1 Xem: Đinh Hồng Hải 2018. “Totem là gì?” Tạp chí Bảo tàng và nhân học số 3+ 4, 2017. ISSN: 0866-7616
Người Việt là ai, họ từ đâu đến? Người Việt có totem không? Totem hay Vật tổ của người Việt có phải là chim Lạc của người Lạc Việt không? Thuyết Vật tổ (Định chế totem, Totemism) có phải là một học thuyết khoa học hay một loại tín ngưỡng?... Có vô số câu hỏi cần đặt ra đối với vấn đề vật tổ ở Việt Nam hiện nay. Sự biện giải của Levi-Strauss về totem trong cuốn Totemism sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác biệt về một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới trong thế kỷ vừa qua và vẫn còn nhiều tranh luận nóng bỏng trên các diễn đàn lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện nay.
Định chế Totem hiện nay (tiếng Anh: Totemism, tiếng Pháp: Le Totémisme aujourd'hui) của Levi-Strauss qua bản dịch của Nguyễn Tùng do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2017 giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các quan điểm học thuật của Levi-Strauss và những kiến giải mà ông đã đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại trong đó có những lý giải về Totem từ góc nhìn cấu trúc. Định chế Totem hiện nay đã đoạt Giải Sách Hay năm 2017 do Viện Giáo dục IRED, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức.
Cuốn sách Định chế totem hiện nay của Levi-Strauss gồm có 5 chương:
Chương 1: Ảo tưởng totem
Chương 2: Thuyết duy danh Úc
Chương 3: Các định chế totem theo quan niệm chức năng
Chương 4: Về hướng trí tuệ
Chương 5: Định chế totem từ bên trong
Có thể nói, Định chế Totem hiện nay là một cuốn sách hay nhưng sẽ rất khó hiểu nếu như chúng ta chỉ đọc duy nhất cuốn sách này của Levi-Strauss. Có lẽ vì vậy mà dịch giả Nguyễn Tùng đã dành một thời lượng khá lớn trong Lời giới thiệu dài 55 trang trước khi đi vào chuyển ngữ các nội dung chính của cuốn sách. Trong phần này, dịch giả đã khái quát toàn bộ tiểu sử, di sản khoa học đồ sộ cùng những quan điểm khoa học vô cùng sắc sảo nhưng cũng gây nhiều tranh luận của Levi-Strauss.
Trong Định chế Totem hiện nay, Nguyễn Tùng đã tổng hợp các nội dung phức tạp của cuốn sách thành một số luận điểm chính như sau: “Theo Lévi-Strauss, định chế totem thực ra chỉ là một ảo tưởng của dân tộc chí do lầm lẫn về mức độ: Ở đâu mà ta tưởng thấy nó, nhất thiết không nên xét một cách biệt lập mỗi sự giống nhau giữa nhóm và totem, mà nên xét những sự “khác biệt giống nhau”, tức là cái sai biệt (différentiel) giữa bình diện tự nhiên (các totem) và bình diện văn hóa (các nhóm) bằng cách tự đặt mình vào mức độ tổng thể của tộc người được xét đến, thậm chí của nhiều tộc người lân cận.”
Theo ông, “cái gọi là định chế totem tùy thuộc vào giác tính (entendement), và những yêu cầu mà nó đáp ứng […] thuộc trình tự trí tuệ. Do đó, nó chẳng có gì là cổ sơ hay xa xôi. Hình ảnh của nó được phóng ra, chứ không được nhận vào; nó không lấy bản chất của nó từ bên ngoài. Bởi vì, nếu ảo tưởng che giấu một phần sự thật, thì sự thật này không phải ở bên ngoài chúng ta, mà ở bên trong chúng ta.
