Ban đầu là giai đoạn tớ mới bắt đầu tập nói. Theo như lời mẹ kể lại thì tớ biết nói cũng không sớm lắm. Khoảng 12 tháng tuổi, tớ bắt đầu với những âm đầu tiên. Ngoài kiểu aaa, mama... nghĩa là những âm đơn giản, tớ có thành tích kết âm thành một lời gọi vô cùng dễ thương: Mẹ mi mi và Bố bi bi. Tớ không nhớ một tẹo nào về giai đoạn này nhưng bố mẹ thì lại vô cùng ấn tượng bởi hai kết hợp tên gọi ấy không thể dễ thương hơn được nữa. Sau này, trong mỗi tin nhắn hoặc thư gửi cho bố, mẹ tớ cũng sử dụng “sản phẩm” này mà không đợi việc kí bản quyền. Mẹ sẽ viết: Bố bi này... gì gì đó nhưng chắc chắn là kiểu gọi mà tớ đã thường dùng trước đây. Sau cú “đột phá” đó, tớ bỗng nhiên dừng lại, không nói thêm âm nào nữa. Tất cả chỉ là gật và lắc hoặc ngôn ngữ cơ thể, kiểu như ngúng nguẩy bỏ đi hoặc quay vào góc tường rơm rớm nước mắt. Mẹ bảo ngay từ khi lọt lòng, tớ không bao giờ khóc to, không hờn dỗi, không thích mè nheo. Bố gọi giai đoạn này theo cách miêu tả của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là giai đoạn của một “người anh hùng thầm lặng”. Người anh hùng là tớ chỉ buông ra những tiếng gừ gừ hoặc những tia nhìn u uẩn, mặc cho bố mẹ mong đứng mong ngồi rằng, một buổi sáng nào đó đẹp trời tỉnh dậy và sẽ được nghe tớ nói: Mẹ mi mi, con đói. Chỉ từng ấy từ thôi mà bố mẹ hồi hộp chờ đợi và nôn nóng.
Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, mẹ vẫn ngày ngày kiên nhẫn hát, đọc thơ, kể chuyện dù cho tớ có phản ứng một cách thờ ơ thế nào. Chả là mẹ nói, mẹ đã áp dụng phương pháp thai giáo. Nhất định, mẹ sẽ đọc thơ hoặc kể chuyện vào đúng một giờ trong thời gian biểu hàng ngày. Việc làm ấy đã được thực hiện từ khi tớ còn nằm trong bụng. Không vì lý do tớ lơ là trong việc nói mà mẹ nản lòng. Bố thì sốt ruột lắm. Bố mong biết bao được nghe giọng nói của tớ. Và rồi, không phụ công chờ đợi của bố mẹ, vào một ngày đẹp trời, rất đẹp trời với bố mẹ tớ (dù có thể ngày hôm đó trời mưa gió hay nóng nực), tớ bỗng nhiên thỏ thẻ:
- Con đi chơi.
Ui cha, một câu hoàn chỉnh có đủ cả chủ ngữ và vị ngữ. Khỏi phải nói bố mẹ vui mừng đến thế nào. Mẹ cứ muốn tớ nhắc đi nhắc lại mãi:
- Cún nói gì? Con đi chơi á? Ừ, mẹ con mình đi chơi nhé!
Kể từ lúc đó, tớ bắt đầu huy động tối đa khả năng phát âm. Tớ nói liên tục, nói nhiều, nói cả khi đã lên giường đi ngủ. Tớ đồ rằng, nếu trước đây mẹ mong tớ biết nói thì bây giờ, mẹ mong tớ hãy yên lặng một chút để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Vì khi biết nói rồi, tớ bắt đầu với hàng loạt câu hỏi. Mẹ kiên nhẫn trả lời dù biết có khi chưa trả lời xong tớ đã lại tập trung để... hỏi câu khác.
Cũng kể từ đây, một chương trình dạy ngôn ngữ cho tớ được triển khai một cách tích cực. Mẹ phấn khởi vì có vẻ như phương pháp thai giáo đã có tác dụng, bằng chứng là tất cả những điều tớ nói, theo như đánh giá của mẹ là rất chuẩn xác. Tớ không bị nói ngọng, ngoại trừ những tiếng có phụ âm cuối như c, p, t. Ví dụ mẹ Điệp, tớ sẽ nói là mẹ Điệm. Nhà tớ có em họ tên là Ngọc. Em dễ thương và hay chơi đùa với tớ. Vì thế, đến bây giờ mọi người vẫn thường trêu một câu mà tớ hay nói với em hồi ấy là: Em Ngọng xách cặm đi họng (Em Ngọc xách cặp đi học).
Nhưng giai đoạn ngọng nghịu ấy trôi qua rất nhanh. Theo như ghi chép của mẹ thì nó chỉ diễn ra khoảng 2, 3 tháng. Còn lại, rất chuẩn! Không những nói đúng, tớ còn nói có vẻ rất hay. Bố đánh giá: Tớ nói không giống cách nói khẩu ngữ thông thường mà có thiên hướng về văn viết. Ví như khi ra công viên chơi, nếu thấy gió to, tớ hay nói: Hôm nay sao gió cứ thổi ầm ầm mẹ nhỉ. Hoặc nếu hôm nào lặng gió, tớ nói: Cây hôm nay im lìm thế. Hoặc thậm chí: Cây đứng gió quá mẹ nhỉ! Những câu kiểu này, mẹ thường cẩn thận ghi lại trong cuốn sổ màu hồng của mình, như một bằng chứng về một phương pháp giáo dục mà mẹ cố công theo đuổi.
Cũng kể từ đây, bố mẹ càng chăm chút hơn đến khả năng ngôn ngữ của tớ. Không hiểu bố mẹ đọc từ tài liệu nào đó cho rằng, những người thuận tay trái sẽ có thiên hướng về ngôn ngữ mà tớ thì thuận tay trái nên bố mẹ kiên định với việc sẽ bồi dưỡng về ngôn ngữ để nó trở thành thế mạnh của tớ sau này. Bắt đầu bằng những trò chơi. Nếu như trước đây, trò chơi chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là chơi thì bây giờ, mỗi khi chơi, mẹ thường ngồi đợi để tớ nói luật chơi rồi mới chịu chơi cùng. Ví dụ tớ phải nói:
- Bây giờ con và mẹ chơi lái ô tô quanh nhà. Con sẽ đẩy ô tô, mẹ chạy sau kêu bíp bíp nhé!
Chỉ đến khi tớ miêu tả luật chơi rõ ràng như thế, cuộc chơi mới bắt đầu. Trong quá trình chơi, mẹ luôn dừng lại và hỏi:
- Cái ô tô của con thế nào rồi? Con chạy như thế là nhanh hay chậm?
Nói tóm lại là mẹ luôn khuyến khích tớ nói tất cả những câu mà phải dùng tính từ để miêu tả. Trẻ con có xu hướng nói các danh từ trước, tính từ sau. Chắc mẹ hiểu điều này nên cố tình để tớ sử dụng những tính từ trong khi trò chuyện.
Cũng bắt đầu từ đây, một trò chơi khá lý thú của hai mẹ con ra đời: Tìm hình trong tranh. Ở Nhật Bản, trò chơi này rất phổ biến. Đi đến chỗ nào công cộng như bệnh viện, nhà trẻ... bao giờ cũng có một ngăn sách bày các cuốn sách trên đó chỉ có hình là hình. Phía dưới mỗi hình ghi số lượng các hình ảnh xuất hiện trong hình, ví dụ: ô tô: 8 cái; hoa hồng: 5 bông... Nhiệm vụ là hai người chơi phải nhanh mắt để tìm được và chỉ ra những đồ vật đó. Nghe thì dễ thế thôi nhưng chơi thì khó lắm đấy. Mẹ tớ đã sưu tầm được rất nhiều bức tranh khó không thể tả. Mỗi lần chơi, hai mẹ con cứ loay hoay xoay dọc xoay ngang để tìm cho đủ. Nhưng không chỉ tìm được thôi đâu, mẹ luôn có ý thức lồng ghép các bài học ngôn ngữ vào cho tớ. Ví dụ khi tìm được một bông hoa, mẹ sẽ nói:
- Nam giỏi quá! Hoa màu gì thế con nhỉ?
