Lạc Việt (駱越 hay 雒越, phiên âm: Luo Yue) là một tộc danh (ethnonym) được sử dụng phổ biến cả ở Trung Quốc và Việt Nam. Cho đến cuối thế kỷ XX, nghiên cứu về Lạc Việt dưới các góc nhìn của lịch sử, thần thoại học, ngôn ngữ học hay văn hóa học vẫn còn những tranh luận chưa có hồi kết về nguồn gốc, hay đúng hơn là về từ tố Lạc Việt. Vì vậy, để trả lời câu hỏi người Lạc Việt là ai? chúng ta cần có thêm những góc nhìn mới và cập nhật trong bối cảnh phát triển vô cùng nhanh chóng của nền khoa học thế giới. Trong khoa học tự nhiên, cùng với cách thức phân loại nhân chủng như đo hộp sọ (cranium), việc tìm hiểu nguồn gốc các tộc người ngày càng có thêm nhiều phương pháp hiện đại như công nghệ DNA hay nhân học phân tử. Trong khoa học xã hội, cùng với những thành tựu nghiên cứu của sử học, khảo cổ học và ngôn ngữ học đã được công bố, ngày càng có thêm nhiều công cụ mới để chúng ta có thể nhìn rõ hơn về quá khứ. Một số hướng tiếp cận lý thuyết mới đó sẽ được nghiên cứu này đặt ra để nhìn nhận lại vấn đề Lạc Việt trong bối cảnh phát triển của nền khoa học thế giới.
Nghiên cứu này đặt tộc danh Lạc Việt trong vai trò tên được gọi (exonym) qua tư liệu mà người Hán đã dùng cho một cộng đồng được gọi là Lạc Việt ở khu vực nam Trung Hoa hơn 2000 năm trước trong sự đối sánh với tên tự gọi (autonym) của người Việt từ khi giành được độc lập trong hơn 1000 năm qua. Từ đó, đặt tên được gọi Lạc Việt trong một khu vực địa lý rộng lớn bao trùm cả Việt Nam và nam Trung Hoa từ thời cổ đại. Đồng thời, xem xét tên tự gọi Lạc Việt như một quá trình quốc gia hóa và biểu tượng hóa nguồn gốc dân tộc ở Đại Việt giai đoạn trung đại. Thông qua sự đối sánh nói trên, nghiên cứu này sẽ làm rõ mối quan hệ giữa người Hán với một cộng đồng được gọi là Lạc Việt và quan điểm của người Việt về Lạc Việt dựa trên một số lý thuyết mới của James Scott (Zomia) và dân tộc biểu tượng luận của Anthony Smith. Qua đó tìm hiểu căn tính tộc người (ethnicity)1 đã và đang tồn tại trong văn hóa của người Việt. Xa hơn, nghiên cứu này cũng mong muốn mở ra một góc nhìn mới về Lạc Việt từ nhân học phân tử (molecular anthropology).
1 Theo Britanica căn tính tộc người (ethnicity) đề cập đến việc xác định một nhóm dựa trên sự khác biệt văn hóa nhận thức khiến cho nhóm trở thành một “cộng đồng người.” Sự khác biệt này được thể hiện thông qua ngôn ngữ, âm nhạc, giá trị, nghệ thuật, phong cách, văn học, đời sống gia đình, tôn giáo, vật phẩm dâng cúng, cách đặt tên, đời sống công cộng và văn hóa vật chất. Tính tổng thể văn hóa này là một tập hợp các đặc điểm văn hóa đặc trưng được nhận thức như là sự thể hiện bản thân họ theo những cách riêng trong đời sống văn hóa xã hội của chính cộng đồng người đó.
1. Lạc Việt trong ngôn ngữ học tộc người: Tộc danh, tên được gọi và tên tự gọi
Theo Bách khoa thư Britannica, ngôn ngữ học tộc người (ethnolinguistics) là một phần của nhân học ngôn ngữ liên quan đến việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa của các cộng đồng tộc người. Một nhóm ngôn ngữ tộc người được thống nhất bởi cả yếu tố tộc người cũng như yếu tố ngôn ngữ. Cho tới nay, nó vẫn được sử dụng để nhấn mạnh rằng ngôn ngữ là cơ sở chính cho việc xác định các nhóm tộc người, đặc biệt là sự đối sánh với các nhóm cận cư. Tộc danh (ethnonym) là tên gọi của một nhóm tộc người, một bộ tộc, bộ lạc hay liên minh bộ lạc hoặc các cộng đồng tộc người, cao hơn là một quốc gia dân tộc. Tên được gọi (exonym hay xenonym) là tên gọi do người khác hay cộng đồng khác đặt cho. Tên tự gọi (autonym hay endonym) là tên do cộng đồng người tự gọi, thông thường bằng chính ngôn ngữ mà cộng đồng đó sử dụng. Lạc Việt vừa là tên được gọi bởi người Hán lại vừa là tên tự gọi của cộng đồng người Việt. Sự đan xen thậm chí là lẫn lộn giữa hai cách gọi này chính là nguyên nhân dẫn đến các kết luận không đồng nhất giữa các học giả về tộc danh Lạc Việt.1 Trong các nguồn sử liệu hiện có ở Việt Nam, tộc danh Lạc Việt được dùng để gọi một cộng đồng dân cư sinh sống ở phía nam của Trung Quốc và miền bắc Việt Nam từ trước Công Nguyên. Theo học giả Đào Duy Anh: “Người Lạc Việt đã dời toàn thể bộ lạc của họ từ miền nam Trung Hoa đến và xây dựng được một nền văn hóa đồ đồng khá tinh xảo mà theo Lư Quảng thì Lạc là họ, tức tên thị tộc của một nhóm người Việt ở xứ Mân.” Trên cơ sở đó, ông lý giải rằng chim Lạc là vật tổ của người Lạc Việt: “Những hình chim bay và chim đậu ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc vật tổ” [Đào Duy Anh 2005, tr.53-54]. 2 Tuy nhiên, trong Hán Việt Từ điển giản yếu (do Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội xuất bản) Đào Duy Anh lại không định nghĩa chữ Lạc là “chim” mà chỉ có một trong số các nghĩa “là một loài thú giống con ly” [Đào Duy Anh 2009, tr.328]. Điều đó cho thấy, một học giả hàng đầu ở Việt Nam cũng đã gặp lúng túng khi không phân biệt tên được gọi và tên tự gọi Lạc Việt.
1 Có thể tạm chia làm hai nhóm đại diện cho các học giả: Nhóm (1) cho rằng người Việt là một nhóm cư dân nói ngôn ngữ Việt - Mường (Vietic), ngành Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á - Austroasiatic (như Haudricourt, Felus, Trần Trí Dõi,...); Nhóm (2) cho rằng Lạc Việt xưa và người Việt nay thuộc tộc Bách Việt, cư trú ở phía nam sông Dương Tử kéo dài đến châu thổ sông Hồng (như Kim Định, Hà Văn Thùy, Đỗ Kiên Cường,…).
2 Đào Duy Anh dẫn theo Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim,… tuy nhiên, trên thực tế thì thuyết vật tổ hay totemism là một học thuyết đã bị khai tử từ nửa sau thế kỷ XX và cũng chưa một ai có thể chứng minh được sự tồn tại của một loài chim có tên gọi là chim Lạc.
Ở Việt Nam, việc sử dụng tên gọi Lạc Việt nói trên bắt nguồn từ một số tài liệu cổ bằng chữ Hán có ghi chép lại từ tố Lạc như Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc điền. Theo Lịch Đạo Nguyên, trongThủy kinh chú sớ (水經注疏), dẫn theo Giao Châu ngoại vực ký (交州外域記) rằng “đất Giao Chỉ ngày xưa, lúc chưa thành quận huyện, ruộng đất có lạc điền, theo nước thủy triều lên xuống, dân trồng trọt ở các đám ruộng ấy để hưởng hoa lợi, vì vậy dân ấy có tên gọi là Lạc dân, đặt ra Lạc vương, Lạc hầu để trông coi các quận huyện. Ở huyện phần nhiều là chức Lạc tướng. Lạc tướng có ấn đồng thao xanh [Lịch Đạo Nguyên, tr. 427].
