1 Xem: Đinh Hồng Hải, “Biểu tượng chim Hạc trong văn hóa Việt Nam,” Tạp chí Văn hóa và nguồn lực số 3, 2015.
Trong số các con vật linh được sử dụng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, hạc là một trong những loài phổ biến nhất. Hạc tồn tại trong thi - ca - nhạc - họa, trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ hàng nghìn năm qua. Hạc được chạm khắc trên các đồ án trang trí kiến trúc, được tạc thành những đôi lớn đặt trong nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng. Hạc cũng được đưa vào các ban thờ tư gia của nhiều gia đình người Việt và trên các đồ án trang trí từ những nơi sang trọng đến những vật dụng bình dân. Ở các hương án, khám thờ, hạc thường được mô tả bằng một đôi chim có chân cao đứng chầu, chân thường dẫm lên lưng rùa. Theo giải thích của một số nghệ nhân ở các làng nghề thì hạc và rùa đều là những con vật có tuổi thọ cao (hạc sống vài chục năm, rùa sống hàng trăm năm) nên được xem như biểu tượng của trường thọ, trường tồn, trường cửu…
Trong các đồ án trang trí, chim hạc thường đi với tùng, mai… Những loài cây sống khỏe và sống thọ. Có thể thấy, ý nghĩa của hạc trong nghệ thuật trang trí thường gắn với ước vọng sống lâu, trường tồn của con người. Ý nghĩa này khá phổ biến trong các nền văn hóa đồng văn Trung Hoa như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Tương tự như biểu tượng hạc trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, trong văn hóa của người Nhật Bản và Hàn Quốc, hạc được xem như một biểu tượng của sự may mắn và trường tồn. Trong tiếng Nhật, hạc mang ý nghĩa của sự hàm ơn (Tsuru no Ongaeshi - 鶴の恩返し). Hạc cũng được xem như biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi, vì vậy, hạc thường được trang trí ở các đám cưới và cũng được thêu trên bộ Kimono truyền thống. Những con hạc giấy xuất phát từ những câu chuyện huyền thoại về tình yêu, theo đó, ai gấp được 1000 con hạc giấy thì có thể biến điều ước của mình thành sự thật.
2. Phân loại hạc trong tự nhiên và tên gọi
Hạc là một loài chim được biết đến nhiều trong văn hóa truyền thống của người Việt, nhưng trong môi trường tự nhiên hiện nay ở Việt Nam, chúng ta rất ít khi được chiêm ngưỡng loài chim quý này. Nguyên nhân có thể là do chúng là một loài chim di cư nên việc nhìn thấy chim hạc phụ thuộc vào những nơi chúng “chọn” để dừng chân, giao phối, sinh sản... Vì vậy, việc nhìn thấy chim hạc được nhiều người cho là điềm báo của một điều may mắn. Thế nhưng loài chim mang đến may mắn này lại thật không may khi trở thành một loại “đặc sản” ở Trung Quốc và cả Việt Nam. Năm 2012, một đàn hạc trắng quý hiếm khoảng 200 con bay về khu vực huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khiến người dân nô nức đi xem, nhưng sau đó chúng đã bị các tay săn chim bắn hạ gần hết, chỉ còn lại vài con (!).1 Điều đó cho thấy việc hạc bị săn bắn quá mức đã khiến cho loài chim này không còn môi trường để tồn tại.
1 Xem “Hạc trắng làm mồi cho dân nhậu” trong trang Tin mới ngày 29/4/2012, trong: http://www.tinmoi.vn/hac-trang-lam- moi-cho-dan-nhau-01873192.html.
