1 Xem: Đinh Hồng Hải, “Hình chim trên trống đồng Đông Sơn và những quan điểm sai lầm về “vật tổ” của người Việt: Tiếp cận từ góc độ nghiên cứu mỹ thuật ứng dụng”, Hội thảo Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tháng 11/2014, tại Hà Nội.
Hình trống đồng Đông Sơn, đặc biệt là mặt trống đồng Ngọc Lũ đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng nhất trong văn hóa Việt Nam. Hình mặt trống này được sử dụng trong nhiều sản phẩm văn hóa hiện đại như một biểu tượng tiêu biểu và thiêng liêng của một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong nền văn minh của người Việt. Tuy nhiên, xuất phát từ một lý thuyết sai lầm (thuyết vật tổ), hình chim trên mặt trống này đã dẫn chúng ta đến một sự ngộ nhận: Chim lạc là vật tổ của người Việt.
1. “Vật tổ” của người Việt bắt nguồn từ đâu?
Ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, phát hiện về các hình khắc trên đá do nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani (sinh năm 1866 tại Strasbourg, mất năm 1914 tại Hà Nội) tìm ra tại vách hang Đồng Nội, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, công bố vào năm 1927 đã gây chấn động giới học thuật thế giới và chính thức đặt tên cho một nền văn hóa có tên gọi quốc tế là Văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhian (Đinh Hồng Hải, Bùi Huy Vọng, 2014, tr.136-148). Tiếp theo đó, phát hiện của một người câu cá về một số đồ đồng cổ ở Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1924 cùng với công bố của Victor Goloubew năm 1929 và đề xuất của nhà khảo cổ học người Áo R. Heine- Geldern đề nghị đặt tên cho giai đoạn văn hóa này là văn hóa Đông Sơn đã khẳng định vai trò và vị trí của văn hóa Đông Sơn nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại.
Theo sau những phát hiện khảo cổ gây chấn động đó, một công cuộc nghiên cứu có quy mô ở tầm quốc gia về các mô típ trang trí thời Đông Sơn nói chung và trên trống đồng Đông Sơn nói riêng đã được các nhà khoa học tiến hành với nhiều kết quả khả quan. Các công trình nghiên cứu của Phạm Huy Thông, Hà Văn Tấn, Nguyễn Từ Chi, Trần Quốc Vượng… Đã đề cập đến nhiều ý nghĩa của các hình trang trí có trên trống đồng. 1 Chẳng hạn, hình ngôi sao tám cánh ở chính giữa mặt trống được giải nghĩa là hình mặt trời, hình người nhảy múa có các chi tiết trang trí trên đầu được định danh là mũ lông chim... Tuy nhiên, một số học giả đã diễn giải thêm cho những chiếc mũ lông chim và liên hệ với hình chim trên trống đồng, qua đó gán cho loài chim đó một cái tên là chim Lạc của người Lạc Việt và là “vật tổ” của người Việt.
1 Xin tham khảo thêm: Nhiều tác giả (1994), Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
Sự quy gán này đã khiến cho các nhà nghiên cứu thế hệ kế tiếp ở Việt Nam trích đi trích lại, dẫn đến nhiều sai lầm mà cho đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ. Vậy vật tổ là gì? theo Từ điển tiếng Việt,1 từ Vật tổ ở trang 1069 được gọi là Totem và ở trang 972 Totem được định nghĩa là “động vật, cây, vật hoặc hiện tượng tự nhiên mà tộc người nguyên thủy tin là có mối liên hệ siêu tự nhiên, có sự gần gũi máu mủ với mình, mỗi tộc người coi totem là biểu tượng thiêng liêng của mình.” Định nghĩa này bắt nguồn từ thuyết vật tổ của Sigmund Freud thịnh hành ở châu Âu và đã được chứng minh là một lý thuyết sai.2 Trên thực tế, khái niệm “vật tổ” chỉ là một giả thuyết đã được giới khoa học trên thế giới chứng minh là một giả thuyết không có giá trị ngay từ những năm 50 - 60 của thế kỷ 20 do sự nhầm lẫn thuật ngữ của John K. Long mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu cuốn sách này. Vì vậy, việc áp dụng lý thuyết đó vào bất cứ loài vật nào để quy gán cho chúng là “vật tổ” của người Việt cũng đều vô giá trị. Trong một nghiên cứu xuất bản từ năm 1952, Florance Waterbury đã chứng minh đây là một lý thuyết sai lầm, dẫn lại lời Goldenweiser, ông gọi đây là một hiện tượng giả tôn giáo/quasi-religion (Waterbury 1952, tr.17-18). Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ chỉ ra những sai lầm trong quan niệm “vật tổ” của người Việt và sẽ “thử” đưa ra một cách lý giải mới về hình chim trên trống đồng Đông Sơn.