Theo Lê Tắc trong An Nam chí lược (安南志略), ở nơi này “khi chưa có quận huyện, thì lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu” [Lê Tắc, tr.12].
Trong khi các học giả Trung Quốc hiện tại thường đề cập đến hậu duệ của người Lạc Việt chính là các tộc người thuộc nhóm Tai-Kadai như người Bố Y, Tày Đăm,… đặc biệt là người Choang (Tráng/Đồng 壮, phiên âm: Zhuang) sống chủ yếu ở Khu tự trị Quảng Tây và một số tỉnh lân cận như Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam của Trung Quốc và lưu vực sông Hồng. Tuy nhiên, trong cách phân loại tộc người hiện đại của Ethnologue, thì ngôn ngữ Zhuang thuộc họ ngôn ngữ Tai-Kadai (ở Việt Nam có Tày, Thái, Nùng, Lào, Lự thuộc họ này) trong khi ngôn ngữ của người Việt lại thuộc nhóm Việt- Mường, họ ngôn ngữ Mon-Khmer, ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic). Vì vậy, về mặt phân loại tộc người thì người Việt và người Choang là hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra còn có rất nhiều tài liệu khác cả ở Trung Quốc và Việt Nam (như Hán Thư, Sử Ký, ĐVSKTT,...) cho rằng Lạc Việt là một nhóm Việt trong Bách Việt (百粵/百越 phiên âm: Bai Yue). Trong các nguồn cổ sử Trung Quốc, từ tố Việt/Yue (越/粵) trong Bách Việt là tên gọi của nhiều cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng nam Trung Quốc được phân chia làm nhiều nhóm khác nhau như Âu Việt, Lạc Việt, Mân Việt, Vu Việt,... tên gọi Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên trong Lã thị Xuân Thu (吕氏春秋) của Lã Bất Vi 呂不韋 (291–235 TCN) thời Tần [Kiều Thu Hoạch 2016, Trần Gia Ninh 2016].1 Sau khi tất cả các nhóm được gọi là Bách Việt bị Hán hóa (ngoại trừ cộng đồng Việt ở lưu vực sông Hồng) thì Bách Việt chỉ còn được nhắc đến trong sử liệu và các công trình nghiên cứu mà không còn được coi như tộc danh của một cộng đồng người cụ thể nữa. Trong khi cộng đồng người Việt ở lưu vực sông Hồng đã xây dựng được cho mình một quốc gia độc lập và cái tên tự gọi Lạc Việt trong vai trò là tổ tiên của người Việt. Cái tên này đã theo suốt lịch sử của quốc gia Đại Việt/Việt Nam đến ngày hôm nay.
Tiếp cận sâu hơn từ góc nhìn ngôn ngữ học tộc người, một số học giả nổi tiếng về Việt ngữ đã sử dụng ngôn ngữ học lịch sử đối sánh (comparative-historical linguistics) để tìm hiểu từ tố Lạc Việt theo lịch đại. Theo đó, lớp lõi trong cùng là Mon-Khmer, phủ ra bên ngoài có một phần Malayo-Polynesian và Tai (tức nhóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam hay Tai-Kadai ở Đông Nam Á và nam Trung Hoa) và sau cùng là các yếu tố Hán - cho dù các yếu tố Hán Việt chiếm tỷ trọng cao trong tiếng Việt hiện nay [Benedict 1942 tr. 576-601; Haudricourt 1954]. Điều này cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu về chủng tộc khi xếp người Việt vào nhóm Nam Á [Nguyễn Ngọc Thơ 2012].
1 Theo Trần Gia Ninh chữ Việt “Sử ký” viết là 越, “Hán thư” viết là 粤. Âm đọc 粤 là từ âm đọc của chữ Vu 于, người cổ đọc 越 là 于. Vu 于 viết theo lối chữ triện 篆 là 亏, hài thanh là chữ vũ 雨-mưa, viết lên trên thành 雩. Trong “Hán Thư” còn tồn nhiều chữ cổ, nên chữ Việt 越 đều cải viết thành 雩, sau theo lối chữ lệ 隶, chữ khải 楷 mới viết thành ra 粤, tức biến hóa hình chữ vũ 雨 đặt trên chữ Vu 亏.
Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Pháp, Ferlus, đã có một phát hiện quan trọng về Lạc Việt trong Hán thư thời Đông Hán, đây là cuốn sử “ghi lại giai đoạn thời Tây Hán (năm -206/25) và được xác định là công trình của Ban Cố (班固)...1 Lạc Việt được dùng ở đây có thể với nghĩa để chỉ “một vùng đất” hoặc có thể là “nhóm người/tộc người/thị tộc” hoặc cũng có thể là “tên gọi một nước.” Về sau, khái niệm này xuất hiện lại trong Hậu Hán thư (後漢書/后汉书)” của tác giả Phạm Diệp (范晔) mà thời gian soạn thảo thuộc vào thời Lưu Tống Nam triều, ước khoảng thế kỷ thứ V sau Công nguyên” [Trần Trí Dõi 2017, tr.42]. Từ các chứng cứ về ngôn ngữ học tộc người, Trần Trí Dõi đã đưa ra một cách lý giải hoàn toàn mới như sau:
1 “Lạc Việt (Luòyuè 雒越)” xuất hiện lần đầu trong thiên “Giả Quyên Chi Truyện (捐之传贾)”của bộ “Hán thư (Hàn shū 漢書/ 汉书)” nói trên. Nguyên văn chữ Hán viết trong thiên truyện này là “駱越之人,父子同川而浴 (Lạc Việt chi nhân, phụ tử đồng xuyên nhi dục) - có nghĩa là Người Lạc Việt bố và con tắm cùng sông.” [Trần Trí Dõi 2017, tr.50].
“Với thời điểm xuất hiện lần đầu tiên của tổ hợp “Lạc Việt (Luòyuè 雒越)” trong Hán thư là giai đoạn tiếng Hán cổ đại, người ta đã có thể tái lập dạng thức ngữ âm của mỗi yếu tố hợp thành ở giai đoạn nó được xuất hiện lần đầu. Đó là *rak (đối với yếu tố luò 雒) và là *wat (đối với yếu tố yuè 越). Cùng với nghĩa từ nguyên của mỗi yếu tố, tức là “lạc (luò 雒)” với nghĩa chỉ “người” theo cách tự nhận và “việt (yuè 越)” dùng để chỉ “một phạm vi, một vùng đất”, tổ hợp Lạc Việt có nghĩa khởi nguyên là “vùng đất của những cư dân tự gọi mình là *rak (tức người)” [Trần Trí Dõi 2017, tr.51].
Có thể thấy, từ tố Lạc Việt (tên được gọi) được người Hán sử dụng để gọi một nhóm phi Hán ở phía nam Trung Hoa từ hơn 2000 năm trước trong khi Lạc Việt (tên tự gọi) lại được chính người Việt dùng làm tộc danh của mình sau này trong quá trình xây dựng nền độc lập của quốc gia hàng nghìn năm sau (!). Sự khác biệt căn bản ở đây chính là tên được gọi và tên tự gọi được hình thành trong hai nền văn hóa khác nhau là Hán và Việt.1
Với quan điểm lạc việt là *rak*wat/“vùng người” chúng ta có thể hiểu tại sao người Hán khi xưa gọi các cộng đồng dân cư phía nam sông Dương Tử đều là Việt (Bách Việt) hay Miêu-Man,... trong khi cộng đồng này vốn là các tộc người hoàn toàn khác nhau như cách phân loại của khoa học hiện đại ngày nay. Các “vùng người” này đa dạng tới mức người Hán không phân biệt được nên đã dùng một tộc danh phiếm chỉ là Bách Việt bộ lạc (百越 部落).2
1 Từ góc nhìn này, chúng ta có thể so sánh với tên tự gọi và tên được gọi của một số tộc người ở Việt Nam trong quá khứ, chẳng hạn như mọi trong một số ngôn ngữ Mon-Khmer là tên tự gọi “tôi” – ngôi thứ nhất. Khi người Pháp đến Việt Nam, họ đã phân chia thành người An Nam (là người Việt/Kinh ở vùng đồng bằng) còn các nhóm thiểu số miền núi Trường Sơn-Tây Nguyên được gọi là Mọi hay người Mọi trong khi tên tự gọi của các nhóm này lại là Cơtu, Bru,...
