1 Xem: Đinh Hồng Hải, “The Ancestral Motif of Viet People from Perspective of Ethnosymbolism and the Influence of Chinese Culture” [Motif tổ tiên của người Việt từ góc nhìn Dân tộc biểu tượng luận và sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa]. The 3rd China-ASEAN Ethnic Cultural Forum [Diễn đàn Văn hóa tộc người Trung Quốc - ASEAN lần thứ 3] Chongzuo, Guangxi, China, 21-23th Apr.2018
Việt Nam là một quốc gia mà vấn đề nguồn gốc tổ tiên luôn là một đề tài được bàn luận sôi nổi. Mặc dù vấn đề này đã được tranh luận “xuyên thế kỷ” nhưng cho đến nay vẫn tồn tại vô số nghi vấn đối với các học giả cả trong cũng như ngoài nước. Có điều đó là do sự đa dạng về thành phần tộc người cùng những biến động do di cư và hỗn huyết diễn ra liên tục hàng nghìn năm qua và vẫn tiếp tục biến đổi mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu này sẽ bắt đầu từ việc xác định thuật ngữ và những vấn đề có liên quan trước khi bàn đến vấn đề tổ tiên của người Việt.
Điều này đặt ra một mối quan tâm lớn hơn đối với các nhà nghiên cứu đó là: Tổ tiên của tộc người Việt là ai? Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp từng dẫn đến những tranh luận gay gắt của giới học thuật trong thời gian qua. Vì vậy, nó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải xác định một hướng tiếp cận cụ thể trong phạm vi mỗi nghiên cứu. Trong chuyên luận này, chúng tôi xin giới hạn một góc nhìn về tổ tiên của tộc người Việt từ hướng tiếp cận của dân tộc biểu tượng luận (ethnosymbolism). Từ đó lý giải một hiện tượng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt, đó là quan niệm về “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” trong văn hóa Việt Nam, vốn được sử dụng như một tiền đề để tìm hiểu nguồn gốc của tộc người Việt.
1. Các vấn đề về tộc người và những thách thức trong quá trình tìm hiểu nguồn gốc tộc người Việt
1.1. Dân tộc
Thuật ngữ dân tộc là một trong những danh từ được dùng phổ biến nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam trong thế kỷ qua như “bảo vệ nền độc lập của dân tộc,” “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” (a); dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Kinh (b). Vậy dân tộc (a) và (b) ở đây khác nhau như thế nào? Dễ dàng nhận thấy, dân tộc (a) mang hàm nghĩa của đất nước, quốc gia… tương đương với nation trong tiếng Anh. Trong khi đó, dân tộc (b) có nghĩa là một nhóm cộng đồng dân cư cùng sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa tương đương với ethnic group trong tiếng Anh. Hiển nhiên, nation và ethnic group là hai thuật ngữ mang hàm nghĩa rất khác nhau nhưng ở Việt Nam nó thường được/bị dùng một cách lẫn lộn. Có lẽ vì vậy mà các từ điển ở Việt Nam cũng thường có ít nhất hai nghĩa khác biệt cho một mục từ này. Một trong số các từ điển tiếng Việt uy tín nhất hiện nay, đó là Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, giải thích như sau:
Dân tộc:
1- Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hóa và tính cách. Dân tộc Việt Nam, dân tộc Nga.
2- Tên gọi chung những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Đoàn kết các dân tộc để cứu nước.
3- Dân tộc thiểu số (nói tắt). Cán bộ người dân tộc.
4- Cộng đồng người ổn định làm thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung. Dân tộc Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, nghĩa (1) và (4) tương đương với nation trong khi nghĩa (2) và (3) tương đương với ethnic group trong tiếng Anh.
Trong tiếng Hán, thuật ngữ dân tộc (phiên âm: mín zú - 民族 chẳng hạn Trung Hoa dân tộc - 中華民族, hàm nghĩa: Dân tộc Trung Hoa). Nghĩa này tương đương với quốc gia - 國家 và tổ quốc - 祖国 (chẳng hạn ngã đích tổ quốc - 我的祖国, hàm nghĩa: Tổ quốc của tôi). Ở đây, chúng ta thấy có sự tương đồng trong cách sử dụng thuật ngữ dân tộc giữa tiếng Hán, nghĩa Hán Việt và tiếng Việt hiện nay. Có thể thấy, thuật ngữ dân tộc trong tiếng Hán và tiếng Việt hoàn toàn phù hợp với vai trò của một danh từ chỉ quốc gia, đất nước như dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam hay quốc gia Việt Nam, tổ quốc Việt Nam. Mọi sự rắc rối, phức tạp, thậm chí là nhầm lẫn đều đến từ nghĩa thứ (2) và (3) kể trên, đó là từ dân tộc mang hàm nghĩa các tộc người (với 54 nhóm chính thức ở Việt Nam, tức ethnic group trong tiếng Anh).
