Bọc trứng hay quả trứng trong các huyền thoại tộc người là một motif phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Vì sao huyền thoại lập quốc của người Việt khởi nguồn từ một bọc trứng? Quốc mẫu Âu Cơ xuất hiện khi nào?... Những câu hỏi này sẽ không có lời giải đáp hoặc sẽ dẫn đến những tranh cãi vô tiền khoáng hậu nếu đặt dưới góc nhìn lịch sử hay khảo cổ học. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt đối tượng nghiên cứu này trong chính “cái nôi” ra đời của nó là các huyền thoại thì vấn đề sẽ được nhìn nhận một cách rõ nét hơn. Motif bọc trứng trong Huyền thoại Trăm trứng vừa có những đặc điểm của huyền thoại khai sáng lại vừa có những yếu tố đặc trưng của huyền thoại lập quốc. Bóc tách các yếu tố này sẽ giúp chúng ta nhìn ra cái lõi lịch sử đã và đang tồn tại trong nhiều thành tố văn hóa Việt Nam.
1 Xem: Đinh Hồng Hải “The Myth of Hundred Eggs from Perspective of Ethnoecology” [Huyền thoại Trăm trứng từ góc nhìn Sinh thái học tộc người]. International Conference: Ecologies in Southeast Asian Literatures: Histories, Myths and Societies, organized by ASLE-ASEAN in Hanoi from 26th-27th 1-2018.
Huyền thoại Trăm trứng là một trong những huyền thoại nổi bật nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Câu chuyện kể về sự hình thành nhà nước sơ khai của người Việt qua cuộc hôn nhân của Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con, 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về biển. Đây được coi như những cư dân Việt đầu tiên [ĐVSKTT-Ngoại kỷ tr.4; LNCQ, tr.5; LSVN - T.1, tr.68]. Huyền thoại này được nhiều nhà sử học Việt Nam xem như chứng tích giai đoạn sơ khai của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Nhưng chúng ta sẽ phải giải thích như thế nào về huyền thoại này khi người Việt, người H’Mông, người Tày, người Thái,... là những tộc người khác nhau?
Để trả lời câu hỏi trên, nghiên cứu này sẽ bắt đầu tìm hiểu sự hình thành nhà nước sơ khai của người Việt từ góc nhìn sinh thái học tộc người. Theo đó, việc tập hợp các cộng đồng cư dân nhỏ lẻ, tản mát để hình thành nên các cộng đồng lớn hay nhà nước sơ khai là một quá trình phát triển tự nhiên xuất phát từ những biến đổi về sinh thái văn hóa. Xa hơn, nghiên cứu này cũng đi tìm các dấu vết của “huyền thoại noãn sinh” trong văn hóa châu Á để đưa ra một quan điểm mới đối với vị Quốc Mẫu Âu Cơ qua tìm hiểu cuộc hôn nhân của Lạc Long Quân và Âu Cơ như là một sản phẩm tưởng tượng của giới nho sĩ ở Việt Nam giai đoạn trung đại để hình thành nên một biểu tượng tổ tiên của người Việt. Từ đó, lý giải Huyền thoại Trăm trứng qua khái niệm kimi trong lịch sử Việt Nam và Zomia từ góc nhìn học thuật của James Scott.1
1 Thuật ngữ kimi in nghiêng và không viết hoa cũng như Zomia viết hoa là do cách dùng từ văn bản gốc nên chúng tôi xin được giữ nguyên cách dùng đó.
1. Bối cảnh sinh thái tộc người với sự hình thành quốc gia sơ khai của người Việt
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Hán Cao tổ sau khi bình định được thiên hạ, sai Lục Giả phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vương năm 196 trước Công nguyên, còn Triệu Đà tự xưng là Nam Việt Vũ Đế, chiêu dụ Mân Việt, Tây Âu, Lạc Việt theo mình [Sử ký, tr.418]. Một viên quan giám quận Quế Lâm tên là Cư Ông cũng dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán. Những người này sau đó đều được phong tước hầu [Sử ký, tr.422]. Như vậy, việc sáp nhập Tây Âu và Lạc Việt vào nhà nước Nam Việt của Triệu Đà đã được ghi lại trong Sử ký của Tư Mã Thiên.