1 Hoàng Phê chủ biên, (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học xuất bản
2 Vấn đề này Levi-Strauss đãchỉ ra trong một cuốn sách của ông được xuất bản năm 1963 là Thuyết Vật tổ (Totemism), bản dịch tiếng Anh của Rodney Needham do Beacon Press, Boston, xuất bản tại Mỹ năm 1966.
2. Hình chim với tín ngưỡng thờ chim
Tín ngưỡng thờ chim bắt nguồn từ quan niệm cho rằng sau khi chết linh hồn tiếp tục sống ở một thế giới khác, quan niệm này vẫn tồn tại một cách sống động ngay trong xã hội hiện đại (Đinh Hồng Hải, 2013). Con người ở buổi sơ khai “tôn sùng loài chim vì chúng là loài có thể bay được. Và “bay” được xem như một thứ quyền năng cao nhất của các linh vật tầng trên”. (Đinh Hồng Hải, 2006, tr.74) Theo Florance Waterbury, “quyền năng huyền bí của loài chim khi tách mình khỏi trái đất và biến mất trên tầng không, nơi mà thậm chí những loài có sức mạnh nhất trên mặt đất cũng không thể với tới, hình thành nên niềm tin rằng chúng là những linh vật thiêng liêng đến từ một thế giới khác… Linh hồn của con người có thể trở thành chim sau khi chết; hoặc nhập vào chim; hoặc được loài chim đưa tới thế giới của các linh hồn. Loài chim mang linh hồn đến cho những đứa trẻ mới chào đời. Sự tách biệt giữa hai khái niệm chim là linh hồn và chim là nơi trú ngụ của linh hồn chính là những ý tưởng phi bản ngã trong thế giới quan của con người buổi sơ khai đối với các loài chim thú” (Waterbury 1952, tr.57). Đây là một trong những căn nguyên để tín ngưỡng thờ chim hình thành, tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Rõ ràng, đặc tính “bay được” của loài chim là một trong những điều mà con người không thể thực hiện được bằng chính khả năng của bản thân họ. Đặc tính này gắn với “giấc mơ bay” của con người từ thuở sơ khai và phải tới đầu thế kỷ 20 thì giấc mơ này của loài người mới trở thành hiện thực khi họ chế tạo được máy bay. Vì vậy, khả năng “bay được” được cho là một loại quyền năng thiêng liêng chỉ có được ở các vị thần hoặc những loài vật linh thiêng. Trong nhiều tác phẩm nghệ thuật tồn tại các nội dung mô tả thiên thần có cánh chính là sự thể hiện ước mơ có thể bay được của loài người có từ thời cổ đại đến hiện đại. Theo Luc Benoist, “con người nhỏ bé không thể bay lên khỏi mặt đất nên vô cùng ngưỡng mộ loài có cánh, có thể tự do bay lượn và lên tới thiên đình, thậm chí có thể gặp gỡ các đấng thần linh. Vì vậy, chim được coi như sứ giả của các vị thần và tất cả những biểu hiện quyền lực của thần linh đều sử dụng đôi cánh của chúng. Chim, đôi cánh và hành động bay tượng trưng cho trạng thái cấp cao của sinh vật” (Benoist, tr. 58).
