1 Xem: Đinh Hồng Hải 2015. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nxb. Lý luận chính trị, (đồng tác giả). ISBN: 978-604-901-533-5
Trong lịch sử Việt Nam, triều đại của các Vua Hùng (Hùng Vương) với quá trình xây dựng nhà nước Văn Lang là một trong những triều đại được giới nghiên cứu quan tâm nhiều nhất nhưng cũng gây tranh luận nhiều nhất. Sự tồn tại của những tranh cãi đó là do thời Hùng Vương được cho là một thời kỳ mà người Việt bắt đầu xây dựng một thiết chế xã hội tiền nhà nước. Dấu tích của thời kỳ này có nhiều di vết khảo cổ và nhiều hiện vật được tìm thấy nhưng lại hầu như không được lịch sử thành văn ghi lại. Bỏ qua các huyền sử mơ hồ và những dữ liệu ít ỏi từ các tác phẩm lịch sử hay dã sử của người Trung Hoa, nghiên cứu này sẽ tập trung tìm hiểu biểu tượng Hùng Vương và tín ngưỡng thờ Hùng Vương từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận.
1. Từ chủ nghĩa quốc gia/dân tộc đến dân tộc biểu tượng luận
Sự tồn tại của các quốc gia có một lịch sử lâu đời từ các thiết chế tiền nhà nước (hay còn gọi là nhà nước sơ khai) đến các thể chế nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, thuật ngữ nationalism (trong tiếng Việt gọi là chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc) mới chỉ được giới khoa học sử dụng từ cuối thế kỷ XVIII. Theo Bennedict Anderson, quốc gia là một cấu trúc xã hội có tính cộng đồng được hình thành do sự tin tưởng (hay sự tưởng tượng) của những người tự cảm thấy mình như là một phần của cộng đồng đó [Anderson 2006].
Trong xã hội hiện đại, mỗi quốc gia là một vùng lãnh thổ riêng với những đặc trưng riêng được xác định bởi các thiết chế biểu tượng đã được thể chế hóa như quốc kỳ, quốc ca (thậm chí là màu biểu tượng, vật biểu tượng, hoa biểu tượng,…) và cần phải được công nhận bởi các quốc gia khác theo Hiến chương của Liên hợp quốc.1 Nhờ các biểu tượng độc lập này mà những quốc gia nhỏ bé như Vatican (với diện tích không tới 1km2 nằm lọt thỏm giữa thủ đô Roma của Italia) hay Vanuatu (là một hòn đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương với khoảng một vạn dân) cũng hoàn toàn bình đẳng với một nước Nga có diện tích 17.075.200 km2 hay Trung Quốc với 1,4 tỷ dân.
1 Hiến chương Liên hợp quốc ký ngày 26/06/1945 tại San Francisco, Hoa Kỳ, có hiệu lực từ 24/10/1945.
Vậy điều gì khiến cho các quốc gia nhỏ bé như vậy có thể tồn tại một cách độc lập bên cạnh những quốc gia khổng lồ khác? Có thể nói rằng, bên cạnh các yếu tố chính trị, lịch sử và địa lý đã định hình nên vị trí độc lập của mỗi quốc gia thì một quốc gia độc lập cần phải có một đặc tính xã hội không thể thiếu, đó là vị thế độc lập và khát vọng độc lập của chính chủ nhân những quốc gia đó trước khi nó được công nhận là một quốc gia độc lập. Tương tự như khát vọng tự do của mỗi cá nhân thì khát vọng độc lập của mỗi quốc gia là một nhu cầu mang tính phổ quát trong nền văn minh nhân loại. Sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ để bảo vệ nền độc lập của mỗi quốc gia là những minh chứng tiêu biểu cho khát vọng độc lập được đặt trên tinh thần dân tộc - nền tảng của chủ nghĩa quốc gia.
Sau hai cuộc Chiến tranh thế giới Lần thứ nhất (WW1) và Lần thứ hai (WW2) vô cùng khốc liệt diễn ra trong thế kỷ XX, các nhà khoa học xã hội đã nhìn nhận lại nhiều vấn đề lý thuyết vốn định hình nên các thiết chế xã hội trước đó và đã chỉ ra những sai lầm của nhiều học thuyết cũ không còn phù hợp trong bối cảnh đương đại.1 Cùng với những quan điểm lý thuyết mới về một xã hội toàn cầu hóa hay một thế giới phẳng,2 dân tộc biểu tượng luận cũng là một khuynh hướng lý thuyết mới ra đời gần đây nhưng đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống lý thuyết khoa học xã hội của thế kỷ XXI và có liên quan mật thiết đến các vấn đề của chủ nghĩa quốc gia, độc lập dân tộc và cả những vấn đề xung đột sắc tộc.