1.2. Tộc người
Với thuật ngữ ethnic group trong tiếng Anh, chúng ta có thể tìm thấy ngay một thuật ngữ tương đương trong tiếng Hán, đó là tộc - 族), chẳng hạn Hán tộc - 漢族 là tộc người Hán, Miêu tộc - 苗族 là tộc người Mèo... khảo sát các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đã xuất bản ở Việt Nam trong thế kỷ XX vừa qua, có thể nhận thấy, thuật ngữ tộc người được sử dụng một cách khá phổ biến trong giới dân tộc học, nhân học ở miền Bắc (ở miền Nam trước 1975 thì gọi là sắc tộc - và có một Bộ chuyên trách gọi là Bộ Phát triển Sắc tộc của Việt Nam Cộng hòa). Việc sử dụng thuật ngữ tộc người gần như được khẳng định trong giới dân tộc học, nhân học với công trình đồ sộ của một trong những nhà dân tộc học hàng đầu ở Việt Nam, đó là tác giả Từ Chi với cuốn sách: Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 1996 tại Hà Nội.
Khác với cách dùng của giới khoa học, đa số các văn bản hành chính nhà nước và các cơ quan quản lý lại có xu hướng dùng danh từ dân tộc thay vì tộc người để chỉ các tộc người bao gồm cả đa số và thiểu số ở Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán trong việc thể chế hóa các văn bản hành chính và luật pháp. Trong nhiều chương trình giáo dục phổ thông cũng như đại học, việc nhầm lẫn các khái niệm quốc gia và tộc người cũng xảy ra thường xuyên do học sinh, sinh viên, thậm chí là giảng viên, giáo viên, biên tập viên, phóng viên cũng sử dụng lẫn lộn dân tộc với hàm nghĩa quốc gia và dân tộc với hàm nghĩa tộc người.
Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà nước Việt Nam cần ban hành một chuẩn mực/quy tắc trong việc sử dụng thuật ngữ dân tộc (với hàm nghĩa quốc gia) và tộc người một cách riêng biệt trong các văn bản hành chính và luật pháp cho đúng với tính chất và tên gọi của nó. Vấn đề này dường như đã được các nhà khoa học khẳng định nhưng vì chưa được “chính danh hóa” bằng văn bản của nhà nước nên tình trạng sử dụng lẫn lộn vẫn diễn ra triền miên.
Việc sử dụng lẫn lộn giữa dân tộc với hàm nghĩa quốc gia và tộc người không chỉ gây nên tình trạng rắc rối về mặt từ ngữ mà nó còn dẫn đến những hệ lụy xấu khi việc chuyển ngữ (trong bối cảnh quốc tế hóa nền khoa học Việt Nam) có thể dẫn đến những sai sót nghiêm trọng giữa khái niệm quốc gia và tộc người. Xa hơn, việc sử dụng chung thuật ngữ dân tộc cho cả quốc gia và tộc người có thể dẫn đến những khó khăn khi xác định tộc danh cho các tộc người ở Việt Nam. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ sử dụng tộc người khi nói đến người Việt với vai trò là một nhóm trong số 54 nhóm khác nhau ở Việt Nam và dân tộc khi nói đến dân tộc Việt Nam hay quốc gia Việt Nam với nhiều thành phần tộc người cùng chung sống.
1.3. Sự giao thoa tộc người
Nói đến Việt Nam là nói đến sự đa dạng về thành phần tộc người với “54 dân tộc anh em” cùng chung sống như các phương tiện truyền thông Việt Nam thường xuyên nhắc đến. Các thành phần này lại bao gồm nhiều nguồn gốc (xét về mặt chủng tộc) và các nhóm ngôn ngữ khác nhau cấu tạo nên (xem Phụ lục 2: Tổng điều tra dân số 2009). Trong số các nhóm ngôn ngữ tộc người thì nhóm Việt-Mường (Vietic) bao gồm (Việt, Mường, Thổ, Chứt) chiếm số lượng lớn nhất (74.943.870 người) chiếm khoảng 82% dân số. Về mặt ngôn ngữ, người Việt (73.594.427 người) mặc dù được xếp vào nhóm Việt- Mường, họ ngôn ngữ Môn-Kh’mer, ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic) nhưng về văn hóa lại tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Hán (thuộc nhóm ngôn ngữ Hán - Sinitic), và cũng ảnh hưởng văn hóa Tày, Thái, Nùng,… (họ ngôn ngữ Tai-Kadai) từ nhiều thế kỷ qua. Bên cạnh đó, hàng vạn tù binh Chăm (họ ngôn ngữ Malayo-Polinesia) cùng quyến thuộc của họ đã hoàn toàn hỗn huyết với người Việt ở Đại Việt.