Trong thần thoại của nhiều dân tộc, chim là những con vật linh quan trọng trong văn hóa như Garuda với người Ấn Độ, Phượng hoàng với người Trung Hoa hay Hạc với người Việt, Grok, T’ring với người Cơtu, Grứ với người J’rai… Điều này có thể thấy rõ hơn trong văn hóa của người Việt từ giai đoạn Đông Sơn qua những hình trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Tại đây, hình chim là một trong những biểu tượng trọng tâm được đưa vào nội dung trang trí chính của trống đồng.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, thần thoại của người Mường kể rằng: Khi con người còn chưa xuất hiện, trời làm hạn hán, khô khan, cây cối khô mà chết, rồi trời lại mưa. Một trận mưa to chưa từng thấy. Nước chảy thành suối thành sông. Đất lở bồi thành đồng bằng. Đá lăn chất đầy thành gò thành đống, thành đồi thành núi. Từ dưới đất mọc lên một cây si. Cây si lớn như thổi trở thành một cây cổ thụ, cành lá che kín cả bầu trời. Cây si bị sâu đục ăn làm cho gãy cành rụng lá. Từ gốc cây si đẻ ra một đôi chim. Chim Ây là đực, Cái Ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ. Cành si gãy. Chim bay lên cây đa làm tổ. Cây đa đổ. Chim Ây và Cái Ứa lại rủ nhau bay lên núi đá lấy cỏ làm thành tổ Hang Hao. Cái Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng. Trứng chim nở ra thành muôn loài muôn vật. Còn lại một trăm cái trứng thì nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh.1
Qua đó có thể thấy, vai trò của loài chim trong tín ngưỡng sơ khai của loài người có tầm quan trọng đặc biệt, chúng không chỉ là linh hồn hoặc là nơi trú ngụ của linh hồn như Waterbury đã đề cập ở trên mà còn được coi như “tổ tiên” của loài người thông qua những câu chuyện thần thoại mà “Chim Ây Cái Ứa” trong thần thoại của người Mường là một ví dụ tiêu biểu. Những huyền thoại như đã nêu ở trên có tác động không nhỏ đến tư duy của con người từ giai đoạn sơ khai đến nay. Thậm chí, chúng có thể khiến cho các nhà khoa học bị cuốn theo những huyền thoại mới mà việc chứng minh “chim lạc là vật tổ của người Việt” chính là một huyền thoại mới - huyền thoại trong khoa học.2
1 Theo Từ Chi, “Thần thoại trong Đẻ đất đẻ nước”, Văn nghệ dân tộc và miền núi, số 8-1996. Xem câu chuyện này, chúng ta dường như nhận thấy hình bóng của truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ với “truyền thuyết trăm trứng.”
2 Như J. F. Dortier đã nhận xét: “Sau khi giữ một vai trò lớn, tục thờ vật tổ đã bị vứt bỏ, bị đưa xuống hàng những ảo giác về quá khứ. Một ảo giác khoa học cho thấy rằng các nhà tộc người học cũng có những tín ngưỡng và huyền thoại của họ” (Dortier, 2004, 2009).
Theo chúng tôi, nếu có một loại tín ngưỡng liên quan đến chim được mô tả qua hình chim trên trống đồng Đông Sơn thì đó có thể là một dạng tín ngưỡng thờ chim hay tôn thờ động vật như chúng tôi đã lý giải trong phần đầu của nghiên cứu này chứ không phải là tín ngưỡng thờ “vật tổ.” Trong nội dung dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến hình chim trên trống đồng Đông Sơn và những quan niệm sai lầm về “vật tổ” của người Việt.
3. Chim lạc là chim gì?
Học giả Đào Duy Anh trong nhiều cuốn sách về lịch sử Việt Nam giai đoạn cổ đại (xem thư mục), gần đây nhất là cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, xuất bản năm 2005, tr.53-70) cho rằng: “người Lạc Việt đã dời toàn thể bộ lạc của họ từ miền nam Trung Hoa đến và xây dựng được một nền văn hóa đồ đồng khá tinh xảo, mà theo Lư Quảng thì lạc là họ, tức tên thị tộc của một nhóm người Việt ở xứ Mân. Xã hội học cho chúng ta biết rằng những tên của các thị tộc của xã hội nguyên thủy thường là lấy tên vật tổ mà gọi.” và ông đi đến kết luận: “Những hình chim bay và chim đậu ở mặt trống đồng chính là hình chim lạc vật tổ.”1 Từ nhận định này, nhiều tác giả kế tiếp ông cũng nhấn mạnh đến một loại “vật tổ” của người Việt là chim lạc. Ngoài Đào Duy Anh ra, còn nhiều nghiên cứu của các tác giả khác cũng xác định các loại vật tổ khác nhau cho người Việt như rồng, tiên, bò, hươu... Trong một nghiên cứu mới nhất của tác giả Tạ Đức xuất bản năm 2013, có đề cập: “Hươu là vật tổ tương đương với chim” ở trang 262 và ông xác định “đúng là đàn chim lạc bay không mệt mỏi để tìm một chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời (như hình được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn)” ở trang 817 (Tạ Đức, 2013). Như vậy, bên cạnh chim lạc là vật tổ, theo Đào Duy Anh còn có rồng, tiên, bò và hươu cũng được coi là vật tổ của người Việt.
1 Tuy nhiên, trong Hán Việt Từ điển giản yếu do Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, xuất bản năm 2009, tr.328, Đào Duy Anh lại không định nghĩa chữ lạc là “chim” mà chỉ có một trong số các nghĩa “là một loài thú giống con ly.”