Tương tự, nhưng không đồng nhất với Sử ký của Tư Mã Thiên, các bộ sử ở Việt Nam đề cập đến một nhà nước sơ khai của người Việt có tên là Âu Lạc. Theo đó, quốc gia Âu Lạc là của An Dương Vương được hình thành bởi Âu Việt và Lạc Việt, đóng đô ở Cổ Loa. Theo các tài liệu nghiên cứu của các học giả Việt Nam thì kinh đô của nước Âu Lạc là Loa Thành nay vẫn còn dấu vết ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Một số hiện vật khảo cổ học cũng đã được tìm thấy ở các di chỉ khai quật tại Cổ Loa trong hơn nửa thế kỷ qua với nhiều mũi tên đồng, giáo đồng, trống đồng,… thậm chí, trước khi nhà nước Âu Lạc ra đời thì người Việt cũng đã đề cập đến một thiết chế nhà nước được gọi là Văn Lang của Hùng Vương, một trong những người con được sinh ra từ bọc trứng của Âu Cơ.
Trên đây là một số cứ liệu về thiết chế nhà nước (hoặc tiền nhà nước, cho dù còn mơ hồ) của người Việt ở giai đoạn đầu Công nguyên (Tây Âu, Lạc Việt hay Âu Lạc) hình thành ở lưu vực sông Hồng và vùng phụ cận. Nhưng một câu hỏi cần đặt ra là các cộng đồng này có xu thế tập hợp thành các cộng đồng lớn hơn để làm gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải đặt đối tượng này trong bối cảnh kinh tế xã hội của các tộc người vùng cực nam Trung Hoa cách ngày nay hơn 2000 năm mà người Việt như Âu Việt hay Lạc Việt là chủ nhân.
Trong bối cảnh cư trú của các tộc người phi Hán vùng này giai đoạn trước và sau CN thường có xu hướng tụ cư dựa vào lưu vực của các dòng sông lớn mà “nhà nước” Văn Lang của Hùng Vương1 được hình thành ở ngã ba Bạch Hạc là một ví dụ. Tương tự, người Thái từ Tây Song Bản Nạp (西双版纳, Xi Shuang Ban Na) xuôi theo dòng Mê Kông,sau này định cư thành một cộng đồng lớn. Đó là tiền đề cho sự hình thành Vương quốc Thái Lan ngày nay.
1 Mặc dù nước Văn Lang có thực sự tồn tại hay không vẫn còn nhiều tranh luận nhưng việc các cộng đồng phi Hán ở nam Trung Hoa (Bách Việt) và Đông Nam Á tập hợp thành các thể chế tiền nhà nước là một xu thế khá phổ biến của cả khu vực ở giai đoạn này.
Đây chính là một quá trình hình thành các thiết chế tiền nhà nước ở Đông Nam Á mang đậm dấu ấn sinh thái tộc người mà sự kết hợp nhóm Âu Việt và Lạc Việt để hình thành nên nhà nước Âu Lạc đóng đô ở Loa Thành là một khả năng có thể xảy ra. Sự kết hợp này là xu thế tập hợp sức mạnh một cách tự nhiên để sinh sống nhưng còn có một ý nghĩa sâu xa hơn là sự tập hợp các tộc người phi Hán để chống lại nhà Hán khá phổ biến giai đoạn này.
Vậy sự hình thành quốc gia sơ khai của người Việt mang dấu ấn sinh thái tộc người như thế nào?
Có thể thấy, các tộc người phi Hán ở vùng nam Trung Hoa (mà người Hán gọi chung là Bách Việt) đa phần là các cư dân trồng lúa nước hoặc sinh sống bằng các sản phẩm liên quan đến yếu tố “nước” mà các nhà khoa học gọi chung là “nền văn minh lúa nước.” Các cư dân trồng lúa này cư trú ở một khu vực rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử trải rộng khắp miền nam Trung Hoa và một phần Đông Nam Á. Thậm chí có thể kéo dài đến tận các tiểu bang vùng đông bắc của Ấn Độ như Nagaland, Manipur,… vết tích văn hóa của các cư dân này vẫn còn đậm nét ngay trong xã hội đương đại. Vì vậy, khi chọn logo cho Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các thành viên đều nhất trí cao với phương án bó lúa (Hình 4).