Vẻ đẹp quý phái của một loài chim thiêng cùng với sự xuất hiện ngày càng hiếm hoi của chúng trong môi trường tự nhiên đã khiến cho hạc trở nên một loài chim gần với huyền thoại hơn là đời thực. Theo các tài liệu sinh học thường thức, “bộ hạc hay bộ cò(danh pháp khoa học: Ciconiiformes) bao gồm nhiều loại chim lội, cao cẳng, kích thước lớn cùng với những cái mỏ lớn: Cò, vạc, diệc, diệc bạch, cò quăm, cò mỏ thìa v.v… Các hóa thạch của bộ Ciconiiformes được biết đến từ cuối thế Eocen. Theo đà phát triển của các kĩ thuật nghiên cứu trong sinh học phân tử vào cuối thế kỷ 20, cụ thể là các phương pháp nghiên cứu lai ghép ADN-AND, các thông tin mới đã được đưa ra, phần lớn trong số đó cho rằng nhiều loại chim, mặc dù nhìn bề ngoài rất khác nhau, nhưng trên thực tế lại có quan hệ họ hàng gần gũi hơn so với suy nghĩ ban đầu. Theo phân loại Sibley-Ahlquist, khá cơ bản và có ảnh hưởng, người ta đã mở rộng bộ Ciconiiformes để thêm vào nhiều họ mới, bao gồm phần lớn các loài thông thường được coi là thuộc các bộ Sphenisciformes (chim cánh cụt), Gaviiformes (chim lặn gavia), Podicipediformes (chim lặn), Procellariiformes (hải âu pêtren, hải âu lớn), Charadriiformes, (choi choi, mòng biển, nhạn biển và chim anca), Pelecaniformes (bồ nông, cốc, ó biển, chim điên), cũng như Falconiformes (các loài chim săn mồi ban ngày như ưng, ó, cắt). Họ hồng hạc (Phoenicopteridae) có quan hệ họ hàng và đôi khi cũng được xếp vào trong phạm vi bộ Ciconiiformes. Tuy nhiên, các chứng cứ hình thái học lại cho rằng bộ Ciconiiformes truyền thống cần phải chia thành hai dòng trực hệ, hơn là mở rộng, mặc dù một số kiểu phân loại bộ Ciconiiformes không truyền thống có thể được gộp cả trong hai dòng trực hệ này.”1
Phân loại truyền thống: Ardeidae - diệc; Balaenicipitidae - cò mỏ giày, đôi khi được xếp vào bộ bồ nông; Cathartidae - kền kền; Ciconiidae - hạc, cò, giang; Cochlearidae (diệc mỏ thuyền); Scopidae - Hammerkop, đôi khi được xếp vào bộ bồ nông; Threskiornithidae - cò quăm.2
1 Xem: “Các vấn đề phân loại với bộ hạc,” trong Thư viện học liệu mở Việt Nam tại: http://voer.edu.vn/m/bo-hac/f3d3de64.
2 Phân loại mới nhất của IOC (phiên bản 2.5 ngày 4 tháng 7 năm 2010)[1] chỉ chứa mỗi họ hạc. Các họ cò mỏ giày, diệc (bao gồm cả diệc mỏ thuyền), Scopidae và cò quăm chuyển sang bộ bồ nông (Pelecaniformes). Họ kền kền Tân thế giới chuyển sang bộ ưng (Accipitriformes). Theo tài liệu đã dẫn ở trên.
Hồng hạc ở châu Phi
Nguồn: http://www.dailymail.co.uk
Mặc dù hạc có nhiều loại khác nhau như vậy nhưng khi đề cập đến chim hạc, chúng ta thường chỉ nghe tới hồng hạc (Flamingo) và bạch hạc. Hóa thạch của hồng hạc được tìm thấy từ cuối thời kỳ Eocene qua các di vết của các chi Torotix, Scaniornis, Gallornis, Agnopterus, Tiliornis, Juncitarsus và Kashinia trong đó Palaelodidae (một loài hạc biết bơi) được cho là có liên quan đến, hoặc là tổ tiên, của hồng hạc hiện nay. Hồng hạc cư trú nhiều ở châu Phi, châu Mỹ và một số nơi tại châu Âu. Tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, hồng hạc hầu như chỉ được nhắc tới trong giai đoạn hiện đại (khi nền văn hóa Trung Hoa tiếp nhận ảnh hưởng từ khoa học Phương Tây) trong các tài liệu có liên quan đến sinh học. Còn trong văn hóa truyền thống, thường khi nói tới hạc thì đó chính là bạch hạc. “Theo sách Sưu Tiên Ký - Sou Xian Ji ( 搜仙记), Đinh Lệnh Uy - Ding Ling wei (丁令威), một người học phép tu tiên theo Đạo giáo, sau một nghìn năm khổ tập đã biến hình thành chim hạc để lên tiên cảnh.”1 Bạch hạc, theo mô tả của các tư liệu cổ trong văn hóa Trung Hoa khá mơ hồ hoặc là một sự lẫn lộn với giống sếu đầu đỏ. Cách giải thích trong Thuyết văn giải tự cũng không cho chúng ta hình dung bạch hạc trong nền văn hóa cổ đại Trung Hoa là hồng hạc (Flamingo) hay sếu (Crane).
