1 Xem: Đinh Hồng Hải 2018. “Totem trong nghệ thuật,” Tạp chí Giáo dục nghệ thuật số 24, 2018. ISSN: 1859-4964.
Trong khi sự “phục sinh” của totemism ở Việt Nam cho thấy sự tụt hậu khá xa của lý thuyết khoa học xã hội ở “ta” so với “tây” thì ở phương diện nghệ thuật, sự “phục hưng” của totem lại đóng một vai trò quan trọng đối với nghệ thuật đương đại. Đó là cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tạo nên các hình thức trang trí sống động với vô vàn sắc thái biểu cảm.
Có thể thấy vai trò của totem trong sáng tạo nghệ thuật như một điểm sáng duy nhất còn sót lại khi totemism dần đi vào quên lãng. Dễ dàng nhận thấy điều này qua việc sử dụng hoa văn trống đồng Đông Sơn trang trí chiếc phôi bằng thời hiện đại, hay hình chim trên trống đồng được “chim Lạc hóa” bằng ngôn ngữ đồ họa trên các tượng đài hay các chương trình truyền hình,… có thể nói, các motif vật tổ luôn là chủ đề sáng tạo vô tận của các nghệ sĩ.
Khác với sự chính xác, khô khan và duy lý của khoa học thì sự bay bổng trong ý tưởng của các nghệ sĩ là chất liệu vô cùng cần thiết để đóng góp cho sự sáng tạo của nghệ thuật. Đối với các nghệ sĩ thì totem là rồng, cá sấu hay chim lạc không quan trọng, miễn là chúng tạo niềm cảm hứng cho công việc sáng tác của họ. Phân định rạch ròi các yếu tố trên sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về trách nhiệm của nhà khoa học hoàn toàn khác với trách nhiệm của nghệ sĩ. Vai trò của các nghệ sĩ thời Đông Sơn hay các nghệ sĩ đương đại đều hướng đến việc tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đẹp nhất cho cộng đồng, trong khi trách nhiệm của nhà khoa học ở mọi thời đại là đi tìm chân lý.
1. Totem trong nghệ thuật thị giác
Cột totem/totem pole
Theo Từ điển Britannica, cột totem (totem pole) là những cây cột bằng gỗ được chạm khắc và sơn vẽ trang trí cầu kỳ, gắn kết theo chiều dọc, được xây dựng bởi người da đỏ ở bờ biển tây bắc Mỹ và Canada. Cột totem có bảy loại chính: 1) Cột dùng để tưởng niệm và để sử dụng như một dấu hiệu nhận biết, cột này được dựng lên khi một ngôi nhà thay đổi chủ sở hữu để ghi nhớ người sở hữu trước đây và để xác định người chủ hiện tại; 2) Chỉ dấu cho ngôi mộ, giống như bia mộ; 3) Cột chính dùng để đỡ mái; 4) Cột cổng mang tính thông tin, có một lỗ thông vào nhà; 5) Cột cổng chào, đặt ở mép nước để xác định chủ nhân nguồn nước; 6) Cột mồ, ghi nhớ nơi đặt tro cốt của người quá cố; 7) Những cột biếm khắc về một cá nhân quan trọng đã thất bại theo cách nào đó với hình tượng của mình bị chạm lộn ngược. Cột totem được sử dụng như là một cách để ghi lại lịch sử và truyền thuyết của các tộc họ hay bộ lạc.
