“Con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” là cách mà nhiều người Việt Nam tự nhận mình với hàm ý người Việt có chung nguồn gốc hay có cùng "dòng máu Lạc Hồng.“ Vì vậy, các cụm từ nói trên luôn gắn với niềm tự hào giống nòi của người Việt. Điều này có căn nguyên từ các bộ quốc sử của người Việt và một số tài liệu khác có đề cập đến họ Hồng Bàng (Hồng Bàng Thị) như Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam sử lược, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục… theo đó, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra một bọc có “trăm trứng” nở ra trăm người con là tổ tiên của người Việt hiện nay. Người Việt tự gọi mình là Con Rồng cháu Tiên, tức nhận mình là dòng dõi Lạc Long Quân - Âu Cơ và dùng chữ “đồng bào” (同胞) với hàm nghĩa được sinh ra cùng một bọc.
Vậy Lạc, Hồng, rồng, tiên ở đây là gì? Vì sao có các danh xưng nói trên? Trả lời những câu hỏi này giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về một giai đoạn phát triển của dân tộc. Xa hơn là để hiểu rõ về nguồn gốc dân tộc của mình một cách khách quan, tránh những tranh cãi không có hồi kết đã làm hao tổn nhiều giấy mực của cộng đồng khoa học ở trong cũng như ngoài nước. Nghiên cứu này sẽ đặt Lạc Long Quân trong vai trò một biểu tượng (thay vì một nhân vật lịch sử) được thể hiện như cái biểu đạt (CBĐ) về cội nguồn dân tộc Việt. Từ đó, đi tìm cái được biểu đạt (CĐBĐ) của biểu tượng này trong huyền thoại và lịch sử thành văn.
1. Lạc Long Quân trong chính sử và những nghi vấn lịch sử
Căn cứ vào các bộ chính sử hiện tồn thì muộn nhất tới thời Lê (1442-1789) các sử quan người Việt đã thừa nhận hay chấp nhận một số huyền thoại, truyền thuyết như một phần của lịch sử cho dù được gọi bằng những cái tên khác nhau như ngoại kỷ hay huyền sử. Chẳng hạn, trong ĐVSKTT, Ngoại kỷ - Quyển I chép: “Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: ‘Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó’. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua” [ĐVSKTT, tr.3]. Qua đó có thể thấy, rất nhiều sử gia phong kiến hầu như không “phản biện” các yếu tố huyền thoại, truyền thuyết khi đưa các yếu tố nói trên vào các bộ sử của giai đoạn này.
Khác với cách làm của Ngô Sĩ Liên, đến thời Nguyễn (1802-1945), vua Tự Đức đã phân loại các yếu tố lịch sử và huyền thoại một cách cụ thể hơn. Mặc dù vẫn ghi lại những điểm mơ hồ và mâu thuẫn như trên nhưng trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (vt: KĐVSTGCM) vua Tự Đức đã ra một chỉ dụ ngày 12/7 năm Tự Đức thứ 9, tức ngày 12/8/1856 (xem lại đoạn trích ở trang 21 trong sách này).
Đến thời cận đại, trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim khi bàn về Họ Hồng Bàng đã ghi lại như sau:
“Họ Hồng-Bàng (2879-258 trước Tây Lịch). Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm nhâm tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải” [Trần Trọng Kim, tr.77].
Tuy nhiên, trong tác phẩm nói trên, Trần Trọng Kim có lời bàn: “Gốc tích truyện này có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ Quảng (tỉnh Hồ Nam, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây) còn xưng là đất Bách Việt. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích xác được” [Trần Trọng Kim, tr.78]. Điều này cho thấy, những người “làm sử” một cách khoa học không mặc nhiên công nhận các yếu tố huyền thoại mà thường đặt ra những nghi vấn khi chưa có đủ cơ sở để lý giải những nội dung mơ hồ.
