“Một cơn gió có thể đưa con tàu này đến phương Đông và con tàu kia về phương Tây.
Tương tự như vậy, quy luật tự kỷ ám thị có thể nâng bạn lên hoặc kéo bạn xuống, tùy theo cách bạn dong cánh buồm suy nghĩ của mình.”
– Napoleon Hill
“Một cơn gió có thể đưa con tàu này đến phương Đông và con tàu kia về phương Tây.
Tương tự như vậy, quy luật tự kỷ ám thị có thể nâng bạn lên hoặc kéo bạn xuống, tùy theo cách bạn dong cánh buồm suy nghĩ của mình.”
– Napoleon Hill
Andrew, đứa cháu ngoại mười tám tuổi của tôi, bồn chồn cựa quậy trên chiếc bàn khám. Vị bác sĩ phẫu thuật thẳng thắn thông báo với chúng tôi rằng khối u và tinh hoàn mà ông ấy vừa tiến hành cắt bỏ cho thằng bé một tuần trước có chứa các tế bào ung thư. Mặt con gái tôi nhăn nhúm lại vì đau đớn, nước mắt chảy dài trên má con.
Bác sĩ tiếp tục: “Bệnh này thường xuất hiện nhất ở nam giới trong độ tuổi từ mười tám đến ba mươi – thường không có biểu hiện đau đớn”.
Tôi phải cố trấn tĩnh con gái mình và cả Andrew. Tôi cố nuốt xuống nỗi bàng hoàng và sợ hãi của bản thân. Vốn là một y tá nhi khoa đã nghỉ hưu, tôi chăm chú lắng nghe lời bác sĩ nói, vì con gái tôi, Margie, dường như đã ngừng tiếp thu. Mặc dù hiểu từng từ mình nghe được, tôi vẫn sợ hãi những gì đang chờ chúng tôi ở phía trước. Andrew là đứa cháu đầu tiên của tôi, con trai của con gái đầu lòng của tôi. Khi thằng bé chào đời, tôi đã đứng trong phòng sinh và là một trong những người đầu tiên bế nó và hôn lên vầng trán nhỏ nhắn của nó.
Bác sĩ phẫu thuật cho biết phòng khám sẽ sắp xếp một buổi hẹn chẩn đoán ung thư sơ bộ. “Trước khi cháu ra về, chúng ta sẽ tiến hành chụp CT và xét nghiệm máu để xác định giai đoạn bệnh.” Bác sĩ đứng lên và mở cửa phòng khám. “Bác sẽ gặp lại cháu vào ngày mai để xem các kết quả xét nghiệm. Cố lên nào, Andrew.”
Khi ra tới hành lang, Andrew quay sang nhìn mẹ mình. Tôi nghe thằng bé nói: “Cảm ơn Chúa vì đã khiến con thấy đau. Nhờ vậy mà ta đã đến gặp bác sĩ từ sớm”. Đây là những lời đầu tiên thằng bé thốt ra sau khi nghe kết quả chẩn đoán. Lúc đó, chúng tôi đã không nhận ra rằng thái độ tích cực này của thằng bé sẽ trở thành tấm gương cho cả gia đình sau này.
Bệnh ung thư tinh hoàn của Andrew đã di căn và chúng tôi chỉ biết cầu nguyện. Tất cả mọi người chúng tôi quen biết đều cầu nguyện cho thằng bé. Một lần nọ, sau bữa tối, Andrew đã cúi đầu cảm ơn mọi người vì đã cổ vũ và động viên thằng bé. Thái độ của thằng bé thật sự đã truyền cảm hứng và niềm tin cho tất cả chúng tôi.
Khi một buồng truyền hóa chất dưới da được cấy vào ngực của Andrew, thằng bé chỉ vào đó và nói: “Bà ơi, làm thế này thì họ ít phải chọc kim vào tĩnh mạch hơn và bà cũng biết con ghét bị tiêm thế nào rồi đó!”. Thằng bé đang cố gắng tìm kiếm khía cạnh tích cực trong mọi vấn đề.
Quá trình hóa trị bắt đầu. Cơ thể Andrew đau đớn và khi tóc bắt đầu rụng dần, thằng bé quyết định cạo trọc phần còn lại. Andrew luôn có thái độ vui vẻ với các y tá và nhanh chóng trở thành bệnh nhân được mọi người yêu mến trong khoa. Mỗi ngày, sau sáu đến tám tiếng đồng hồ tiếp nhận hóa trị, thằng bé luôn trực tiếp cảm ơn từng nhân viên đã chăm sóc mình.
Khi các tế bào ung thư trở nên cứng đầu và hiếu chiến hơn, Andrew không hề tỏ ra nao núng. Thằng bé trấn an tất cả chúng tôi: “Cả nhà đừng lo, lần sau chúng ta sẽ dần chúng một trận”.
Tuy vậy, Andrew bắt đầu cạn kiệt sức chịu đựng. Thằng bé mệt mỏi triền miên và gặp phải những phản ứng phụ nghiêm trọng trong quá trình hóa trị liệu, khiến các bác sĩ phải dùng thêm thuốc để xoa dịu từng phản ứng. Sau mỗi trận chiến như thế, thằng bé luôn cảm ơn đội ngũ y bác sĩ bằng một nụ cười yếu ớt và một ngón tay cái. Thằng bé nói chậm rãi: “Cháu rất mừng khi các cô chú luôn tìm ra giải pháp giúp cháu!”.
Sau chín tuần, Andrew hoàn thành đợt truyền hóa chất cuối cùng. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu và quét CT, bác sĩ ung thư của thằng bé đã trình trường hợp của Andrew lên hội đồng ung bướu.
Vài ngày sau đó, chúng tôi hẹn gặp một bác sĩ phẫu thuật ung thư khác. Vị này giải thích về một phương pháp phẫu thuật bóc tách triệt để còn tương đối mới – kỹ thuật có thể giúp Andrew có cơ hội sống lâu hơn. Sau khi cân đo đong đếm những rủi ro, chúng tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn và ca phẫu thuật được lên lịch. Andrew im lặng suốt quãng đường về nhà.
Một tuần sau, ca phẫu thuật được tiến hành và sau sáu tiếng chờ đợi, một vị bác sĩ trẻ bước ra cập nhật tình hình cho chúng tôi. Các thành viên trong gia đình tụ tập quanh vị bác sĩ phẫu thuật bên ngoài phòng chờ đông đúc. Trong khi chúng tôi chăm chú lắng nghe, một nhóm y bác sĩ khác, trong bộ đồ phẫu thuật màu xanh, đã đẩy Andrew đi ra từ phòng phẫu thuật và đưa thằng bé đến phòng chăm sóc đặc biệt.
Trên băng ca, Andrew nở nụ cười yếu ớt, giơ cả hai ngón tay cái lên.
“Con tỉnh dậy rồi! Vẫn ở đây với mọi người!”, thằng bé nói một cách đắc thắng.