Qua đó có thể thấy, dấu ấn sinh thái tộc người Đông Nam Á được hình thành từ môi trường sinh thái tự nhiên đặc thù của khu vực này. Đây là một trong những hệ sinh thái thuộc loại phức tạp nhất trên thế giới với sự đan xen của núi đá, núi đất, rừng nhiệt đới xen lẫn với sông, ngòi, hồ, đầm, ruộng nhỏ,… vùng đất lớn và bằng phẳng nhất cũng chỉ là những châu thổ (delta) của sông Hồng (Việt Nam), sông Mê Kông (Đông Nam Á), sông Irrawaddy (Myanmar), sông Chaophraya (Thái Lan), Châu Giang (Trung Quốc),… vì vậy, việc cư trú tản mát với các loại hình canh tác nhỏ lẻ và đa dạng là một sự thích nghi tất yếu của cư dân nơi đây với một môi trường sinh thái đặc thù mà đặc tính ‚tiểu nông‘ của người Việt cho đến nay vẫn hiện hữu ngay trong đời sống hiện đại.
Khi có điều kiện cần và đủ để tập hợp nên những cộng đồng lớn hơn để chống chọi lại sức mạnh của thiên nhiên hoặc ngoại bang (mà chủ yếu là Hán tộc) họ đã lập nên những cộng đồng lớn mang dáng dấp của thể chế nhà nước. Điều này dễ dàng nhận thấy qua việc tập hợp sức mạnh trị thủy của người Việt ở châu thổ sông Hồng, góp phần tạo nên một hệ thống đê điều thuộc loại lớn nhất khu vực. Vì vậy mà nền văn minh do họ xây dựng cũng được gọi là Văn minh sông Hồng. Đây chính là một trong những nguyên nhân trọng yếu để người Việt tập hợp lại với nhau.
Nguyên nhân tiếp theo là nguy cơ ngoại bang. Khi Tần Thủy Hoàng chinh phục lục địa Trung Hoa lập nên đế chế Tần, các tiểu quốc lân bang và các cộng đồng cư dân chưa bị thu phục đều lo sợ trước vó ngựa của đế chế hùng mạnh này. Trước thách thức đó, họ buộc phải tập hợp lại với nhau để tăng cường sức mạnh. Như vậy, điều kiện cần là những thách thức mà họ phải đối mặt từ thiên nhiên hoặc từ ngoại bang và điều kiện đủ là sự đồng thuận của các tộc người. Có thể nói, điều kiện đặc thù của tự nhiên và sự đa dạng của tộc người chính là những đặc trưng của các nhóm Việt cư trú ở vùng cực nam Trung Hoa. Sự hình thành quốc gia sơ khai của người Việt bao gồm cả việc tập hợp với nhau là để chinh phục thiên nhiên và tập hợp với nhau để chống lại sức mạnh của người Hán.
2. Truyền thuyết noãn sinh và sự ra đời biểu tượng Quốc Mẫu Âu Cơ
Đối lập với thực tiễn về sinh thái học tộc người mang tính tự nhiên như đã nêu ở trên, những câu chuyện kể về sự khai sáng hay lập quốc của người Việt đều mang đậm tính huyền thoại. Trên thực tế, đó là những sản phẩm của trí tưởng tượng không chỉ có trong văn hóa của người Việt mà còn phổ biến ở nhiều nền văn hóa châu Á khác. Tuy nhiên, để tìm hiểu Huyền thoại Trăm trứng có thực sự gắn với quá trình hình thành nhà nước sơ khai của người Việt hay không thì một câu hỏi cần đặt ra là: Nó ra đời khi nào? Đây là một câu hỏi vô cùng hóc búa vì các huyền thoại đều là sản phẩm của dân gian nên việc xác định “niên đại” của chúng chẳng khác nào “mò kim đấy bể.” Tuy nhiên, nếu đặt Huyền thoại Trăm trứng trong sự so sánh với các truyền thuyết noãn sinh có thể giúp chúng ta nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Dưới góc nhìn của khoa học tự nhiên thì sinh sản chỉ bao gồm sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính nhưng sinh sản dưới góc nhìn văn hóa bao gồm các hình thức như sau:
- Noãn sinh (卵生): Sinh ra từ trứng.