Totem mang hàm nghĩa là một vị thần giám hộ hoặc tổ tiên của gia đình hay dòng họ được tôn kính nhưng không hẳn là để thờ cúng. Hình con vật to nhất được chạm khắc trên cột totem là để nhận biết dòng dõi của chủ gia đình, nó có ý nghĩa giống như một tấm gia huy của các dòng họ ở Anh. Cột totem cũng là một dấu hiệu cho sự giàu có của chủ sở hữu, vì việc thuê nghệ nhân thực hiện việc chế tác cây cột này là một khoản đầu tư không hề nhỏ. Phong trào dựng cột totem phát triển đến đỉnh điểm vào khoảng đầu thế kỷ XIX, khi việc sản xuất ra các dụng cụ bằng kim loại chất lượng cao và sự giàu có thu được từ việc buôn bán lông thú đã khiến cho nhiều chủ nhân có thể thực hiện được điều này. Một số sản phẩm của thời kỳ này vẫn tồn tại, tuy nhiên, vì khí hậu vùng duyên hải ẩm ướt nên gỗ của cây tuyết tùng (là loại cây thông dụng làm cột totem) dễ bị mục nát nên thường chỉ tồn tại trong khoảng 60-70 năm trong điều kiện bình thường.
Về chất liệu chế tác cột totem, ngoài thân gỗ là cây tuyết tùng tự nhiên thì màu sắc được dùng ở các cột totem là màu tự nhiên như màu đen được làm từ than củi hoặc bồ hóng, màu đỏ lấy từ đất sét đỏ (thổ hoàng), màu xanh từ sunfat đồng khai thác trong tự nhiên,… các con vật được trang trí trên cột totem thường là quạ tượng trưng cho Đấng tạo hóa, đại bàng tượng trưng cho tình bạn, cá voi sát thủ tượng trưng cho sức mạnh. Ngoài ra còn có các con vật khác như chim thần sấm (thunderbird), hải ly, gấu, chó sói, ếch châu Mỹ với các ý nghĩa khác nhau. Ngoài các con vật được chọn làm nội dung chính, cột totem còn được trang trí bằng các hình hoa văn kỷ hà, hình học…1
1 Xem mục từ “totem pole” trong Bách khoa thư Britannica, https://www.britannica.com truy cập 12/9/2018.
Mặc dù cột totem là một truyền thống văn hóa của thổ dân da đỏ nhưng hiện nay chúng được nhiều nghệ sĩ bao gồm cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp lựa chọn như một đối tượng đặc biệt để thể nghiệm cảm hứng sáng tạo. Một số công viên trưng bày cột totem có trung tâm nghệ thuật cho khách tham quan và trải nghiệm chế tác với những chương trình dành riêng cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng hiện nay luôn thu hút lượng du khách đông đảo như Native American Totem Poles đặt ở trung tâm Ketchikan Alaska hay Sitka National Historical Park ở Hoa Kỳ, Brockton Point Visitor Centre ở Canada…
Ngoài những đại diện tiêu biểu của thổ dân da đỏ ở bắc Mỹ, cột totem còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác trên thế giới như người Maori ở New Zealand, người Ainu ở Nhật Bản cùng nhiều nhóm thổ dân ở châu Phi, đặc biệt là ở Madagasca… ở Việt Nam, hầu hết các tộc người cư trú ở vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều tồn tại dạng cột tương tự. Tuy nhiên, về chức năng thì không giống như cột totem ở Bắc Mỹ (gắn với gia đình và dòng tộc) mà gắn với cộng đồng và được sử dụng chủ yếu cho các nghi lễ của cộng đồng. Vì vậy, chúng thường được gọi là cột lễ hoặc cột đâm trâu (do gắn với nghi lễ đâm trâu trong những dịp tế lễ của cộng đồng). Về hình thức trang trí, các cột lễ thường sử dụng các motif trang trí gắn với động vật và thực vật của địa phương.