Có thể thấy, mặc dù thuyết vật tổ là một lý thuyết sai lầm nhưng khi được các học giả hàng đầu ở Việt Nam viết ra lại trở thành những nhận định “thuyết phục.” Những nhận định như vậy được nhiều nhà nghiên cứu kế tiếp nhau chép đi chép lại như một loại“Kinh thánh” và hầu như không một ai dám phủ nhận các “quan điểm khoa học” của các bậc thầy của mình, cho đến gần đây mới có một số nghiên cứu phản biện1 mà chúng tôi sẽ dẫn ra sau đây.
1 Trên thực tế, một công trình nghiên cứu khoa học phải là một công trình mang tính khách quan, hướng đến những chân lý khoa học, nó hoàn toàn khác với Kinh thánh - nơi các tín đồ đặt niềm tin một cách tuyệt đối vào Chúa (In God We Trust). Điều này cho thấy công việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất thiếu các nghiên cứu phản biện dẫn đến những sai lầm được chép đi chép lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có thể xem các nghiên cứu của Kiều Thu Hoạch, Phan Duy Kha, Vũ Thế Ngọc, Trần Gia Phụng và nhiều học giả khác ngay dưới đây.
Gần đây, trong bài “Những tri thức thiếu chính xác và một số điều cần trao đổi trong những cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam,” Tạp chí Văn hóa Dân gian số 2/2009, GS. Kiều Thu Hoạch viết: “Trước hết là nhà sử học Đào Duy Anh, trong sách Lịch sử cổ đại Việt Nam (Nxb. Văn hoá Thông tin, 2005), ở tr. 54, cụ viết “chữ lạc 雒 hay 鵅 là chỉ một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, tương tự với loài ngỗng trời. Có thể chim lạc là vật tổ của người Lạc Việt”. Trong Thể thao & Văn hoá số 66 (17/8/2004), chúng tôi có bài trao đổi với ông Lê Văn Lan, nhân đọc bài của ông “Chim Lạc hay cò? Hãy gọi đúng tên” đăng trên Thể thao & Văn hóa số 4, 5, 6 (13/1/2004). Bài viết của chúng tôi đã ghi cả bốn chữ mà ta đều đọc là lạc: 鵅,駱,雒 ,貉(với các bộ thủ: điểu, mã, chuy, trãi). Theo tra cứu của chúng tôi, thì bốn chữ này đều là ghi âm Hán của từ Việt cổ (rác, đrác, đác) còn thấy trong tiếng Mường, chỉ nước. (Giống trường hợp: My Linh/ Ma Linh/ Mê Linh ghi địa danh Mlinh thời Hai Bà Trưng). Còn nếu xét theo nghĩa thì: Lạc 駱 bộ mãlà ngựa trắng bờm đen; Lạc 雒 bộ truy là ngựa đen bờm trắng. Hai chữ này đều là chữ Kinh Thi (thiên Lỗ tụng), đều không hề có nghĩa chỉ loài chim, như cụ Đào giải thích. Chính vì vậy, chúng tôi đã căn cứ theo phương pháp ngữ âm học lịch sử để giải thích đó chỉ là những chữ mượn âm Hán để ghi âm tiếng Việt cổ, chứ không thể máy móc giải thích theo nghĩa chữ Hán được. Và như thế, cả hai chữ đều chỉ loài ngựa (nếu hiểu theo ngữ nghĩa), chứ không chỉ hậu điểu (loài chim di trú) nào cả. (Sai lầm của cụ Đào đã kéo theo cả Trần Ngọc Thêm trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam - 1997, tr. 276).”1
1 Kiều Thu Hoạch (2009), “Những tri thức thiếu chính xác và một số điều cần trao đổi trong những cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam,” Tạp chí Văn hóa Dân gian số 2/2009, Hà Nội.
Cũng có những phân tích tương tự, GS. Vũ Thế Ngọc trong bài “Ý nghĩa Quốc hiệu Lạc Việt” trong Đặc San Đền Hùng - Xuân Kỷ Tỵ 1989, phát hành tại San Jose, Hoa Kỳ cho rằng “chữ "lạc bộ Trãi", chỉ riêng có sử gia Việt là dùng. Chữ này phải đọc là “mạch” (âm Quan Thoại là “mỏ”) chỉ một dân tộc (rợ) phương Bắc Trung Quốc, hoặc là “hạc” (âm Quan Thoại là “hao”) nghĩa là một loài chồn, badger, da dùng làm áo. Chúng ta sẽ hiểu tại sao chỉ có sử gia Việt dùng chữ này ở đoạn sau.