Hoặc:
- Bông hoa này to hay nhỏ thế con?
Tất cả những gì giúp tớ miêu tả, mẹ đều tận dụng tối đa. Tớ ngây thơ cuốn vào các trò chơi một cách hào hứng. Chỉ sau này khi có dịp, mẹ kể lại tớ mới ngẩn người: Ồ, học thế thì vui nhỉ!
Cũng kể từ đây, bố mẹ cho tớ đi chơi nhiều hơn. Cứ ngày cuối tuần là cả nhà lại lên đường. Địa điểm chơi có khi rất xa nhưng cũng có khi chỉ là một công viên ở khu nhà bên cạnh. Trên đường đi, bố luôn chỉ cho tớ thấy sự thay đổi của cảnh vật hai bên đường, vẻ đẹp của cây cối, của bầu trời. Bố thường rất hào hứng: Nam ơi, con nhìn này, cái lá trên cây hoa anh đào có một nửa màu xanh, một nửa màu đỏ nhé. Nam ơi, nhiều cá chưa kìa. Bố thích con màu đỏ có cái đuôi vàng ấy, con thích con nào? Cứ thế, bố đưa tớ lạc vào những khung cảnh thiên nhiên rất đỗi bình thường nhưng khi được miêu tả bằng lời nói có hình ảnh thì trở nên quá đỗi thú vị.
Dần dần, bố nói ít hơn (mà chắc cũng không còn cơ hội nào để nói) vì tớ sẽ nói suốt dọc đường đi. Tớ kể cho bố nghe về hiệu bánh ngọt mà tớ rất mê, về con sâu ăn lá, về bầu trời trước cơn dông... Bố luôn mỉm cười và xoa đầu tớ một cách thích thú. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả bằng lời. Sau mỗi chuyến đi, mẹ luôn cẩn thận ghi lại tất cả những điều mà tớ quan sát được và buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ đọc lại. Đọc xong mẹ luôn hỏi:
Con có bổ sung gì không? hoặc: Chỗ này mẹ viết thế có được không, có đúng ý của con không?
Đây là một đoạn mà mẹ tớ đã viết vào ngày 25 tháng 11 năm 2003, khi đó tớ hơn 2 tuổi một chút, được sự đồng ý của mẹ, tớ chép ra đây, các bạn xem có thú vị không nhé:
Sáng nay, cả nhà đến công viên Vanbacku. Thời tiết thật là dễ chịu, hơi nắng nhẹ và gió cũng chỉ lao xao khác hẳn những ngày trước đó. Trên đường đi, Cún con đã phát hiện ra có hai chú mèo, một chú màu đen tuyền và một chú màu vàng nhạt đang đùa nhau cạnh nhà để xe đạp. Thấy cả nhà mình đi qua, chúng chạy rất nhanh vào bụi rậm. Đến nơi, mẹ cho Cún chạy chơi quanh bãi cỏ. Mùa này cỏ không xanh nhưng rất mịn màng. Cún bị ngã tới ba lần nhưng không lần nào khóc cả. Cún đã biết phân biệt giữa cây cổ thụ và cây ăn quả. Lúc về, Cún hỏi: “Mẹ ơi, cây anh đào vừa là cây cổ thụ vừa là cây ăn quả phải không mẹ?” Bố trả lời thay: “Cây anh đào là cây hoa con ạ! Vì hoa của nó đẹp quá, nên người ta quên cả quả và sự to lớn của thân cây, chỉ nghĩ đến hoa thôi. Cún nhớ nhé: Anh đào là cây hoa con ạ.”
Toàn văn là như thế, dưới có một dòng ghi chú: Sau khi đọc xong, Cún có bổ sung: “Mẹ quên mất chi tiết con suýt ngã xuống hồ cá nữa.”
Và đây là một đoạn viết ngày 18 tháng 3 năm 2004 tức là khi ấy tớ sắp thành một chàng trai 3 tuổi rồi:
Hôm nay cả nhà đi lễ Chùa Onoharahigashi. Ngôi chùa nằm trên một quả đồi, gần siêu thị Kitasenri. Dạo này, Cún con đã đi nhanh hơn cả bố mẹ rồi. Con toàn vượt lên trước rồi quay lại nhìn bố mẹ cười toe toét. Trên đường đi, bố chỉ cho Cún xem những chú quạ đang lao vút trên những rặng cây bên đường. Những chú quạ trông xấu xí thế mà hiền lắm. Con đếm được cả thảy 5 con. Còn nhiều con nữa nhưng chúng đang trốn trong bụi, không chịu ló mặt ra. Vào chùa, bố chỉ cho con chỗ thắp hương và dạy con cách cúi đầu nghiêm trang trước tượng Phật. Con ngoan lắm, làm đúng theo lời bố. Chùa đặt trên núi nên gió thổi rất to. Mẹ rét run cầm cập, đứng co ro nhưng con chẳng sợ gió. Con leo lên chỗ bức tượng đặt ở đỉnh đồi rồi vẫy mẹ lên cùng. Con dũng cảm ghê.
Dưới là dòng ghi chú: Con đếm được 6 con quạ chứ không phải 5, mẹ ghi thiếu rồi.
Những đoạn văn ấy đã giúp tớ đi vào những giấc ngủ nhẹ nhàng. Trong mơ, tớ gặp lại những cảnh vật mình đã từng nhìn, những người mình đã gặp trên đường. Trong mơ, tớ vẫn hình dung rõ những chú mèo đuổi nhau và những chú quạ bay vun vút trong bụi rậm. Tớ mới hiểu, chính việc “viết ra” của mẹ là cách giúp tớ hồi tưởng lại những quan sát và chuyển từ ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết.
Không chỉ dạy ngôn ngữ trong khi đi chơi. Lúc ở nhà, khi đi siêu thị, khi đi dạo, cứ có cơ hội là bố mẹ lại cho tớ biết những cách miêu tả mới, cách dùng từ hay. Tớ hoàn toàn có thể mường tượng lại về những cách dạy rất đáng yêu này của bố mẹ.
Tớ thích nhất là trò chơi mẹ hay dùng mỗi khi lên xe. Trò này được hai mẹ con chơi ngay cả khi tớ đã lớn. Đó là tìm từ không cùng loại. Cách chơi thì chắc là các bạn đã biết. Cứ trong 4 từ đã cho, phải tìm 1 từ không cùng loại với các từ còn lại. Khi tớ còn bé, những từ mẹ cho dễ ơi là dễ, nhưng lúc ấy tớ cũng phải suy nghĩ khá lâu đấy. Khi nghĩ ra rồi, khó nhất là phải giải thích vì sao từ đó lại không cùng loại nữa cơ. Ví dụ, lúc tớ 3 tuổi, mẹ cho các từ sau: rau cải, rau muống, cà chua, rau dền. Chà, dễ quá phải không? Nhưng với một chàng trai 3 tuổi lại đang sống ở nước ngoài thì việc hiểu và hình dung ra rau muống, rau dền như thế nào quả là rất khó.
Khi đó, tớ thường đoán mò. Đoán xong, mẹ sẽ giải thích. Sau đó, nếu không muốn bị thua, tớ phải giải thích lại cho thật ngắn gọn, chỉ bằng một câu thôi. Tớ phải nói: Cà chua không cùng loại vì đó là loại quả chứ không phải loại rau có lá mẹ ạ. Biết tớ thích các loại phương tiện giao thông, mẹ thường đố những thứ liên quan đến các phương tiện đó như: tàu thủy, tàu hỏa, ô tô, xe máy, cái gì không cùng loại. Hà hà, cái này tớ biết ngay là anh tàu thủy vì đó là phương tiện đi dưới nước chứ không phải đi trên cạn.
Càng ngày mức độ khó của trò chơi càng tăng dần. Sau đây là một vài ví dụ mà tớ còn nhớ được.
Để dạy về từ loại, mẹ đố: đi, áo, múa, chạy, từ nào không cùng loại. Phát hiện ra đáp án là áo thì dễ rồi nhưng giải thích thì không dễ chút nào. Mẹ phải giải thích, những từ khác là chỉ hoạt động còn áo lại chỉ sự vật, tớ mới hiểu. Sau đó, mẹ sẽ ra hàng chục những câu đố tương tự để tớ ghi nhớ lâu hơn.