Hiện nay, việc chế tác và sử dụng những cây cột lễ của các tộc người thiểu số ở Việt Nam vẫn diễn ra một cách sống động trong đời sống của cộng đồng như một phần không thể thiếu của văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và giao thoa văn hóa với các tộc người khác, đặc biệt là người Kinh, các thành tố văn hóa được thể hiện qua những cây cột lễ ở các tộc người thiểu số ở Việt Nam ít nhiều đã được “hiện đại hóa.” Chẳng hạn, các họa tiết trang trí ở cây cột lễ được sử dụng làm motif trang trí của những cây cột điện, tượng đài, cụm trang trí kiến trúc trên các công trình công cộng. Ngược lại, những yếu tố văn hóa hiện đại lại được sử dụng làm motif chế tác trên những cây cột lễ như súng, máy bay, ngôi sao…
Totem trong nghệ thuật trang trí
Cùng với các dạng cột lễ hay cột totem được thể hiện như một sự tiếp nối văn hóa truyền thống ở các nền văn hóa thì motif totem còn được sử dụng một cách hết sức phổ biến trong các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện đại. Từ đơn giản như hình chim lạc trên mặt trống đồng ở chiếc phôi bằng mà chúng tôi đã đề cập ở trên đến phức tạp như Tượng đài chim lạc ở Thanh Hóa (Hình 18.4). Năm 2008, ý tưởng từ totem trong bộ trang phục Hùng ca chim lạc do Tiến Đoàn tự thiết kế đã góp phần giúp anh giành ngôi vị Mister International (được dịch là Nam vương, tương đương như Hoa hậu thế giới đối với nữ) tại Đài Loan (Hình 18.1). Trong cuộc thi Hoa hậu thế giới 2012, ứng viên Hoàng My mặc bộ trang phục Âu Lạc do nhà thiết kế Lê Thanh Hòa thực hiện (Hình 18.2).
Không chỉ được thiết kế cầu kỳ để dự thi Hoa hậu mà trong nhiều chương trình thông thường khác, các bộ trang phục dạng này cũng được đầu tư hết sức công phu và đắt giá. Chẳng hạn như bộ trang phục sử dụng motif trống đồng Đông Sơn của Bảo Anh trong chương trình âm nhạc The Remix 2015 được nhà thiết kế Lê Long Dũng đặt tên là Âm Vang Trống Đồng nặng 20kg và trị giá tới 2 tỉ đồng (Hình 18.3). Tinh vi hơn, hãng đồng hồ cao cấp Speake-Marin đã cho ra đời những chiếc đồng hồ khắc hình trống đồng Đông Sơn mang tên Dong Son Tourbillon Titanium 5N có giá hàng trăm nghìn đôla Mỹ (Hình 18.5). Cho đến nay, các motif vật tổ/totem đã được mở rộng vô giới hạn đến các vật phẩm trang trí đường phố như đèn trang trí lễ hội ở Hà Nội, Hội An, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Thậm chí một con “vật tổ” quan trọng của người Việt là con rồng đã biến thành nhân vật hoạt hình Pikachu trên đường phố Hải Phòng (hình 19). Nhiều trung tâm tiệc cưới cũng lấy các con “vật tổ,” đặc biệt là chim “Lạc,” làm motif trang trí chủ đạo, nhiều công trình kiến trúc cho trang trí trần nhà, nền nhà hình trống đồng với “đàn chim Lạc” bay quanh. Có thể nói, motif totem rồng, chim Lạc là một nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các nghệ sĩ trong nghệ thuật trang trí. Chúng mang đến những cảm giác tươi mới cho nghệ thuật đương đại bất chấp những tranh luận xung quanh đối tượng này dưới góc độ khoa học.
Đi xa hơn, một số nhóm nghệ sĩ trẻ đã tập hợp với nhau để cùng đi tìm ý tưởng sáng tạo cho những con “vật tổ” mà họ yêu thích. Những đồ án trang trí dạng này đã khiến cho hình thức biểu hiện của totem trở nên vô cùng sống động. Chẳng hạn, bộ sưu tập “chim lạc” được một nhóm nhà thiết kế ở Việt Nam (nhóm Infinite Vietnam, website: https://forum.vietdesigner.net) tạo ra như một minh chứng cho sự sáng tạo vô giới hạn về biểu hiện của totem trong nghệ thuật đương đại (Hình 20).
Qua đó có thể thấy, mặc dù totemism/thuyết vật tổ cho tới nay không còn được quan tâm nhưng những cảm hứng về totem/vật tổ, về trống đồng hay về những vị tổ mơ hồ vẫn còn nguyên giá trị. Chúng giúp cho các nghệ sĩ tìm cảm hứng sáng tạo bằng những chất liệu huyền thoại pha lẫn lịch sử. Chẳng hạn như những bức tranh về Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm (1978,1990), hay Quốc tổ Hùng Vương của Trọng Nội (1966) trong dinh Độc Lập là những ví dụ tiêu biểu.