Bên cạnh quá trình giao thoa văn hóa diễn ra liên tục giữa người Việt với các tộc người cận cư, các tộc người nhóm Tày-Thái (Tai-Kadai) tuy khác biệt về ngôn ngữ nhưng lại sống bên cạnh người Việt hàng nghìn năm qua nên các quan hệ hôn nhân qua lại (interethnic marriage) cũng tạo nên một sự hỗn huyết nhất định. Tương tự như vậy, người Việt, người Hoa, người Kh’mer và người Chăm ở phía Nam cũng có một quá trình giao lưu diễn ra trong nhiều thế kỷ qua. Cùng với đó, quá trình di cư, xen cư cũng như những biến động liên tục về thành phần dân cư khiến cho tộc người Việt/Kinh ở Việt Nam trở nên một nhóm đặc biệt phức tạp nếu xét về mặt nguồn gốc. Đó là chưa nói đến yếu tố Bách Việt đã và đang được các nhà khoa học bàn luận sôi nổi.1 Điều này có căn nguyên từ vị trí địa văn hóa đặc thù của Việt Nam: Nằm ở thềm lục địa Đông Nam Á nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của những biến động trong giai đoạn tiền sử và lịch sử cổ đại và là một Việt trong Bách Việt ở cực nam Trung Hoa không bị Hán hóa đã phát triển thành một quốc gia độc lập.
1 Xem: Trần Gia Ninh 2016: “Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt,” Tạp chí Tia sáng. Trong: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Nhin-lai-lich-su-Bach-Viet-va- qua-trinh-Han-hoa-Bach-Viet-10022, truy cập 19/9/2018. Có khoảng 10 nhóm khác nhau trong Bách Việt, đó là Dương Việt, Can Việt, Điền Việt, Dạ Lang, Âu Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Mân Việt, Di Việt, Câu Ngô, Vu Việt (Nguyễn Ngọc Thơ 2017, tr.29) được cho là có quá trình di cư và hỗn huyết với người Việt.
1.4. Một số giả thuyết về nguồn gốc tộc người Việt
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tổ tiên của loài người là từ châu Phi di cư dần đến các khu vực khác; Người Hán từ lưu vực sông Hoàng Hà phát triển rộng ra khắp Trung Hoa đại lục ngày nay; Người Do Thái từ Jesusalem di cư tới nhiều nơi trên thế giới rồi trở lại phục quốc Do Thái năm 1967; Người Thái từ Tây Song Bản Nạp di cư xuôi theo dòng Mê Kông lập nên Vương quốc Thái Lan,v.v… vậy nguồn gốc của tộc người Việt từ đâu? Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng đã khiến cho giới nghiên cứu Việt Nam tốn vô số giấy mực mà vẫn chưa có câu trả lời nào thực sự thuyết phục.
Về các nguồn tài liệu có đề cập đến nguồn gốc người Việt gồm ba nhóm sau đây:
1. Theo các nguồn sử liệu Trung Quốc;
2. Theo các nguồn sử liệu của Việt Nam giai đoạn phong kiến;
3. Theo các luồng quan điểm hiện đại.
Trong các luồng quan điểm hiện đại trong hơn một thế kỷ qua có một số luồng quan điểm chủ đạo như sau:
a. Người Việt từ Phúc Kiến di cư xuống phía nam;
b. Người Việt vốn gốc từ Trung Quốc là người nước Sở hoặc người Việt từ thời Câu Tiễn di cư xuống phía nam đồng hóa cư dân bản địa.
c. Người Việt là chủ nhân của một nền văn hóa rộng lớn bao trùm từ bờ nam sông Dương Tử xuôi xuống phía nam bao gồm cả Việt Nam và Đông Nam Á.
d. Người Việt định cư ở lưu vực sông Hồng và là chủ nhân văn hóa Đông Sơn với Hùng Vương là vua tổ của họ.
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc tộc người Việt nhưng một trong những quan điểm mang tính “chính thống” nhất, được lưu truyền từ giai đoạn nhà Lê (1427-1592) đó là “con Lạc cháu Hồng” (tức dòng dõi Lạc Long Quân và họ Hồng Bàng) hoặc “con rồng cháu tiên” (tức con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ).1 Có vô số tranh luận diễn ra đối với nguồn gốc này vì nó mang tính “huyễn hoặc và phi lý” (như chỉ dụ của vua Tự Đức trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục). Nhưng tại sao nhiều người Việt từ thời Hậu Lê cho đến nay lại tin vào nguồn gốc phi lý đó? Điều này khó có thể chứng minh bằng sử liệu hay hiện vật khảo cổ nhưng lại có thể được làm sáng tỏ từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận mà chúng tôi sẽ đề cập đến dưới đây.
1 Dẫn câu chuyện Lạc Long Quân đã nói: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên…” trong Truyền thuyết Trăm trứng.
2. Góc nhìn dân tộc biểu tượng luận về nguồn gốc tộc người Việt
2.1. Khái quát về quốc gia, chủ nghĩa quốc gia và dân tộc biểu tượng luận
Trước khi tìm hiểu nguồn gốc của tộc người Việt từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm quốc gia và chủ nghĩa quốc gia từ góc nhìn học thuật. Thuật ngữ quốc gia là một từ Hán Việt, theo Việt Nam Từ Điển, chữ quốc (國) có các nghĩa sau: 1. (danh từ) Đất phong cho chư hầu hoặc quân vương ngày xưa (thực ấp). Như: Lỗ quốc 魯國, Tề quốc 齊國. 2. (danh từ) Nước, có đất, có dân, có chủ quyền. Như: Trung quốc 中國, Mĩ quốc 美國 và cũng là danh từ chỉ quốc gia.