Qua một số dẫn liệu từ các bộ sử quan trọng ở Việt Nam như trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Sự “ra đời” của Lạc Long Quân được ghi chép lại trong ĐVSKTT, KĐVSTGCM, ĐVSL… đều được chép lại từ một motif huyền thoại có sẵn trong Lĩnh Nam Chích Quái (một tác phẩm có trước). Điều đáng lưu ý là Lĩnh Nam Chích Quái là “liệt truyện” chứ không phải là “sử” hay “sử ký.” Nhưng khi các huyền thoại đó được chép đi chép lại trong sách “sử” ở các thời kỳ sau đã tạo tiền lệ cho một “kẽ hở” học thuật. Kẽ hở này của các sử gia phong kiến đã góp phần lịch sử hóa huyền thoại Lạc Long Quân và biến một nhân vật huyền thoại thành một nhân vật lịch sử.
Những kẽ hở như vậy tuy đã được phát hiện (như chỉ dụ của vua Tự Đức hay nhận xét của Trần Trọng Kim) nhưng chưa được giải quyết một cách khoa học nên đã để lại những nghi vấn lịch sử vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Điều đó đã khiến cho một vấn đề có liên quan đến lịch sử (cội nguồn dân tộc Việt) trở nên phi lịch sử tới mức vua Tự Đức gọi đó là “những truyền thuyết hoang đường, quái dị không hợp lẽ thường.” Vậy phải đặt Lạc Long Quân trong một vai trò như thế nào để “hợp lẽ thường”? Dưới đây, chúng ta sẽ cùng xem xét lại nhân vật này dưới một góc nhìn của một motif huyền thoại bằng một góc nhìn “phi sử luận.”
2. Lạc Long Quân trong vai trò một motif huyền thoại
Để tiếp cận một đối tượng nghiên cứu có nguồn gốc mơ hồ như Lạc Long Quân thì các phương pháp tiếp cận lịch sử thông thường dường như là “bất khả tư nghị” (miễn bàn) mà cần phải đặt đối tượng này trong chính cái nôi ra đời của nó - đó là huyền thoại. Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ là một câu chuyện đẹp về thuở hồng hoang của lịch sử dân tộc Việt với một motif khá phổ biến trong các nền văn hóa có ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Việt Nam như Ấn Độ, Trung Hoa hay gần hơn là văn hóa các tộc người cận cư, đó là motif bọc trứng mà chúng tôi đã đề cập nghiên cứu trước. Từ đó tìm hiểu vai trò của Lạc Long Quân trong huyền thoại lập quốc của người Việt và vị trí của huyền thoại lập quốc trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Dễ dàng nhận thấy, motif bọc trứng ở các huyền thoại lập quốc trong tiến trình phát triển của nền văn minh nhân loại là một motif tương đối phổ biến. Nhưng vì sao quả trứng/bọc trứng lại được chọn làm hình mẫu cho sự ra đời của các huyền thoại lập quốc? Trả lời câu hỏi này là một công việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, dựa vào những đặc điểm của huyền thoại và đẩy cao tối đa sức tưởng tượng của con người thì dường như biểu tượng quả trứng hay bọc trứng chính là điểm tới hạn của quá trình tưởng tượng này.
Trong quá trình đi tìm vị quốc tổ cho mình, các trí thức nho học thời trung đại đã tìm ra biểu tượng Hùng Vương phù hợp với văn hóa của người Việt nhưng với một vị vua tổ “không cha không mẹ” sẽ rất khó được chấp nhận nên việc “trứng hóa” sự ra đời của quốc tổ dường như là một bước đi tất yếu. Và để khẳng định tính hợp lý/hợp thức cho bọc trứng này thì cần phải tiếp tục tìm mẹ của nó. Vì vậy, sự ra đời của biểu tượng Âu Cơ là một hệ quả tất yếu trong quá trình sáng tạo truyền thống với một biểu tượng tổ tiên đẹp đẽ của dân tộc mình. Nếu như huyền thoại lập quốc của người Việt chỉ dừng lại ở biểu tượng Âu Cơ (hay còn được gọi là Quốc mẫu của người Việt) thì có lẽ vấn đề “quốc tổ” của người Việt không trở nên phức tạp dẫn đến những tranh luận gay gắt như hiện nay.