1 Trong văn hóa Trung Hoa, cách sử dụng từ đồng âm - khác nghĩa theo dạng này khá phổ biến. Chẳng hạn số 6 - “lục” đồng âm với chữ “lộc”, số 8 - “bát” đồng âm với chữ “phát”, con dơi là biên bức (蝙蝠), chữ bức phát âm là fú, đồng nghĩa với “phú” v.v… Theo: http://khanhhoathuynga.wordpress.com.
Chữ hạc cổ theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận
Sự mơ hồ trong việc phân loại hồng hạc, bạch hạc, sếu, sếu đầu đỏ trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, cũng như tại các quốc gia có nền văn hóa đồng văn Trung Hoa như Việt Nam khiến cho chúng ta khó hình dung chim hạc một cách chính xác. Việc định nghĩa tên loài chim này trong văn hóa Việt Nam cũng mơ hồ không kém. Theo Hán-Việt từ điển trích dẫn, chữ hạc (鹤) thuộc bộ Điểu (鳥), phiên âm [hè] có nghĩa là chim hạc, sếu. Còn theo Hán-Việt từ điển của Thiều Chửu thì có một loài chim “tên gọi là chim quán (鸛) Giống con hạc mà đầu không đỏ, cổ dài, mỏ dài, suốt mình màu tro, đuôi và cánh đen, làm tổ ở trên cây cao.” Còn chữ hạc (鹤) trong từ điển này được định nghĩa là chim hạc, sếu. Nhiều từ điển Trung - Anh giải nghĩa chữ hạc (鹤) từ tiếng Hán sang tiếng Anh là Crane (tức sếu mà không phải là hồng hạc-Flamingo). Như vậy, rất có thể chữ hạc trong văn hóa truyền thống Trung Hoa dùng để chỉ loài sếu hay sếu đầu đỏ mà không phải là hồng hạc.1
1 Điều này cũng có thể tìm hiểu thông qua địa hạt cư trú của hồng hạc. Tuy nhiên, nghiên cứu này không đi sâu vào yếu tố sinh học có liên quan đến chim hạc.
Tên gọi hạc trong các từ điển tiếng Việt hiện nay chẳng hạn như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, tr.401) định nghĩa là “chim lớn cao cẳng, cổ và mỏ dài, thường dùng tượng trưng cho sự sống lâu. Gầy như hạc. Tuổi hạc.” Tên gọi hạc trong văn hóa Việt Nam cũng có sự khác biệt khá lớn so với các từ điển sinh học. Về cơ bản, chim hạc trong văn hóa Việt Nam không phân biệt rõ hồng hạc, bạch hạc, sếu hay sếu đầu đỏ mà chỉ mô phỏng loài chim cao cẳng, mỏ dài, sống lâu mà thôi. Rõ ràng, hạc là loài ít phổ biến trong đời sống tự nhiên ở Việt Nam hiện nay (do nhiều nguyên nhân khác nhau, như môi trường sống bị xâm hại, bị săn bắt…) nhưng lại chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của người Việt. Có lẽ vì vậy mà sự phân biệt theo các đặc tính sinh học đối với loài chim có tên hạc ở Việt Nam ít được chú ý và người Việt sử dụng hạc như một loài chim có tính biểu tượng hơn là một loài chim cụ thể.1
1 Điều này cũng xảy ra tương tự như với kỳ lân và tỳ hưu mà chúng tôi đã giới thiệu.