Với tất cả những nghĩa đó, ta thấy ngay không có nghĩa nào để chỉ dân tộc Lạc Việt, Lạc điền, Lạc tướng cho xuôi. Vì không thể nào người ta lấy tên chim cú mèo, vốn được coi như loài chim quái gở, (vì thế sau này người ta còn thay chữ "lạc bộ Chuy" là cú mèo, thành "lạc bộ Mã" trong các nhân danh, địa danh Trung Quốc). Trong tiếng Việt còn có các thành ngữ xấu như: Mắt cú vọ, cú dòm nhà bệnh, cú kêu ra ma, cú đói ăn con v.v... Nếu nói là vật tổ, thì từ trống đồng đến thần thoại chẳng thấy có nhắc gì đến cú mèo cả. Trí thức phong kiến Trung Quốc, với đầu óc hẹp hòi, tự tôn và thực dân đã luôn luôn dùng những chữ bộ khuyển (chó) để chỉ những dân tộc láng giềng (Duẫn, Qua, Dao, Lào, Đồng). Chính vì không thích chữ "chó ngựa" như vậy, các sử gia Việt mới dùng chữ "lạc bộ Trãi" để thay thế. Vì vậy tại sao ta thấy chỉ có sử gia Việt Nam mới dùng chữ "lạc bộ Trãi.”1
Trong bài “Hình chim trên trống đồng Lạc Việt”, Trần Gia Phụng đặt mối quan tâm đối với chữ lạc trong “Lạc Việt” (Lo Yueh), từ Giao Châu ngoại vực ký đời Tấn (265-420), Thủy kinh chú (thế kỷ thứ 6) của Lịch Đạo Nguyên (Trung Hoa), đến An Nam chí lược(thế kỷ 13) của Lê Tắc (người Việt sống ở Trung Hoa) có định nghĩa về chữ lạc. Từ đây, ông đưa ra nhận định là đại đa số các tài liệu kể trên đều dẫn lại theo Giao Châu ngoại vực ký và Thủy kinh chú.“ Để đi tìm ý nghĩa của chữ “Lạc Việt,” các nhà nghiên cứu Việt Nam vào giữa thế kỷ 20 tra cứu chữ lạc trong các từ điển Trung Hoa, và được biết rằng một trong nhiều nghĩa của chữ lạc trong từ điển Trung Hoa là một loài chim. Các ông liền liên tưởng đến hình chim trên các trống đồng Lạc Việt, và đưa ra giả thuyết rằng chữ lạc trong “Lạc Việt” là một loài chim, và có thể là vật tổ (totem) của người Lạc Việt”.2 Trong khi các huyền thoại, truyền thuyết, tục ngữ, ca dao của người Việt cũng không hề tồn tại dấu vết của một loài chim có tên gọi chim lạc.
1 Vũ Thế Ngọc (1989), “Ý nghĩa Quốc hiệu Lạc Việt”, Đặc san Đền Hùng - Xuân Kỷ Tỵ, phát hành tại San Jose, Hoa Kỳ.
2 Trong nghiên cứu của mình, Trần Gia Phụng đã dẫn Lịch Đạo Nguyên, trong sách Thủy kinh chú, đã lặp lại theo Giao Châu ngoại vực ký như sau: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu chủ chư quận huyện. Đa vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ.” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc vương, Lạc hầu để coi quận huyện. Có nhiều Lạc tướng, có ấn đồng lụa xanh. Trong An Nam chí lược, Lê Tắc trích như sau: “Tại Giao Châu ngoại vực ký, tích vị hữu quận huyện thời, lạc điền tùy triều thủy thượng hạ, khẩn kỳ điền giả vi lạc dân, thống kỳ dân giả vi lạc vương, phó vương giả vi lạc tướng, giai đồng ấn thanh thọ...” (Giao Châu ngoại vực ký chép: Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là lạc dân, người cai quản dân gọi là lạc vương, người phó là lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu...). Trong khi nhiều bộ từ điển từ Alexandre de Rhodes đến các từ điển hiện nay hầu như không có chim lạc, chỉ có từ điển của Alexandre de Rhodes viết “Chim lạc: chim lạc, và cũng nói về các thú khác”, và từ điển của Lê Ngọc Trụ ghi “lạc” là “tên loại thú”. Còn các từ điển khác thì không đề cập đến chim lạc hay “lạc” là “tên loài thú.”