Dường như chưa thực sự hài lòng với vị “Quốc mẫu không chồng” nên các trí thức duy nho tiếp tục phải “sáng tạo” một người chồng tương xứng với mẹ Âu Cơ (đúng với câu ca dao: Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông của người Việt). Và một vị “hiền nhân quân tử” người Hán dường như là một lựa chọn duy nho khả dĩ nhất cho vị trí Quốc phụ, chồng của Quốc mẫu Âu Cơ, tạo nên cặp biểu tượng cha Rồng - mẹ Tiên. Mọi sự phức tạp bắt đầu từ đây. Đã “phóng lao thì phải theo lao,” vị Quốc phụ Lạc Long Quân tên gọi Sùng Lãm cũng cần phải có cha (theo quan niệm phụ hệ hà khắc của Trung Hoa1) nên công cuộc tìm cha cho Sùng Lãm dẫn đến sự “ra đời” của Kinh Dương Vương hay Lộc Tục. Nhưng Lộc Tục vẫn cần phải có cha nên một vị cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông tên là Đế Minh (mặc dù nguồn gốc hết sức mơ hồ) đã được đặt vào vị trí duy nhất là cha đẻ của Kinh Dương Vương.
1 Chẳng hạn như không có con trai là bất hiếu 不孝有三,無後 為大 (Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại) - Tội bất hiếu có ba điều thì tội không có con trai là nặng nhất (Mạnh Tử).
Qua đó có thể thấy, quá trình phụ hệ hóa tổ tiên của người Việt là một nỗ lực biến nguồn gốc “man di” của người Việt cho giống với người Hán trong nhãn quan của các trí thức duy nho thời trung đại với quan niệm “vô tốn Trung Hoa” mà chúng tôi đã đề cập đến trong nghiên cứu trước. Hệ quả tất yếu là quá trình sáng tạo truyền thống này đã “biến” tổ tiên của người Việt thành con cháu Viêm Đế - Thần Nông vốn được người Hán coi như tổ tiên của họ.
Nhưng Viêm Đế cũng như Hoàng Đế của Trung Hoa chỉ là “hậu sinh” của thần Bàn Cổ và Bàn Cổ lại chính là vị thần được sinh ra từ một quả trứng. Theo truyền thuyết Trung Hoa: Vũ trụ là một quả trứng khổng lồ, rồi sau năm 1800 năm hoài thai, Bàn Cổ được sinh ra từ đó. Như vậy, dù được diễn giải bằng các truyền thuyết khác nhau nhưng rốt cuộc các huyền thoại lập quốc của người Việt hay người Hán vẫn phải đi đến một điểm tới hạn chung trong giới hạn sức tưởng tượng của con người với biểu tượng trứng.
Dưới góc nhìn khoa học, con người là động vật có vú nên sinh con (thai sinh) chứ không sinh trứng (noãn sinh). Vì vậy, những huyền thoại về nguồn gốc tổ tiên như đã đề cập ở trên không có giá trị khảo cứu mà chỉ được xem như những sáng tạo của văn học và nghệ thuật, cho dù chúng là sáng tạo của cá nhân hay tập thể. Đề cập đến “những cách lý giải cũ” về huyền thoại, Levi-Strauss đã chỉ ra rằng: “Uớc mơ của ý thức tập thể, thần thánh hóa những nhân vật lịch sử, hay làm ngược lại (tức lịch sử hóa các nhân vật thần thánh-ĐHH). Dù xem xét thần thoại theo cách nào, hình như nó cũng chỉ đem lại một lối lý giải vô căn cứ, hay một hình thức suy luận triết học thô thiển” [Levi-Strauss 1979, tr. 215]. Yếu tố “bất khả tư nghị” về Lạc Long Quân trong các huyền thoại quốc tổ của người Việt chính là tính chất phi lịch sử hay vô căn cứ như Levi-Strauss đã đề cập ở trên. Vì vậy, mọi nỗ lực lịch sử hóa các huyền thoại này dường như chỉ dẫn đến những tranh cãi vô ích.