Dạy về cấu tạo từ, mẹ ra câu đố: xe đạp, xe máy, xe cộ, xe xích lô, từ nào không cùng loại. Tớ thì chọn ngay là xe xích lô vì thấy đọc lên có vẻ dài nhất nhưng mẹ giải thích, đáp án ấy có thể chấp nhận được nhưng không thuyết phục bằng đáp án là xe cộ vì đó là chỉ chung các loại xe chứ không chỉ tên một loại xe nào cả, vì không có xe nào tên là cộ cả. Nghe xong tớ à lên thích thú. Thế là tớ đố lại mẹ luôn: hoa hồng, hoa cúc, hoa quả, hoa lan, từ nào không cùng loại. Mẹ cười ngặt nghẽo và chọn đáp án: hoa cúc vì theo mẹ, hoa cúc không thơm như các loại hoa kia. Tuy biết là mẹ trêu nhưng tớ vẫn thích lắm.
Để dạy về những từ có cấu tạo đặc biệt, mẹ đố: long lanh, lung linh, lập lòe, ánh trăng, từ nào không cùng loại. Tớ thì biết chắc là ánh trăng rồi nhưng giải thích thế nào đây nhỉ. À phải rồi, trong từ ánh trăng không có âm đầu l được lặp lại. Rồi mẹ lại ra tiếp, khó hơn nhé: ấp úng, ậm ờ, lờ mờ, inh ỏi, từ nào không cùng loại. Tớ phải nghĩ mãi mới phát hiện ra từ lờ mờ còn phần giải thích thì phải nhờ mẹ. Có gì đâu, các từ còn lại đều không có âm đầu còn từ lờ mờ thì âm đầu của nó là l và m đấy thôi.
Để dạy về từ tượng thanh, mẹ ra câu đố: đì đùng, lập lòe, đì đẹt, đì đòm, từ nào không cùng loại. Anh chàng lập lòe phải đứng riêng một hàng rồi vì không chỉ âm thanh.
Cứ như thế, nhờ những trò chơi mà tớ thấy các từ trở nên thú vị lạ thường. Hay hơn nữa là nhờ các trò chơi mà tớ chịu khó suy nghĩ hơn trước khi dùng từ. Khi đã chơi thành thạo, tớ sẽ là người ra câu đố. Ban đầu, câu đố của tớ rất buồn cười. Có khi đi hết mấy ga mà tớ chịu không thể nghĩ ra câu đố nào cho đúng cả. Tớ lúng túng lắm, lúc bình thường thì nhiều từ ngữ thế mà khi cần chúng như biến sạch cả. Mẹ khoan khoái ngồi nhìn tớ loay hoay với đống từ ngữ trong đầu và... ngủ gật. Có lẽ, đó là những phút giây yên tĩnh hiếm hoi khi mẹ ngồi cạnh tớ. Sau này, khi học tiếng Anh, trò chơi này vẫn được tiếp diễn nhưng là bằng tiếng Anh. Về khoản này thì tớ có vẻ thắng thế. Mẹ liên tục phải nhường bước do không nhớ từ và nếu tớ ra luật chơi: Mẹ phải giải thích vì sao từ đó không cùng loại thì mẹ tớ... bó tay luôn. Hì hì, tớ cũng học tập được từ mẹ thôi mà.
Bố tớ bảo, nếu ghi danh những trò chơi đi cùng với lịch sử gia đình thì trò chơi Tìm từ không cùng loại sẽ được điểm 10 đầu tiên. Trò chơi đem lại niềm hứng thú vô bờ nhưng không ít tranh cãi. Nhiều lần bố tớ phải nhảy vào cuộc. Có những câu đố mà mẹ tớ lập luận đáp án theo một kiểu còn tớ nhất định quan điểm của mình, ví dụ nhé: khăn choàng, áo khoác, quần, khuy áo, từ nào không cùng loại. Theo bạn thì là từ nào. Mẹ tớ thì nhất định cho là khuy áo vì mẹ cho rằng, đó không phải là trang phục mà chỉ là một bộ phận trên trang phục. Nghe thì cũng có lý nhưng tớ lại chọn đáp án là: quần với lý do rất đơn giản: những thứ còn lại thì ở phía trên người nhưng quần, tất nhiên phải ở phía dưới, có ai mặc quần lên phía trên bao giờ đâu! Bố nghe xong cũng phì cười và quyết định phần thắng thuộc về phía tớ. Bao giờ chả thế, tớ và bố luôn cùng một phe mà.
Cũng chính nhờ trò chơi từ khi còn rất bé này mà tớ không xa lạ lắm với kiểu bài Odd one out trong tiếng Anh. Nhưng buồn một nỗi là tớ lại hay làm sai kiểu bài này, nhất là trong những đề thi học sinh giỏi. Lý do đơn giản là tại tớ hay suy luận những điều có vẻ xa vời quá, những điều mà như mẹ tớ nói, có thể người ra đề cũng không nghĩ đến nữa. Nhưng không sao, mục đích của người ra đề là để con hiểu và nhớ từ thôi. Khi con đã đạt được mục đích đó, quan điểm của con có khác một chút cũng không đáng trách. Mẹ thường an ủi tớ thế mỗi khi tớ buồn so trước một bài thi bị trừ điểm đúng phần vốn được coi là “sở trường” này của mình.
Để khuyến khích tớ phát hiện những từ ngữ mới, nói những câu hay trong suốt cả quá trình từ khi tớ mới bắt đầu tập nói cho tới khi đã ra dáng một chàng thanh niên, mẹ có một cách làm rất thú vị. Mẹ thường vẽ hình, khi thì một con hươu, khi thì một con voi, sau đó, trên lưng của chúng, mẹ chia thành nhiều hình vuông nhỏ đều đặn rồi treo lên cánh cửa. Cứ mỗi khi tớ thực hiện được một yêu cầu nào đó về ngôn ngữ hay có một tiến bộ gì đó, mẹ sẽ cho phép tô màu lên một hình vuông nhỏ. Khi nào chú hươu và chú voi đã được khoác một bộ cánh mới nhờ những màu tớ đã tô lên, mẹ sẽ thưởng cho tớ một món quà. Tớ thích cách làm này vô cùng. Cảm giác chờ đợi, cảm giác được cầm bút tô màu lên lưng các con vật thật thích thú vô cùng. Sau mỗi lần tô như thế, tớ tưởng như mình vừa thực hiện được một việc gì đó rất ý nghĩa. Càng háo hức được tô, tớ càng chăm tìm hiểu về vốn từ ngữ xung quanh mình.
Dần dần, tớ không chỉ dừng lại ở các từ ngữ vốn chỉ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày mà thích được hiểu nghĩa của những từ Hán Việt. Rất may là bố tớ lại nghiên cứu về điều này thế nên, bố chính là một “cuốn từ điển” sống động và vui nhộn của tớ. Khám phá những từ Hán Việt này, tớ mới thấy từ ngữ tiếng Việt thật phong phú. Chẳng hạn chỉ có tên bố tớ thôi mà có thể có mấy nghĩa nhé: Thảo có nghĩa là cỏ trong kết hợp thảo dược (chỉ những cây thuốc làm từ cỏ); Thảo có nghĩa là viết, soạn văn bản trong soạn thảo, dự thảo; Thảo có nghĩa là lòng tốt trong hiếu thảo... Hoặc như tên của tớ chẳng hạn: Nam vừa có nghĩa là chỉ người đàn ông, con trai; Nam cũng có thể chỉ một phương trong phương Nam; Nam có nghĩa là một tước vị trong nam hầu, nam tước. Tớ thì thích tên mình có nghĩa là Việt Nam vì sự kết hợp Nhật Nam theo như bố mẹ mong muốn là Nhật Bản và Việt Nam vì tớ sinh ra ở Nhật và lớn lên ở Việt Nam.