Như vậy, một loài chim có tên gọi chim lạc không tồn tại trong tự nhiên và cũng không tồn tại trong văn hóa Việt Nam đã được một số học giả thời hiện đại đặt ra để gắn nó với từ Lạc Việt trong từ ngữ gốc Hán và gán luôn cho hình chim trên trống đông Đông Sơn. Để giải quyết những sai lầm này, Trần Gia Phụng hướng suy đoán của mình đến việc tìm hiểu chữ lạc qua phiên âm. Theo ông, “những danh từ riêng như tên đất, tên người đều là tiếng bản địa cổ Việt. Khi đến đô hộ người Việt, người Trung Hoa phiên âm các danh từ này, rồi viết lại, nghĩa là người Trung Hoa dùng những chữ Hán có âm giống tiếng cổ Việt, ghi lại địa danh và nhân danh. Chắc chắn chữ “Lạc Việt” cũng nằm trong trường hợp đó.” Dẫn dụ một số ý kiến của các học giả Nguyễn Phương, Claude Madrolle, Hoàng Văn Chí, ông cho rằng, “Chữ lạc đọc theo âm Hán Việt của người Việt là “lạc”, còn đọc theo âm của người Trung Hoa là “lo, ló, lô”. Ví dụ Lạc Dương, kinh đô Trung Hoa thời nhà Châu được phiên âm theo chữ Latin là Loyang. Rõ ràng âm “lo” là “lạc”… Chữ lạc là tiếng phiên âm một từ ngữ của người bản địa cổ Việt. Dẫu có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ lạc trong sách Trung Hoa, trong các bộ từ điển như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, và dầu các bộ từ điển này đã căn cứ trên những cổ thư danh tiếng của Trung Hoa, thì đó là ý nghĩa chữ lạc trong tiếng Trung Hoa phát âm theo lối Hán Việt, chứ không phải là chữ phiên âm từ tiếng của người bản địa cổ Việt.”
Cuối cùng, ông đưa ra nhận định, chữ lo (lạc) được người Hán phiên âm từ ló, lo hay lô trong tiếng Việt cổ, từ này có nghĩa là lúa gạo. Chẳng hạn ở Quảng Bình có câu “Cơm mô cho vừa bụng chó, ló mô cho vừa bụng gà.” Trong Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (Nxb. Tâm An, California 2001, tr. 271), đều viết rằng “ló” có nghĩa là “lúa gạo.” Theo tác giả bộ Từ điển đồng nguyên, từ ngữ này hiện vẫn được dùng ở một số sắc tộc miền núi nước ta như người Mường, người Bờ-ru (Brou), người Mon... và nhiều sắc dân Đông Nam Á” (Trần Gia Phụng 2005). Trên thực tế, không chỉ có cổ ngữ của người Việt gọi lúa là “ló” mà hiện nay tại nhiều địa phương tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Vẫn gọi lúa là “ló”, trong khi người Thanh Hóa gọi là “lọ”. Người Mường gọi bằng một âm tiết khá nặng giữa “lõ”/”lỏ” và “lọ” (như “Cơm mường Vó, Lọ mường Vang”). Điều đó cho thấy giả thuyết phiên âm chữ lạc (lo) của người Hán bắt nguồn từ ló, lọ, lõ, lỏ trong tiếng Việt đáng quan tâm hơn một lý thuyết đã không còn giá trị là thuyết vật tổ.1
1 Một cách lý giải khác cũng theo hướng phiên âm của GS. Vũ Thế Ngọc lấy ý tưởng từ Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc cho rằng chữ lạc phiên âm này có thể là ký âm của chữ nác/đák (nước) cũng đáng lưu tâm nhưng cần có thêm dữ liệu.
4. Hình chim trên trống đồng Đông Sơn dưới góc nhìn nghệ thuật
Để tìm hiểu các biểu tượng trang trí trên các hiện vật khảo cổ mà con người đã tạo ra trong quá khứ, các nhà khoa học ở những trung tâm khoa học lớn trên thế giới đã có nhiều phương pháp nghiên cứu ở nhiều bộ môn khoa học khác nhau để tiếp cận đối tượng này như iconography/iconology (nghiên cứu về các thánh tượng hay hình tượng), cryptography/ cryptology (nghiên cứu giải mã hay mật mã học), semiotics/semiology (kí hiệu học)… Bên cạnh các phương pháp chung của sử học, nghệ thuật học, khảo cổ học...
Tuy nhiên, để tìm hiểu những biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn nói chung và hình chim trên trống đồng Ngọc Lũ nói riêng, bên cạnh các phương pháp nói trên, chúng cần được tiếp cận dưới góc nhìn chức năng. Đây chính là thao tác ‘đọc’ biểu tượng - một thao tác không thể thiếu trong mỗi quy trình nghiên cứu biểu tượng cần thiết. Theo đó, những chức năng thông thường như chức năng làm đẹp của một thành tố trang trí có thể dễ dàng nhận ra trong khi chức năng biểu tượng lại không dễ suy đoán. Để giải mã ý nghĩa của chúng thì chúng ta cần tiếp cận từ góc độ lý thuyết nghiên cứu biểu tượng. 1 Và để giải mã hình chim trên trống đồng, ít nhất chúng ta cần tiếp cận từ ba góc độ:
1 Xem: Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
1. Góc độ xã hội: Góc nhìn này tập trung vào vai trò và vị trí của trống đồng trong nền văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam;
2. Góc độ tự nhiên: Góc nhìn này nêu bật tầm quan trọng của loài chim được khắc trên trống đồng đối với cư dân Đông Sơn;
3. Góc độ nghệ thuật & biểu tượng: Góc nhìn này hướng đến một phần việc quan trọng nhất, đó là “đọc” ngôn ngữ biểu tượng của hình trang trí này.
Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu dưới góc độ xã hội đề cập đến vai trò và vị trí của trống đồng trong nền văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam nên trong nghiên cứu này chúng tôi không nhắc lại. Và như đã đề cập ở trên, hình chim trong văn hóa Đông Sơn của người Việt không phải là chim lạc. Trên thực tế cũng không có loài chim nào có tên gọi là lạc trong tự nhiên cũng như trong văn hóa Việt Nam (có chăng chỉ là những con chim lạc đàn mà chúng ta không bàn đến).
Vậy chúng là chim gì? Sau khi đưa ra những lập luận khá thuyết phục như đã nêu ở trên, tác giả Trần Gia Phụng đưa ra giả thuyết rằng đó là hình cò trong văn hóa Việt Nam vì trong môi trường tự nhiên vẫn tồn tại loài chim này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, hình thức của loài chim trên trống đồng Đông Sơn mà ông đã dẫn (như hình dưới đây) ít tương đồng với cò mà dường như gần hơn với hình thức biểu hiện của hạc hay sếu.1
1 Chi tiết những phân tích về hạc trắng và sếu xin xem thêm: Đinh Hồng Hải (2014), “Biểu tượng chim hạc trong văn hóa Việt Nam,” Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực số 3, Tp. Hồ Chí Minh.
Hạc hay sếu, xét dưới góc độ tạo hình thì hình chim này có mỏ khá dài và to trong khi cò cũng có mỏ dài nhưng bé. Nhìn tổng thể, hình thức tạo tác của loài chim này gần với hạc hay sếu hơn là cò. Xét về mức độ “gần gũi” với con người, đặc biệt là những người trồng lúa, thì cả cò, hạc, và sếu đều là những loài chim gần gũi và thân thiết với người nông dân. Hiện nay, hạc (hay sếu) ít xuất hiện ở Việt Nam nhưng ở Ấn Độ và Nepal, chúng vẫn thường kiếm ăn trên những cánh đồng mà người nông dân đang cày cấy. Trong cuốn sách Khi Hồng hạc bay về, tác giả Thích Huyền Diệu còn có những bức ảnh cho thấy những con chim này chui vào trong lều của ông.
Xét về vẻ đẹp tự nhiên, chúng là loài chim tuyệt mỹ mà các nhà thơ, các họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh đã tốn nhiều công sức để ghi lại vẻ đẹp “trời cho” này. Trong khi đàn cò có thể đẹp khi hòa cùng cảnh quan thiên nhiên nhưng nếu đặt riêng thì vẻ ngoài của cò khó có thể sánh với hạc hay sếu. Cuối cùng, nếu xét dưới góc độ tín ngưỡng thì hạc là một loài chim có tính biểu tượng cao, được đưa vào các không gian thờ tự linh thiêng và vẫn tồn tại ngay trong xã hội đương đại. Vì vậy, khả năng các nghệ nhân thời Đông Sơn khắc hình chim hạc - một loài chim đẹp hơn, linh thiêng hơn cò - lên trống đồng là có thể xảy ra.
Tới đây, một câu hỏi cần đặt ra là: Loài chim này có tồn tại trong môi trường tự nhiên thời Đông Sơn không? Theo chúng tôi, hiện nay hạc vẫn tồn tại ở một số nơi trên đất nước Việt Nam như vườn quốc gia Tràm Chim hay thậm chí mới xuất hiện ở Nghệ An gần đây, vì vậy, môi trường tự nhiên thời Đông Sơn có thể là một môi trường sống tốt của loài chim này. Tuy nhiên, do hạc là loài chim to lớn nên dễ trở thành mục tiêu săn bắt (dù ở giai đoạn “săn bắt hái lượm” hay trong giai đoạn hiện nay!) nên số lượng cá thể của loài này bị giảm sút rất nhiều, tuy chưa đến mức tuyệt chủng nhưng nguy cơ tuyệt chủng là rất cao.