Vậy chúng ta cần phải tiếp cận đối tượng nghiên cứu này như thế nào? Để giải mã huyền thoại Lạc Long Quân, chúng ta cần tránh một sự mặc định coi đây như là một nhân vật lịch sử mà cần phải đặt Lạc Long Quân trong vai trò một biểu tượng văn hóa. Và để tìm hiểu biểu tượng này, theo Roland Barthes, chúng ta cần phải tiến hành bước tiếp cận đầu tiên là “đọc biểu tượng”. Dưới góc nhìn ký hiệu học, Lạc Long Quân là một biểu tượng (hay một ký hiệu), tức là CBĐ về một vị “tổ” trong văn hóa của người Việt thể hiện những CĐBĐ phức tạp hơn nhiều trong văn hóa Việt Nam xưa và nay. Trong vô số CĐBĐ thông qua biểu tượng Lạc Long Quân chúng tôi nhận ra một motif được sử dụng rất nhiều trong các huyền thoại, truyền thuyết, truyện kể… motif này là sự kết hợp yếu tố Hán với yếu tố Việt mà nghiên cứu này gọi là motif Hán-Việt. Đây chính là yếu tố cốt lõi đã hình thành nên biểu tượng Lạc Long Quân - một nhân vật nửa Việt nửa Hán trong huyền thoại lập quốc của người Việt.
3. Lạc Long Quân trong vai trò một motif Hán-Việt
Vậy motif Hán - Việt trong các huyền thoại lập quốc của người Việt là gì? Hiểu một cách khái quát nhất, motif Hán - Việt là một đơn vị cơ bản trong cấu trúc của nhiều huyền thoại ra đời trong giai đoạn trung đại ở Việt Nam. Motif này kết hợp các thành tố văn hóa bản địa (có tính dân gian) với các thành tố văn hóa Hán (có tính cung đình/hàn lâm) để tạo nên một thành tố văn hóa mới, được chấp nhận ở cả tầng lớp bình dân cũng như tầng lớp quan lại. Với một tên họ có “hơi hướng” Việt (Lạc) kết hợp với quan niệm phụ quyền của Hán tộc và tiêu chí quân vương của Trung Hoa (Long Quân/vua rồng), Lạc Long Quân đã trở thành một vị quân vương của người Việt theo nhãn quan Trung Hoa.1
1 Có thể nhận thấy vị trí “nhân vật phụ” của Lạc Long Quân trong vai trò là người đã tạo nên bọc trứng (vì một mình Âu Cơ thì không thể đẻ trứng - vì trái với quan niệm phụ hệ hà khắc của Trung Hoa như đã đề cập) chính là nguồn cơn của mọi tranh luận hiện nay mà căn nguyên là do xung đột mẫu quyền và phụ hệ trong văn hóa Việt Nam.
Việc đặt ra một cái tên quân 君 (như Lạc Long Quân), vương 王 (như Hùng Vương) hay quân vương (君王) trong ngôn ngữ Hán – Việt chính là một biểu hiện rõ nét quá trình Hán hóa hay phụ hệ hóa biểu tượng quốc tổ của người Việt, được thể hiện ở cả ba vị được coi là quốc tổ: Hùng Vương, Lạc Long Quân và Kinh Dương Vương. Nếu phân tích kỹ hơn cái tên Lạc Long Quân dưới góc nhìn ký hiệu học, chúng ta có thể nhận ra chữ Lạc hay họ Lạc là một CBĐ cho người Việt hay Lạc Việt còn Long Quân chính là ông vua rồng (Long Vương/Long Quân) vốn mang đặc tính Trung Hoa được du nhập vào văn hóa Việt từ quá trình cung đình hóa, hay biến một biểu tượng vua tổ của người Việt thành hậu duệ của người Hán.