Mỗi lần tìm hiểu nghĩa của từ xong, bố lại đố xem trong các kết hợp mà bố đưa ra thì từ đó có nghĩa là gì. Cái này khó lắm các bạn nhé, mặc dù đã biết hết các nghĩa của một từ nào đó nhưng để hiểu nghĩa của nó trong các kết hợp khác nhau lại không hề đơn giản chút nào. Ví dụ, với từ Thảo, nếu bố đố: Truyện Kiều có câu: Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa thì “thảo am” có nghĩa là gì? Tớ bắt đầu đoán già đoán non: là cỏ ạ? hay là người ạ? Bố mỉm cười và nói: Không phải, thảo am là chỉ lều cỏ. Ui dà, từ này quá lạ với tớ. Nhưng không lạ bằng, trong câu: Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu thì “tiến thảo” là gì? Là gì nhỉ? Tớ dựa vào cả câu, đoán mò rằng “tiến thảo” nghĩa là đi xa như đi công tác chẳng hạn. Hì hì, không phải đâu, nó có nghĩa là đi đánh giặc. Rất khó mà cũng rất thú vị phải không các bạn? Tớ khoái nhất là được tìm hiểu những từ Hán Việt như thế, nhất là những từ có nghĩa cổ, nghĩa điển tích mang màu sắc văn chương mà trong tiếng Việt thì những từ này chiếm số lượng khá lớn. Nếu các bạn chịu khó tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy trong khi nói, viết, chúng ta luôn sử dụng những từ này.
Trong giai đoạn từ khi bắt đầu học nói, ngoài các trò chơi ngôn ngữ, mẹ thường dạy tớ hát, đọc thơ, kể chuyện. Những điều này tớ tin là bất kì bạn nào cũng thường được bố mẹ dạy cho. Nhưng đối với mẹ tớ, quan trọng nhất là phải học thuộc lòng. Bài hát thì dễ rồi, có giai điệu du dương nên chỉ cần học hai, ba lần, bật nhạc lên là tớ có thể “biểu diễn” ngon lành rồi. Thơ và các câu chuyện có vẻ hơi khó hơn. Để phục vụ cho “công tác giảng dạy” của mình, mẹ đã nhờ ông bà ngoại gửi sang một bộ sách giáo khoa lớp Một. Những đoạn thơ, đoạn văn trong sách, mẹ đều đọc cho tớ nghe đến mức thuộc lòng. Mỗi lần đọc, mẹ chỉ vào tranh, chỉ vào các con chữ rồi đọc to. Tớ thì chỉ nhớ mỗi hình trong các bức tranh nhưng dần dần tớ đọc thuộc cả quyển lúc nào không hay. Tớ luôn làm ra vẻ rất người lớn, ngồi ngay ngắn vào bàn, chăm chú giở sách, giở đến đâu đọc đến đấy nhưng kì thực là chẳng biết chữ nào: Cá mè ăn nổi/ Cá chép ăn chìm/ Con tép lim dim/ Trong chùm rễ cỏ.
Đang đọc vèo vèo đột nhiên bố hỏi: Đâu nào, chỉ cho bố xem từ “lim dim” ở đâu? là tớ chịu ngay.
Nhưng có sao đâu, mẹ tớ bảo rằng, thông thường những gì học thuộc lòng từ khi còn nhỏ sẽ ở lại trong trí óc rất lâu, đến tận khi trưởng thành. Chả thế mà cả bố và mẹ đều nhớ những bài thơ, đoạn văn học từ lớp vỡ lòng. Đối với bố mẹ, đó là những bài thơ rất hay. Đó không chỉ là những bài thơ nữa, chúng trở thành một phần kỉ niệm tuổi thơ không dễ gì quên được. Những lúc rảnh rỗi, bố thường ôm tớ vào lòng rồi ngâm nga:
Em sinh ở Tam Quan/ Giữa miền Nam ruột thịt/ Quê em dù xa tít/ Em vẫn nhớ, vẫn thương...
Rồi: Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải/ Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.
Sau này được đặt chân đến hai điểm tận cùng của Tổ Quốc là mũi Cà Mau và địa đầu Móng Cái, tớ lập tức nhớ đến bài thơ này. Ôi bài thơ tuy giản dị nhưng đã khắc hai địa danh thân thương ấy vào tâm hồn của nhiều thế hệ. Bài thơ này nữa bố tớ cũng rất thích: Lũy tre xanh xanh/ Làng tôi, làng anh/ Cũng giống nhau nhỉ?/ Có lũy tre xanh/ Có mái nhà tranh/ Có người cầy cấy/ Nuôi tôi và anh/ Chúng ta yêu lũy tre xanh/ Yêu làng, yêu xóm, yêu anh đi cày.
Bài thơ mộc mạc thế, chỉ có lũy tre và anh nông dân thôi mà tớ tin rằng bất cứ người con nào đang ở quê hoặc đã xa quê hương khi đọc lên đều thấy hình bóng làng mình ở đó. Nơi ấy có lũy tre rì rào trong gió gắn với bao kỉ niệm thân thương không thể nào quên.
Không chỉ thuộc những bài thơ đâu nhé, có những bài văn trong lớp học đồng ấu xa xưa bố tớ cũng nhớ ơi là nhớ:
Con chích chòe đậu xuống cành bưởi. Nó hót một hồi dài, như muốn đánh thức Tâm dậy. Nhưng chích chòe nhầm rồi. Hôm nay là ngày khai trường. Tâm dậy sớm hơn cả chích chòe. Tâm mặc quần áo mới, tay xách chiếc cặp mới. Mẹ đưa Tâm đến trường. Cô giáo tươi cười đón em vào lớp.
Những bài văn, bài thơ ấy giờ đã không còn trong sách giáo khoa của chúng mình nữa nhưng nó mãi còn trong trái tim của những người thuộc thế hệ bố tớ, lung linh và sống động, tất cả nhờ việc ê a đọc thuộc lòng từ khi còn nhỏ xíu. Ý thức được việc đó, nên cả bố và mẹ đều khuyến khích tớ học thuộc lòng. Sau này, khi học tiếng Anh, tớ vẫn giữ thói quen này, học thuộc lòng các bài đọc dù ngắn hay dài. Nhưng khi mình chưa biết đọc, không có ấn tượng về việc thể hiện trên nét chữ khiến việc học thuộc lòng khó hơn đúng không các bạn? Tớ thường lẩm nhẩm đọc theo mẹ.
Để tớ dễ nhớ, mẹ bắt đầu nghĩ ra các kiểu đọc khác nhau. Lúc thì đọc thật nhanh, khi lại ngân nga như hát cả những bài văn xuôi. Không chỉ đọc bằng những giai điệu khác nhau, mẹ còn tranh thủ đọc ở mọi lúc, mọi nơi như khi nấu cơm này, khi nằm cạnh chờ tớ ngủ này, khi đi dạo này và thậm chí khi tớ đang đi vệ sinh nữa. Nhờ sự biến hóa trong “giai điệu” của mẹ mỗi lúc đọc nên tớ thấy không hề nhàm chán. Thậm chí, tớ luôn luôn đòi mẹ đọc cho đến khi mình kì thuộc mới thôi.
Có một điều đặc biệt mà bây giờ tớ mới tiết lộ là bố mẹ không chỉ hướng dẫn tớ đọc văn, thơ hay những câu chuyện đâu nhé, bố mẹ còn đọc cho tớ nghe đến thuộc lòng những bài bình thơ nữa đấy. Bạn sẽ tự hỏi, trẻ con thì nghe bình thơ làm gì nhỉ. Khi đó, tớ cũng không hề biết đó là những đoạn cảm thụ vẻ đẹp của một đoạn thơ nào đó. Nhưng tớ vẫn đọc thuộc lòng. Và rất thú vị, thời gian qua đi, khi tớ đã lớn, những ấn tượng về việc học thuộc lòng sâu sắc nhất lại dành cho những đoạn bình thơ. Bây giờ nếu nhắm mắt lại, tớ vẫn có thể hình dung ra và đọc lại những đoạn bình thơ, tuy không thể thuộc được tất cả nhưng cũng vẫn đầy đủ các ý chính. Ví dụ cho các bạn nghe về một đoạn bình thơ mà hồi nhỏ tớ đã từng học thuộc nhé. Bài thơ có tên:
QUẢ NGỌT CUỐI MÙA
Trong vòm lá mới chồi non
Chùm cam bà giữ vẫn còn đung đưa
Quả ngon dành tận cuối mùa
Chờ con phần cháu bà chưa trảy vào
Giêng Hai rét cứa như dao
Nghe tiếng chào mào chống gậy ra xem
Nom Đoài rồi lại ngắm Đông
Bề lo sương táp, bề phòng chim ăn
Quả vàng nằm giữa cành xanh
Mải mê góp mật chuyên cần tỏa hương
Bà ơi! Thương mấy là thương
Vắng con xa cháu tóc sương da mồi
Bà như quả ngọt chín rồi
Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng.