Đi xa hơn những quan niệm về chủ nghĩa quốc gia nói trên, có thể nói, quan điểm lý thuyết dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận3 là một hướng tiếp cận mới hết sức phù hợp đối với tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân trọng yếu:
- Thứ nhất, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa đặc trưng của người Việt có đầy đủ các “biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống” (như Anthony Smith đã đề cập).
1 Chẳng hạn như thuyết tiến hóa xã hội, thuyết vị chủng, thuyết Malthus…
2 Thế giới phẳng là thuật ngữ được dịch ra từ cuốn sách của Thomas Frieman xuất bản năm 2005: The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-First Century. Farra, Strauss and Giroux. U.S.A.
3 Xem dân tộc biểu tượng luận (ethnosymbolism) đã giới thiệu ở các phần trước.
- Thứ hai, hệ biểu tượng văn hóa1 trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương gắn với khát vọng độc lập của người Việt trong lịch sử. Hệ biểu tượng đó, đã theo suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ nền độc lập của người Việt cho đến ngày hôm nay.
Khác với các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng khác,2 tín ngưỡng thờ Hùng Vương không hướng đến sự tôn thờ thần thánh hay các lực lượng siêu nhiên (vốn được xem như những tác nhân quan trọng có tác động mạnh mẽ đến đời sống và mang tính quyết định đối với vận mệnh của mỗi con người) mà hướng đến một hệ biểu tượng văn hóa gắn với niềm tin của người Việt trải qua nhiều thế hệ. Hệ biểu tượng này được biểu hiện qua nhiều thành tố có liên quan như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, sự sùng bái thủ lĩnh, quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại.
1 Hệ thống biểu tượng này được định hình bằng những huyền thoại, truyền thuyết, hoàn toàn khác với hệ thống lăng tẩm với các hiện vật hết sức cụ thể của các vua nhà Nguyễn sau này.
2 Theo Từ điển tiếng Việt thì tôn giáo - tín ngưỡng là “Hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ”(tr. 976).
Ở đây, chính niềm tin của người Việt đối với tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã góp phần kiến tạo nên các biểu tượng dân tộc. Mặt khác, quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại lại góp phần củng cố sự tồn tại và phát triển của các biểu tượng này. Sau cùng, chính các biểu tượng đó lại giúp người dân khẳng định niềm tin đối với tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu về hệ biểu tượng văn hóa trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã tồn tại trong lịch sử dựng nước và vẫn đang hiện hữu một cách sống động trong cuộc đấu tranh giữ nước với khát vọng độc lập của người Việt ngày hôm nay.
2. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và biểu tượng tổ tiên của người Việt
Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những tín ngưỡng phổ biến nhất trong cộng đồng người Việt. Đây là “một hiện tượng xã hội xuất hiện từ xa xưa và tồn tại ở nhiều cộng đồng trên thế giới. Đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người, dân tộc... tín ngưỡng này trải dài qua các thời kỳ lịch sử, tồn tại ở nhiều cộng đồng, thành phần tộc người và đan xen, thẩm thấu vào hầu hết các tôn giáo hiện có ở Việt Nam” [ Nguyễn Thị Hải Yến 2012].
Các nhà nghiên cứu nước ngoài khi tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng của người Việt đều thừa nhận rằng thờ cúng tổ tiên rất được coi trọng ở đất nước ta suốt trong trường kỳ lịch sử, chẳng hạn ở thế kỷ XVII, Alexandre de Rhodes đã ghi chép thực tế như sau: “Việc sùng bái vong linh tiên tổ vượt hết những gì có thể nghĩ được ở châu Âu. Họ vất vả rất nhiều để tìm đất đặt mồ mả. Họ cho rằng, hạnh phúc toàn gia tộc đều phụ thuộc vào sự để mả này. Họ không tiếc tiền của, công lao để bày cỗ bàn tiệc tùng mấy ngày liền sau đám tang, rồi mỗi năm, vào ngày kỵ, không bao giờ họ bỏ không làm giỗ tổ tiên tới tám đời hoặc có khi tới mười đời” [Chu Xuân Giao cb., Nguyễn Thị Lương 2010, tr. 344].