2 Bách hay trăm ở đây là từ phiếm chỉ mang hàm nghĩa rất nhiều (như bá/bách tính - trăm họ; văn võ bá quan - rất nhiều quan văn võ,…). Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể tìm được khoảng 10 nhóm Việt khác nhau trong Bách Việt, đó là Dương Việt, Can Việt, Điền Việt, Dạ Lang, Âu Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Mân Việt, Di Việt, Câu Ngô, Vu Việt (Nguyễn Ngọc Thơ 2017, tr.29). Ngoài ra, Kiều Thu Hoạch thống kê 10 nhóm bao gồm cả Sơn Việt [Kiều Thu Hoạch 2016, tr.342].
Tuy nhiên, theo cách phân loại tộc người phổ biến hiện nay, người Việt nói ngôn ngữ Việt-Mường, họ Môn- Khmer, ngữ hệ Nam Á khác với người Zhuang (mà các học giả Trung Quốc hiện nay gọi là Lạc Việt) thuộc họ ngôn ngữ Tai-Kadai ở Trung Quốc. Bản đồ các khu vực ngôn ngữ (Hình 1.1 và 1.2) sẽ cho chúng ta thấy rõ sự khác biệt về địa bàn cư trú giữa Lạc Việt theo quan điểm 1 (nói ngôn ngữ Mon-Khmer, được người Việt ở lưu vực sông Hồng tự nhận là tổ tiên - xin gọi tắt là Lạc Việt 1) và Lạc Việt theo quan điểm 2 (nói ngôn ngữ Tai-Kadai, là tổ tiên người Zhuang - theo quan điểm của nhiều học giả Trung Quốc - xin gọi tắt là Lạc Việt 2).
Như vậy, nếu như Lạc Việt 1 và Lạc Việt 2 được gộp vào nhau thì Lạc Việt “chung” này sẽ bao trùm hầu hết Đông Nam Á và một nửa vùng đất nam Trung Quốc. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tìm hiểu Lạc Việt từ một góc nhìn đối sánh thay vì chỉ coi đó như một tộc danh thông thường. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần phải phân biệt hai cách gọi (của người Hán và người Việt) về một cái tên chung (Lạc Việt) trong khi các tư liệu lịch sử hay dấu vết khảo cổ học chưa thể làm rõ. Dưới đây chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu đối sánh Lạc Việt trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam để có một cái nhìn rõ hơn về nguồn gốc Lạc Việt dựa trên các vấn đề có liên quan đến căn tính tộc người.
2. Lạc Việt qua đối sánh liên văn hóa
2.1. Lạc Việt trong vùng văn hóa đồng văn Trung Hoa
Như đã dẫn ở trên, các nguồn sử liệu Trung Hoa đều coi Lạc Việt là một nhóm trong Bách Việt ở nam Trung Hoa. Theo Hán thư, sự phân bố của Bách Việt “từ Giao Chỉ đến Cối Kê dài bảy-tám ngàn dặm, Bách Việt ở xen kẽ với nhau” [Kiều Thu Hoạch 2016, tr.341]. Cương vực này kéo dài từ phía nam của tỉnh Giang Tô dọc theo bờ biển phía đông nam Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây và một phần bắc Việt Nam hiện nay, khu vực phía nam chính là địa bàn cư trú của người Lạc Việt. Một số học giả Trung Quốc gần đây cho rằng quốc gia Lạc Việt cổ nằm ở phía nam của Đại Minh Sơn, giữa lưu vực sông Hồng Thủy ở Quảng Tây, phía đông nam của cao nguyên Vân-Quý ở phía tây và lưu vực sông Hồng của Việt Nam ở phía đông nam. Theo họ, nguồn gốc người Lạc Việt và trung tâm của văn hóa Lạc Việt ở lưu vực Tả Giang kéo dài tới phần phía tây nam của Quý Châu và châu thổ sông Hồng.
Mặc dù các nghiên cứu từ trước tới nay về Lạc Việt đều đề cập đến những mối quan hệ văn hóa của Lạc Việt với Bách Việt qua các yếu tố đồng văn Trung Hoa. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng người Tai-Kadai hay người Choang là hậu duệ của người Lạc Việt cổ chủ yếu chỉ xuất hiện trong học thuật Trung Hoa gần đây. Đặc biệt, việc Hoa Sơn Bích Họa (花山壁画) ở huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vào ngày 15 tháng 7 năm 2016 có các hình người nhảy múa với hình trống, hình thuyền cùng đàn tính càng khiến cho nhiều học giả Trung Quốc tin rằng, văn hóa của người Zhuang và người Lạc Việt cổ dường như là một. Từ đây, một công cuộc phục dựng văn hóa Lạc Việt được đầu tư với quy mô lớn và rộng khắp khu vực cư trú của người Choang.
Hình ảnh người “Lạc Việt cổ” được in trên biển hiệu, nhà hàng, xe buýt và thậm chí cả những ống khói trong các nhà máy. Dọc theo dòng Tả Giang, những cánh đồng hoa giả và những cây cổ thụ bằng nhựa được dựng lên bên cạnh các làng người Zhuang (được gọi là làng văn hóa Lạc Việt cổ!) để phục vụ du lịch,... (Hình 2). Rõ ràng, ở đây có sự lẫn lộn giữa một đối tượng của khoa học và một sản phẩm du lịch. Sự phục dựng thái quá đối với văn hóa Lạc Việt cổ trong thời điểm hiện tại không giống với quan niệm “đại Hán tộc chủ nghĩa” (大漢族主義) đặc trưng ở Trung Quốc. Mặt khác, việc sử dụng tên gọi Lạc Việt cũng không phù hợp với học thuật hiện đại khi tộc danh Zhuang đã chính thức được công nhận trong thành phần 56 tộc người của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc, sự phân biệt giữa người Hán với các cộng đồng cư dân khác không dựa trên các yếu tố tộc người như chúng ta thấy ngày hôm nay mà nó được phát triển dần theo sự mở rộng không ngừng của đế chế này. Bắt đầu từ phân loại theo phương hướng, bao gồm: Tây nhung/西戎, Bắc địch/北狄, Nam man/南蠻, Đông di/東夷. Các tên gọi này mang ý nghĩa miệt thị nên thường gắn với sự dã man, mọi rợ hoặc được viết với một số bộ liên quan đến động vật như chim (điểu), chó (cẩu), ngựa, (mã), sâu bọ (trùng),… tộc danh của người Zhuang trước đây được sử dụng bộ cẩu (獞) nhưng gần đây đã thay bằng bộ nhân (壮) [Nguyễn Xuân Quang 2011]. Cách gọi này cũng là để khẳng định nền văn minh Hán tộc khác với nhung-địch-man-di (là các tộc người mọi rợ theo quan niệm Hán tộc). Tiếp theo là cách phân loại theo trung tâm - ngoại vi mà tiêu biểu là quan điểm Hoa tâm như Hoa Hạ hay Trung Nguyên xưa đến Trung Hoa hay Trung Quốc ngày nay.1
1 夏朝在上古為中央大國 Hạ triều tại thượng cổ vi trung ương đại quốc, hàm nghĩa: Hoa Hạ là vùng đất của nhà Hạ. Theo quan điểm này thì vùng trung tâm “văn minh” hơn vùng ngoại vi.