Có thể nói, totem trong nghệ thuật thị giác là một minh chứng rõ nét cho thấy một “ảo tưởng” khoa học (chữ dùng của Levi-Strauss) có thể không đóng góp cho khoa học nhưng lại hoàn toàn có thể đóng góp cho các ý tưởng nghệ thuật. Những ý tưởng như vậy không chỉ có trong nghệ thuật thị giác mà còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong nghệ thuật ngôn từ, trong văn học sử, trong âm nhạc và trong nghệ thuật thứ bảy.
2. Totem trong một số loại hình nghệ thuật khác
Totem trong nghệ thuật ngôn từ
Từ một phương ngữ của người Ozibwa ở bắc Mỹ, totem đã trở thành một hiện tượng độc đáo nằm trên lằn ranh của văn học và nhân học trong thế kỷ XX khi được đưa vào trong các tác phẩm nghiên cứu bằng văn phong khoa học. Điều đó cho thấy sức mạnh to lớn của nghệ thuật ngôn từ trong văn học hay diễn ngôn trong nhân học. Đi xa hơn, totem được “khoa học hóa” bằng nghệ thuật ngôn từ để biến thành totemism, một thuật ngữ thời thượng chỉ loại tôn giáo sơ khai của loài người ở thời kỳ “mông muội.” Thuật ngữ này bao quát nhiều diễn đàn học thuật có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống của loài người giai đoạn “nguyên thủy.” Nó được dùng để lý giải nhiều vấn đề có liên quan đến đời sống văn hóa xã hội của loài người ở giai đoạn này. Xa hơn, nó còn được dùng để quy gán cho các tín ngưỡng được coi là “sơ khai” ở các nền văn hóa bản địa để từ đó các chính quyền thực dân áp đặt chính sách “khai hóa văn minh.”
Quan điểm về một tôn giáo sơ khai được gọi là totemism cũng là một thuật ngữ chiếm ưu thế (dominant) trong nền học thuật giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và tạo ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều học giả và nhiều nền học thuật trên thế giới. Không chỉ làm khuynh đảo nền học thuật phương tây giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, totem và totemism còn góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của một bộ môn nghiên cứu mới: Phân tâm học.1 Có thể coi đây như một trong những đóng góp quan trọng nhất của Sigmund Freud đối với bộ môn tâm thần học, mặc dù những suy luận của ông về câu chuyện những người đàn ông nguyên thủy “giết cha, lấy mẹ” và thờ người cha bị giết đó làm totem trong phức cảm oedipe cũng chỉ là một huyền thoại.
1 Phân tâm học (psychoanalysis) là một hệ thống tâm lý có nguồn gốc từ những khám phá của Sigmund Freud. Khởi đầu như là một phương pháp dùng để chữa trị một số rối loạn nhiễu tâm ( psychoneurotic disorders), rồi phân tâm trở thành nền tảng cho một học thuyết chung về tâm lý. Kiến thức xuất phát từ việc điều trị những bệnh nhân dẫn đến việc hiểu được về nghệ thuật, tôn giáo, tổ chức xã hội, sự phát triển của trẻ em và giáo dục. Ngoài ra, bằng cách giải thích được ảnh hưởng của các mong ước và cảm nhận có tính vô thức trên sinh lý của cơ thể, phân tâm có thể giúp hiểu được và điều trị các bệnh lý tâm thể (psychosomatic disorders). Theo Tâm lý học thần kinh: http://www.tamlyhocthankinh.com. Truy cập 26/8/2017
Giờ đây, với trình độ khoa học phát triển của phương tây, những suy luận như vậy về totem không còn được bàn đến nữa và totemism thì đã được “chôn cất” cách nay hơn ba thập niên đúng như J. F. Dourtier đã gọi là “Cái chết của một khái niệm.”1 Tuy nhiên, ở Việt Nam thì totem vẫn có một đời sống riêng trong tác phẩm nghệ thuật và totemism thì vẫn tiếp tục được bàn luận sôi nổi cả trong trong học thuật và nghệ thuật.