Qua đó có thể thấy, sự phát triển từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình và dòng tộc đến tín ngưỡng thờ một vị “vua tổ” của quốc gia như Hùng Vương là một quá trình biểu tượng hóa niềm tin của người Việt về một triều đại sơ khai trong lịch sử. Niềm tin này có liên quan đến khát vọng độc lập của người Việt mà hầu như mọi triều đại phong kiến ở Việt Nam đều khẳng định.1
1 Trên thực tế, chúng ta có thể thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã xuất hiện từ khá sớm trong nền văn hóa của người Việt thông qua các di chỉ khảo cổ được khai quật trong thế kỷ qua, trong khi đó, tín ngưỡng thờ Hùng Vương (trong vai trò là một vị “quốc tổ”) lại xuất hiện khá muộn. Tạ Chí Đại Trường (trong mục “Hùng Vương, hồi quang của lịch sử vọng vào dân chúng kết tập thành ý thức) đã chỉ ra rằng “đến gần cuối thế kỷ XVIII, truyện tích Hùng Vương chưa nảy nở, hay ít ra, chưa phát triển trên đất Đại Việt.” Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội. tr.132.
Điều đó cho thấy, khát vọng độc lập chính là nền tảng căn bản của tín ngưỡng thờ Hùng Vương gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà Hùng Vương đóng vai trò là một vị quốc tổ. Điều này càng được thể hiện rõ hơn mỗi khi nền độc lập của dân tộc bị đe dọa. Minh chứng về khát vọng độc lập đã được thể hiện rõ nét qua truyền thuyết An Dương Vương “chủ quan khinh địch” để đất nước rơi vào tay giặc. Đây có thể được coi như một ví dụ điển hình về khát vọng độc lập của người Việt đã được biểu tượng hóa bằng những truyền thuyết mang âm hưởng lịch sử.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào biểu tượng “vua tổ” thì khó có thể thống nhất các tộc người khác nhau trong cùng một quốc gia độc lập. Vì vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam đã hết sức khéo léo biến một biểu tượng “vua tổ” của người Việt thành một vị “vua chủ” chung cho mọi nhóm tộc người khác nhau. Từ đây hình ảnh một vị thủ lĩnh có công thống nhất mọi sắc tộc từ miền núi đến miền xuôi (bao gồm Âu và Lạc - cũng là hệ biểu tượng của người Việt ở vùng núi và vùng đồng bằng) ngày càng được tô đậm. Và một vị “vua chủ” hay thủ lĩnh của người Việt vốn được định hình cùng với quá trình hình thành một thiết chế tiền nhà nước được gọi bằng một cái tên Hán Việt: Thời đại Hùng Vương.
3. Hùng Vương - Một biểu tượng thủ lĩnh của người Việt
Có thể nói, sự sùng bái thủ lĩnh của người Việt là một trong những nguyên nhân chính giúp hình thành nên biểu tượng Hùng Vương và thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. “Ý thức về giống nòi và tập thể cộng đồng đã dẫn người Việt cổ đến việc sùng bái trước hết là tổ tiên và những người đứng đầu cộng đồng của mình, từ làng chạ đến liên minh bộ tộc, và vị thần - người lớn nhất bấy giờ hiển nhiên là thủ lĩnh tối cao của các miền đất đai và các tộc người của nước Văn Lang: Vua Hùng. Việc sùng bái vị thủ lĩnh đã có công thành lập liên minh bộ tộc, hình thức nhà nước sơ khai đầu tiên, đã khơi nguồn cho một trong những truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp nhất của dân tộc Việt Nam: Truyền thống tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước” [Lê Văn Hảo 2011].