Như vậy, quốc gia chỉ một lãnh thổ của một triều đại chẳng hạn như Hán gia (漢 家) - quốc gia thuộc triều đình nhà Hán. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam cũng dùng theo cách này. Mặc dù sự tồn tại của các quốc gia đã có một lịch sử lâu đời nhưng thuật ngữ quốc gia trong tiếng Việt mới chỉ được giới khoa học sử dụng từ khi tiếp thu nền học thuật phương Tây từ giai đoạn cận hiện đại mà nghiên cứu này sẽ chỉ ra dưới đây.
Trong tiếng Anh, thuật ngữ quốc gia/nation (theo Black's Law Dictionary) là một dân tộc, hoặc sự tập hợp của một cộng đồng người, hiện diện dưới hình thức của một xã hội có tổ chức, thường cư trú ở một phần đất riêng biệt, nói cùng ngôn ngữ, tập quán, có tính liên tục của lịch sử và phân biệt với các nhóm tương tự khác bởi nguồn gốc và đặc trưng chủng tộc, dưới sự quản lý của một chính quyền và có chủ quyền riêng [Garner Ed. 2014]. Dễ dàng nhận thấy, cộng đồng quốc gia có hàm nghĩa rộng lớn hơn và trừu tượng hơn nhiều so với cộng đồng tộc người. Có lẽ vì vậy mà Benedict Andeson đã gọi quốc gia là những cộng đồng tưởng tượng (imagined communities).
Theo chúng tôi, nên gọi đây là những cộng đồng biểu tượng (symbolic communities) hơn là cộng đồng tưởng tượng vì các thiết chế xã hội đặt trong quan điểm chủ nghĩa quốc gia được xác nhận bởi các biểu tượng cộng đồng hay biểu tượng quốc gia (như quốc kỳ, quốc ca, thẻ căn cước, hộ chiếu,…). Những biểu tượng chung này xác nhận tư cách thành viên của mỗi công dân trong quốc gia đó. Vì vậy, việc tước quyền công dân của một người cũng đồng nghĩa với việc cá nhân đó bị loại ra khỏi cộng đồng mang tính biểu tượng nhưng hoàn toàn có thực này. Vì vậy, quốc gia chính là cộng đồng biểu tượng mà không phải là cộng đồng “tưởng tượng.” Vấn đề này có liên quan mật thiết đến quan niệm về dân tộc biểu tượng luận.
Vậy dân tộc biểu tượng luận là gì? Theo Anthony Smith, “các nhà dân tộc biểu tượng luận tìm kiếm nguồn gốc của sự hấp dẫn tinh thần dân tộc từ vô số thành tố mang tính biểu tượng khác nhau trong môi trường lịch sử và văn hóa được chia sẻ của họ - đó là huyền thoại và biểu tượng, hoặc những kỷ niệm, truyền thống và giá trị” [Smith 2009, tr.34-35]. Đây chính là những tiền đề để ông khẳng định về vai trò của dân tộc biểu tượng luận trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, dân tộc biểu tượng luận coi các thành phần văn hóa như biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Đặc biệt các biểu tượng đó thiết lập và giữ vững các liên kết cộng đồng và ý niệm về bản sắc dân tộc.
Đây là một khuynh hướng lý thuyết mới, đề cập đến các vấn đề có liên quan đến chủ nghĩa quốc gia dưới một góc nhìn mới. Như vậy, dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, các “huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống” của người Việt đã được sử dụng tối đa trong các biểu tượng tập thể - yếu tố có thể “thiết lập và giữ vững các liên kết cộng đồng và ý niệm về bản sắc dân tộc”. Để hiện thực hóa mục tiêu này thì một “vị tổ” có thể tập hợp mọi thành phần dân cư trong xã hội là một hướng đi phù hợp nhất. Đây cũng là lý do ra đời của các vị vua tổ của người Việt mà chúng tôi sẽ bàn đến trong nghiên cứu này.
2.2. Tổ tiên của người Việt từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận
Mặc dù các truyền thuyết có liên quan đến tổ tiên của người Việt ít nhiều đã được đề cập đến trong Việt Điện U Linh [越甸幽靈集, vt: VĐUL] hay Lĩnh Nam Chích Quái [嶺 南摭怪, vt: LNCQ] từ đời Trần, nhưng những người đã chính thống hóa nguồn gốc tổ tiên của người Việt vào sử liệu là Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Lý Toàn Thư [大越史記全書, vt: ĐVSKTT]. Trong bộ sử chính thống của nhà Lê, nguồn gốc của tổ tiên được lý giải như sau:
Lạc Long Quân. Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: “Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh.” Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng Thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng? (ĐVSKTT tr.4).