Dưới nhãn quan của người Hán và trong không gian văn hóa Trung Hoa, Lạc Việt chỉ là một bộ phận nhỏ trong nhiều nhóm Việt khác nhau (Bách Việt). Mỗi “Việt” này tồn tại như một cộng đồng riêng được phân loại bằng tên riêng như Mân Việt, Âu Việt, Vu Việt, Lạc Việt,… tuy nhiên, khó có thể nói rằng các việt (*wat hay vùng người) đó có cùng một gốc hay có một tổ tiên chung và cũng không thể gọi Bách Việt là “thủy tổ” hay “cha chung” của người Việt hiện nay.
Trên thực tế, các việt này là những địa bàn cư trú của các cộng đồng người hoàn toàn khác nhau mà phải tới khi tiếp cận nền khoa học phương Tây ở giai đoạn cận hiện đại mới phân thành các tộc người (như Zhuang tộc, Miêu tộc, Kinh tộc ở Trung Quốc hay người Nùng, người Mèo, người Kinh ở Việt Nam). Sau khi các tộc người ở khu vực Bách Việt dần bị thôn tính và đồng hóa vào đế chế của người Hán, khu vực của các việt này được thay thế bằng một cái tên mới là Hoa Nam (hay còn gọi là Hoa Nam địa khu/華南地區).1 Duy nhất chỉ có nhóm Lạc Việt ở lưu vực sông Hồng không bị đồng hóa và phát triển thành một quốc gia độc lập có tên gọi Đại Cồ Việt/Đại Việt trước đây hay Việt Nam ngày nay.
1 Cách gọi này là để phân biệt với các vùng khác như Hoa Bắc địa khu hay bình nguyên (華北地區/華北平原), Hoa Trung địa khu (華中地區) với sông Hoài làm điểm giữa.
Có thể nói, Lạc Việt với vai trò của một tộc danh trong văn hóa Trung Hoa là một đối tượng nghiên cứu khá mơ hồ trong lịch sử. Nói đúng hơn, Lạc Việt dường như cũng chỉ là một tên gọi phiếm chỉ (indeterminate ethnonym) tương tự như Bách Việt mà không phải là một tộc danh thực sự như trong phân loại tộc người hiện nay. Vì vậy, nhiều công trình nghiên cứu hiện đại ở Trung Quốc sử dụng tộc danh Lạc Việt thay vì Zhuang như một cách Lạc Việt hóa cộng đồng người Zhuang hiện tại chính là một hiện tượng “sáng tạo truyền thống” trong học thuật đương đại. Trong khi ở Việt Nam, tên tự gọi Lạc Việt đã ra đời từ giai đoạn trung đại như một cách bản địa hóa, quốc gia hóa hay biểu tượng hóa một thành tố ngôn ngữ để tạo nên một tộc danh riêng của người Việt.
2.2. Lạc Việt trong văn hóa Việt Nam
Như đã đề cập ở trên, Lạc Việt là một từ gốc Hán ra đời trong văn hóa Trung Hoa và được ghi lại bằng Hán tự. Vì vậy, tên gọi này xuất hiện trong văn hiến Việt Nam vào khoảng thế kỷ XIII - thế kỉ XIV [Trần Trí Dõi 2017, tr.52]. Tuy nhiên, đây là chứng cứ văn bản dựa trên Việt Điện U Linh (tác phẩm lâu đời nhất của Việt Nam còn sót lại).
Còn trên thực tế, rất có thể nó đã được sử dụng sớm hơn, ít ra là từ giai đoạn độc lập thế kỷ X nhưng đã bị đốt sạch theo chỉ dụ của Minh Thành Tổ năm 1406. 1 Vì vậy, nghiên cứu này đặt ra một nghi vấn: Phải chăng tên gọi Lạc Việt trong Hán ngữ đã được người Việt thời trung đại bản địa hóa và biểu tượng hóa thành một từ tố mang hàm nghĩa cội nguồn dân tộc Việt để khẳng định nền độc lập của quốc gia?
1 Mật lệnh của Minh Thành Tổ gửi tổng binh Chu Năng: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn.” Theo Nguyễn Huệ Chi, “Tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam: Thủ đoạn của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407”. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. http://www.vanhoanghean.com.vn. Truy cập: 20/9/2018.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tiếp cận Lạc Việt như một tên tự gọi và là một biểu tượng tổ tiên hay biểu tượng quốc gia – dân tộc được hình thành trong quá trình xây dựng nền độc lập của Đại Việt/Việt Nam từ giai đoạn trung đại đến nay. Nói cách khác, đây là một quá trình Việt hóa một danh xưng chữ Hán thành một tên tự gọi. Tên tự gọi này hiện vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong xã hội đương đại của người Việt. Tuy nhiên, khác với hiện tượng Lạc Việt hóa cộng đồng người Zhuang ở Trung Quốc hiện nay, quá trình bản địa hóa từ tố Lạc Việt có những căn nguyên xuất phát từ những mối liên hệ Hán-Việt trong suốt trường kỳ lịch sử.
Trong lịch sử của Trung Quốc, rất nhiều lần đế chế này bị phân chia thành nhiều tiểu quốc (như các giai đoạn Ngũ đại, Thất hùng, Tam quốc, Lục triều, Thập bát quốc…). Các tiểu quốc bị phân chia này thường không phải là đại diện cho các cộng đồng tộc người mà chủ yếu lại là sự cát cứ phe phái của các triều đại. Người Việt hay Lạc Việt ở cực nam cũng chịu ảnh hưởng của quá trình phân liệt này. Mỗi lần nhập vào đế chế của người Hán được gọi là giai đoạn Bắc thuộc và khi tách ra gọi là giai đoạn độc lập và giai đoạn độc lập hiện nay đã kéo dài hơn nghìn năm. So với các tộc người phi Hán được gộp vào Bách Việt thì duy nhất chỉ có người Việt ở lưu vực sông Hồng (Việt Nam) không bị đồng hóa. Điều đó cho thấy căn tính tộc người thể hiện qua khát vọng độc lập của người Việt. Đó cũng là lý do dẫn đến các cuộc chiến với người Hán trong suốt hàng nghìn năm qua.
Trở lại với sự ra đời của từ tố Lạc Việt trong lịch sử văn hóa Việt Nam, nó được cho là giai đoạn bắt đầu của thời kỳ giành độc lập với việc sáp nhập Âu Việt và Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc của An Dương Vương. Trong ĐVSKTT (Kỷ Nhà Thục) đã nói về An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc như sau: “An Dương Vương, họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Năm Giáp Thìn thứ nhất (257 TCN) vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc” [ĐVSKTT, tr.6].1 Đối chiếu với các bộ sử quan trọng của Trung Quốc, chúng ta cũng thấy có đề cập đến một vương quốc vùng cực nam của người Lạc Việt.
Sử ký của Tư Mã Thiên (trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện) đã ghi lời Triệu Đà nói về nước Âu Lạc như sau: “Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương;” ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương.” Trong Hán thư của Ban Cố cũng có đề cập đến Lạc Việt (như đã dẫn) và nước Tây Âu Lạc. Còn theo Trần Gia Ninh thì sách Lã thị Xuân Thu (291 - 235 TCN) là tài liệu sớm nhất có chép chữ Việt Lạc - 越骆. Ông cho rằng “Việt Lạc rất có thể chính là nước Lạc Việt trong sử sách sau này, Việt Lạc là ghi âm trực tiếp từ ngôn ngữ người Việt, theo ngữ pháp Việt, còn sau này ghi Lạc Việt là ghi chép qua thông dịch sang Hán Ngữ, theo ngữ pháp Hán” [Trần Gia Ninh 2016].2
1 Tuy nhiên, trong các nguồn sử liệu quan trọng như Hán thư hay Sử ký lại không nhắc đến An Dương Vương mà lại chỉ có cái tên Thục Phán.
2 [吕氏春秋·孝行览·本味篇:“和之美者:阳朴之姜,招摇之桂,越骆之菌。”高诱注:“越骆,国名。菌,竹笋]。”Lã thị Xuân Thu-Hiếu hạnh lãm, bản vị thiên: Những thứ hoàn mỹ là gừng Dương Phác, quế Chiêu Diêu, Khuẩn (Măng) Việt Lạc.” Cao Dụ chú giải:” Theo Trần Gia Ninh tlđd.
Dựa vào những chứng cứ nói trên, chúng ta có thể hiểu một cách khái quát là ở cực nam Trung Hoa và lưu vực sông Hồng có một vùng người (lạc việt *rak*wat) được người Hán gọi là Âu Lạc hay Tây Âu Lạc, nơi có người xưng “vương” (mặc dù cộng đồng này vẫn còn “trần truồng,” phải chăng là cởi trần đóng khố?). Vùng người (có khả năng là vương quốc) này được gọi là Tây Âu Lạc hay Âu Lạc, đây chính là tên được gọi mà người Hán đã ghi lại. Cho đến khi người Việt giành được độc lập vào đầu Thiên niên kỷ thứ hai thì những cái tên được gọi ấy được “mượn lại” để trở thành tên tự gọi dành cho tổ tiên của họ. Đề cập đến hiện tượng này, Trần Trí Dõi cho rằng:
“Khi người Việt mượn lại tổ hợp này trong tiếng Việt (đúng hơn là trong tiếng Hán - Việt vào khoảng thế kỷ XIII - XIV), do dạng thức ngữ âm “Lạc Việt” được vay mượn từ tiếng Hán ở giai đoạn muộn của thời kỳ Việt - Mường cổ (Archaic Vietmuong), nghĩa từ nguyên ban đầu của tổ hợp ấy không còn được lưu giữ nữa. Cho nên, sau 6-7 thế kỷ, dường như ý nghĩa ban đầu của tổ hợp Lạc Việt như cách dùng trong Hán thư đã không được bảo lưu như xưa. Vì thế, ý nghĩa của tổ hợp Lạc Việt được dùng trong tiếng Việt vào thời kỳ Việt-Mường chung (Viet-Muong common, TK XIII - XIV) đã bị thu hẹp ý nghĩa so với nghĩa khởi nguyên của nó và lúc này được dùng để chỉ ‘cộng đồng người là tổ tiên của người Việt (Nam)’ ngày nay. Và rồi từ đó nét nghĩa ấy được lưu giữ cho đến thời kỳ hiện đại như chúng ta đang “dùng” trong thư tịch văn hóa hay lịch sử của người Việt” [Trần Trí Dõi 2017, tr.52].
Đây là một minh chứng rõ nét cho giả thuyết của chúng tôi về quá trình bản địa hóa từ tố Lạc Việt trong văn hóa Đại Việt giai đoạn trung đại. Trải qua hàng nghìn năm, đến giai đoạn cận hiện đại, tên tự gọi Lạc Việt ở Việt Nam ngày càng được sử dụng rộng khắp như một biểu tượng không thể thiếu của người Việt gắn với tổ tiên và quốc gia sơ khai có tên gọi Âu Lạc của họ, bất chấp tên gọi đó chỉ là cái tên được gọi mà người Hán đã đặt cho và được ghi lại trong Sử kí và Hán thư. Mặc dù cho tới nay người Việt vẫn chưa thể tìm ra tên gọi thực sự của tổ tiên mình nhưng cái tên tự gọi Lạc Việt đã khẳng định vai trò và vị trí độc lập của nước Đại Việt/Việt Nam, ít nhiều làm thỏa mãn khát vọng tìm về cội nguồn của người Việt.
2.3. Lạc Việt là “lạc việt” nào?
Qua những phân tích ở trên, chúng ta có thể thống kê ít nhất 03 ý nghĩa hoàn toàn khác nhau được gán cho từ tố Lạc Việt:
1- Lạc Việt là tên được gọi mà người Hán đã đặt cho một bộ lạc, tộc người hay một quốc gia sơ khai vùng cực nam Trung Hoa từ trước Công Nguyên;
2- Lạc Việt là tên tự gọi của người Việt sau khi giành được độc lập;
3- Lạc Việt là tộc danh chỉ tổ tiên người Zhuang được sử dụng trong công cuộc phục dựng văn hóa Lạc Việt tại Trung Quốc hiện nay.
Nếu không kể nghĩa thứ ba mới xuất hiện gần đây, chúng ta có hai cách hiểu căn bản về Lạc Việt, một của Trung Quốc và một của Việt Nam nhưng phần đông hay bị lẫn lộn giữa hai cách này. Tại sao lại có tình trạng lẫn lộn như vậy?
Khi bàn về vấn đề này trong một cuốn sách xuất bản gần đây,1 học giả Erica Fox Brindley đã cung cấp một cái nhìn khái quát về khảo cổ học và ngôn ngữ học liên quan đến một tộc người cổ đại có nhiều quan hệ văn hóa với người Hán trong số các tộc người ở Đông Nam Á và Polynesia đó là Lạc Việt. Từ đó, tác giả đã chỉ ra tính phức tạp nằm trong sự lai tạp hóa (hybridization) về bản sắc văn hóa tộc người. Tuy nhiên, cũng như nhiều công trình nghiên cứu khác, cuốn sách này của Brindley chưa chỉ rõ Lạc Việt với hai hàm nghĩa là tên được gọi và tên tự gọi.
1 Erica Fox Brindley. Trung Quốc cổ đại và người Việt: Những nhận thức và bản sắc về biên giới phía Nam, từ 400 TCN-50 SCN (Ancient China and the Yue: Perceptions and Identities on the Southern Frontier, c. 400 BCE–50 CE). Cambridge: Cambridge University Press, 2015.
Điều đó cho thấy Lạc Việt là một tộc danh nhưng cũng vừa là một yếu tố ngôn ngữ phức tạp đặt trong một không gian địa lý rộng lớn và một thời gian lịch sử mơ hồ. Vì vậy, nếu không phân biệt tên được gọi và tên tự gọi của tộc danh này, chúng ta có thể nhầm lẫn ý nghĩa của nó tại thời điểm và tại nơi mà nó được dùng do quá trình lai tạp hóa. Thực tế cho thấy, vì không bảo vệ được tính độc lập (do sự di cư, hỗn huyết và đồng hóa ở khu vực nam Trung Hoa) nên nhiều nhóm thiểu số đã mất đi bản sắc và danh tính của họ. Cuối cùng đã bị gộp vào một nhóm đa số (người Hán). Quá trình Hán hóa Bách Việt là một trong những ví dụ điển hình nhất cho hiện tượng này.
Phải chăng việc sử dụng một tên được gọi của người Hán trong lịch sử để hình thành tên tự gọi của người Việt là quá trình thích nghi văn hóa của người Việt để tránh bị đồng hóa và bảo vệ nền độc lập của mình? Đề cập đến người Việt (Kinh) trong khu vực Bách Việt, có ý kiến cho rằng: “Người Kinh hiện nay là nơi tập hợp các thành phần ưu tú nhất của Bách Việt, bởi lẽ khi Bách Việt bị Hán hóa, các thành phần ưu tú, tinh hoa trong xã hội Việt là mục tiêu tàn sát của người Hán, do đó các thành phần này phải tháo chạy, và nơi dung nạp họ là mảnh đất cuối trời Bách Việt, tức Việt Nam ngày nay... người Việt dù không có văn tự riêng (hay có mà bị xóa sạch sau ngàn năm nô lệ) nhưng vẫn phát triển và bảo tồn được ngôn ngữ dân tộc, dù phải mượn Hán ngữ để ghi chép” [Trần Gia Ninh 2016].
Đây là một giả thuyết đáng lưu tâm, tuy nhiên, với quan điểm lạc việt là *rak*wat/ hay vùng người đã được biểu tượng hóa từ một thành tố Hán ngữ để hình thành nên một tộc danh riêng hay tên tự gọi Lạc Việt trong văn hóa Việt Nam,1 chúng ta cần phải tìm hiểu quá trình biểu tượng hóa này đã diễn ra như thế nào? Tính độc lập của người Lạc Việt (ở Việt Nam) ra sao trước sức mạnh đồng hóa của người Hán? Trong bối cảnh phát triển của nền khoa học thế kỷ XXI, từ các góc nhìn lý thuyết mới về một khu vực bất lệ thuộc (not being governed) mà James Scott gọi là Zomia và một quan điểm mới về dân tộc biểu tượng luận của Anthony Smith, nghiên cứu này sẽ tìm hiểu về căn tính tộc người có tên gọi Lạc Việt và sự tồn tại của nó trước sức mạnh đồng hóa của người Hán.
1 Điều này cũng giống như cái tên được gọi India (với hàm nghĩa Vùng đất của người Hindu hay vùng người bên kia sông Ấn mà người Persians đã gọi) được sử dụng rộng rãi hơn là những cái tên tự gọi như Aja Nabha Varsha, Bhārat hay Bharatavarsha không nhiều người biết tới.
3. Căn tính Lạc Việt từ các quan điểm lý thuyết mới
3.1. Căn tính Lạc Việt từ góc nhìn Zomia
Zomia là một thuật ngữ của James Scott đề cập đến một nơi mà “sự chiếm giữ và kiểm soát bờ cõi quốc gia được xem như một chính sách văn hóa. Phần lớn khu vực ngoại vi dọc theo biên vực Đông Nam Á là nơi sinh sống của các tộc người biệt lập về ngôn ngữ và văn hóa với các thể chế thống trị. Đáng nói là các nhóm bất phân loại này thường vượt khỏi biên vực các quốc gia, tạo ra nhiều đặc tính phức tạp và là tâm điểm của những sự bất bình hoặc ly khai. Các tiểu quốc khu vực thung lũng hoặc được phép, hoặc phải chấp nhận, ở một mức độ tự trị nhất định khi họ không có nhiều lựa chọn (…). Về mặt văn hóa, việc chiếm cứ và thể chế hóa các cộng đồng tự trị hay tự chủ này là một tiến trình đã diễn ra từ lâu đời. Đây là một chủ đề không thể bỏ qua trong ý thức hệ lịch sử của các quốc gia ở khu vực này” [Scott 2009, tr.11-12].
Có thể thấy, quá trình “chiếm cứ và thể chế hóa” cộng đồng Bách Việt và các tiểu quốc lân bang ở khu vực nam Trung Hoa của các đế chế Hán trong hàng nghìn năm qua là một phần lịch sử quan trọng của quốc gia này. Có lẽ vì thế mà hầu hết các bộ sử lớn của Trung Quốc chủ yếu mô tả các cuộc chiến tranh chiếm đất hoặc cát cứ, sau đó là quá trình thể chế hóa phần mới chiếm được vào cương vực Trung Hoa. Dường như đây là một chính sách nhất quán của các triều đại Trung Hoa đã được chính sử Trung Hoa ghi nhận. Mặc dù đã chiếm cứ được phần lớn vùng đất phương nam nhưng công cuộc thể chế hóa phần chiếm được của các triều đại Trung Hoa đã diễn ra không hề suôn sẻ. Đặc biệt là địa bàn phía nam giáp ranh với Đông Nam Á nằm trong khu vực mà James Scott gọi là Zomia. Khu vực biên giới Đông Nam Á - Trung Quốc hiện nay chính là một trong những vùng “lõi” của Zomia, nơi được coi như vùng đất cổ của người Lạc Việt. Do biệt lập về ngôn ngữ và văn hóa với thể chế thống trị nên các cộng đồng phi Hán ở khu vực này từng có nền độc lập hoặc giữ quyền tự trị qua hàng nghìn năm. Tại vùng này, cho đến năm 902 vương quốc Nam Chiếu (南詔) mới bị diệt vong và thay thế vào đó là Đại Lý (大理) vào năm 937 và tới năm 1094 vương quốc này mới bị xóa sổ và thể chế hóa vào cương vực của đế chế Trung Hoa. Trong khi đó, ở lưu vực sông Hồng, năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán và năm 968 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi lập ra nhà nước Đại Cồ Việt với kinh đô ở Hoa Lư. Các triều đại tiếp theo như nhà Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn tiếp tục mở mang bờ cõi và bảo vệ nền độc lập của Đại Việt/Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Đây là những ví dụ sinh động về quá trình chống lại chính sách cai trị của người Hán ở một số cộng đồng phi Hán tại khu vực Zomia và vùng biên của nó.
Trong tựa đề “Nghệ thuật bất lệ thuộc: Một lịch sử vô chính phủ ở vùng cao Đông Nam Á,” Scott đã dùng thuật ngữ “nghệ thuật” để gọi cách thức mà những cộng đồng này tránh né sự thống trị của những người đa số. Ông đặt trọng tâm nghiên cứu của mình vào những cộng đồng di cư mà trong lịch sử lập quốc ít đề cập đến. Scott coi Zomia là “vùng đứt gãy” trong lịch sử lập quốc của khu vực. “Con người đã sinh sống ở đây ít nhất là từ hai thiên niên kỷ trước với những làn sóng người nối tiếp nhau nhằm lẩn tránh xung đột từ các nhà nước thống trị hoặc từ các cuộc xâm lược, các cuộc tấn công nô lệ, dịch bệnh và lao động cưỡng bức. Tại nơi lẩn tránh này, họ gia nhập vào cộng đồng người miền núi ở một khu vực địa hình phức tạp và tương đối cô lập, điều kiện đó thúc đẩy sự giao thoa của ngôn ngữ bản địa, phong tục và bản sắc” [Scott 209, tr.242].
Dễ dàng nhận thấy, Lạc Việt chính là một phần bất lệ thuộc theo góc nhìn Zomia mà điển hình là sự tồn tại của vương quốc Âu Lạc hay Tây Âu Lạc như Sử kí và Hán thư đã đề cập (xưng vương). Sự bất lệ thuộc này cũng từng được đề cập trong chính sử của Việt Nam chỉ những vùng biên viễn, xa nơi phủ lị gọi là châu kimi (幾縻), theo đó, ki: nhỏ bé, ít ỏi; và mi: ràng buộc, lệ thuộc, có thể là các khu vực nhỏ và ít bị ràng buộc [Đinh Hồng Hải 2018]. Đi xa hơn, Scott cho rằng “các cư dân vùng cao thuộc Zomia đã nỗ lực chống lại sự hợp nhất vào khuôn khổ của các nhà nước cổ đại, nhà nước thuộc địa, và quốc gia độc lập. Không chỉ đơn thuần tận dụng sự biệp lập về mặt địa lý đối với các trung tâm quyền lực nhà nước, phần lớn Zomia đã “chống lại các kế hoạch sáp nhập hay xây dựng quốc gia và nhà nước mà nó chịu lệ thuộc” (Scott 2009, tr.19). Từ quan điểm này có thể thấy, Lạc Việt/Đại Việt/Việt Nam là một minh chứng tiêu biểu cho một căn tính tộc người quan trọng (bất lệ thuộc/not being governed) của người Việt xưa và nay. Tuy nhiên, nếu chỉ có đặc tính bất lệ thuộc thì rất khó để người Việt xây dựng và bảo vệ nền độc lập của mình hàng nghìn năm qua trước sức mạnh đồng hóa của người Hán. Họ cần phải có sự tập trung, có tổ chức tốt và có sức mạnh tập thể thì mới có thể trụ vững trước các đế chế hùng mạnh đến từ phương Bắc.
Trên thực tế, nhiều nhóm trong Bách Việt và một số vương quốc ở khu vực Zomia như Nam Chiếu hay Đại Lý cũng từng trụ vững qua nhiều thế kỷ nhưng cuối cùng vẫn bị đồng hóa bởi người Hán và thể chế hóa vào cương vực của Trung Hoa. Vậy điều gì đã khiến cho người Việt có đủ sức mạnh chống lại các triều đại Trung Hoa? Đây là một câu hỏi lớn thường xuyên được đặt ra với các nhà nghiên cứu nhưng không dễ để trả lời một cách đầy đủ. Cùng với quan điểm của Trần Gia Ninh ở trên, trong chuyên mục dưới đây chúng tôi xin được làm rõ thêm một phần câu hỏi này dựa trên quá tìm hiểu căn tính tộc người Việt từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, từ đó chỉ ra sức mạnh cố kết cộng đồng của người Việt được hình thành như thế nào thông qua những biểu tượng.
3.2. Căn tính Lạc Việt từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận
Dân tộc biểu tượng luận là một quan điểm lý thuyết trọng tâm của Anthony Smith đã được chúng tôi giới thiệu khái lược trong phần trước. Đây là một trường phái nghiên cứu về chủ nghĩa quốc gia/dân tộc nhấn mạnh tầm quan trọng của các biểu tượng, huyền thoại, giá trị và truyền thống trong sự hình thành và duy trì của quốc gia hiện đại. Điều đó có nghĩa là nếu một cộng đồng không phải là một quốc gia trong quá khứ vẫn có thể được thống nhất dưới một biểu tượng dân tộc.1 Chẳng hạn như người Việt tập trung lại với nhau bằng cái tên tự gọi Lạc Việt mà cho đến nay đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu khi đề cập đến tổ tiên của người Việt hay nguồn gốc của dân tộc Việt Nam bất chấp nguồn gốc Hán ngữ của nó.
Cũng là một lý thuyết đề cập đến mối quan hệ giữa các đế chế lớn với các cộng đồng nhỏ2 nhưng dân tộc biểu tượng luận lại không đề cập đến một không gian địa lý cụ thể như Zomia. Với dân tộc biểu tượng luận, Smith đặt trọng tâm so sánh hai đối tượng:
1 Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng trong một bài báo của Daniele Conversi, cựu học sinh của Smith tại Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) apping the Field: Theories of Nationalism and the Ethnosymbolic Approach Daniele Conversi (2006).
2 Loại quan hệ này được Brantly Womack sử dụng là Asymmetric relation. Xem thêm: Brantly Womack, China and Vietnam: The politics of asymmetry. Cambridge University Press 2006.
1) Quốc gia (nation) là một cộng đồng được đặt tên về lịch sử và văn hóa, có một lãnh thổ thống nhất, nền kinh tế, hệ thống giáo dục đại chúng và các quyền pháp lý chung;
2) Chủ nghĩa quốc gia/dân tộc (nationalism) là trào lưu tư tưởng nhằm đạt được và duy trì quyền tự chủ, sự thống nhất và bản sắc của một thể chế đang tồn tại hoặc một quốc gia tiềm năng.
Dân tộc biểu tượng luận đặt các biểu tượng trọng tâm của cộng đồng như một yếu tố có thể tập hợp mọi thành viên tạo nên sự thống nhất và sức mạnh tập thể, tạo tiền đề cho sự hình thành của các quốc gia. Có thể khẳng định, sự tập hợp của người Việt dưới một cái tên tự gọi Lạc Việt dành cho tổ tiên đã góp phần cố kết cộng đồng này để xây dựng một quốc gia độc lập có tên gọi Đại Việt hay Việt Nam ngày nay. Với niềm tin mãnh liệt vào một quốc gia sơ khai có tên gọi Âu Lạc (hay xa hơn nữa là Văn Lang), người Việt đã tập hợp được một sức mạnh đoàn kết, một tinh thần dân tộc mạnh mẽ đặt dưới một (hoặc một số) biểu tượng chung để có đủ sức mạnh chống lại các triều đại Trung Hoa. Từ góc nhìn dân tộc biểu tượng luận, các thành tố như trống đồng Đông Sơn hay cái tên tự gọi Lạc Việt, đều là những biểu tượng “hấp dẫn tinh thần dân tộc” của người Việt.
Nhưng cho dù có hấp dẫn đến mức nào thì việc xác định nguồn gốc vẫn cần được thực hiện một cách khoa học. Đây là những gì các nhà khoa học đã và đang làm trong các nghiên cứu lịch sử, văn hóa học, khảo cổ học, nghệ thuật học trong hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc tổ tiên của người Việt lại là một công việc không hề dễ dàng. Bên cạnh thuyết “bản địa,” nhiều nhà khoa học từng đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc người Việt từ Trung Quốc, Tây Tạng hay Mã Lai di cư tới châu thổ sông Hồng nhưng chưa một giả thuyết nào thực sự thuyết phục cộng đồng khoa học. Hiện nay, sự phát triển vô cùng nhanh chóng của công nghệ gene với việc xác định một cách chính xác DNA của từng cá thể đã mang lại những kết quả khả quan, đó là sự ra đời của nhân học phân tử. Cùng với phân tích phóng xạ C14 và thao tác đo hộp sọ trước đây, nhân học phân tử có thể giúp cho các nhà khoa học hiện nay xác định chi tiết nguồn gene mà mỗi người đang mang trong cơ thể của mình. Đây là một trong những hướng tiếp cận mới nhất trong các nghiên cứu về nguồn gốc tộc người hiện nay.
3.3. Lạc Việt từ góc nhìn Nhân học phân tử
Trong thế kỷ trước, khi tìm kiếm nguồn gốc của con người hoặc một cộng đồng, các nhà nhân học hầu như chỉ tập trung vào nhân học nhân thể và văn hóa (physical and cultural anthropologies). Trong giai đoạn đầu, nhân trắc hộp sọ (cranium) tưởng như dễ dàng giải quyết vấn đề, nhưng qua thời gian, việc tìm hiểu quá trình di cư và hỗn huyết giữa các cộng đồng tạo nên những thách đố đối với giới khoa học. Nhân học phân tử (molecular anthropology) là một phương pháp mới có thể trợ giúp các nhà khoa học có thêm công cụ để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. “Nhân học phân tử sử dụng các công cụ và kỹ thuật di truyền phân tử để trả lời các câu hỏi về con người, đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến nguồn gốc và sự phát tán của con người trên toàn cầu. Những câu hỏi này chủ yếu thuộc nhóm nhân học nhân thể hoặc nhân học sinh học, khác với nhân học văn hóa, nghiên cứu các mối quan hệ xã hội, nghi lễ và các khía cạnh khác của văn hóa.”1
1 Tham khảo thêm “Nhân học phân từ” trong: Dhttps://www.encyclopedia.com/medicine/medical- magazines/molecular-anthropology. Truy cập 21/9/2018.
Nhân học phân tử thông qua dữ liệu di truyền có thể tìm thấy cội nguồn của các cá nhân hay các nhóm cư dân khác nhau cho dù quá trình di cư và hỗn huyết của họ đã diễn ra từ hàng nghìn năm trước. Đây là một phương pháp không mới trong khoa học tự nhiên nhưng lại là một hướng nghiên cứu mới cập nhật trong khoa học xã hội. Đặc biệt là khi chúng ta phải tiếp cận một đối tượng hết sức mơ hồ như việc đi tìm nguồn gốc người Việt. Vậy nhân học phân tử có thể giúp con người truy tìm nguồn gốc của họ như thế nào? Dưới đây chúng tôi xin được tóm lược những điểm căn bản của phương pháp tiếp cận mới này.
Nhân học phân tử phân tích các phân tử để xác định mối liên hệ tiến hóa giữa quần thể loài người cổ đại và hiện đại, cũng như giữa các loài đương đại thông qua các trình tự, chuỗi DNA hoặc protein (cách làm này tương đối giống với sinh học phân tử đang được sử dụng phổ biến trong y sinh hiện nay ở Việt Nam). Bằng cách kiểm tra trình tự DNA trong các quần thể khác nhau, các nhà khoa học có thể xác định sự gần gũi của các mối quan hệ giữa các quần thể hoặc trong chính quần thể. Từ đây các nhà nhân học phân tử xác định các nhóm người khác nhau có cùng một nhóm đơn bội (haplogroup)1 hay không.