Totem trong văn học sử Việt Nam
Khác với sự phát triển theo hướng lý thuyết hóa trong nền học thuật phương Tây, totem ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ theo hướng văn học sử2 do văn học và sử học ở Việt Nam đều có sự gắn bó chặt chẽ với huyền sử. Cho đến nay, truyền thống này vẫn phát triển mạnh mẽ với vô số sử thi, huyền thoại, truyền thuyết đan xen trong các công trình dạng này. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các huyền thoại về totem “đơm hoa kết trái” với nhiều công trình được xếp vào sử học nhưng thực chất là các tác phẩm văn học sử với tính văn chương vượt trội hơn nhiều so với tính lịch sử. Thậm chí, trong những bộ quốc sử của Việt Nam thì những huyền thoại như Trăm trứng hay Thánh Gióng vẫn được đưa vào các nội dung trọng yếu.
1 Trong mục này ông đã nhận định như sau: “Sau khi giữ một vai trò lớn, tục thờ vật tổ đã bị vứt bỏ, bị đưa xuống hàng những ảo giác về quá khứ. Một ảo giác khoa học cho thấy rằng các nhà tộc người học cũng có những tín ngưỡng và huyền thoại của họ.” Dortier, J. F. (2004), “Vật tổ - Câu chuyện một ảo ảnh khoa học.”Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 4/2004. Đăng lại trong Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, tháng 7-2009,Việt Chung dịch.
2 Văn học sử (historical literature) là những câu chuyện kể về quá khứ, dựa trên kiến thức lịch sử, hoặc dựa trên thực tế đôi khi chứa đựng những sự thực lịch sử. Thông qua đó để giáo dục thế hệ trẻ bằng cách học tập từ những sai lầm hay sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Tóm lược theo Britannica, tlđd.
Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng về lịch sử Việt Nam lại có các phần viết tương tự như văn học sử. Đặc biệt, hiện tượng huyền thoại hóa lịch sử (mythologization of history) và lịch sử hóa huyền thoại (historization of myth) hết sức phổ biến ở nhiều công trình quan trọng mà chúng tôi đã dẫn ra ở các nghiên cứu trước [xem thêm: Đinh Hồng Hải 2015, tr.152&169]. Thông qua những thao tác này, các nhân vật hay sự kiện lịch sử có thực biến thành những huyền thoại như bài thơ Nam quốc sơn hà biến thành thơ thần hay Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá… ngược lại, những nhân vật thần thoại và những truyền thuyết mơ hồ lại được lịch sử hóa thành những nhân vật và sự kiện lịch sử như Thánh Gióng được sinh ra bởi bà mẹ giẫm phải vết chân, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trứng,… điển hình cho thao tác trên là việc biến con chim Lạc tưởng tượng thành huyền thoại về totem của người Việt rồi đẩy xa hơn nữa thành các motif chim lạc trên trống đồng Đông Sơn để khẳng định mối quan hệ giữa hình người và hình chim trên trống đồng chính là người Lạc Việt và chim Lạc vật tổ.
Có thể nói, quá trình hàn lâm hóa một phương ngữ của người Ozibwa đã biến totemism thành một câu chuyện huyền thoại của học thuật thời hiện đại. Sự đan xen hay lẫn lộn giữa văn học với sử học hay giữa tác phẩm nghệ thuật hư cấu và các trước tác khoa học đã khiến cho câu chuyện về totem trở nên li kỳ hơn cả những huyền thoại mà những người thổ dân da đỏ Ojibwa có thể nghĩ ra.