Biểu đồ 9. Sự hình thành biểu tượng Lạc Long Quân
Có thể thấy, sự hình thành motif Hán - Việt trong giai đoạn xây dựng nền độc lập của người Việt là một quá trình chuyển đổi từ các huyền thoại khai thiên lập địa (như Truyện quả bầu, Đẻ đất đẻ nước mang đặc tính bản địa Đông Nam Á) sang các huyền thoại lập quốc. Nhưng tại sao người Việt ở giai đoạn này lại có xu hướng đưa các yếu tố văn hóa Hán vào trong các huyền thoại lập quốc của mình? Có thể nhận thấy, mô hình nhà nước mà người Việt sử dụng trong suốt giai đoạn xây dựng độc lập tự chủ thời phong kiến về cơ bản là phỏng theo mô hình Trung Hoa. Vì vậy, một nhà nước theo nguyên mẫu của người Hán với một huyền thoại lập quốc có liên quan đến văn hóa Trung Hoa dường như là mô hình phù hợp nhất với quan niệm vô tốn Trung Hoa đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của các trí thức duy nho người Việt.1
1 Trong giai đoạn hiện nay, một nhà nước khi ra đời cần có được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò của Liên hợp quốc (như Cộng hòa Đông Timor ở Đông Nam Á năm 2002, Nam Xu-đăng năm 2012)… dĩ nhiên nó cũng cần nhận được sự công nhận của các quốc gia láng giềng. Trong lịch sử Việt Nam, đa số các nhà nước độc lập, tự chủ (có vua) đều nhận được sự công nhận của các quốc gia láng giềng, trong đó có Trung Hoa. Phải chăng việc tạo dựng motif Hán - Việt cho các vị vua tổ là để dễ dàng được triều đình Trung Hoa công nhận(?). Đây là một vấn đề khá phức tạp nên chúng tôi xin được tìm hiểu trong một nghiên cứu khác.
Dĩ nhiên, sự hình thành motif Hán - Việt trong văn hóa Đại Việt/Việt Nam cũng không hề suôn sẻ bởi luôn có những sự phản kháng (ngấm ngầm hoặc công khai) đối với các yếu tố Hán tộc được đưa vào sử sách hay văn hóa của người Việt chẳng hạn như chỉ dụ của vua Tự Đức đã nêu ở trên. Gần đây một nhà nghiên cứu Việt Nam đã chỉ ra rằng sự công nhận (hay chấp nhận) nguồn gốc Trung Hoa của người Việt (chẳn hạn như các tác giả Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên trước đây hay một số học giả thời hiện đại như Aurousseau, Goloubev, Karlgren, Bùi Văn Nguyên, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng,…) là “đội chiếc mũ Tàu lên đầu các vị thủy tổ dân tộc ta” [Phan Duy Kha 2009, tr.189-195].
Tương tự như vậy, trong tác phẩm Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra một lời nhận xét vô cùng độc đáo: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó” [Nguyễn Huy Thiệp 2017]. Đặc điểm “nhược tiểu” mà Nguyễn Huy Thiệp nói đến ở trên chính là quan niệm “vô tốn Trung Hoa” của các trí thức duy nho thời trung đại. Từ ước muốn vươn lên sánh ngang với văn hóa Trung Hoa, người Việt đã học hỏi rất nhiều thành tựu văn minh của người Hán (đặc biệt là chữ Hán). Để rồi lại cảm thấy bị “lép vế” trước nền văn hóa ấy.
Có thể coi đây là một loại xúc cảm (sentiment) đặc biệt của người Việt trước người Hán. Đó là cảm giác khó chấp nhận nhưng phải chấp nhận, muốn chống trả nhưng phải quy thuận rồi lại quyết chống trả… Để lý giải loại cảm xúc đặc biệt này là một công việc vô cùng khó khăn (theo cách dùng của phân tâm học chúng ta có thể tạm gọi là “phức cảm Nguyễn Huy Thiệp”). Vì vậy, nghiên cứu này sẽ chỉ xem xét dưới góc nhìn biểu tượng luận, coi đó như một loại mâu thuẫn nội tại được biểu hiện bằng CBĐ là cặp biểu tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ thông qua motif Hán - Việt thể hiện cho CĐBĐ là các mối quan hệ mẫu quyền - phụ hệ hay bản địa - du nhập thường ken dày trong các thành tố văn hóa Việt từ hàng nghìn năm qua.
Trong huyền thoại cha rồng - mẹ tiên, motif Hán - Việt của cặp biểu tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ thể hiện rất rõ xung đột giữa mẫu quyền với phụ hệ dẫn đến kết cục li thân (hay li dị) mang tính biểu tượng mà một số người gọi đó là “vụ li dị đầu tiên lịch sử.” Dưới góc nhìn ký hiệu học thì cuộc li thân này là một sáng tạo tuyệt vời của các tác giả dân gian, những người đã viết nên “thiên tình sử” Lạc Long Quân - Âu Cơ. Bằng cách này, họ đã khéo léo xóa bỏ “chiếc mũ Tàu” trên đầu Hùng Vương.
