Việt - Mường. Theo chúng tôi, việc sử dụng hình thức của những con vật sức mạnh (như hổ, voi, gấu, bò tót, sư tử,…) trong trang phục không phải là tôn thờ vật tổ mà là một sự tôn sùng sức mạnh của mãnh thú trong tự nhiên, chẳng hạn như voi hay rắn trong văn hóa Ấn Độ, sư tử hay đại bàng trong văn hóa ở châu Âu… Con bò tót hay con trâu với sức mạnh phi thường của nó chắc chắn là một thế lực đáng sợ đối với cư dân Hòa Bình, đó là hiện thân của một thế lực biểu tượng cho sức mạnh của tự nhiên ở giai đoạn sơ khai. Những sức mạnh tự nhiên này được tôn sùng tới mức chúng được sử dụng như ngôn ngữ biểu tượng của sức mạnh. Chẳng hạn hình xăm con giao long được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư hay sừng bò tót trong trang phục Pộ Mo là những ví dụ tiêu biểu.
Vì vậy, yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng ở đây, nếu có, chỉ có thể là một dạng tín ngưỡng sơ khai trong xã hội nguyên thủy như một sự thuần phục sức mạnh tự nhiên mà không có sự “độc tôn” một loại thần thánh hay một con vật tổ nào đó. Thậm chí, trong các tôn giáo lớn, biểu tượng sừng vẫn là một nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tạo nên những biểu tượng sức mạnh như tượng Moses có sừng của Michel Angelo (H10). Trang phục của võ sĩ Samurai cũng mang trên mũ đội đầu một cặp sừng dài (H11). Trong kinh Cô-ran (Quran), vị thần dẫn đường cho Muhammed cũng có “cặp sừng thần cảm ở đỉnh trán” (Luc Benoist tr. 136).
H10. Moses, by Michel Angelo Buonarroti, 1515, Marble, San Pietro in Vincoli, Rome.
Source: http://www.wga.hu/
H11. Samurai. Hình nộm tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston.
Nguồn: http://www.mfa.org/
Biểu tượng người có sừng trong các tôn giáo lớn trên thế giới
Trong vai trò của nghệ thuật, biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội dường như được nhiều nhà nghiên cứu đặt trọng tâm tìm hiểu nhất. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị nghệ thuật, tác phẩm này khó có thể sánh với những tác phẩm nghệ thuật trong văn hóa cổ đại của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp bởi những hình vẽ ở hang Đồng Nội tương đối sơ lược, thậm chí, hình “con vật” có sừng ở bức bích họa này còn chưa thể hiện một cách chính xác đó là trâu, bò, người hay một con vật khác(!). Trên thực tế, giá trị to lớn của biểu tượng này chính là một hiện vật khảo cổ học tiêu biểu của một giai đoạn văn hóa quan trọng, đó là văn hóa Hòa Bình. Việc xác định niên đại của nền văn hóa Hòa Bình cách chúng ta hàng vạn năm từ biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội đã khẳng định vai trò và vị trí của nền văn hóa Đông Nam Á nói chung và văn hóa Việt - Mường nói riêng trong quá trình phát triển chung của nhân loại.
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một số tư liệu khảo cổ học của người Điền ở Vân Nam cũng có hình người có sừng. Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, các học giả Trung Hoa vẫn đinh ninh rằng chữ Mỹ là Dương (dê) + Đại (to). Nhưng nhờ có khảo cổ học nghệ thuật và nhân học nghệ thuật mới có giả thuyết mới liên quan đến ma thuật hay các thầy cúng thời tiền sử.
H12. Minh họa tài liệu của Lý Lạc Nghị và Jim Waters
Trong cuốn Tìm về cội nguồn chữ Hán, Lý Lạc Nghị và Jim Water đã cập nhật các thông tin mới. Sách minh họa bằng hình vẽ một người đang đội mũ sừng hươu nhảy múa mà việc đội sừng hay đội lông chim lên đầu cũng là một cách làm đẹp của con người thuở sơ khai.
Ngoài những vai trò cơ bản đã nêu ở trên, biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội còn có thể là một sự xác định hay một cách thức phân biệt giữa nhóm cư dân này với nhóm cư dân khác, chẳng hạn, “nhóm cư dân có sừng” phân biệt với nhóm “không có sừng” hoặc “nhóm có lông chim” trên đỉnh đầu. Đây chính là cách thức phân loại theo xã hội học mà Levi- Strauss đã đề cập trong cuốn Thuyết vật tổ mà chúng tôi đã đề cập. Cách phân loại này không chỉ tồn tại trong xã hội sơ khai mà vẫn còn hiện hữu trong những xã hội đã phát triển cao. Chẳng hạn, câu khẩu hiệu của Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.” chính là nhằm thể hiện sự khác biệt giữa người Việt với người Hán và người Mãn, giữa kẻ “đồng hóa” và người “chống đồng hóa”, giữa kẻ xâm lược và người dân độc lập… Đó là những sự phân biệt (hay những hình thức phân loại) chứ không phải là một dạng tín ngưỡng.