Khái niệm định chế totem tập hợp một cách giả tạo nhiều hiện tượng thực ra không đồng nhất (hétérogène), chẳng những thế chúng còn bị cắt xén và khu biệt một cách tùy tiện. Theo Lévi-Strauss, thực ra, khái niệm này giúp ta biết rõ được tâm thái (mentalité) của những người đã tưởng là phát hiện ra nó, hơn là về các xã hội cổ sơ. Ảo tưởng về totem dường như đã là một phương tiện cho phép người da trắng phương Tây của thế kỷ XX tự cảm thấy họ hoàn toàn khác với những người “hoang sơ” (sauvage)! ”[Levi-Strauss 2017, tr.7-59].
Đây chính là những quan điểm xuyên suốt trong nội dung cuốn sách Định chế Totem hiện nay của Levi-Strauss. Dường như, cái mà Levi-Strauss gọi là “ảo tưởng totem” đó không chỉ tạo nên một “cơn sốt” của các học giả phương Tây về totem từ cuối thế kỷ XX đến giữa thế kỷ XX mà nó vẫn còn tồn tại một cách dai dẳng trong khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam suốt trong nửa cuối thế kỷ XX và cả trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Nhiều nhà khoa học ở Việt Nam vẫn coi thuyết totem hay Đạo vật tổ là “kim chỉ nam” cho các nghiên cứu tôn giáo ở các xã hội sơ khai vốn luôn tồn tại trong các tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam cho tới ngày hôm nay.
Đi xa hơn, một số học giả còn gắn thuyết totem với các con vật linh như rồng, cá sấu, chim “Lạc,” hươu, bò để lý giải nguồn gốc của người Việt và dân tộc Việt Nam.
Thậm chí, còn dẫn Đại Việt Sử ký Toàn thư (Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên,…) hay Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) làm minh chứng để khẳng định cặp biểu tượng rồng-tiên đó chính là người “cha rồng” và “mẹ tiên” chính là “thủy tổ” của người Việt. Tuy nhiên, họ dường như bỏ quên một chi tiết quan trọng, đó là người “cha rồng” mang tên Sùng Lãm đó là con trai của Lộc Tục và là cháu của Đế Minh, trong khi Đế Minh chính là cháu ba đời của Viêm Đế (炎 帝) Thần Nông (神农) tức tổ tiên của người Hán ở Trung Hoa.
Dễ dàng nhận thấy, thuật ngữ totem trong lý thuyết khoa học của phương tây đã biến thành vật tổ “của ta” cho thấy “ảo tưởng totem” ra đời do sự đi sau của nền khoa học Việt Nam với một ảo tưởng “từ bên trong” giới học thuật Việt Nam thời hiện đại. Cho dù một số nhà khoa học đã sớm nhận thức được cái “ảo tưởng totem” đó.1 Những ảo tưởng này đã biến người Việt thành con Lạc cháu Hồng hay con Rồng cháu Tiên mà quên mất rằng dù là Lạc hay Rồng cũng đều là sản phẩm của quan niệm bất dị Trung Hoa hay vô tốn Trung Hoa (không khác hay thua kém người Trung Hoa) đã ăn sâu trong tư duy của các nhà nho thời trung đại như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên và vẫn ảnh hưởng đến nhiều người trong giới trí thức hiện đại như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh và nhiều học giả sau này. Để rồi từ đó nó được lịch sử hóa thành “cha Rồng” của dân tộc Việt Nam.
1 Chẳng hạn như quan điểm của Trần Quốc Vượng: “Nếu trước kia tôi cũng là một người chủ trương sự tồn tại của Đạo Vật tổ trong tâm thức người Việt cổ thời Đông Sơn thì, với bài đó, tôi chỉ coi những hình ảnh Chim, Gà, Hươu, Rùa, Rắn… như những biểu tượng để diễn đạt một quan niệm Lưỡng phân - Lưỡng hợp trong tư duy Việt cổ. Có nghĩa là, bằng những sự kiện thực tế của khảo cổ học, dân tộc học và cổ sử học Việt Nam, tôi cũng đi tới cái quan niệm về tư duy của người xưa giống như Claude Lévi-Strauss đã làm khi khảo sát lại toàn diện về “Đạo Vật tổ,” tôi thấy rằng khảo cổ học và cổ sử học Việt Nam cần phải thanh toán dứt khoát với truyền thống tư tưởng phương Tây về sự tồn tại của “To-tem giáo” trong tâm thức Việt cổ.” Trần Quốc Vượng (2008), “Mấy ý kiến về trống đồng và tâm thức Việt cổ,” trong: http://www.vanhoahoc.vn. Xem thêm: “Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng,” Tạp chí Khảo cổ học, số 14, tr. 71-71, 1974.