Khi du nhập vào Việt Nam, totemism đã biến thành một “học thuyết” quan trọng giúp các học giả hàng đầu dựa vào đó để chứng minh cho sự tồn tại của vật tổ của người Việt là những loài động vật hay thực vật. Đi xa hơn, một số nhà nghiên cứu theo trường phái này còn tìm cách chứng minh những biểu hiện của vật tổ hiện diện trên các hiện vật khảo cổ. Chính điều này đã khiến cho nhiều người Việt càng thêm tin vào “huyền thoại chim Lạc” và các loại “vật tổ” khác mới được “tìm” ra.
Ngày nay, totemism trong nền học thuật phương tây hầu như không còn được nhắc đến như một học thuyết quan trọng về một tôn giáo phổ quát của nhân loại nhưng nó vẫn còn được đưa vào trong các môn học lịch sử như Lịch sử nhân học hay Lịch sử tôn giáo như một giai đoạn phát triển của các lý thuyết nghiên cứu tôn giáo. Tuy nhiên, trong văn học và nghệ thuật thì đây vẫn là một chủ đề tiếp tục được khai thác bằng nhiều công cụ khác nhau.
Vượt ra ngoài phạm vi của văn chương và nghệ thuật ngôn từ, những “vật tổ” này tiếp tục trở thành chủ đề sáng tác trong âm nhạc và điện ảnh tạo nên một làn sóng nghệ thuật hóa totem bằng ngôn ngữ của âm nhạc và điện ảnh.
Totem trong âm nhạc và điện ảnh
Bên cạnh sự ảnh hưởng đối với nghệ thuật thị giác, nghệ thuật ngôn từ và văn học sử như đã nêu, totem còn có sự ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với các lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc và điện ảnh. Ở Việt Nam, những bài hát lấy totem làm cảm hứng được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện như Dòng máu Lạc Hồng, Bản Hùng Ca Chim Lạc, Hùng Thiêng Âu Lạc (Đan Trường), Lời Ru Âu Lạc (Hoàng Hải Đăng) Nòi Giống Rồng Tiên (La Nhất Huy), Huyền Sử Âu Lạc (Thanh Thúy, Lương Chí Cường),… luôn tạo được một lượng fan hâm mộ đông đảo. Nhưng lượng fan của các tác phẩm âm nhạc nói trên của Việt Nam không “thấm tháp” gì so với lượng độc giả và khán giả kỷ lục của tác phẩm Totem sói trong văn học và điện ảnh ở Trung Quốc.
Bất chấp phản ứng của giới học thuật hàn lâm về sự tồn tại của thuyết vật tổ, nhu cầu sáng tạo nghệ thuật đã biến vật tổ thành một đối tượng ăn khách để các nhà văn, nhà làm phim, nghệ sĩ khai thác cho các tác phẩm của mình mà người gặt hái được thành công lớn nhất khi đi theo hướng này là Khương Nhung như chúng tôi đã dẫn trong mục trước. Bất chấp quan niệm long đích truyền nhân trong lịch sử, Khương Nhung muốn truyền “lửa” cho thế hệ trẻ Trung Quốc bằng cách thổi bùng lên tích cách hoang dã và mạnh mẽ của loài sói cho phù hợp với Trung Quốc mộng để cổ súy cho tinh thần vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc. Hay nói như Khương Nhung, đó là “sói tính” cần thiết để dân tộc Trung Hoa vươn lên. Nhưng dường như Khương Nhung đã có sự nhầm lẫn về mặt lịch đại vì “sói tính” chỉ phù hợp với thời đại của các chiến binh du mục xưa mà khó có thể chấp nhận được trong một “thế giới phẳng” với “sức mạnh mềm” và “trí tuệ tính” của nền văn minh nhân loại ngày nay.