Có lẽ, đây chính là cơ hội được tạo ra để mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết có cơ hội khẳng định vai trò Quốc mẫu của mình. Điều đó cũng lý giải tại sao trong suốt giai đoạn phong kiến mặc dù người Việt luôn lấy quan điểm phụ hệ/phụ quyền của Trung Hoa làm “rường cột” như tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức,… nhưng luôn có nhiều yếu tố bản địa đối lập với các quan điểm duy nho nói trên (như lệnh ông không bằng cồng bà, nhất vợ nhì trời,v.v...). Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mặc dù phức cảm Nguyễn Huy Thiệp luôn tồn tại trong suy nghĩ của người Việt cho đến ngày nay nhưng những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với người Việt vẫn ghi dấu ấn đậm nét trong Nho học và văn hóa Khổng - Nho, đặc biệt là quan niệm “vô tốn Trung Hoa.”
4. Quan niệm “vô tốn Trung Hoa” và nguồn gốc “Hán nhân” của Lạc Long Quân
Trong nghiên cứu trước chúng tôi cho rằng quan niệm vô tốn Trung Hoa “là một chuẩn mực hợp thời của giới trí thức nho học người Việt ở giai đoạn phong kiến mà đan lồng trong đó là mặc cảm tự ti dân tộc.” Để có các chuẩn mực hợp thời này, giới trí thức nho học người Việt đã phải cung đình hóa nhiều thành tố văn hóa bản địa như loại bỏ các vị thần làng dân gian, biên soạn các thần phả, thần tích [Đinh Hồng Hải 2015, tr.41-45]. Hoặc chính danh hóa (hay Hán hóa) các tên Nôm thành tên Hán- Việt,1 đặc biệt là quá trình chính danh hóa “các” vị quốc tổ của người Việt.
1 Chẳng hạn như Kẻ Noi thành Cổ Nhuế, T’Lèm/Chèm thành Từ Liêm,…
Đây chính là “điều kiện cần” để vị quốc tổ Lạc Long Quân “ra đời,” tuy nhiên, “điều kiện đủ” để Lạc Long Quân trở nên chính danh trong văn hóa Việt là phải có mối liên hệ với tổ tông người Việt chứ không thể nệ Hán một cách tuyệt đối. Và sự kết hợp cha Hán - mẹ Việt là một “cặp đôi hoàn hảo” đủ để các tầng lớp quan lại hài lòng và cũng đủ để dân chúng chấp nhận. Rất có thể nguồn gốc Hán nhân của Lạc Long Quân đã ra đời từ chuẩn mực này.
Xem xét các biểu tượng có liên quan đến quốc tổ của người Việt từ góc nhìn ký hiệu học, chúng ta có thể nhận thấy sự ra đời và tồn tại của Lạc Long Quân bắt nguồn từ một ước vọng chính đáng của người Việt đó là khát vọng độc lập của quốc gia với một vị quốc tổ của người Việt không thua kém Trung Hoa. Nếu xâu chuỗi chữ Lạc (tên họ của Lạc Long Quân) và chữ Lạc (trong tên gọi người Lạc Việt) trong các bộ sử trước đây với chim Lạc trong một số ấn phẩm hiện nay, chúng ta có thể nhận ra CĐBĐ của ký hiệu này chính là yếu tố Việt (hay yếu tố bản địa của người Việt) lồng trong CBĐ là vị quốc tổ Lạc Long Quân [Đinh Hồng Hải 2016, tr.58-77] cho dù biểu tượng Lạc Long Quân đã có được nguồn gốc Hán theo nhãn quan của các Nho sĩ thông qua quá trình lịch sử hóa huyền thoại quốc tổ của người Việt. Quá trình này cũng được sử dụng trong một biểu tượng quốc tổ khác đó là Kinh Dương Vương mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong nghiên cứu tiếp theo.