1 Nhóm đơn bội là nhóm những cá thể có chung các đặc trưng di truyền nhất định tại cùng một vị trí trên DNA, gọi là SNP (single nucleotide polymorphism). Các đột biến chỉ định hay “dấu gien” này là những biến đổi mà mỗi khi xảy ra chúng được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua hàng nghìn hay hàng chục nghìn năm. Các đơn bội mẫu hệ, mt-DNA, trong đó các dấu gien truyền theo dòng mẹ (mẹ truyền cho con, nhưng chỉ con gái mới truyền tiếp) biến hóa nhanh, phức tạp hơn Y-DNA (phụ hệ, truyền theo dòng cha), một phần vì thế mà sự phân tích y-DNA nhanh chóng trở nên thông dụng hơn [Lê Nguyễn K. 2017].
Nếu chúng có chung một nhóm đơn bội thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng có cùng nguồn gốc địa lý. Đây chính là cách thức để các nhà nhân học phân tử xác định các nhóm người khác nhau trên thế giới, cách xa nhau cả về thời gian và không gian có cùng chung điểm xuất phát hay không. Nói cách khác, đây chính là một trong nhiều phương pháp để tìm hiểu các cộng đồng người có cùng tổ tiên, nguồn gốc với nhau hay không.
Để đi tìm nguồn gốc người Việt hiện nay bằng phương pháp nhân học phân tử, các nhà khoa học đã xác định “nhóm đơn bội Y-DNA/phụ hệ điển hình của Đông Á (ĐA, gồm cả Nhật, Hàn, Triều Tiên và Mông Cổ) và ĐNA là đại nhóm O, mà đột biến chỉ định quen thuộc là M175, do đó được kí hiệu là O-M175. Khoảng 80-90% đàn ông ở Đông Á và Đông Nam Á thuộc về nhóm này và nó ít có hoặc không có nơi người bản địa của những nơi khác. Theo các số liệu Y-DNA người Việt, hơn 80% đàn ông Việt thuộc nhóm này, và như đa số người Mã Lai, Trung quốc, Nhật, (...) Trong khoảng 80% người Việt thuộc nhóm O, chỉ một số ít có M119 hay thuộc nhóm O1, gần một một nửa thì thuộc về O2a-M95, một phân nhánh của nhóm O2. Số còn lại (của 80%) thuộc nhóm O3-M122, tức là có M122 và thông thường, các đột biến thế hệ sau của nó, như M134 hoặc M7, thuộc về hai phân nhóm khác biệt của O3-M122. O2a-M95 sớm được cho là đặc thù Đông Nam Á (Su Binh et al. 1999) và cũng là đặc trưng của người nói tiếng Nam Á/Mon-Khmer (van Driem 2007).”1
1 Lê Nguyễn K. 2017, tlđd.
Từ các phân tích nói trên, có thể thấy yếu tố Mon- Khmer của người Việt hiện nay qua nhân học phân tử có kết quả khá phù hợp với các kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học tộc người. Qua phân tích nhóm O3-M122 nói trên các nhà khoa học đã chỉ ra “một số tộc người phi Hán (có trường hợp tự nhận là Bách Việt) là Hmong (”Miao”) 70%, Xa 63%, Choang 16%, Thổ gia 53%, Mãn châu 38%, trong khi Mã lai có 31%, và Việt (Nam Bộ) thì 41%. Từ một nguồn khác sau đó vài năm, người ta biết, tính trung bình có khoảng 50% dân Hán thuộc nhóm này”[Lê Nguyễn K. 2017]. Sự khác biệt giữa người Việt và người Choang/Zhuang là khá lớn mặc dù có yếu tố hỗn huyết giữa người Việt với các nhóm Tày, Thái, Nùng cận cư ở Việt Nam trong lịch sử. Điều bất ngờ là nhân học phân tử đã giúp người Việt tìm ra một người anh em gần gũi nhất với mình về huyết thống, đó là người Iban hay còn gọi là người Dayak Biển ở Indonesia. Đây là một nhóm thiểu số nhỏ cư trú ở đảo Borneo có nhiều thành tố văn hóa rất giống với văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam như xăm mình, đóng khố, đội mũ lông chim, có nhà sàn mái cong Tongkonan… (Hình 3 và Hình 11).
Như vậy, nhân học phân tử “đã cung cấp những manh mối giúp thiết lập một liên hệ theo dòng cha giữa người Việt/Kinh và người Đông Sơn qua trung gian Y-DNA Dayak Biển, phù hợp với hiểu biết từ các bộ môn khoa học khác”[Lê Nguyễn K. 2017]. Qua đó có thể thấy, từ người Lạc Việt 1 đến người Việt hiện nay có mối liên hệ gần gũi không chỉ về ngôn ngữ học tộc người mà còn được chứng minh bằng những kết quả trong nhân học phân tử. Mối liên hệ này lại được đảm bảo bằng một ý thức tộc người cao độ qua cái tên tự gọi Lạc Việt. Nhờ căn tính này mà người Việt đã thoát khỏi ách đô hộ của các triều đại phương bắc hơn một nghìn năm qua mà không bị đồng hóa như các nhóm Việt khác trong Bách Việt. Với một đối tượng phức tạp như Lạc Việt, sự liên hệ với người Dayak ở đây mới chỉ là những giả thuyết bước đầu nên cần có thêm những nghiên cứu mới và phạm vi cần được mở rộng hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế cho dù các nhà khoa học có tìm ra một cách chính xác tỉ lệ phần trăm nguồn gốc tổ tiên thông qua các “nhóm đơn bội” thì vấn đề ý thức tộc người của mỗi cá nhân hiện nay vẫn là yếu tố quan trọng nhất để xác định tiêu chí tộc người. Đó là chưa nói đến vấn đề ý thức tộc người lại phụ thuộc rất nhiều vào căn tính tộc người liên quan đến văn hóa tộc người và cả những sự phức tạp của vấn đề di dân và hỗn huyết. Về mặt công nghệ, cho dù chúng ta có tìm ra được đầy đủ các nhóm đơn bội của mình thì vấn đề văn hóa tộc người và ý thức về chủng tộc vẫn sẽ luôn là yếu tố quyết định để trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Và cái tên tự gọi Lạc Việt sẽ vẫn được cộng đồng người Việt sử dụng nếu họ không bị đồng hóa.
* * *
Từ tộc danh đến căn tính tộc người, từ tên được gọi đến tên tự gọi Lạc Việt là một sự biến đổi quá trình nhận thức về tổ tiên của người Việt. Hay nói cách khác đó là quá trình hình thành căn tính tộc người Việt trong lịch sử xây dựng và bảo vệ nền độc lập của mình như “khát vọng độc lập” và “nghệ thuật bất lệ thuộc.” Thậm chí những quan niệm như “vô tốn Trung Hoa” trong quá khứ hay ‘thoát Trung” gần đây cũng là những căn tính quan trọng cần được tìm hiểu sâu hơn. Mặc dù Lạc Việt là một đối tượng nghiên cứu không mới nhưng để có một cái nhìn rõ nét hơn cả về thời gian và không gian đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận đối tượng này từ một góc nhìn bao quát từ ngôn ngữ học đến khảo cổ học, từ nhân học văn hóa đến nhân học phân tử...
Hy vọng, những kết quả và những giả thuyết đặt ra từ nghiên cứu này sẽ mở ra một góc nhìn mới về Lạc Việt nói riêng và về cội nguồn người Việt nói chung. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiến hành các nghiên cứu đối sánh ở một khu vực địa lý rộng lớn hơn bao trùm cả Sundaland trong “Địa đàng ở Phương Đông” của Stephen Oppenheimer1 và ngược dòng thời gian tới giai đoạn biển tiến hàng vạn năm trước. Dĩ nhiên, một nghiên cứu dài hơi như vậy cần đến một tập hợp các nghiên cứu liên ngành khu vực học về Lạc Việt trước đây và người Việt hiện nay.
1 Tên cuốn sách của Stephen Oppenheimer: Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, 1999.