- Thai sinh (胎生): Sinh ra từ bào thai.
- Thấp sinh (濕生 hay 溼生): Sinh ra từ nơi ẩm thấp.
- Hóa sinh (化生): Do biến hóa mà sinh ra.
Hai hình thức noãn sinh và thai sinh tương đối dễ lý giải vì chúng là sự mô phỏng tự nhiên nhưng hình thức thấp sinh và hóa sinh được lý giải khá phức tạp. Phật Quang Từ Điển lý giải như sau: “Từ nơi ẩm ướt sinh ra và hóa hiện sinh ra, là 2 trong 4 phương thức xuất sinh của loài hữu tình. Thấp sinh cũng gọi Nhân duyên sinh, nghĩa là từ nơi ẩm thấp sinh ra, như các loài mèn dế, thiêu thân, muỗi mòng, mối đất, sâu mè... sinh ra từ những chỗ ẩm ướt, hôi thối như đống phân, cống rãnh, nhà cầu, thịt rữa, cháo thiu, cỏ rậm, mương ao, sông ngòi... hóa sinh là do nghiệp lực tự nhiên sinh chứ không cần nương gá vào đâu, như các Thiên chúng và hữu tình trong địa ngục, hữu tình trung ấm (thân sau khi chết và trước khi sinh) cũng như một số trong loài người.”1
1 Từ điển Phật Quang. “Thấp sinh hóa sinh” trong Phật tâm. Xem: http://phatam.org/dictionary/detail/tu-dien-phat- quang/2/all/60977/thap-sinh-hoa-sinh/268. Truy cập: 22/9/2018
Tuy nhiên, với một hình thức sinh sản đơn giản nhất là noãn sinh thì khi gắn với các huyền thoại thì chúng cũng có thể được thiêng hóa để phù hợp với nội dung của các huyền thoại. Như “Viên Hoằng truyện” trong Tấn thư cho rằng “vật linh được sinh ra là để ban cho phúc lành” (誕靈物以瑞德 - Đản linh vật dĩ thụy đức) [VNTĐ]. Như vậy, Huyền thoại Trăm trứng trong văn hóa Việt Nam là một huyền thoại có liên quan đến “trứng” tức truyền thuyết noãn sinh vốn phổ biến rộng khắp trong không gian văn hóa châu Á từ Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Việt Nam.
Có thể thấy, sự phổ biến của huyền thoại bọc trứng hay truyền thuyết noãn sinh trong văn hóa châu Á mang tính phi lịch sử: Trong khi nội dung đề cập đến giai đoạn tối cổ (khai thiên lập địa) thì các nhân vật lại có thể mang bóng dáng của những nhân vật lịch sử hoặc những nhân vật huyền thoại đã được lịch sử hóa. Chẳng hạn như Viêm Đế, Hoàng Đế ở Trung Hoa hay Lạc Long Quân, Hùng Vương ở Việt Nam. Do đặc tính phi lịch sử này mà các huyền thoại (như Huyền thoại Trăm trứng) trở thành những dữ liệu không thể kiểm chứng (non-investigable data). Nhờ đó, cuộc hôn nhân Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trứng đã không bị truy xét mà còn được đưa vào chính sử dựa trên yếu tố “thiêng” do hóa sinh như cách mà Ngô Sĩ Liên đã lý giải trong ĐVSKTT.
Vậy bằng cách nào mà Âu Cơ trở thành Quốc Mẫu của người Việt? Theo các dữ liệu có trong ĐVSKTT thì khi Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, bà chỉ có thể là một trong số các bà vợ của Lạc Long Quân mà thậm chí còn là “vợ lẽ” nên khó có thể trở thành “Quốc Mẫu” của người Việt. Vì vậy, việc sử dụng “truyền thuyết noãn sinh” như một sự khởi đầu (của một dân tộc) và yếu tố “hóa sinh” như một cơ duyên để tạo nên tính thiêng của bọc trứng đã giúp cho Âu Cơ trở thành “Quốc Mẫu” của người Việt một cách dễ dàng.