Vậy “người có công với nước” là ai? Hiểu một cách đơn giản, họ là những người đã góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Dễ dàng nhận thấy những người có công bảo vệ đất nước là những vị tướng chống quân xâm lược trong suốt lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Bí, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… trong khi đó, những người có công xây dựng đất nước (lập quốc) thường là các vị vua đầu triều - người có công xây dựng nền độc lập của dân tộc. Từ Hùng Vương dựng nước Văn Lang đến An Dương Vương xây thành Cổ Loa lập nước Âu Lạc, từ Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân dựng nước Đại Cồ Việt đến Lê Lợi chiến thắng quân Minh lập nên triều Lê, và Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn lập nên triều Nguyễn. Có thể nói, những người có công xây dựng nền độc lập của dân tộc đều là những vị thủ lĩnh đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng nền độc lập của dân tộc hoặc thống nhất giang sơn về một mối.
Có thể thấy, sự tôn sùng của người dân với những người có công xây dựng nền độc lập dân tộc thường gắn liền với công trạng của họ. Từ sự tôn sùng này, người dân của một quốc gia độc lập (Đại Việt hay Việt Nam ngày nay) đã không quên công ơn của người lập quốc và sự tôn thờ của người dân đối với vị thủ lĩnh của họ đã kết nối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để hình thành nên tín ngưỡng thờ vị thủ lĩnh có công lao xây dựng nền độc lập đó. Hùng Vương chính là một biểu tượng đặc sắc nhất về một vị “thủ lĩnh” của người Việt có công sáng lập nên nhà nước đầu tiên của họ - nhà nước Văn Lang, cho dù những tư liệu lịch sử về nhà nước Văn Lang cũng như những di vết lịch sử về thời đại Hùng Vương vẫn còn nhiều tranh luận.
Tuy nhiên, những biểu tượng “vua tổ” hay “thủ lĩnh” gắn với những người có công xây dựng nền độc lập của dân tộc vẫn chưa đủ để nuôi dưỡng niềm tin của người dân đối với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và gắn họ vào một “khối đại đoàn kết” dân tộc mà nó cần có thêm một quá trình “văn học hóa” bằng các huyền thoại, truyền thuyết cùng với quá trình “thiết chế hóa” các công trình có liên quan đến tín ngưỡng này. Đây chính là quá trình huyền thoại hóa những câu chuyện lịch sử trong quá khứ và lịch sử hóa các tín ngưỡng, truyền thuyết và huyền thoại bằng các thiết chế cụ thể. Đó cũng là lý do để quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam hình thành và phát triển đến ngày hôm nay.
4. Quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại qua tín ngưỡng thờ Hùng Vương
Huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại là những hiện tượng diễn ra ở nhiều nền văn hóa trong đó có Việt Nam. Vấn đề này đã được đề cập trong một số nghiên cứu gần đây dưới góc độ lý thuyết. Theo đó, “lịch sử không được phép dung nạp các yếu tố huyền hoặc, kỳ lạ, tưởng tượng, hoang đường, mơ hồ của huyền thoại vì “huyền thoại tước bỏ hết lịch sử khỏi đối tượng mà nó nói đến” [Roland Barthes tr. 359]. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam, các yếu tố mang tính huyền thoại vẫn “ken dày” trong những gì vẫn được gọi là lịch sử, tới mức, huyền thoại trở thành lịch sử (!).
Chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ lịch sử hóa huyền thoại để mô tả hiện tượng này. Ngược lại, chúng ta có thể bắt gặp đây đó những chứng cứ lịch sử hết sức cụ thể nhưng lại được đề cập đến như những huyền thoại, chẳng hạn như huyền thoại Napoleon, huyền thoại Singapore… có nghĩa là, những con người bằng xương bằng thịt hay những sự vật, hiện tượng hết sức cụ thể (những yếu tố lịch sử) lại được huyền thoại hóa thành những huyền thoại” [Đinh Hồng Hải 2015, tr.153].
Trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương, chúng ta có thể nhận thấy sự tồn tại của cả hai quá trình nói trên: Huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại. Với quá trình này, chúng ta có thể nhận thấy các yếu tố lịch sử thông qua các di chỉ và di vật khảo cổ từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn (được coi là tương đương với thời đại Hùng Vương trong lịch sử).1 Tuy nhiên, ở giai đoạn này, một thể chế nhà nước phong kiến với một triều đình đặt dưới sự cai quản của một vị Vua (hay Đế, Vương trong tiếng Hán) chưa thực sự hình thành ở Việt Nam mà chỉ có các vị thủ lĩnh của các cộng đồng cư dân nông nghiệp định cư thành làng /bộ tộc/bộ lạc mà theo Trần Quốc Vượng họ có thể là các “khun” hoặc “pò khun” của các cộng đồng đó.