Quan điểm “con rồng cháu tiên” này vẫn được ghi lại ở hầu hết các bộ sử chính thống trong thời gian qua cũng như trong nhiều công trình nghiên cứu của các học giả đương đại. Đây cũng chính là căn nguyên để quan niệm về “con Lạc cháu Hồng” ở Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay. Nhưng cách giải thích nói trên cũng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của một bộ phận trí thức trong xã hội phong kiến, tiêu biểu là lời phê vua Tự Đức trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [欽定越 史通鑑綱目,vt: KĐVSTGCM] như sau:
Kinh Thi có câu: “Tắc bách tư nam” (hàng trăm con trai). Đó là chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi, xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy, huống chi lại nói là đẻ ra trăm trứng! Nếu quả vậy, thì khác gì chim muông, sao gọi là loài người được? Dẫu đến như chuyện nuốt trứng chim huyền điểu, giẫm vào dấu chân người lớn cũng chưa quái lạ quá lắm như thế. Vậy thì chuyện này dường như cũng hoang đường, lờ mờ, không kê cứu như chuyện “mình rắn đầu người, mình người đầu trâu đó chăng?” (KĐVSTGCM tr. 4).
Dễ dàng nhận thấy, quan niệm “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” từ các góc nhìn lịch sử và văn học thông qua các huyền thoại và truyền thuyết đã được lịch sử hóa qua hàng thế kỷ. Theo đó, giới nghiên cứu đã cố gắng tìm các minh chứng (hoặc minh họa) qua tư liệu thư tịch, văn học dân gian, thậm chí là các hiện vật khảo cổ, nhưng những bằng chứng thực sự thuyết phục có liên quan đến nguồn gốc tổ tiên của tộc người Việt vẫn chỉ xoay quanh các huyền thoại như chim Lạc, họ Hồng Bàng hay Lạc Long Quân. Trong khi việc tìm chứng cứ cho những “biểu tượng thất truyền” này còn khó tìm hơn “chén Thánh” trong các tiểu thuyết của Dan Brown.
Vậy làm cách nào để tiếp cận đối tượng nghiên cứu này mà không bị huyền thoại hóa hay truyền thuyết hóa? Theo chúng tôi, một trong những cách thức khả dĩ nhất hiện nay để có thể lý giải hiện tượng này chính là việc xem xét chúng như những biểu tượng dân tộc. Bởi nếu coi “Lạc-Hồng” như là nguồn gốc của tộc người Việt thì vô căn cứ, nhưng nếu đặt chúng vào vai trò của biểu tượng dưới góc nhìn dân tộc biểu tượng luận thì lại hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là một góc nhìn mới để có thể tiếp cận một cách cụ thể nhất với đối tượng nghiên cứu có phần trừu tượng này.
Tới đây, một câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên và tầng lớp trí thức nho học thời trung đại lại lý giải nguồn gốc của tổ tiên người Việt - vị vua tổ Lạc Long Quân - đến từ Trung Hoa? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét quan niệm vô tốn Trung Hoa đặt trong sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với người Việt giai đoạn này.
3. Văn hóa Trung Hoa và sự hình thành biểu tượng tổ tiên của tộc người Việt từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận
3.1. Khái niệm vô tốn Trung Hoa
Trên thực tế, quan niệm “vô tốn Trung Quốc” hay “vô tốn Trung Hoa”/无逊中华 (không thua kém Trung Hoa) là “một khuynh hướng tư tưởng nảy sinh từ đời Trần và phát triển mạnh từ thời Lê, muốn cải biến văn hóa Việt Nam theo văn hóa Trung Quốc. Đó là khuynh hướng tư tưởng của Nho gia. Đại đa số các nhà Nho Việt Nam dù là các bậc đại Nho như Phạm Sư Mạnh đời Trần Thịnh hay Lê Quý Đôn đời Lê Suy, khi suy tư về văn hóa, tư tưởng… vẫn lấy văn hóa, văn minh Trung Quốc làm hệ thống quy chiếu. Đây là cái mặc cảm tự ti dân tộc, cái phong thái “Nam nhân Bắc hướng.” Dù là những người yêu nước, yêu nước kiểu nhà Nho, khi muốn chứng minh rằng nước ta là nước “văn hiến” thì họ cũng chỉ biết nói rằng “Hồ Việt đồng phong các đệ huynh” (Nguyễn Trung Ngạn), rằng văn hiến Việt Nam “bất dị Trung Quốc” “vô tốn Trung Quốc” (Lê Quý Đôn) (không khác không thua kém Trung Quốc). Như Hồ Quý Ly, người đã biết chê bai nhiều nhà Nho, từ Khổng Tử đến Trình Chu, có nhiều cái nhìn độc đáo về học thuật, văn hóa, nhưng khi trả lời người Bắc hỏi về phong tục nước ta cũng chỉ đành nói:
‘Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần.