Võ Thanh An
Chính xác là bài thơ này tớ học thuộc khi 5 tuổi. Lúc đó cả nhà mới về nước và bố lại bắt tay vào công việc giảng dạy ở trường đại học vì thế có nhiều cô sinh viên thỉnh thoảng đến nhà chơi. Mỗi lần có các cô đến, tớ lại đọc và “bình thơ” một cách nhiệt tình:
Đọc bài thơ, em thấy hiện lên hình ảnh người bà đôn hậu, hiền từ như bà nội, bà ngoại của em vậy. Con cháu ở xa, một mình bà với nỗi nhớ thương dài dằng dặc. Bà gửi nỗi nhớ thương vào chùm quả ngọt trong vườn. Bà ngóng trông quả chín từng ngày cũng chính là ngóng con trông cháu. Em như thấy ánh mắt bà dõi theo sự lớn lên, sự căng tròn và đổi sắc của chùm quả cam nơi cuối vườn tựa như bà đang dõi theo từng bước chân xa xôi của những đứa con, đứa cháu. Chim ơi, thương bà, chim đừng ăn nhé! Và nắng táp mưa sa và sương muối ngày đông đừng dừng lại nơi góc vườn. Ở đó không chỉ còn là trái cam bà mong đến mùa thu hoạch mà là nỗi thấp thỏm chờ con mong cháu của bà. Tình yêu thương ấy ngọt ngào quá và bà ơi, bà chính là thứ quả ngọt ngon đó. Từ “tươi lòng vàng” vừa tả quả đến độ chín vàng nhưng cũng chính là biểu trưng cho tấm lòng của bà. Thương bà quá, bà ơi!
Khi ấy đọc những đoạn bình thơ kiểu ấy, có những từ tớ cũng không thể hiểu hết nghĩa như cụm từ “tươi lòng vàng” chẳng hạn. Tớ cứ đọc theo trí nhớ của mình thôi. Nhưng có một điều thầm lặng cứ lớn mãi trong lòng, đó là tình cảm yêu thương gắn bó của mình với ông bà, với những người thân yêu ruột thịt. Rõ ràng, ngoài việc giúp tớ học thuộc lòng để tăng khả năng ghi nhớ, bố mẹ đã nuôi trong tớ sự gắn kết thiêng liêng máu huyết thông qua những bài đọc, những lời bình. Nhiều người thường không tin là trẻ em có thể học thuộc những bài văn, bài thơ dài hoặc học thuộc những thứ có vẻ “hơi lớn” khi mà chúng chưa hiểu. Theo tớ, mọi việc có vẻ không như vậy.
Ở nhà, tớ khoái nhất là được bố mẹ trò chuyện như với một người lớn thực thụ. Bố thường nói, khi nói chuyện với tớ, bố không né tránh những từ mà mình cho là khó hiểu với trẻ con. Thậm chí, bố còn dùng hay hơn những cách nói thông thường, cốt để cho tớ nghe và ngấm từ từ. Bố tớ có một đặc điểm là rất hay sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ và các câu danh ngôn trong khi nói. Điều này trở thành một nét tính cách rất thú vị của bố khiến mẹ và tớ hay trêu chọc bố. Ví dụ khi bố kể một câu chuyện, nghe xong, chưa kịp để bố nói, cả mẹ và tớ đã đồng thanh: Đúng như nhà triết học (nhà văn, nhà bác học) Ốp, Ép nói... (hai mẹ con trích dẫn một câu của ai đó hoặc bịa ra) và cả nhà cùng cười vang.
Tuy nhiên, học được điều này ở bố lại rất có ích cho tớ trong các cuộc thi nói tiếng Anh. Người Anh thường đánh giá cao những bài nói trong đó mình biết cách sử dụng thành ngữ của họ một cách linh hoạt. Theo họ, đó là khả năng hiểu tiếng Anh một cách thành thục như tiếng mẹ đẻ vậy. Việc học thuộc lòng đã giúp tớ khi viết văn sau này có thể nhớ lại, hồi tưởng lại và huy động vốn từ ngữ của mình một cách linh hoạt. Tớ cũng có khả năng nhớ bài nhanh ngay tại lớp. Điều này còn giúp ích rất nhiều khi tớ tham gia đóng phim hay làm MC trong các chương trình truyền hình. Chỉ cần liếc qua kịch bản là tớ nhớ ngay, dưới máy quay, tớ có thể “xoắn” vèo vèo làm các cô, các bác đạo diễn rất hài lòng.
Mặc dù có tác dụng to lớn như thế nhưng không phải lúc nào học thuộc lòng cũng thú vị đâu. Nhiều khi nghe những đoạn văn thơ dài lê thê, tớ chẳng muốn hợp tác với mẹ chút nào. Chỉ muốn chơi những trò chơi mà mình thích. Nhiều khi, nghe mẹ đọc một đoạn là mắt tớ đã díp hết cả lại. Mẹ đọc xong thì tớ đã ngáy khò khò. Nhưng mẹ tớ thì không hề lấy đó làm buồn, mẹ kiên trì đọc. Mẹ cứ dạy từng câu một, rồi hai câu, câu trước với câu sau, rồi ba câu... cứ thế cho đến hết đoạn. Để đỡ nhàm chán, mẹ bày ra cách, vừa chơi ô tô với tớ vừa đọc. Mỗi khi xe của mẹ vượt lên trước, xe của tớ thua là mẹ đọc, tớ nhắc lại. Còn nếu ngược lại thì tớ đọc và mẹ nhắc lại. Hoặc cũng có khi mẹ sẽ dùng kết hợp với thị giác.
Vì tớ chưa biết đọc chữ nên mẹ khuyến khích tớ vẽ lại những điều nghe được ra giấy. Ví dụ với bài Quả ngọt cuối mùa sẽ vẽ hình ảnh người bà với cây cam và chùm quả cam chín vàng. Sau khi hoàn thành bức vẽ, mẹ dán lên cánh cửa. Mẹ gọi đó là “mã số bí mật”. Nếu muốn vào phòng, muốn cửa mở, tớ phải đọc đúng bài thơ. Vì thế, tớ rất nỗ lực để mong mở được cánh cửa. Bên trong cánh cửa, có thể sẽ có một món quà nho nhỏ mẹ để dành cho người nỗ lực vượt qua thử thách.
Không chỉ có thế, bố còn dẫn chứng (lại dẫn chứng) về một nghiên cứu khoa học nào đó cho rằng, sóng từ trường thì kích thích việc học thuộc nên bố tớ thường thu âm, khi thì giọng đọc của mẹ, khi thì của bố và khi thì của chính tớ vào và bật lại cho tớ nghe vào trước lúc đi ngủ. Nghe bằng cách này cũng thú vị lắm. Tớ có cảm giác như mình được nghe từ một nơi nào đó xa xôi nhưng bố mẹ lại ở gần. Nghe xong thì tớ đã chìm vào giấc ngủ.
Học thuộc lòng thì khó khăn như thế, phải dùng nhiều “chiêu trò” như thế nhưng với việc học kể chuyện thì lại khác hẳn. Lý thú lắm các bạn ạ! Chắc bạn nhỏ nào cũng thích nghe kể chuyện phải không? Khi chưa biết chữ, điều mong mỏi nhất của tớ là được nghe ông bà, bố mẹ kể chuyện. Tớ thích tất tần tật các thể loại, từ truyện cổ tích, truyện thần thoại, ngụ ngôn đến trinh thám... Tớ say mê bước vào một thế giới khác trong truyện với bao điều thần tiên thật khó diễn tả thành lời. Ở nhà, bố thường là người kể chuyện cho tớ nghe. Giọng bố tớ trầm ấm, ru cũng hay mà kể chuyện thì đúng là mê li. Bố lại có tài thay đổi ngữ điệu làm cho câu chuyện trở nên sống động như đang diễn ra ngay trước mắt mình.