Trên thực tế, những gì được gọi là totem của người Việt như chúng ta thấy chỉ là những “biểu tượng để diễn đạt một quan niệm” (Trần Quốc Vượng) thông qua “tư duy biểu tượng” mà Levi-Strauss đã chỉ ra trong Định chế Totem hiện nay.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cuốn sách này ra đời và cũng từ đó giới học thuật phương tây dường như đã “thanh toán dứt khoát” (chữ dùng của Trần Quốc Vượng) với Totemism. Tuy nhiên, nhiều học giả ở Việt Nam vẫn loay hoay đi tìm cho dân tộc mình một totem đích thực bằng những “luận cứ khoa học” dựa trên Thuyết totem hay Đạo vật tổ (!). Dường như càng tìm tòi thì bóng dáng con vật tổ của người Việt càng chìm nghỉm trong cái mênh mông của vô tốn Trung Hoa thời trung đại để các học giả hiện đại đi tìm trong vô vọng.
Thay vì mãi đi tìm vật tổ của “ta” bằng lý thuyết của “tây,” có lẽ người Trung Quốc đã “khôn ngoan” hơn khi biến totem từ một thuật ngữ mang tính học thuật của phương tây thành một đối tượng trọng tâm trong văn chương, nghệ thuật và chính trị. Sự thành công vang dội của Totem sói trong tiểu thuyết, trong điện ảnh và cả trong “giấc mộng” Trung Hoa với tinh thần “sói hóa Hán tộc” mà tác giả Khương Nhung mơ đến1 dường như đang được cụ thể hóa qua “Trung Quốc mộng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hiện ra ngày càng rõ nét.2
1 Tiểu thuyết Totem sói (Lang đồ đằng/Lang Tuteng/狼图腾) của Khương Nhung (tên thật là Lã Gia Dân/Lu Jiamin/ 呂嘉民) được xuất bản lần đầu năm 2004 ở Trung Quốc và đã được chuyển ngữ ra nhiều ngôn ngữ khác trong đó có tiếng Việt. Năm 2015, Totem sói được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành bộ phim cùng tên, trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất ở Hoa lục.Totem sói cổ súy cho tinh thần của sói (sói tính) ở vùng thảo nguyên Mông Cổ đã giúp nhà Nguyên thu phục thiên hạ. Khương Nhung coi “sói tính” đó là cần thiết để dân tộc Trung Hoa hiện nay vươn lên.
2 Trung Quốc mộng (中国梦) là một khẩu hiệu chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc cổ súy cho tinh thần vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc.
* * *
Có thể nói, sự “ra đời” bản dịch tiếng Việt của Định chế Totem hiện nay trong giai đoạn hội nhập “chậm rãi” của Việt Nam với nền khoa học thế giới tuy muộn nhưng có thể giúp giới học thuật Việt Nam có thêm một góc nhìn khác về lịch sử của dân tộc và về nguồn gốc của tổ tiên người Việt. Đặc biệt, từ góc nhìn lý thuyết, tư duy biểu tượng mà Levi-Strauss đã đặt ra không chỉ giúp xóa bỏ ảo tưởng về totem mà còn nhìn rõ “định chế totem từ bên trong” mỗi con người Việt Nam khi nghĩ đến tổ tiên của mình. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta không phải tốn thêm nhiều giấy mực để tìm totem của dân tộc mình trong vô vọng bằng một lý thuyết đã bị khai tử từ những năm 60 của thế kỷ XX ở phương Tây khi Le Totémisme aujourd'hui hay Totemism của Levi-Strauss được ấn hành.