Rõ ràng, biểu tượng Quốc Mẫu Âu Cơ đã được hình thành từ sự tưởng tượng của giới nho sĩ Đại Việt giai đoạn trung đại. Câu chuyện về cuộc hôn nhân của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã được dùng để lý giải quá trình nhà nước hóa cộng đồng người Việt giai đoạn tiền nhà nước để hình thành nên nhà nước Văn Lang của Hùng Vương mà chúng ta có thể tóm tắt bằng sơ đồ sau:
(Âu Cơ) hóa sinh > tạo ra bọc trứng > noãn sinh > nở ra người (Hùng Vương) > thai sinh > sinh ra Con cháu Hùng Vương
Biểu đồ 8. Sự hình thành nhà nước sơ khai của người Việt và biểu tượng Quốc Mẫu Âu Cơ
Tới đây một câu hỏi cần được đặt ra là: Tại sao giới nho sĩ Đại Việt thời trung đại lại phải “chính danh hóa” cho Âu Cơ trở thành Quốc Mẫu của người Việt? Theo chúng tôi, điều này có liên quan đến khái niệm “vô tốn Trung Hoa” và mặc cảm chư hầu (là thần dân của một nước chư hầu) của tầng lớp trí thức nho học giai đoạn này. Để làm rõ hơn, chúng tôi xin được sử dụng khái niệm kimi trong lịch sử Việt Nam và khái niệm Zomia từ góc nhìn của James Scott để lý giải hiện tượng này.
3. Huyền thoại lập quốc và nhà nước sơ khai của người Việt nhìn từ khái niệm kimi và góc nhìn Zomia
Như đã đề cập ở trên, các tài liệu sớm nhất có đề cập đến Huyền thoại Trăm trứng như Lĩnh Nam Chích Quái đời Trần (1225-1400) hay ĐVSKTT đời Lê (1442-1789) đều là sản phẩm của tầng lớp trí thức nho học giai đoạn trung đại. Đây là giai đoạn mà thiết chế cung đình Nho gia đã định hình một cách vững chắc trong nền chính trị và văn hóa Đại Việt. Trong lịch sử bang giao của hai quốc gia, giới quan lại Trung Hoa không gọi là Đại Cồ Việt hay Đại Việt mà chỉ gọi là Giao Chỉ hay An Nam (xuất phát từ một tên gọi đời Đường là An Nam đô hộ phủ) trong các sử liệu Trung Hoa. Điều này thể hiện sự coi thường của họ đối với quốc gia của người Việt bằng cái nhìn đối với một chư hầu.
Mặc cảm chư hầu đã khiến cho tầng lớp nho học ở Đại Việt luôn tìm mọi cách chứng minh họ không hề thua kém Trung Hoa (vô tốn Trung Hoa). Họ cố tìm các chứng cứ để khẳng định nguồn gốc của mình bắt nguồn từ Viêm Đế, Thần Nông cho tương xứng với người Hán. Để sánh với cội nguồn của người Hán mang dòng dõi Bàn Cổ và Nữ Oa thì một nhà nước sơ khai với một vị Quốc Mẫu riêng của người Việt là hết sức cần thiết để khẳng định sự không thua kém của người Việt. Vì vậy, sự ra đời của biểu tượng Âu Cơ cùng bọc trứng khởi thủy đã được lịch sử hóa và đưa vào ĐVSKTT để hình thành nên Quốc Mẫu Âu Cơ của người Việt mà không xét đến nguồn gốc của bà cùng các chi tiết hoang đường như truyền thuyết đã ghi lại.
Bên cạnh tên gọi Giao Chỉ hay An Nam của người Hán thì tầng lớp nho sĩ Đại Việt giai đoạn trung đại còn mặc cảm với cách gọi kinh đô của họ như một đơn vị hành chính cấp huyện hay tỉnh (phủ -府 hoặc châu -州). Ở đây, châu là một đơn vị hành chính mà người Hán đã sử dụng trong quá trình cai trị các vùng đất của người Việt như Giao Châu. Nhưng tên gọi này cũng được các triều đại phong kiến Đại Việt sử dụng để gọi các đơn vị hành chính trong lịch sử như Hoan Châu, Ái Châu… những châu xa nơi phủ lị thì gọi là châu kimi.