Biết tớ thích nghe kể chuyện nên bố mẹ đã “tận dụng” tối đa điều này nhằm phát triển khả năng ngôn ngữ cho tớ. Trước khi kể một câu chuyện, bố mẹ thường hỏi những điều tớ nhớ được từ những câu chuyện cũ. Kể xong truyện rồi, bao giờ bố cũng hỏi: Con có thích không? (Câu trả lời luôn luôn là: Con thích lắm ạ, thế mà bao giờ bố cũng hỏi). Sau đó, bố hỏi tiếp: Chà, con thích nhân vật nào nhất? Cái này dễ, người nào tốt thì tớ thích mà những kẻ xấu xa, độc ác thì không ai thích rồi. Nhưng tiếp đến sẽ là một loạt câu hỏi khó nhằn, kiểu như: Kết thúc truyện như thế có hợp lý không con? Con xem chi tiết nào trong truyện có vẻ không hay, bỏ đi thì tốt hơn? Con có thích sáng tạo ra thêm nhân vật nào nữa để câu chuyện thêm hay không? Tớ khoái nhất điều này, gì chứ sáng tạo thêm nhân vật thì đúng là “sở trường” của tớ. Dù chẳng liên quan nhưng bao giờ tớ cũng cho thêm những “kiểu nhân vật điển hình” vào như nhân vật đó chính là tớ chẳng hạn với phép thuật và tài năng khiến cho những kẻ xấu phải đảo điên, lo sợ. Hoặc nhân vật mới có thể là chiếc trực thăng bỗng nhiên xuất hiện để giải cứu cho nàng tiên hoặc công chúa đang bị hãm hại. Bố luôn khen là tớ rất sáng tạo tuy nhiên cũng lưu ý là, ở thuở xa xưa, chưa có trực thăng đâu. Không hề gì, truyện có quyền hư cấu, bố đã nói thế rồi mà.
Tớ càng lớn, những câu chuyện càng phong phú. Cách kể chuyện của bố mẹ cũng khác, không còn kiểu rất trẻ con là tớ ngồi yên hoặc nằm trên giường chỉ việc lắng nghe bố mẹ kể. Bây giờ tớ cũng tham gia vào những câu chuyện bằng cách: Bố mẹ sẽ phân cho tớ một vai trong câu chuyện nào đó, khi bố mẹ kể, tớ sẽ phải căn cứ vào những lời đối thoại để tự xem nhân vật của mình sẽ nói gì. Trong truyện Cô bé bán diêm chẳng hạn, tớ sẽ vào vai cậu bé ngỗ nghịch đã trêu chọc cô bé bán diêm. Lúc bố kể đến đoạn, cô bé đang run người vì lạnh, môi tím tái, đôi giày rách tả tơi nhưng không một ai để ý thì một thằng bé nghịch ngợm đã xuất hiện. Lúc này tớ sẽ giả giọng và nói những câu:
- Ê, con bé kia, đi đâu thế? Tại sao mày không chào tao? Đưa đôi giày bẩn thỉu của mày đây!
Và mặc cho cô bé run rẩy lo sợ, tớ đã giật lấy một chiếc giày và ném ra ngoài đường rồi cất tiếng cười nhạo báng trước khi bỏ đi.
Đấy, tớ sẽ hóa thân vào những nhân vật như thế. Nhưng tớ thường thích chọn những nhân vật tốt. Tuy nhiên, tất cả đều dưới sự “phân công” của bố. Bởi kết thúc mỗi câu chuyện, bố thường hỏi:
- Đóng nhân vật đó, con có thích không? Con thấy làm như thế có hay không? Những điều mà nhân vật làm gây ảnh hưởng gì đến người xung quanh?
Mỗi câu chuyện luôn làm tớ suy nghĩ rất lâu. Tớ thực sự thích cách làm của bố mẹ trước mỗi câu chuyện. Thú vị hơn nữa là thi thoảng, cả nhà sẽ cùng nhau “làm” lại câu chuyện nào đó. Điều này mẹ tớ học được từ cách giáo dục của Nhật Bản. Người Nhật cho rằng, với trẻ em, việc tiếp xúc bằng các giác quan với đồ vật là vô cùng quan trọng cho việc phát triển tư duy. Vì thế, các quyển sách dành cho trẻ em của Nhật thường có các hình vẽ nổi để trẻ có thể vừa đọc vừa sờ. Nếu câu chuyện về con rắn chẳng hạn sẽ có hình vẽ con rắn với bộ da như thật, sờ vào trơn ráp. Nếu câu chuyện có bãi cát chẳng hạn, bạn sẽ được chạm tay vào bãi cát không khác gì ngoài công viên.
Nhưng những sách như thế này thường rất đắt mà nội dung lại đơn giản nên mẹ tớ đã quyết định, cả nhà sẽ tự tạo ra câu chuyện. Để chuẩn bị, trước đó, hai mẹ con đã mày mò sưu tầm những vật thật liên quan đến câu chuyện: lá, hoa, quả, sỏi, đất... tất cả những gì có thể tìm được, mẹ rửa thật sạch và sau đó ghép vào những mảnh giấy trắng. Bây giờ là khâu kể chuyện. Bố mẹ kể đến đâu, tớ được quyền tham gia vừa đối thoại vừa minh họa bằng hình vật thật. Nhiều lúc cả nhà cười bò vì mẹ làm nhầm, câu chuyện có rau cải mà mẹ, do sơ ý đã để vào đấy lá cây anh đào. Mặc cho tớ minh họa, cái này nấu lên ăn rất ngon thì bố tủm tỉm: nhưng hơi nguy hiểm!
Sau đó, mẹ tớ mua được một bộ rối tay. Ở Nhật Bản, rối tay là phương tiện chủ yếu dùng trong các tiết kể chuyện cho trẻ mẫu giáo. Bạn xem một bộ rối tay trong câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ nhé:
Rối tay thường làm bằng vải, rất đẹp và vô cùng dễ thương phải tội hơi đắt. Mẹ mua một bộ gồm rất nhiều con rối nhỏ. Bộ này tớ giữ được rất lâu. Đến tận khi về nước, trong một chương trình truyền hình chào Xuân mới phát trên VTV2, tớ vẫn dùng để kể cho các bạn nghe câu chuyện: Dê con không nghe lời. Bộ rối tay đó đã trở thành một người bạn vô cùng thân thiết của tớ. Bố mẹ thường khuyến khích tớ kể lại câu chuyện có dùng rối tay. Nói thật là kể chuyện kiểu đó rất lý thú nhưng mỏi tay lắm. Tay tớ khi đó nhỏ xíu (không to và mập mạp như bây giờ), những con rối thường không theo sự điều khiển của mình. Cũng có khi điều khiển được con rối thì lại quên mất lời nhưng bố mẹ luôn khuyến khích và cổ vũ nhiệt tình. Mẹ nói, chỉ cần nghe tớ kể chuyện, mẹ không cần tốn tiền đến rạp xem phim, xem kịch gì hết.