Vì vậy, sự cổ súy cho “sói tính” trong tác phẩm của ông bị Wolfgang Kubin, một nhà Hán học người Đức, cùng nhiều học giả khác chỉ trích là cổ súy cho chủ nghĩa phát xít [N.M.Hà 2007]. Từ quan niệm về vật tổ là rồng hay kì lân trước đây và totem sói hiện nay, có thể nhận thấy một sự dịch chuyển về mặt quan niệm của người Trung Quốc từ rồng, kỳ lân sang sói hay từ linh vật cung đình sang linh vật hoang dã. Điều này còn được thấy rõ hơn với sự thành công vang dội của bộ phim Chiến binh sói II (Zhanlang /战狼 2) có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc, gần một tỷ đô-la chỉ trong hơn một tháng công chiếu năm 2017. Có thể nói, từ Totem sói đến Chiến binh sói là một sự thành công vượt bậc của “Trung Quốc mộng” do thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước Trung Quốc. Có thể coi đây như một quá trình “sói hóa vật tổ” của người Trung Quốc, tuy không phù hợp với sự phát triển của khoa học hiện đại nhưng lại mang tới thành công ngoạn mục trong doanh thu và trong việc sáng tạo nên một totem mới: Chó sói.
3. Totem trong vai trò biểu tượng
Tới đây, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao totemism dường như đã kết thúc vai trò của nó trong khi totem vẫn tồn tại và phát triển theo chiều hướng của nghệ thuật bao gồm cả nghệ thuật ngôn từ cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác? Điều này có liên quan mật thiết đến một đặc tính quan trọng của totem, đó là tính biểu tượng. Như chúng tôi đã trình bày trong các nghiên cứu trước, totem trên thực tế chỉ là một từ ngữ bình thường như bao từ ngữ khác trong ngôn ngữ của người Ozibwa. Nhưng chắc rằng nó đã gây ấn tượng rất mạnh đối với John K. Long trong lần đầu tiên ông đặt chân tới vùng đất của người Ozibwa. Vì vậy, thuật ngữ totem, cột totem, hay những hình ảnh về totem trong văn hóa của người Ozibwa cũng tương tự như thuật ngữ tổ tiên, cột lễ, hay hoa văn trống đồng trong văn hóa Việt Nam, tất cả đều là những biểu tượng đặc trưng của văn hóa bản địa. Sức sống trường tồn của totem cho đến nay chính là nhờ ở đặc tính này. Dường như “đất sống” của nó không phải là ở các công trình kinh điển về lý thuyết mà chính là ở các tác phẩm nghệ thuật.
Vì vậy, một lý thuyết sai sẽ đi vào quên lãng nhưng một biểu tượng dù là có thực hay không cũng đều trở thành đối tượng của nghệ thuật và đều có thể được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Những biểu tượng như vậy chúng ta từng được chiêm ngưỡng trong các tác phẩm của những bậc thầy hội họa thời Phục hưng ở Ý thế kỷ XV, XVI với những thiên thần có cánh hay những cảnh sắc ở thiên đường. Có lẽ vì vậy mà sau khi du nhập vào Việt Nam, totem đã được vật tổ hóa giúp giải tỏa “cơn khát” tìm về cội nguồn bằng một lý thuyết ngoại nhập. Nó nhanh chóng được sử dụng để soi chiếu vào cội nguồn đời sống tôn giáo và tín ngưỡng của các tộc người ở Việt Nam để xác định totem của mỗi tộc người hay nhóm địa phương. Vì vậy, không chỉ người Việt/Kinh có totem rồng, chim Lạc, các sấu mà các tộc người khác cũng có totem như cây chu đồng của người Mường (Phan Hữu Dật), cây gạo của người Ba Na và Xơ Đăng, cây rau dớn của người Kh’Mú (Đặng Nghiêm Vạn)…
Tuy nhiên, những gì mà các nhà khoa học từ xưa tới nay gọi là totem thì trên thực tế đều có thể gọi bằng một cái tên khác hoàn toàn phù hợp, đó là các biểu tượng. Từ cột totem ở bắc Mỹ đến cột lễ ở Việt Nam hay các hoa văn hình chim trên trống đồng đều là các biểu tượng được tạo ra nhằm phục vụ những mục đích hết sức cụ thể như cột totem ở bắc Mỹ hay cột lễ ở Tây Nguyên mà chúng tôi đã dẫn ở trên.