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần.’
‘Lễ nhạc như Tiền Hán, y quan giống Thịnh Đường được coi là tiêu chuẩn của một nước văn hiến.”1
1 Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh (2015), Văn hóa Việt Nam - Những hướng tiếp cận liên ngành. Nxb. Văn học, Hà Nội tr.478-479. Trong nghiên cứu của mình, ông dùng “vô tốn Trung Quốc” nhưng trên thực tế ở giai đoạn trung đại chưa có nước Trung Quốc nên chúng tôi thay bằng Trung Hoa.
Trên thực tế, khái niệm “vô tốn Trung Hoa” đã biểu tượng hóa nhiều biểu tượng tổ tiên của người Việt (như chúng tôi đã tập hợp trong bảng kê dưới). Việc mô phỏng các tiêu chuẩn Trung Hoa (đỉnh cao của văn hiến trong con mắt của các nhà nho thời trung đại) là có cơ sở thực tế: Đó là do bên cạnh quốc gia Đại Việt, nền văn minh Trung Hoa luôn lớn nhất, vĩ đại nhất. Mặc dù trong sử sách (đặc biệt là kinh Phật) còn có một “xứ sở cực lạc” khác ở “chốn Tây Phương” đó là nước Tây Trúc (Ấn Độ) nhưng lại quá xa xôi cách trở và cũng không có đủ cơ sở để học theo điển lễ hay thể chế của nhà nước ấy. Còn các quốc gia lân bang như Lâm Ấp, Chân Lạp, Xiêm La, Ai Lao thì không thực sự nổi trội so với Đại Việt để giới trí thức nho học Đại Việt học tập. Vì vậy, có thể nói rằng quan niệm “vô tốn Trung Hoa” là một chuẩn mực hợp thời của giới trí thức nho học người Việt ở giai đoạn trung đại mà đan lồng trong đó là mặc cảm tự ti dân tộc.1
1 Không khó để hiểu cái mặc cảm tự ti dân tộc của các nhà Nho xưa nếu so sánh với tinh thần “vọng ngoại” của người Việt ngày nay: Đi tây, cao to như tây, học ở trời tây, đồ Nhật, thời trang Hàn Quốc,… có yếu tố này là do từ giai đoạn cận đại đến nay, người Việt không chỉ được biết đến văn minh Trung Hoa mà còn có nhiều nền văn minh vĩ đại khác tồn tại trên thế giới, đặc biệt là văn minh phương tây. Di vết của mặc cảm tự ti này lớn đến mức nhiều người không tin vào những gì có ở trong nước từ hàng hóa đến bằng cấp. Thậm chí, nhiều người còn phẫu thuật thẩm mỹ cho giống với các “sao Hàn” hay bỏ ra những khoản tiền lớn hơn để đi du lịch tắm biển ở Pattaya, Thái Lan trong khi các bãi tắm trong nước từ Hạ Long đến Vũng Tàu đều muôn lần đẹp hơn Pattaya (nếu không so sánh dịch vụ du lịch của Việt Nam và Thái Lan).
3.2. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa với sự hình thành biểu tượng tổ tiên của tộc người Việt
Có thể nói, văn hóa Trung Hoa chính là nền tảng căn bản của văn hóa cung đình ở Đại Việt thời trung đại mà quan niệm “vô tốn Trung Hoa” là một trong những bằng chứng sống động nhất. Để tìm hiểu sự hình thành biểu tượng tổ tiên của tộc người Việt trong sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì một sự so sánh quá trình hình thành các biểu tượng tổ tiên của người Hán với người Việt chính là một cách nhìn trực quan và sinh động nhất.
Biểu đồ 1. So sánh các biểu tượng tổ tiên của người Hán và người Việt
Bảng so sánh trên cho thấy các yếu tố văn hóa Trung Hoa đan lồng trong các biểu tượng tổ tiên của người Việt vô cùng đậm nét. Có thể nói, giới trí thức nho học thời trung đại đã sử dụng các truyền thuyết và những câu chuyện thần thoại trong nền văn học Trung Hoa để tạo dựng nên các biểu tượng tổ tiên trong lịch sử của người Việt. Quá trình sáng tạo truyền thống này1 có yếu tố tâm lý tự ti dân tộc và sự ngưỡng vọng đối với sự vĩ đại của nền văn hóa Trung Hoa. Bên cạnh đó, việc sử dụng chữ Hán và hệ thống giáo dục nho học đã khiến cho các yếu tố văn hóa Hán trở thành nền tảng tri thức của các trí thức nho học. Việc chúng mặc nhiên được “hiện thực hóa” trong các bộ chính sử của nước Đại Việt thời trung đại cùng vô số công trình kiến trúc tín ngưỡng (như mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân…) là một hệ quả tất yếu của quá trình chính thống hóa các giá trị Trung Hoa đối với tầng lớp trí thức giai đoạn này.