Những con rối tay tuy sinh động và tiện lợi nhưng dần dần chúng không còn phù hợp với các câu chuyện có nhiều nhân vật và nhiều hoạt động. Mẹ tớ lại nghĩ ra một cách mới. Mẹ luôn có nhiều sáng kiến (tuy nhiều lần bố thường gọi vui là tối kiến vì có những hậu quả từ sáng kiến của mẹ). Nhưng lần này thì đúng là sáng kiến thật. Mẹ in can những hình bóng của đồ vật vào một tờ bìa với màu sắc khác nhau rồi cắt ra. Ví dụ, với những câu chuyện có nhân vật là một người đàn ông mù và một con chó mẹ sẽ tìm bóng như thế này:
Với câu chuyện có nhân vật là hai bạn nhỏ, mẹ có thể tìm những cái bóng như thế này:
Xong xuôi các nhân vật, mẹ đục lỗ vào bìa và buộc dây làm con rối. Có thể biểu diễn câu chuyện trên bàn. Còn nếu muốn hấp dẫn hơn, mẹ cho vào một thùng có dán giấy bóng kính bốn phía. Xung quanh thùng, mẹ trang trí những họa tiết như hoa lá, cỏ cây. Tắt hết điện đi, chỉ để một ngọn đèn nhỏ phía bên trái, tớ sẽ được bước vào một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Và đến lượt tớ, tớ chính là người điều khiển những con rối và kể cho khán giả là bố và mẹ. Đôi khi, để giản tiện hơn, mẹ sẽ tạo những con rối ngay trên ngón tay của tớ. Các bạn sẽ ngạc nhiên không biết làm thế nào để ngón tay thành con rối đúng không? Dễ thôi, bạn cứ dùng bút vẽ và vẽ lên đó, khi là khuôn mặt người, khi là con bướm, khi là bông hoa và cử động các ngón tay. Thế là các con rối sẽ nhảy múa cho bạn xem. Vẽ ngón tay như thế này bạn nhé:
Các bạn có thấy đáng yêu không nào? Cách này thì tớ thích lắm vì tớ được thoải mái nghịch màu trên tay mà không bị mẹ mắng. Bố tớ thường than phiền rằng, kể chuyện thì hay mà hơi mất vệ sinh vì mỗi khi kể xong một câu chuyện thì không biết là ngón tay hay mặt tớ chính là hình một con rối nữa! Nếu bạn không thích cách này, bạn có thể làm như mẹ tớ, đó là lấy bút chì màu, kéo, len và keo dán rồi tạo ra những con rối bằng len. Cách này thì chỉ có mẹ tớ mới làm được thôi nhưng thú thực là không đẹp như tớ mong muốn và khi biểu diễn phải dè chừng vì len có thể bung ra bất cứ lúc nào. Từ khi có những con rối, thấy tớ đam mê với các câu chuyện, bố mẹ bắt đầu khuyến khích tớ tự tạo ra các câu chuyện của mình. Những câu chuyện đơn giản nhưng đối với tớ đó là cả một “tác phẩm” vĩ đại vì để làm được ra nó không đơn giản chút nào.
Dưới đây là một “câu chuyện” mà tớ đã sáng tác để biểu diễn cho bố mẹ xem. Để thực hiện được, tớ phải bàn bạc rất lâu và nhờ sự trợ giúp của mẹ vì trong câu chuyện có tới ba nhân vật là ba bàn tay mà tớ thì, tất nhiên chỉ có hai bàn tay thôi. Trước khi bắt đầu, tớ đã vẽ hình ba khuôn mặt con gái lên ba bàn tay, thêm đạo cụ là một quả bóng bay màu trắng và một cái bút vẽ. Nào bắt đầu nhé!
Bàn tay 1 (là bàn tay của tớ đấy): xuất hiện: Cộc cộc cộc, có ai ở nhà không nhỉ? Mọi người đi đâu mà vắng vẻ thế? Tôi buồn quá! (những ngón tay cụp xuống).
Bàn tay 2 (của mẹ tớ): Ha ha, xin chào!
Bàn tay 3 (cũng của mẹ luôn): Có tôi đây, bạn đừng buồn. Bàn tay 2: Chúng tớ đang đi dạo.
Bàn tay 3: Chúng tớ đang cùng ca hát.
(Một quả bóng bay màu trắng xuất hiện, nó xoay quanh những bàn tay).
Bàn tay 1: Ôi, anh chàng nào mà béo múp thế này? Bàn tay 2: Anh chàng bóng bay bụ bẫm đó bạn ạ.
Bàn tay 3: Chắc anh ấy muốn nói điều gì đó với chúng ta. Bàn tay 1: Thật ư? Sao tôi thấy anh ấy cứ im lặng?
Bàn tay 3: Đúng thế, anh ấy muốn nói nhưng mà không thể nói được. Bàn tay 2: Vì anh ấy đang bị mẹ mắng.
Bàn tay 3: Ôi, đừng buồn. Mẹ mắng vì mẹ yêu mình thôi!
Bàn tay 2: Chúng mình hãy tặng những nụ cười cho anh ấy nhé. Nào cùng vẽ một cái miệng thật xinh. Để cùng hát vang: lá la lá la. Một cái miệng để ăn, măm măm măm măm. Tôi muốn nhìn thấy cái miệng thật tươi của anh chàng bóng bay bụ bẫm.
Bàn tay 1: Một sáng kiến rất hay!
Bàn tay 3: Tôi bắt đầu vẽ nhé. Cái miệng tuyệt xinh đây này!
Bàn tay 1: Hoan hô, xong rồi.
(Xuất hiện quả bóng nhỏ với một cái miệng mỉm cười)
Câu chuyện chỉ có vậy thôi. Bố tớ thì nhận xét: Các nhân vật xuất hiện rất ổn, các lời thoại cũng hay nhưng mà chuyện hơi... buồn ngủ. Hì hì, tớ thấy cũng hay mà!
Xa những câu chuyện nho nhỏ từ các con rối tay, dần dần, bố mẹ đã không còn là người kể chuyện cho tớ nữa mà tớ chính là người “tạo nên” các câu chuyện chỉ có điều chúng phức tạp hơn và có nhiều tình tiết hơn những câu chuyện kiểu như chuyện về quả bóng bay ở trên.
Có một số cách mà bố mẹ thường dùng để giúp tớ hình thành các câu chuyện hoặc khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn như: Bố mẹ chỉ kể phần đầu, phần cuối câu chuyện do tớ tự thêm vào. Tớ luôn thích cách này. Nhiều câu chuyện nếu theo nguyên bản thì có những cách kết thúc không mấy thú vị. Bây giờ được quyền thay đổi và nhào nặn theo ý của mình, tớ thấy những nhân vật trong truyện trở nên rất gần gũi và mình thực sự có trách nhiệm với “số phận” của từng nhân vật. Ví dụ nhé, câu chuyện Cô bé bán diêm thì nhiều bạn đã biết rồi. Mỗi lần nghe câu chuyện này là một lần tớ xúc động ngồi lặng người suy nghĩ. Cái chết của cô bé trong đêm Noel giá lạnh thực sự chạm đến trái tim tớ, khiến tớ thổn thức và thương xót. Tớ muốn được làm một điều gì đó để “cứu” cô bé, và thế là câu chuyện của tớ được kết thúc như thế này.
Cô bé ngồi co ro bên tòa cao ốc. Bên trong, đèn điện bật sáng trưng, mọi người ra vào tấp nập. Ai cũng hồ hởi nghĩ đến giây phút chào đón năm mới. Cô bé run rẩy cầm bao diêm. Những que diêm đã ướt. Cô bật que thứ nhất, ánh sáng cháy lóe lên rồi vụt tắt. Trong khoảnh khắc đó, cô đã kịp nhìn thấy mẹ của mình.
Cô òa lên: “Mẹ ơi!” Khi cúi xuống để tìm kiếm, cô thấy dưới ánh nhìn là một đôi giày nam. Ngẩng mặt lên cao hơn, cô nhìn thấy bố! Ông đang đứng đó, ánh mắt nhìn như ân hận, xót xa. Thoáng run sợ, cô chỉ mấp máy: “Ch...a!” Ông ngồi xuống, lấy đôi bàn tay to xù xì của mình, ấp vào đôi tay lạnh giá của cô: “Con gái, mẹ đã cử cha đến đây khi nghe lời gọi của con.” Cô òa khóc, những giọt nước mắt rơi trên tay cha. Lặng lẽ, hai cha con lấy bao diêm và quẹt từng que, từng que. Ánh sáng lóe lên trên khuôn mặt hai cha con, hết que này đến que khác. Lẫn trong ánh sáng huyền ảo đó, tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Đêm Giáng Sinh của hai cha con diễn ra trong ánh lửa của những que diêm, tuy không đủ làm tan đi giá rét nhưng đủ để sưởi ấm trái tim cô bé.
Bạn thấy thế nào? Tuy không hay được như nguyên gốc (tất nhiên rồi) nhưng tớ thích cách kết thúc không làm đau đớn trái tim cô bé và an ủi cả người đọc nữa. Bố tớ nói, không phải lúc nào mọi câu chuyện cũng có kết thúc vui vẻ. Mỗi câu chuyện chính là một tấm gương phản ánh một phần cuộc sống mà cuộc sống thì không phải lúc nào cũng chỉ toàn nụ cười, còn có những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt, có gặp gỡ, có chia ly. An-đéc-xen là người kể chuyện cổ tích cho trẻ em hay nhất trên thế giới.