Ở Ấn Độ, Nepal cũng như các quốc gia Nam Á khác, người dân hầu như không ăn thịt động vật tự nhiên (nhưng có ăn trứng) nên việc khôi phục đàn hạc tự nhiên của họ có vẻ như dễ dàng hơn. Trong khi ở Việt Nam và Trung Quốc, nơi các loài chim, thú trong tự nhiên được xem như những món “đặc sản.” Vì vậy, cuộc chiến bảo tồn loài chim quý hiếm này sẽ khó khăn hơn rất nhiều và nếu như không có các vườn quốc gia hay các khu bảo tồn thiên nhiên thì có lẽ chúng đã không còn đất sống.
Như vậy, một loài chim đẹp, quý hiếm, có tính biểu tượng cao rất đáng để các nghệ nhân thời Đông Sơn chọn làm một trong số các mô típ trang trí trọng tâm trên trống đồng. Và nếu như hạc hay sếu trở thành một loài linh thiêng được đưa vào một sản phẩm văn hóa tiêu biểu của người Việt thời Đông Sơn thì cũng hoàn toàn xứng đáng.
Trên đây chỉ là những giả thuyết bước đầu của chúng tôi về hình chim trang trí trên trống đồng Đông Sơn. Để có thể khẳng định được đó là cò, hạc hay sếu, cần có thêm những phương pháp nghiên cứu khác sâu hơn, chuyên biệt hơn, mà nội dung của nghiên cứu này chưa cho phép. Hi vọng rằng, chúng tôi sẽ có dịp trở lại chủ đề này ở một chuyên khảo dài hơi trong tương lai.
5. Những ngộ nhận về “Vật tổ” của người Việt
Qua những gì đã được trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy sự suy diễn quá mức sẽ dẫn các nhà khoa học đến những nhận định sai lầm. Hai sai lầm lớn có thể chỉ ra ở đây là:
1) Không có loài chim nào ở Việt Nam có tên gọi là chim lạc (trong tự nhiên cũng như trong văn hóa);
2) Chim lạc không phải là “vật tổ” của người Việt.
Và sự suy diễn của một số nhà khoa học về hình chim trên trống đồng Ngọc Lũ với tên gọi chim lạc và những quan niệm về vật tổ của người Việt là thiếu thuyết phục. Phải chăng những ngộ nhận về Vật tổ của các nhà khoa học Việt Nam ở đây có sự nhầm lẫn với tín ngưỡng thờ tổ tiên đã có từ lâu đời trong văn hóa của người Việt? Nếu đúng như vậy thì việc gán ghép một trường phái lý thuyết sai với một loại hình tín ngưỡng lâu đời ở Việt Nam đã gây nên một sự hiểu lầm không đáng có. Thứ nhất, tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt hướng đến đối tượng là con người (là tổ tiên, là thân nhân của những người đang sống). Thứ hai, các loại hình tín ngưỡng dân gian như thờ cây, thờ đá, thờ động vật… hoàn toàn khác so với tín ngưỡng thờ tổ tiên (thờ người đã chết).
Qua đó có thể thấy, hình chim trên trống đồng Đông Sơn và những quan điểm sai lầm về “vật tổ” của người Việt là một sự ngộ nhận mang “tầm vóc thế kỷ.” Trên thực tế, việc đi tìm nguồn gốc hay tổ tiên của một tộc người (cụ thể ở đây là người Việt) từ một loài động vật, thực vật/cây, đồ vật hoặc hiện tượng tự nhiên như mưa/gió/sấm/sét là một việc làm vô ích vì đó chỉ là những huyền thoại. Mà huyền thoại thì chỉ là “câu chuyện huyền hoặc, kì lạ, hoàn toàn do tưởng tượng; thần thoại.”1 Vì vậy, những loài vật được xem như “vật tổ” của người Việt như chim lạc, rồng, bò hay hươu, cho dù là những thông tin được ghi trong chính sử thời phong kiến hay được truyền khẩu trong dân gian thì cũng đều thiếu căn cứ và chúng ta không nên tiếp tục kéo dài thêm những sự ngộ nhận đó từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Đã đến lúc, chúng ta cần xem xét lại tính xác thực của cụm từ “con Lạc cháu Hồng” dưới góc nhìn của khoa học hiện nay.
1 Hoàng Phê, Sđd, tr. 454.