Một ví dụ cụ thể về tính biểu tượng ở đây là đôi chim mang hình hạc (hay phượng) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Các nghệ nhân xưa mô tả một đôi chim thờ theo đúng khuôn mẫu của chim hạc giẫm trên lưng rùa nhưng lại có các chi tiết mỏ, mào, lông… Của phượng với cái mỏ vẹt. Phần chú thích của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng ghi là vẹt. Điều đó khẳng định tính biểu tượng và tính “tương đối” của hạc trong văn hóa Việt Nam. Vì vậy, để tìm hiểu về hạc trong văn hóa Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu về tính biểu tượng của loài chim này trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt hơn là tìm hiểu về chúng trong tự nhiên hay trong các bộ từ điển.
Hạc/phượng/vẹt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
2. Chim hạc trong nghệ thuật trang trí của người Việt
Trong các bức họa về hạc (thường gọi là hạc đồ), các nghệ nhân thường vẽ thành đàn nhiều con gọi là tranh Ngũ hạc, Thất hạc, Bách hạc… Hoặc kết hợp với thảo mộc thành Tùng hạc, Mai hạc, Liên hạc… Nội dung các bức họa này mô tả những cảnh thanh bình và vẻ đẹp tự nhiên. Hình chim hạc ở đây được mô tả là một loài chim cao cẳng, mỏ dài và nhọn với bộ lông trắng, đầu đỏ, các lông cánh và lông đuôi màu đen. Cũng có một số bức vẽ hạc với màu lông xám tro (hãn hữu có bức vẽ hạc đen). Nếu so sánh tranh hạc với các bức ảnh chụp đàn sếu bằng ảnh màu hiện nay, ta thấy chúng gần như là một (!). Điều này khẳng định thêm tính “tương đối” và tính biểu tượng trong nghệ thuật giữa một loài chim có thật trong tự nhiên và một biểu tượng trong văn hóa truyền thống. Sự sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật và các biểu tượng văn hóa tuy dựa vào những yếu tố sẵn có của thiên nhiên nhưng không tuân thủ một cách tuyệt đối những gì có trong tự nhiên. Điều này càng được nhìn thấy rõ hơn ở các loại ngôn ngữ sáng tạo khác như phù điêu và tượng tròn khi mô tả về hạc.
Tranh thêu Hạc. Nguồn: http://timemart.vn
Ảnh: Sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim
Nguồn: Báo du lịch. http://www.vtr.org.vn
So sánh tranh vẽ hạc và ảnh chụp sếu đầu đỏ
So với hạc trong các bức họa đã nêu ở trên thì hạc được mô tả dưới dạng tượng tròn và phù điêu sử dụng phổ biến hơn rất nhiều. Trong hầu hết các không gian tín ngưỡng của người Việt như ban thờ, khám thờ, nhà thờ gia tộc, đình, đền, chùa, miếu… Thường có đôi hạc chầu bên cạnh bát hương hoặc hai bên vị trí trung tâm của nơi thờ phụng. Trong các đồ án trang trí của người Việt, chim hạc không được sử dụng với vai trò chủ đạo (như các bộ trang trí điển hình: Tứ linh, tứ quý…) mà thường xuất hiện với vai trò bổ trợ cho các yếu tố chính. Chẳng hạn, trong các đồ án trang trí Mai - Hạc, Tùng - Hạc… Thì mai và tùng là các yếu tố trọng tâm, còn hạc là thành tố phụ trợ cùng với hoa, lá, đá, nước… Các thành tố này cấu thành nội dung của các đồ án trang trí đó. Trong khi đó, những đôi hạc thờ được tạc thành tượng tròn lại đóng một vai trò hoàn toàn khác: Tại đây, ý nghĩa của một thành tố trong nghệ thuật trang trí của hạc mờ đi và ý nghĩa của một linh vật, một biểu tượng trọng tâm trong tín ngưỡng dân gian của người Việt lại trở nên rõ nét.
So với các “linh vật hoàng gia” như long - li - quy - phụng/phượng thì hạc chỉ chiếm một vị trí hết sức khiêm tốn trong văn hóa cung đình Việt Nam. Tuy nhiên, trong văn hóa đại chúng thì hạc đóng một vai trò khác hẳn nếu không nói là quan trọng hơn các linh vật nói trên. Điều này có thể dễ dàng nhận ra qua vị trí của hạc tại các hương án, khám thờ trong các gia đình cũng như trong các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. Trong khi “phượng múa nghê chầu” thì hạc được đặt ở một vị trí hết sức tôn nghiêm trong không gian thiêng liêng nhất của thiết chế tôn giáo tín ngưỡng: Không gian thờ tự.