* * *
Có thể nói, huyền thoại lập quốc, với việc tạo dựng nên các vị vua chủ, vua tổ hay quốc tổ là một hiện tượng phổ biến ở nhiều nền văn hóa trên thế giới như vua David của người Do Thái, Viêm đế, Hoàng đế của người Hán,… Ở Việt Nam, mặc dù huyền thoại lập quốc đã được “hoàn thiện” từ giai đoạn trung đại bằng những biểu tượng khác nhau như Hùng Vương hay Lạc Long Quân nhưng nhu cầu sáng tạo truyền thống thì vẫn không hề suy giảm. Thậm chí, việc dựng tượng 18 vị vua Hùng với niên hiệu, số tuổi, số vợ và số con, được công nhận kỷ lục Việt Nam [T.B.Dũng 2015] là đã hết sức chi tiết, nhưng gần đây có người còn “phát hiện” thêm vua Hùng thứ 19 [Lê Thái Dũng 2016]. Và việc xây dựng đền thờ Kinh Dương Vương (được xem như ông nội của Hùng Vương) với quy mô tới năm trăm tỷ hiện nay là một ví dụ tiêu biểu nhất thể hiện rõ nhu cầu này [Thọ Bình-Bá Kiên 2012].
Dưới góc nhìn ký hiệu học, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố Hán có trong biểu tượng Lạc Long Quân (CBĐ) được hình thành từ khái niệm vô tốn Trung Hoa (CĐBĐ). Trong vai trò của một huyền thoại lập quốc, biểu tượng Lạc Long Quân đã được cung đình hóa bằng một motif Hán -Việt đó là cặp biểu tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên, đúng hơn là cha Hán - mẹ Việt. Đây là hệ quả tất yếu của một quan điểm vị chủng (ethnocentrism) của giới trí thức nho học (được hình thành từ giai đoạn phong kiến) để sáng tạo nên vị quốc tổ “nửa Hán - nửa Việt” của người Việt. Với một sự mặc định coi Trung Hoa như một hình mẫu của văn minh và tiến bộ nên họ đã xây dựng hình ảnh một vị vua tổ (Lạc Long Quân) có nhiều yếu tố Hán bắt nguồn từ một quan niệm phổ biến đó là “vô tốn Trung Hoa.”
Quan niệm nói trên không chỉ có ảnh hưởng xuyên suốt giai đoạn trung đại mà còn tác động đến một số trí thức trong xã hội hiện đại với những ám ảnh về nguồn gốc của dân tộc mình. Nỗi ám ảnh mang tính lịch sử đó đã khiến cho một số học giả thời hiện đại đưa ra những lý giải gây tranh cãi về tổ tiên của dân tộc mình khi cho rằng nguồn gốc của người Việt là từ Trung Hoa hay vật tổ của người Việt là chim Lạc đến từ Trung Hoa. Thậm chí, có học giả còn đưa ra những lời khẳng định xác quyết nhưng hoàn toàn thiếu kiểm chứng và mất kiểm soát như TS. Đỗ Ngọc Bích: “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc (…) Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc. Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha...”1
1 Đỗ Ngọc Bích là NCS tại ĐH Hawaii (2010). Xem bài đầy đủ trong: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2010/04/100417_do_ng oc_bich.shtml. Truy cập 25/5/2016.
Trên thực tế, mặc dù chúng ta luôn biết ơn nền văn hóa Trung Hoa đã đem đến nhiều thành tựu văn minh cho người Việt nhưng không vì thế mà phải nhận người Hán là tổ tiên là ông cha của mình một cách khiên cưỡng. Với các phương pháp nghiên cứu hiện đại và cập nhật về khu vực học, quốc tế học, đặc biệt là di truyền học hiện nay, giả thuyết “gốc Hán” của người Việt ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập và phi lý. Dưới góc nhìn ký hiệu học, vị quốc tổ Lạc Long Quân chính là một trong những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam và là một đối tượng nghiên cứu hết sức thú vị để từ đó chúng ta có thể tìm ra motif Hán - Việt thông qua khái niệm “vô tốn Trung Hoa.” Từ biểu tượng này, chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn quá trình giao lưu văn hóa Việt - Hán trong quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai.