“Việc khó khăn nhất là bắt tay vào hành động, phần còn lại đơn thuần là sự kiên trì.”
– Amelia Earhart
“Việc khó khăn nhất là bắt tay vào hành động, phần còn lại đơn thuần là sự kiên trì.”
– Amelia Earhart
“Con đi làm đây ạ. Yêu mẹ nhiều!”, cô con gái mười sáu tuổi của tôi, Julia, chào tôi rồi vội vã bước ra khỏi cửa.
Hai mươi phút sau, điện thoại di động của tôi đổ chuông. Khi tôi bắt máy, tất cả những gì tôi nghe được là tiếng thổn thức. Tim tôi thắt lại. “Julia, con yêu, có chuyện gì vậy? Con có ổn không?”
Tiếng nức nở vang lên lớn hơn.
“Con yêu, trả lời mẹ nào. Con có ổn không?”
“Mẹ ơi, con bị tông xe. Mọi chuyện tệ quá.”
“Con vẫn ổn chứ?”
“Dạ, nhưng xe của con…”
“Con đang ở đâu?”, tôi ngắt lời.
Khi con bé nói địa điểm, tôi nhận ra nơi đó chỉ cách văn phòng của chồng tôi chừng năm phút lái xe.
“Mẹ đang trên đường đến đây, con yêu”, tôi nói, “nhưng mẹ sẽ gọi cho cha vì cha sẽ đến chỗ con nhanh hơn mẹ.”
Hai mươi phút tiếp theo dài như hàng tiếng đồng hồ. Tôi vội vã mang giày trong lúc hối thúc cậu con trai mười tuổi làm theo mình. Chưa đầy một phút, mẹ con tôi đã ngồi vào xe.
“Chị con không sao. Chị con nói rằng nó vẫn ổn”, tôi lặp đi lặp lại khi lái xe đến chỗ con bé.
Khi trông thấy Julia, tôi lập tức ôm chặt lấy con bé. Sau đó, tôi quay sang nhìn người lái xe còn lại. “Chuyện gì đã xảy ra thế?”, tôi hỏi anh ta.
“Tôi ngủ quên sau tay lái, khi đang chạy với vận tốc khoảng một trăm lẻ năm ki-lô-mét một giờ”, hắn thản nhiên nói.
Một trăm lẻ năm ki-lô-mét một giờ, trong khi giới hạn tốc độ ở đây chỉ là bảy mươi ki-lô-mét. Tôi chỉ muốn bóp cổ hắn.
Một phụ nữ tốt bụng đã chứng kiến vụ tai nạn và ở lại chờ cùng Julia cho tới khi chúng tôi đến. Cô ấy đặt tay mình lên tay tôi và cho biết: “Anh ta suýt đẩy xe con bé thẳng vào dòng xe cộ đang lao tới. Hẳn cô cũng hình dung được, mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều”.
Nước mắt tôi trào ra khi tôi nhìn cô con gái bé nhỏ của mình. Tôi biết mọi chuyện có thể còn tệ hơn, nhưng nhìn con bé đứng run rẩy khóc bên đường vẫn khiến tôi cảm thấy thật tồi tệ.
Đến tối hôm đó, rõ ràng Julia hoàn toàn không ổn chút nào. Con bé thấy chóng mặt, buồn nôn và đau đầu kinh khủng – những dấu hiệu điển hình của tình trạng chấn động não. Sáng hôm sau, con bé gần như không thể ra khỏi giường vì cổ và lưng đau ê ẩm.
“Mọi chuyện có thể đã tồi tệ hơn”, tôi tự nhắc mình khi con gái tôi bật khóc trên đường đến gặp bác sĩ. Tôi nghĩ Julia chỉ thấy đau, nhưng sau đó tôi nhận ra con bé đang siết lấy tay nắm cửa chặt đến mức các khớp ngón tay trắng bệch.
Những ngày tiếp theo thật kinh khủng – với Julia, tất nhiên, cũng với cả tôi nữa. Tôi chỉ mong mình có thể giúp con bé cảm thấy khá hơn, nhưng tôi không thể làm được gì nhiều cho con bé. Tôi xoa lưng cho con bé, nhắc nó uống thuốc giảm đau. Và tôi cầu nguyện.
Tôi cảm ơn Chúa vì Julia đã không bị thương nặng hơn. Tôi vô cùng biết ơn vì gia đình tôi có thể quay trở lại cuộc sống bình thường và tôi cũng cầu nguyện cho những gia đình đã không được may mắn như chúng tôi.
Bốn ngày sau vụ tai nạn, Julia đã có vẻ khỏe hơn. “Cả nhà ta cùng đi ăn kem nhé”, tôi hào hứng nói với con bé. Con bé vốn rất mê ăn kem.
Nhưng con bé lắc đầu. “Bây giờ con không thấy thèm lắm.”
“Ừm được rồi. Nhưng mẹ đã hứa sẽ đưa em trai con đi, nên mẹ và thằng bé sẽ đi rồi về nhé.”
“Gượm đã, mẹ vẫn đi ạ? Vậy mẹ có thể mua về cho con được không?”
“Mẹ tưởng con không thèm ăn bây giờ.”
Con bé nhún vai. “Con đổi ý rồi.”
“Vậy thì đi với mẹ và em nhé, con yêu. Đi ra ngoài cho tươi tỉnh.”
Con bé lắc đầu kịch liệt, khiến tôi nhận ra con bé chỉ không muốn ngồi vào xe hơi. Có lẽ, việc quay trở lại cuộc sống bình thường không hề dễ dàng như tôi nghĩ.
Ngày hôm sau, Julia có lịch hẹn tái khám. Trong lúc mang giày, tôi nghe có tiếng như thể con bé đang nôn trong nhà vệ sinh.
Khi bước ra, con bé đã rơm rớm nước mắt. “Con không bị bệnh gì cả, mẹ ơi”, con bé nói. “Con chỉ thấy sợ thôi.”
“Con sợ đến gặp bác sĩ à?”
“Dạ không. Con sợ ngồi vào xe ạ”, con bé lặng lẽ thừa nhận. “Con biết mình không có sự lựa chọn nào khác, nhưng con vẫn sợ.”
Khi tôi lái xe, Julia ngồi cứng đờ ở ghế phụ lái, tay ghì chặt nắm cửa. Một chiếc xe hơi tiến đến gần chúng tôi – không gần đến mức nguy hiểm – nhưng con bé đã hoảng sợ hét to và nắm lấy cánh tay tôi, siết mạnh đến mức đau điếng.
“Không sao, không sao mà con yêu”, tôi nhỏ giọng trấn an. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng nỗi sợ hãi của con bé khiến tôi thấy lo lắng vô cùng. Nếu luôn thấy sợ mỗi lần ngồi xe hơi, thì làm thế nào con bé có thể tự lái xe được?
Ở buổi tái khám hôm đó, bác sĩ đã cho phép con bé thực hiện lại những sinh hoạt bình thường, bao gồm cả việc lái xe. Nhưng nhìn vẻ mặt của Julia, tôi biết con bé không hề có ý định thực hiện hoạt động này trong tương lai gần.
Thành thật mà nói, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì điều đó. Nếu con bé không lái xe trong một khoảng thời gian, tôi sẽ không phải lo lắng nữa.
Cuối ngày hôm đó, tôi ngồi với Julia trong lúc con bé nói chuyện điện thoại với đại lý bảo hiểm. Con bé thấy lo và sợ rằng gã tài xế kia sẽ tìm cách đổ lỗi cho mình.
Thế nhưng khi tiếp điện thoại, con bé vẫn tỏ ra điềm đạm và chuyên nghiệp. Con bé kể với đại diện bên bảo hiểm những chuyện đã xảy ra một cách rõ ràng và súc tích. Tôi chợt nhận ra con bé đang bắt đầu cư xử như một người trưởng thành.
Và người trưởng thành biết lái xe hơi. Tôi nhận ra dù mình có lo lắng thế nào đi nữa, việc để Julia đầu hàng nỗi sợ hãi không phải là giải pháp tốt nhất cho con bé – không phải là giải pháp tốt nhất cho cả hai mẹ con tôi.
Khi Julia cúp máy, tôi đã ôm chầm lấy con bé.
“Con mạnh mẽ hơn con nghĩ”, tôi nói. “Ngày mai con lái xe của mẹ đi ăn trưa với các bạn nhé.”
“Mẹ, con không làm được”, con bé nói.
“Nhưng con phải làm thế, con yêu. Chờ đợi không giúp con bớt sợ hãi hơn. Con phải vượt qua nỗi sợ hãi và làm việc mình phải làm. Dần dần mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, con yêu.”
Tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi trong mắt Julia, nhưng tôi không để điều đó làm mình chùn chân. Tôi cũng lờ đi tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực khi nghĩ đến chuyện cô con gái nhỏ của tôi sẽ phải mạo hiểm ngồi sau tay lái một lần nữa. Con bé, và cả mình nữa, cần phải vượt lên nỗi sợ hãi này, tôi quyết định.
Ngày hôm sau, Julia đã lái xe của tôi đi gặp bạn bè. Khi chăm chú nhìn con bé bước ra ngoài với chiếc chìa khóa xe trên tay, tôi cảm thấy vừa lo lắng, vừa tự hào. Con bé đã nhắn tin cho tôi khi nó đến nhà hàng, và tôi thấy bình tâm lại.
“Con bé sẽ ổn thôi”, tôi nói với chồng. “Con bé mạnh mẽ hơn mình nghĩ rất nhiều.”
Anh ấy cười với tôi. “Cả hai mẹ con em đều như vậy. Anh biết để con bé đi là một việc rất khó khăn với em.”
Những giọt nước mắt mà tôi cố kìm nén cả tuần nay giờ bắt đầu tuôn trào. Tôi đã nén chúng lại, muốn bản thân phải trở nên mạnh mẽ vì Julia. Sau vụ tai nạn, tôi cảm thấy sợ hãi khi phải để con bé rời khỏi nhà một mình, nhưng tôi cũng biết đó là điều cần thiết.
Cho cả hai mẹ con tôi.