Thông thường, hạc được đặt ở hai bên bát hương (nếu là đôi hạc nhỏ đặt trên hương án) hoặc ở hai bên hương án, khám thờ (nếu là đôi hạc to) và được đặt trên lưng rùa. Theo một câu phương ngôn của người Trung Hoa Bả Miết Thiên Lý (跛鳖千里) - Rùa thọt đi ngàn dặm - hàm nghĩa con rùa (chậm chạp) bị thọt (tàn tật) nếu có sự kiên trì thì vẫn có thể thành công. Cặp biểu tượng đối ngẫu giữa hạc và rùa được thể hiện qua các yếu tố sau:
Hạc | Rùa |
Linh vật biết bay (tầng trên) | Linh vật bò/chạy (tầng dưới) |
Cao cẳng | Chân ngắn |
Nhanh nhẹn, hoạt bát | Chậm chạp |
Loài vật gắn với trời, mây (tầng trên) | Loài vật gắn với nước, mặt đất (tầng dưới) |
Đẹp đẽ, sang trọng | Kiên trì, khiêm tốn |
… | … |
Vì những đặc tính đối ngẫu này mà nhiều nhà nghiên cứu coi cặp biểu tượng hạc-rùa là một cặp biểu tượng âm-dương, tương tự như nước-lửa, trên-dưới, cao-thấp, nhanh-chậm,…
3. Chim hạc trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt
So với những con vật linh khác như rồng, lân… (là những linh vật quan trọng nhất của văn hóa cung đình Việt Nam) vốn ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa thì hạc lại đóng một vai trò trọng tâm trong văn hóa và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Còn nếu so sánh với một loài chim khác cũng được sử dụng nhiều trong nghệ thuật trang trí truyền thống là chim phượng (một linh vật quan trọng ở các đồ án trang trí) thì hạc lại là một con vật linh gắn với việc thờ tự hơn là ở một đồ án trang trí.
Tại sao đôi hạc thờ trong văn hóa dân gian Việt Nam lại trở nên quan trọng hơn cả bộ Tứ linh? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên theo chúng tôi, ở giai đoạn phong kiến, các linh vật cung đình thường là đối tượng được tầng lớp hoàng tộc và quan lại sử dụng, còn hạc gắn với tín ngưỡng và sự tôn thờ loài chim có từ giai đoạn sơ khai nên dễ dàng thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng của người dân. Ước vọng về một cuộc sống yên vui, thái bình, trường tồn… của người dân từ bao đời nay với sự xuất hiện của chim hạc được biểu tượng hóa bằng hình ảnh chim hạc trên cánh đồng. Hình ảnh của hạc đã ăn sâu, in đậm trong tâm thức dân gian để rồi thông qua đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân dân gian để biến thành những bức tranh hạc hay những đôi hạc thờ.
Bên cạnh những biểu hiện trong văn hóa nghệ thuật, biểu hiện của hạc trong tín ngưỡng của người Việt cũng góp phần quan trọng trong việc kiến tạo nên một biểu tượng văn hóa truyền thống. Đó là niềm tin: “đất lành chim đậu.” Dạng tín ngưỡng này đã tồn tại từ lâu trong văn hóa Việt Nam nhưng có một trường hợp điển hình về một nhà sư Việt Nam đã dành cả đời mình cho sự hồi sinh của thánh địa Lâm-tì-ni (Lumbini) gắn với quan niệm này. Câu chuyện đã được chính tác giả (Thượng tọa Thích Huyền Diệu) kể lại trong cuốn sách Những điều màu nhiệm.1 Từ sự phục hồi đàn hạc ở Lâm-tì-ni đến sự hồi sinh thánh địa Phật giáo Lâm-tì-ni là một câu chuyện mang đầy màu sắc huyền thoại.2
1 Cuốn sách này được ấn hành ở hải ngoại (không ghi nhà xuất bản) năm 2004 và in lại trong: Huyền Diệu (2008), Khi Hồng Hạc bay về, Nxb. Văn nghệ. Tp.HCM.