Riêng với những hiện vật cổ và phức tạp như trống đồng thì việc tìm hiểu mục đích sáng tạo của các nghệ nhân xưa để làm gì là không hề dễ dàng nên các giả thuyết hiện nay vẫn chỉ dừng ở mức độ suy đoán. Vì vậy, chúng ta cần phải đọc được ngôn ngữ biểu tượng qua những thông điệp mà người xưa đã để lại thì mới có thể khám phá được các giá trị văn hóa đó.1 Có thể mô hình hóa mục đích sử dụng của các biểu tượng thông qua sơ đồ sau:
1 Vấn đề đề này thực ra đã được các nhà Ai Cập học thực hiện một cách hết sức khoa học thông qua việc giải mã chữ tượng hình Ai Cập để ghi lại lịch sử huy hoàng của Ai Cập cổ đại.
Biểu đồ 15. Quy trình biểu tượng hóa
(Nguồn: Đinh Hồng Hải 2014)
Sự xác nhận totem trong vai trò là những biểu tượng, thực ra, đã được một số nhà khoa học nổi tiếng (như Durkheim, Levi-Strauss, Trần Quốc Vượng,…) đề cập đến. Chẳng hạn, Durkheim cho rằng “sự thường hằng và sự liên tục của thị tộc chỉ yêu cầu một biểu tượng; biểu tượng này có thể là - và vào lúc đầu, phải là - một kí hiệu tùy tiện.”1 Những kí hiệu này, chính là những “kí tự” để chúng ta có thể “đọc” (hay giải mã) ý nghĩa của các biểu tượng, hay nói đúng hơn là các motif nghệ thuật đã được tạo ra trong các nền văn hóa. Cách “đọc” này đã được Alfred Gell chỉ ra trong công trình nghiên cứu cuối đời của ông về nhân học nghệ thuật2 - một hướng tiếp cận mới đối với các biểu tượng - hay các motif nghệ thuật mà chúng ta có thể sử dụng để quan sát totem một cách khách quan hơn.
1 Dẫn lại theo Levi-Strauss, Claude (2017), Định chế Totem hiện nay, Nguyễn Tùng dịch,Nxb. Tri thức, Hà Nội 2017, tr.189.Các quan điểm của Levi-Strauss cũng được đề cập trong cuốn sách này và của Trần Quốc Vượng chúng tôi đã dẫn ở nghiên cứu trước.
2 Xem Đinh Hồng Hải 2014. Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết. Nxb. Thế giới, tr.42-48.
Để tránh những sai sót không đáng có như thuyết vật tổ ở Việt Nam thời gian qua, chúng ta cần có sự phân định rạch ròi giữa totem với vật linh hay totem với tổ tiên và việc đi tìm nguồn gốc của người Việt cũng cần được bàn đến bằng những hướng tiếp cận khoa học cập nhật. Để giải quyết vấn đề này thì hướng tiếp cận nhân học nghệ thuật của Alfred Gell tỏ ra là một công cụ khả dụng. Hy vọng rằng, hướng tiếp cận mới của Alfred Gell sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam có thêm một hướng tiếp cận lý thuyết cập nhật thay vì phải sử dụng một lý thuyết sai và đã quá lỗi thời như thuyết vật tổ.
Bước sang thế kỷ XXI, ngày càng có nhiều hệ thống lý thuyết khoa học mới ra đời, nhiều công cụ nghiên cứu hiện đại được phát minh. Những nhận định lỗi thời sẽ dần được chứng minh bằng những phương pháp luận mới, thao tác luận mới và công nghệ mới khả tín như ngôn ngữ học so sánh, nhân học lịch sử, đặc biệt là công nghệ gene và nhân học phân tử (molecular anthropolgy). Vì vậy, những lý giải về những motif nghệ thuật đặc biệt như cột totem, cột lễ hay hình chim trên trống đồng không chỉ đóng khung trong các quan điểm khảo cổ học hay văn học sử mà còn có thêm nhiều phương pháp phương pháp nghiên cứu mới. Hy vọng rằng, với các hướng tiếp cận mới này, chúng sẽ được giải mã trong một tương lai không xa.