Vậy châu kimi là gì? Tra cứu trong các từ điển tiếng Việt chúng tôi không thấy có mục từ này. Tra cứu các từ điển Hán - Việt, chúng tôi tìm thấy một thuật ngữ ít được sử dụng nhưng có nghĩa tương đương đó là kimi (幾縻), theo đó ki: nhỏ bé, ít ỏi; và mi: ràng buộc, lệ thuộc. Như vậy, có thể suy đoán rằng, các châu kimi là các khu vực nhỏ và ít bị ràng buộc so với các phủ (như An Nam Đô Hộ phủ). Các châu kimi là tên gọi dành cho các vùng xa xôi thuộc khu vực sinh sống của các tộc ít người đặt dưới sự quản chế của các thổ ty (土司).1
1 Phải chăng vì lý do này mà các triều đại phong kiến ở Việt Nam thường gọi chung các tộc người thiểu số vùng cao là “người thổ”?
Ở Việt Nam, các khu vực cư trú chính của người Tày, Nùng, Thái thường được ghi trong sử Việt là các châu kimi. Điều đó thể hiện một sự quản lý lỏng lẻo (ít ràng buộc) của chính quyền phong kiến trung ương đối với khu vực này. Điều đó càng khẳng định thêm tác động của bối cảnh sinh thái đối với các tộc người ở khu vực này, mà theo đó, các tộc người bản địa có xu hướng tập hợp với nhau thành những cộng đồng lớn mạnh hơn để tạo đối trọng với chính quyền trung ương.1 Khi có đủ sức mạnh nội tại, họ có quyền thương lượng với chính quyền trung ương để giành lợi thế cho khu vực tự trị của mình. Nùng Trí Cao là một minh chứng tiêu biểu cho sự ràng buộc lỏng lẻo của chính quyền trung ương tập quyền với các châu kimi, hay chính xác hơn là các cộng đồng thiểu số vùng biên viễn.
1 Thuật ngữ trung ương (中央) hay trung ương tập quyền bắt nguồn từ tiếng Hán chỉ đơn vị hành chính cấp cao nhất của thể chế. Thuật ngữ này cho đến nay vẫn được sử dụng trong xã hội hiện đại ở Việt Nam và Trung Quốc.
Tương tự như khái niệm châu kimi trong lịch sử Việt Nam, gần đây, James Scott đã sử dụng một khái niệm học thuật mới là Zomia để chỉ sự tự trị thực tế của các cộng đồng cư dân vùng núi Đông Nam Á. Theo ông, Zomia là “một trong những không gian phi quốc gia còn lại lớn nhất trên thế giới, nếu không lớn nhất, thì đó cũng là vùng rộng lớn nhất của những vùng đất cao, được gọi khác đi là Dãy núi Đông Nam Á, và gần đây là Zomia. Vùng núi rộng lớn này trải rộng trên những dãy núi của lục địa Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh khoảng 2,5 triệu cây số vuông - một khu vực gần bằng kích thước của cả châu Âu” [Scott 2009, tr.13].
James Scott xác định địa hạt nghiên cứu của Zomia “bao gồm tây và nam Tứ Xuyên, toàn bộ Quý Châu và Vân Nam, phía tây và bắc Quảng Tây, phía tây Quảng Đông, phần lớn miền Bắc Miến Điện với một phần giáp ranh cực đông bắc Ấn Độ, phía bắc và tây Thái Lan, hầu hết lãnh thổ Lào và thượng lưu sông Mê-kông, vùng cao miền bắc và trung Việt Nam dọc dãy Trường Sơn, cùng với rìa đông bắc của Campuchia” [Scott 2009, tr.14]. Đây cũng chính là một phần lớn khu vực cư trú của các tộc người mà người Hán gọi là Bách Việt hay Nam Man trong sử liệu của Trung Quốc.
Từ quan điểm học thuật của mình, James Scott cho rằng “các cư dân vùng cao thuộc Zomia đã nỗ lực chống lại sự hợp nhất vào khuôn khổ của các nhà nước cổ đại, nhà nước thuộc địa, và quốc gia độc lập. Không chỉ đơn thuần tận dụng sự biệp lập về mặt địa lý đối với các trung tâm quyền lực nhà nước, phần lớn Zomia đã“ chống lại các kế hoạch sáp nhập hay xây dựng quốc gia và nhà nước mà nó chịu lệ thuộc”[Scott 2009, tr.19]. Đối chiếu quan điểm này với nhà nước Nam Việt của Triệu Đà hay nhà nước Âu Lạc trong truyền thuyết An Dương Vương, có thể thấy Zomia chính là thành tố đã bảo lưu tính độc lập, hay chính xác hơn là tính bất lệ thuộc (not being governed) và đặc tính phi Hán của người Việt trước sức mạnh đồng hóa của các triều đại nhà Hán. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp hình thành nên nhà nước sơ khai của người Việt từ góc nhìn sinh thái tộc người học, cho dù những huyền thoại về các nhà nước sơ khai đó vẫn tồn tại vô số yếu tố Hán.
* * *
Huyền thoại Trăm trứng với sự ra đời của người Việt và sự phát triển của dân tộc Việt Nam là một câu chuyện hoang đường nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với các thế hệ người Việt hôm nay. Câu chuyện này vừa mang ý nguyện thoát Hán hay thoát Trung của tầng lớp trí thức nho học thời trung đại bằng cách tạo dựng một huyền thoại lập quốc với một biểu tượng Quốc mẫu riêng của người Việt nhưng lại đan lồng trong đó yếu tố “vô tốn Trung Hoa” và mặc cảm chư hầu đã in đậm trong tâm trí của họ. Điều này cho thấy một loại phức cảm đặc biệt của giới trí thức người Việt nói chung đối với Trung Hoa. Xét về giá trị văn học, Huyền thoại Trăm trứng đã đóng góp vào kho tàng văn học dân gian của người Việt một huyền thoại đặc sắc kể về thời kỳ mở nước của cha ông ta. Từ góc nhìn biểu tượng luận, Huyền thoại Trăm trứng đã giúp hình thành nên một biểu tượng tổ tiên của người Việt (bọc trứng) với một vị Quốc mẫu (Âu Cơ) để gây dựng nên một cơ đồ (nhà nước) của người Việt.
Đối lập với những biểu tượng chứa đựng trong Huyền thoại Trăm trứng, thực tiễn của quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt là một cuộc chiến đầy gian khổ và lâu dài (từng được một số sử gia Việt Nam gọi là “4000 năm” dựng nước và giữ nước). Cuộc chiến này là quá trình thích nghi và cải tạo một hệ sinh thái không đồng nhất, khó canh tác với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Quá trình đắp đê sông Hồng chính là một công cuộc“dời non lấp bể”của người Việt để tạo dựng nên nền Văn minh sông Hồng rực rỡ trong lịch sử. Điều đó thể hiện rõ nét khía cạnh sinh thái tộc người học gắn với lịch sử nghề canh nông và dấu ấn nông nghiệp (phi du mục) của người Việt hàng nghìn năm qua.
Quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt còn là công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mà sự thành công của chính sách chống Hán hóa chính là điểm sáng nhất của người Việt so với nhiều tộc người phi Hán khác trong lịch sử. Dựa vào bối cảnh sinh thái tộc người với tinh thần đoàn kết của cộng đồng, người Việt đã xây dựng nên một thể chế nhà nước từ các cộng đồng tộc người nhỏ hơn mà một số nhà nghiên cứu gọi là một liên minh bộ lạc. Sự hình thành nhà nước sơ khai của người Việt cho dù là thực tế hay chỉ có trong huyền thoại đều gắn với các vị vua tổ hay tổ vương. Vì vậy, để tìm hiểu quá trình lập quốc của người Việt thì việc tìm hiểu các vị tổ vương có tầm quan trọng đặc biệt.