1 Xem: Viện Khảo cổ học (1994), Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
Từ giả thuyết “Hùng” 雄 cũng là chữ phiên âm một từ Việt cổ chỉ một chức vụ thủ lĩnh, “người cầm đầu” dân tộc, ông cho rằng “Vùng Mường trước cách mạng có lang, có nàng. Lang có lang đạo,lang cun (cun - kun). Đạo (con trưởng ngành thứ nhà lang) cai quản một xóm, cun (con trưởng ngành trưởng nhà lang) cai quản một mường. Thường các đạo phụ thuộc vào lang cun. Nơi cun ở hoặc đúng hơn xóm hoặc một số xóm nằm dưới quyền thống trị và bóc lột trực tiếp của cun, gọi là chiềng (làng Chiềng). Cun là con trưởng ngành trưởng nhà lang. Hùng cũng là con trai trưởng của ngành Âu Lạc. Ngoài từ cun, ở ta còn có từ khun: Khun là tiếng chỉ chức vị người cầm đầu (= tù trưởng) và cũng là tiếng chỉ các quý tộc nói chung, người được tôn kính ở các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khmer và Thái như La Ha, Kháng, Xinhmun, Khmu, Thái Tây Bắc, Lào” [Trần Quốc Vượng cb., 2015, tr.963].
Như vậy, chữ “Hùng” trong Hùng Vương là chữ Hán phiên âm từ ngôn ngữ Việt cổ, chỉ vị khun/thủ lĩnh/người cầm đầu của một cộng đồng người Việt và chữ “Vương” hiển nhiên là một từ Hán Việt. Mặc dù vậy, các yếu tố có tính lịch sử kể trên hầu như không được ghi lại qua sử liệu mà lại được “huyền thoại hóa” thành những câu chuyện li kỳ về Vua Hùng/Hùng Vương cùng các vị tướng, các hoàng tử, công chúa của triều đại còn mơ hồ này.
Với quá trình lịch sử hóa huyền thoại, thời đại Hùng Vương được các triều đại Việt Nam (từ giai đoạn trung đại về sau) lịch sử hóa để chứng minh nền độc lập của dân tộc. Từ đó khẳng định lịch sử “thời các Vua Hùng” và huyền thoại về 18 đời Hùng Vương đã được lịch sử hóa (bất chấp mỗi đời vua phải trị vì vài trăm năm!). Tương tự như vậy, các vị tướng cùng các hoàng tử và công chúa của các đời Hùng Vương từng tồn tại trong huyền thoại và truyền thuyết cũng lần lượt được lịch sử hóa thông qua các bản thần phả, thần tích nói về “nhân thân” các vị thần như những bản “lý lịch cá nhân” của họ.1
Trên thực tế, những huyền thoại, truyền thuyết về thời đại Hùng Vương vừa có âm hưởng lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật nên đã thấm sâu vào kho tàng văn học truyền miệng của người Việt để rồi chúng bắt đầu được ghi chép lại trong các cuốn sách như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái... từ đây, các bộ sử chính thống của các triều đại sau như Đại Việt Sử Lược, Đại Việt Sử ký Toàn Thư đã lịch sử hóa các huyền thoại đó bằng cách đưa vào trong chính sử của người Việt. Tới lúc này, quá trình lịch sử hóa các huyền thoại về thời Hùng Vương coi như hoàn tất.2
1 Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung trong “Dã sử, một cách nhìn quy chiếu vào sử liệu Trung Quốc và Việt Nam” thì thần phả, thần tích là những tư liệu ghi lại sự tích, lịch sử, hành trạng các nhân vật lịch sử địa phương, vùng miền với những giai thoại, chuyện kể, lời đồn có liên quan đến họ qua những hình ảnh, hành vi đã được mọi người truyền tụng mang tính cách siêu nhiên, thần bí, tô điểm cho sự siêu phàm của nhân vật được nhắc tới.
2 Những bản lý lịch nói trên còn được các vị quan có phẩm hàm cao soạn thảo như một nhà nghiên cứu đã chỉ ra sau đây: “Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính vào năm Hồng Phúc thứ nhất (đời Lê Anh Tông - 1572) được giao việc biên soạn chuyển đổi và thay đổi thần tích, thần phả của nhiều ngôi đền, đình của các làng Bắc bộ. Rất nhiều thần tích đã được bổ sung một nội dung mới, rất nhiều vị thành hoàng làng đã được khoác một lớp áo mới để mang tầm vóc những vị anh hùng. Rất nhiều những lễ hội nông nghiệp đã được bồi phủ những yếu tố lịch sử để trở thành lễ hội lịch sử.” Theo Vũ Anh Tú (2010), Giải mã các biểu tượng trong Hội Gióng. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội đương đại, trường hợp Hội Gióng” tổ chức trong hai ngày 19-20/4/2010 tại Hà Nội.
Với các quy định “về quy mô tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Năm 2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quy định chi tiết về các nghi thức liên quan đến Giỗ tổ (địa điểm, phẩm vật, trang phục, âm nhạc…). Có thể xem từ đây hai quá trình tương hỗ, là “hiện đại hóa truyền thống” và “quốc tổ hóa tổ tiên”, mà quá trình sau là hệ quả tất yếu của quá trình trước” [Chu Xuân Giao 2012]. Hiện nay, ngày giỗ Hùng Vương, lễ hội đền Hùng cùng với tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã được luật hóa/lịch sử hóa thành quốc lễ, quốc giỗ của một vị quốc tổ. 1 Có thể nói, quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại qua tín ngưỡng thờ Hùng Vương là một minh chứng tiêu biểu cho quá trình biểu tượng hóa một vị thủ lĩnh khai quốc của người Việt và một thời đại có tên gọi Hùng Vương.
1 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Xem: Lịch sử ngày giỗ tổ Hùng Vương, trong: http://www.vaas.org.vn/lich-su-ngay-gio-to- hung-vuong-a8971.html, truy cập ngày 2/12/2015.
* * *
Có thể nói, biểu tượng vua tổ đan lồng trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam là một thành tố văn hóa quan trọng để các nhà nghiên cứu khai thác các đặc tính văn hóa của người Việt. Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy biểu tượng Hùng Vương của người Việt cũng giống như biểu tượng Vua David của người Israel, Viêm Đế, Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Hoa hay các nhà sáng lập (founding farthers) của Hoa Kỳ (như George Washington, John Adams, Thomas Jefferson, James Madison, Alexander Hamilton, James Monroe, Benjamin Franklin). Với các yếu tố văn hóa có liên quan đến thân tộc, dân tộc và tôn giáo của người Việt tích hợp trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương, chúng ta có thể khẳng định rằng Hùng Vương chính là một trong những biểu tượng quan trọng nhất trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là một trong những quá trình biểu tượng hóa đặc sắc nhất thể hiện sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.
“Việc sáng tạo nên biểu tượng cội nguồn và việc tôn thờ như một tín ngưỡng, ít nhất cũng trải qua hơn 500 năm đến nay, thật sự là một kết nối lịch sử, vượt qua rào cản của các triều đại phong kiến, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội; vượt qua cả sự khác biệt tôn giáo, dù đó là Phật, Ðạo, Nho, các tín ngưỡng dân gian,… để chỉ có biểu tượng cội nguồn là duy nhất. Ðây thật sự là giá trị văn hóa chính trị đích thực, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại. Tất cả những điều này, từ việc xây dựng biểu tượng cội nguồn Vua tổ Hùng Vương đến những thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ phụng, rất cần được nhân dân ta tự hào, gìn giữ và tôn vinh” [Ngô Đức Thịnh 2011]. Dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, biểu tượng cội nguồn (vua chủ) và tín ngưỡng thờ Hùng Vương chính là biểu hiện rõ nét nhất khát vọng độc lập của người Việt. Với sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện nay, các di vết lịch sử của một thời kỳ xa xôi như thời Hùng Vương đã và đang dần được khai thác từ nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học mới. Hy vọng rằng, những kết quả nghiên cứu đó sẽ giúp chúng ta giải mã được các biểu tượng văn hóa được tạo nên trong giai đoạn này như trống đồng Ngọc Lũ hay thạp đồng Đào Thịnh,... trên thực tế thì việc giải mã các biểu tượng như vậy đã được các nhà khoa học nghiên cứu về Ai Cập cổ đại chứng minh một cách thuyết phục để từ đó ra đời một phân ngành mới, đó là Ai Cập học.