Đề cập đến phương pháp phân tích tâm lí của Freud trong cuốn Vật tổ và cấm kỵ (vốn không còn phù hợp tại thời điểm Levi-Strauss viết cuốn Thuyết vật tổ), Levi-Strauss đã tán đồng với quan điểm của Radcliffe- Brown khi cho rằng sự ảnh hưởng của thuyết vật tổ đã chấm dứt (Levi-Strauss 1962, tr.69) và quan điểm lý thuyết của Freud cũng khó có thể thay đổi (hay cải tiến) kể cả khi “động lực giết cha” được chuyển đổi từ một sự kiện lịch sử qua một hoàn cảnh đặc thù. Theo Levi-Strauss, “thực ra, những sự thôi thúc tình cảm chẳng giải thích được điều gì: Dù chúng là kết quả của sức mạnh cơ bắp hay sự bất lực của suy nghĩ (Levi- Strauss 1962, tr.71)… Ngược lại, nếu các ý tưởng tôn giáo đó có giá trị phù hợp với mọi hệ thống quan điểm khác, để đưa ra những hình thái tư tưởng theo đúng quy thức, thì yêu cầu của nhân học tôn giáo vẫn đòi hỏi tính hợp lệ của nó. Đây chính là vấn đề mà chúng ta được thấy trong thuyết vật tổ, tính hợp lệ ở đó đã làm suy yếu tính minh họa đặc thù của các loại hình tư tưởng đích thực” (Levi-Strauss 1962, tr. 104).
***
Qua những nghiên cứu bước đầu để tìm hiểu biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội bằng phương pháp tiếp cận khảo cổ học nhân văn, tới đây, chúng tôi xin được đưa ra một vài lời tạm kết như sau:
Biểu tượng sừng (trên người hay vật) không chỉ là một biểu tượng phổ biến trong nền văn hóa của cư dân Môn-Kh’me, được thể hiện khá rõ nét trong văn hóa của nhóm ngôn ngữ Việt - Mường mà còn phổ biến ở nhiều nền văn minh khác. Đây là một biểu tượng sức mạnh, là một công cụ văn hóa có ý nghĩa như một biểu tượng trong đời sống văn hóa của loài người từ thuở sơ khai nhưng cũng hàm chứa các yếu tố tín ngưỡng và nghệ thuật.
Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội có thể là một thành tố văn hóa bản địa tiếp nối từ văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Mường hiện nay mà chiếc mũ có sừng của Pộ Mo là một nút thắt có thể kết nối một hiện vật khảo cổ học với một di vết của khảo cổ học nhân văn. Tuy nhiên, giả thuyết này cần được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn.
Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội không phải là hình ảnh của một con Vật tổ hay một thành tố văn hóa có liên quan đến Vật tổ mà là một sự tôn sùng đối với một loài mãnh thú có sức mạnh trong tự nhiên của con người ở giai đoạn sơ khai, đó là con bò hay bò tót.
Biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội đóng vai trò là Một biểu tượng trong đời sống văn hóa; Một thành tố của tôn giáo; Một tác phẩm nghệ thuật hoặc bao gồm cả ba yếu tố nói trên. Thậm chí, đây cũng có thể là một loại “ngôn ngữ định danh” của cư dân Hòa Bình từ hàng vạn năm về trước.
Ngoài ra, biểu tượng người có sừng ở hang Đồng Nội cũng có thể là sự mô phỏng những cuộc đi săn, hiến tế hoặc một vật phẩm dành cho người chết trong các tín ngưỡng sơ khai mà ánh xạ của nó vẫn còn “thấp thoáng” trong các áng Mo và con bò trong nghi lễ Mo Cúng cơm trong tang lễ của người Mường.
Chúng tôi chưa đưa ra kết luận cuối cùng về những kiến giải đã nêu ở trên mà chỉ xem đây như một hướng tiếp cận mới đối với các di vết lịch sử trong quá khứ cũng như trong đời sống hiện tại, với một mục tiêu không nhằm viết lại lịch sử mà chỉ là để có thêm một cách thức tiếp cận lịch sử. Hi vọng rằng, nghiên cứu của chúng tôi sẽ tạo ra một hướng “mở” trong việc kết nối các tư liệu lịch sử đã được công bố với các hiện vật vẫn đang chìm lấp dưới lòng đất hoặc ẩn tàng trong đời sống văn hóa xã hội của con người.