Dưới góc nhìn văn học thì việc sử dụng các huyền thoại hay truyền thuyết Trung Hoa làm chất liệu sáng tác trong văn học của người Việt là một quá trình hàn lâm hóa nền văn học Việt Nam giai đoạn phong kiến mà Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng tiêu biểu nhất.2 Rõ ràng, việc lý giải (hay sáng tác) nguồn gốc tổ tiên của người Việt (thời cổ đại) bằng quan niệm “vô tốn Trung Hoa” (thời trung đại) hàng nghìn năm sau đã khiến cho giới nho học trước đây và giới nghiên cứu (thời hiện đại) gặp bế tắc khi phải đối mặt với sự khác biệt căn bản về chủng tộc (Hán tộc và Việt tộc). Để có thể khai thông sự bế tắc này, chúng ta cần đặt những biểu tượng tổ tiên của người Việt đang được sử dụng hiện nay vào đúng vị trí của nó, đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên từ góc nhìn văn hóa. Sự tồn tại của quan niệm “con Lạc cháu Hồng” hay “con rồng cháu tiên” trong lịch sử là khó có thể chấp nhận về mặt logic, nhưng trong vai trò những biểu tượng, đó lại là chất liệu sáng tác quan trọng dễ dàng được chấp nhận trong văn học.
1 Sáng tạo truyền thống là một tập hợp các thực hành (thường chi phối bởi các quy tắc công khai hoặc ngầm chấp nhận và có tính chất nghi lễ hay tượng trưng) tạo dựng những giá trị nhất định và chuẩn mực về hành vi bằng cách lặp đi lặp lại liên tục với ngụ ý rằng chúng có liên quan đến quá khứ (trích Lời giới thiệu của Eric Hobsbawm trong: Hobsbawm, E. & Ranger, T. (Ed.) 2004. The Invention of tradition [Sự sáng tạo truyền thống]. Cambrridge University Press.
2 Tuy nhiên, việc đưa các huyền thoại Hán tộc (漢族) vào sử học Việt tộc (越族) nđã khiến cho nguồn gốc tổ tiên của người Việt trở nên phi logic và thiếu khoa học vì lịch sử là công việc ghi chép lại quá khứ nên không thể sử dụng yếu tố sáng tác của văn học.
Tương tự như vậy, trong văn hóa nghệ thuật thì quan niệm này đã góp phần tạo nên vô số thành tố văn hóa như đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Hùng Vương hay các tác phẩm thi ca, nhạc, họa viết về các vị tổ này. Có điều đó là do yếu tố sáng tác trong văn học và nghệ thuật đã kết hợp với yếu tố văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để tạo nên các biểu tượng (các vị tổ) chứa đựng các giá trị văn hóa nghệ thuật của người Việt. Vì vậy, sự công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO năm 2012 là một sự khẳng định các giá trị văn hóa nghệ thuật đan lồng trong một biểu tượng tổ tiên quan trọng của người Việt mà hoàn toàn không phải là sự xác nhận nhân thân của vị tổ này. Có thể nói, sự hình thành các vị tổ của người Việt từ giai đoạn trung đại cho đến nay chính là một quá trình nghệ thuật hóa hay biểu tượng hóa các yếu tố có liên quan đến văn hóa tín ngưỡng và sự ngưỡng vọng về tổ tiên của người Việt.
3.3. Ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với sự hình thành các biểu tượng tổ tiên của người Việt
Tới đây, chúng ta cần trả lời một câu hỏi trọng tâm là: Quá trình nghệ thuật hóa hay biểu tượng hóa tổ tiên của người Việt đã diễn ra như thế nào? Thực tế cho thấy, những cộng đồng có nguồn gốc tương đối rõ ràng như người Ai Cập hay người Do Thái coi những biểu tượng cội nguồn của họ là hiển nhiên và ít có tranh cãi. Tuy nhiên, với một cộng đồng có nguồn gốc mơ hồ như người Việt thì nhu cầu tìm về cội nguồn luôn mãnh liệt cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ vì vậy mà việc tạo dựng nên những vị “tổ” như Lạc Long Quân hay Kinh Dương Vương thời trung đại cũng là để thỏa mãn một nhu cầu chính đáng: Tìm về cội nguồn.
Quá trình biểu tượng hóa các vị “tổ” của người Việt có thể được mô hình hóa như sau:
Biểu đồ 2. Cái biểu đạt (phần nổi) và cái được biểu đạt (phần chìm) trong quá trình biểu tượng hóa tổ tiên của người Việt
Để giúp cho mọi người dân có thể “nhìn thấy” được vị tổ của họ, tầng lớp trí thức và các nghệ sĩ thời trung đại đã không ngừng sáng tạo nên các tác phẩm văn học, thi ca, nhạc họa, kiến trúc, điêu khắc và đặc biệt là những lễ hội hoành tráng để toàn dân tham gia. Đây chính là quá trình nghệ thuật hóa sự ngưỡng vọng về tổ tiên thông qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Những sản phẩm nghệ thuật có giá trị nhất dần trở thành những biểu tượng chung của cộng đồng người Việt. Từ đền thờ Vua Hùng ở Phú Thọ đến đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh, từ Lễ hội đền Hùng đến các sắc phong, thần phả, ngọc phả dành cho các hoàng tử, công chúa (con cháu của vua Hùng) đã góp phần vật chất hóa hay “hiện thực hóa” các vị tổ của người Việt.