2 Cho tới giữa thế kỷ 20, Lâm-tì-ni vẫn là một phế tích đổ nát bị vùi trong đám cây cỏ. Nhưng rồi Thượng tọa Thích Huyền Diệu, với tâm nguyện khôi phục lại một thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo, đã thuyết phục Quốc vương Nepal lúc bấy giờ cho khôi phục lại Lâm-tì-ni thành một trung tâm Phật giáo của thế giới. Được sự ủng hộ của Quốc vương Nepal, Thượng tọa Thích Huyền Diệu đã kêu gọi tăng đoàn Phật giáo ở nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka… đầu tư xây dựng các Phật viện của mỗi quốc gia tại Lâm-tì-ni. Cho tới nay, đã có hàng chục Phật viện được xây dựng, trải rộng khắp thánh tích hoang phế này. Đánh giá cao tâm nguyện và công sức của thầy Huyền Diệu, các tăng đoàn Phật giáo tại Lâm-tì-ni đã bầu Thượng tọa Thích Huyền Diệu làm Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới.
Theo cuốn sách nói trên, tác giả đã đặt niềm tin vào sự xuất hiện của chim hạc1 như một điềm lành và phát tâm nguyện sẽ khôi phục lại thánh địa Lâm-tì-ni từ đống hoang tàn đổ nát. Sau hai thập niên, thánh địa Phật giáo Lâm-tì-ni từ cảnh hoang tàn đã trở thành một quần thể các công trình Phật giáo của nhiều quốc gia trên thế giới, khang trang, đẹp đẽ. Có thể coi đây như một “liên hợp quốc Phật tự” mà ông là người có công đầu. Lâm-tì-ni giờ đây đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của tín đồ Phật giáo. Lâm-tì-ni cũng khẳng định vai trò và vị trí của thánh địa này trong “tứ thánh tích Phật giáo,” và dĩ nhiên, Lâm-tì-ni, đã khẳng định thêm một lần nữa vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong sự phát triển nền văn minh của nhân loại.
1 Trong cuốn Những điều màu nhiệm tác giả gọi loài chim này là hồng hạc, nhưng theo ảnh chụp trong sách này thì đây chính là sếu đầu đỏ. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày, cách gọi tên hồng hạc, bạch hạc, sếu, sếu đầu đỏ trong văn hóa Việt Nam chỉ là một khái niệm mang tính tương đối và tên gọi hạc mang tính biểu tượng hơn là một con vật cụ thể trong các từ điển sinh học.
***
Có thể nói, hạc là một biểu tượng của niềm tin/tín ngưỡng về một đời sống an lành và hạnh phúc với quan niệm “đất lành chim đậu” trong đời sống của người dân, đặc biệt là cư dân trồng lúa nước. Theo nhà nghiên cứu/dịch giả Trần Đình Hiến thì người Trung Hoa cho rằng nơi nào có hạc thì nơi đó có thể trồng lúa nước và ngược lại nơi trồng được lúa nước là nơi hạc có thể sinh sống. 1 Vì vậy mà hạc với người nông dân trồng lúa nước gắn với nhau như bóng với hình. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quan niệm này gần với văn hóa của người Việt hơn là văn hóa Hán (có chăng, họ là những người ghi chép lại các nét văn hóa đó bằng văn tự của họ) vì người Hán cư trú ở khu vực đất đai khô, trồng cao lương... Đối với người Việt, quan niệm “đất lành chim đậu” gắn liền với môi trường tự nhiên, nơi họ có thể canh tác lúa nước. Vì vậy, sự xuất hiện của chim hạc là chỉ báo cho thấy một môi trường phù hợp với việc canh tác lúa nước truyền thống của họ. Điều này có liên quan đến một biểu tượng trọng tâm trong văn hóa Việt Nam, đó là hình chim trên trống đồng Đông Sơn của người Việt.
1 Ý kiến này được ghi lại trong buổi tọa đàm “Những nghiên cứu mới về nước Lạc Việt cổ và mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam” do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 4/10/2014 tại số 52, Hai Bà Trưng, Hà Nội.