Khi các sản phẩm nghệ thuật nói trên được thiêng hóa bằng một tín ngưỡng lâu đời (thờ cúng tổ tiên), chúng sẽ trở thành những biểu tượng chung của cộng đồng,xa hơn là biểu tượng của quốc gia - dân tộc. Từ đây, vấn đề nguồn gốc thực sự của những biểu tượng đó (Hán tộc hay Việt tộc) không còn quá quan trọng với người dân. Điều này lý giải tại sao rất nhiều người Việt thường chấp nhận các biểu tượng tổ tiên (như con rồng cháu tiên) từ những câu chuyện huyền thoại một cách dễ dàng. Bởi vì những biểu tượng đó đã được “khẳng định” bởi tầng lớp trí thức và quan lại bậc cao trong xã hội trung đại. Qua thời gian, chúng trở thành những biểu tượng của quốc gia (tương tự như lá cờ hay bài quốc ca hiện nay) và được quốc thể hóa thành quốc tổ, quốc giỗ, quốc lễ như chúng ta đang chứng kiến.
***
Phân loại tộc người dựa trên ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống lịch sử hay biểu tượng dân tộc đều là những cách tiếp cận phổ biến hiện nay trong nền học thuật thế giới.
Tuy nhiên, tất cả các hướng tiếp cận nói trên đều tồn tại những tranh luận khi giải quyết các vấn đề có liên quan đến nguồn gốc tộc người. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, chúng ta có thể phân tích tế bào để tìm ra tỉ lệ phần trăm nguồn gene mà mỗi người sở hữu. Cho dù sự hỗn chủng có thể khiến cho một người Việt không mang quốc tịch Việt Nam, không hề biết tiếng Việt cũng như lịch sử và văn hóa Việt Nam nhưng bộ mã gene (genetic code) mà anh ta/cô ta mang theo là bằng chứng thuyết phục nhất về nguồn gốc Việt của người đó. Vấn đề còn lại là anh ta hay cô ta có cần/muốn yếu tố “gốc” đó hay không? Điều này lại có liên quan đến nền tảng ngôn ngữ, văn hóa hay truyền thống lịch sử mà anh ta hay cô ta đang sở hữu.
Dưới góc nhìn của khoa học tự nhiên, vấn đề nguồn gốc tộc người hoàn toàn có thể xác định được bằng công nghệ gene và nhân học phân tử (molecula anthropology).1 Ở hướng tiếp cận này, các nhà khoa học sử dụng công cụ di truyền phân tử và DNA để phân tích quá trình tiến hóa, của các sinh vật nói chung và con người nói riêng, nhằm tìm hiểu quá trình di cư và hỗn huyết của các tộc người. Từ đó lý giải quá trình di cư của loài người tiền sử đặt trong mối quan hệ với các chủng tộc đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Và bộ mã gene có thể giúp con người tìm ra tổ tiên thực sự của họ hoặc chí ít cũng là tỉ lệ phần trăm nguồn gốc của họ với các tộc người đối sánh.1 Tuy nhiên, từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn thì bộ mã gene đó chỉ có tác dụng giúp con người hiểu biết hơn về nguồn gốc sinh học của họ mà không giúp cho họ thay đổi địa vị xã hội hay môi trường văn hóa mà họ đang sống.
1 Nhân học phân tử sử dụng các công cụ và kỹ thuật của di truyền học phân tử để lý giải các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và sự phát triển của con người trong nhân học nhân thể (physical anthropology) và nhân học sinh học (biological anthropology).
Trong môi trường văn hóa được cấu thành bởi hệ thống các biểu tượng (system of symbols, thuật ngữ của Victor Turner), con người luôn có xu hướng tìm cách tồn tại, thích nghi và củng cố hệ thống đó. Rõ ràng, biểu tượng tổ tiên của người Việt chính là một thành tố quan trọng trong hệ thống các biểu tượng mà họ đã và đang tương tác. Cho dù các biểu tượng đó có ảnh hưởng quan niệm “vô tốn Trung Hoa” hay không thì chúng vẫn luôn là những sản phẩm văn hóa và nghệ thuật của người Việt, do người Việt tạo ra. Do đó, sự sáng tạo này sẽ luôn là một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam mà các nhà nghiên cứu sẽ còn phải tiếp tục tìm hiểu.
1 Ngọc Anh (2017). “Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng thành công hệ gen một người Việt”. https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1657/N15503/Lan-dau-tien- Viet-Nam-xay-dung-thanh-cong-he-gen-mot-nguoi-Viet.htm truy cập 25/9/2018.