Không phải ông không thương cô bé bán diêm nhưng ông muốn để trẻ em hiểu và chia sẻ với những số phận bất hạnh hơn mình. Đúng là một lời giải thích rất hợp lý nhưng dù sao, tớ vẫn thích được thay đổi câu chuyện theo cách của mình hơn.
Không chỉ sáng tạo truyện theo cách thêm phần kết cho câu chuyện, bố mẹ còn “ra bài tập” khó hơn đó là bố mẹ cho những tình huống hoặc nhân vật, tớ sẽ phải kể một câu chuyện ngắn xung quanh chúng hoặc tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ví dụ về các tình huống nhé:
♦ Một chú bé không chịu ăn rau (chú bé này có thể là chính tớ đấy).
♦ Một quả bóng bay đi lạc.
♦ Một con mèo ăn nhầm thuốc dành cho người khổng lồ.
♦ Một con thiên nga hóa thân từ một nàng công chúa.
Các bạn có thể nghĩ ra những câu chuyện từ các tình huống này không? Tớ luôn nghĩ ra những câu chuyện rất buồn cười. Mỗi câu chuyện, khi tớ kể, mẹ đều cẩn thận ghi chép lại. Ví dụ với tình huống 1, câu chuyện của tớ là:
Có một cậu bé rất khôi ngô, bụ bẫm. Cậu thích chơi ô tô và máy bay. Cậu thích ăn bánh mì kẹp thịt nguội, thịt lợn kho tàu, thịt bò nướng, thịt gà rán... Nói chung là mọi thứ thức ăn có liên quan đến thịt. Nhưng chỉ có điều cậu không hề thích ăn rau. Rau không có vị thơm ngon như thịt và lại nhạt nhẽo vô cùng. Mặc dù mẹ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng cậu vẫn rất khó chịu mỗi lần phải ăn rau. Một hôm, cậu gặp một ông già có làn da nhăn nheo, khuôn mặt nhàu nhĩ. Cậu sợ quá định bỏ chạy, nhưng ông già cất tiếng gọi: “Nam ơi!” Cậu nghe giọng nói quen quen nhưng không nhận ra là ai. Ông già lại nói tiếp: “Tớ đây, tớ là Nandim, hàng xóm nhà cậu đấy.” “Cái gì, Nandim á?” Nandim chỉ mới 5 tuổi, hơn cậu có một tuổi, ngày nào cũng ra công viên chơi với cậu đây mà. “Sao... sao mặt cậu lại nhàu nhĩ trông hệt ông già thế?” “À... à, tại tớ không ăn rau nên da nhăn nheo và xấu xí thế đấy.” Cậu toát mồ hôi, miệng kêu ú ớ. Bỗng có tiếng mẹ: “Dậy đi Nam ơi, sáng rồi.” Cậu chồm người dậy: “Mẹ ơi, sáng nay mẹ cho con ăn rau!”
Bạn thấy thế nào? Câu chuyện cũng ổn phải không nào? Để có được câu chuyện này, hai mẹ con tớ đã bàn bạc với nhau rất kĩ và rồi nó được hình thành dưới sự “định hướng” của mẹ. Vì mẹ tất nhiên là thích tớ ăn rau rồi. Nhưng với mỗi tình huống, bố mẹ luôn khuyến khích tớ nghĩ đến nhiều câu chuyện có nội dung khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở một câu chuyện thôi đâu. Cũng chính tình huống trên, tớ đã nghĩ đến một câu chuyện khác có nội dung thế này:
Một cậu bé không thích ăn rau. Mỗi bữa ăn, thay vì phải ăn cả rau, thịt và cá thì cậu chỉ ăn thịt và cá thôi. Chỉ cần một cọng rau nhỏ dính vào là cậu cũng nhặt bỏ ra. Một hôm, cậu bé được mẹ cho đến chơi ở một vườn rau. Vườn rau đẹp lắm, các loại rau đều xanh non, mỡ màng. Bỗng nhiên, một lá rau vươn dài, quấn vào chân cậu. Cậu nhìn xuống, lá rau bật khóc nức nở. “Sao thế? Sao cậu lại khóc thế?” “Dạ, vì cậu chủ chẳng bao giờ ăn rau. Vườn rau này rồi không người nào đến hái, sẽ héo úa hết thôi.” Cậu ngồi xuống an ủi. “Tôi biết rồi, đừng khóc nữa.” Cây rau vẫn níu chặt chân cậu. “Nhưng cậu hứa phải dùng chúng tôi mỗi bữa ăn nhé. Chúng tôi sẽ thành những món ăn ngon và rất bổ dưỡng cho cậu.” Cậu bé gật đầu: “Tôi hứa.” Thế là các cây rau đều rì rào, rì rào cảm ơn cậu bé. Vườn rau lại ngập tràn trong màu xanh mơn mởn.
Câu chuyện thứ ba cũng từ tình huống này nhé:
Một cậu bé không ăn rau. Các loài rau cỏ họp nhau lại, bàn cách xem làm thế nào để cậu bé từ bỏ thói quen đó. Chúng quyết định sẽ mở một cuộc thi xem loại rau nào ngon nhất và mời cậu bé làm ban giám khảo. Cậu bé nhận lời. Cuộc thi bắt đầu. Các loại rau dưới sự điều khiển của người đầu bếp tài ba bỗng trở thành những món ăn ngon lành. Rau bắp cải xào cà chua, rau muống xào tỏi, xalat khoai tây, cà tím nấu đậu... rất nhiều món ăn từ rau. Ban giám khảo nếm từng món. Chà, trong cương vị ban giám khảo, cậu bé phải nếm thật cẩn thận để đem lại sự công bằng cho các thí sinh. “Ôi, sao món nào ăn cũng được thế nhỉ!” Sao những món này hàng ngày mình lại không hề đụng đến nhỉ? Cậu bé nếm náp ngon lành. Thật khó để chọn ra một món ngon nhất. Cuối cùng, cậu đã quyết định chọn món xalat tổng hợp từ các loại rau củ. Món này vừa thơm vừa ngậy. Sau cuộc thi, cậu bỗng nhớ đến các món ăn. Thế là, từ hôm đó, trong bữa ăn, bao giờ cậu cũng có một món rau đã từng là “thí sinh” của cuộc thi mà mình làm ban giám khảo. Tất nhiên cậu ưu tiên món ăn mà mình đã trao giải Nhất hơn, đó là món đã trở thành “khoái khẩu” của cậu. Kể từ đó về sau biệt danh “cậu bé không ăn rau” đã không còn nữa.
Ghi chú của người chép truyện: Cậu bé không ăn rau là Nam, người đầu bếp tài ba là mẹ và món salad tổng hợp chính là món ăn thường ngày của Nam.
Những câu chuyện này, khi tớ nghĩ để kể thì cũng không được hay như thế đâu nhưng mỗi lần chép lại, mẹ đều bàn với tớ phương án để cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, thú vị. Như câu chuyện thứ hai chẳng hạn, tớ không nghĩ ra việc miêu tả các loại rau trong vườn sao cho đẹp. Mẹ gợi ý: Vườn rau thường có màu gì nhỉ? Viết là màu xanh có vẻ không hay, hay ta dùng xanh mơn mởn nhé. Cứ thế, câu chuyện được hình thành và “người chép truyện” lúc nào cũng tỏ ra rất hài lòng. Để tớ thấy hứng thú hơn, thậm chí trước mỗi tình huống, cả bố mẹ và tớ đều thi xem ai là người nghĩ ra tình huống hay nhất, hợp lý nhất, hấp dẫn nhất. Bao giờ tớ cũng được trao giải: Buồn cười nhất vì có những điều, hầu như bố mẹ không nghĩ ra.
Ở tình huống con thiên nga hóa thân từ nàng công chúa chẳng hạn, trong khi bố mẹ nghĩ đến lời nguyền của mụ phù thủy hay bà dì ghẻ độc ác thì tớ nghĩ đến việc một cô bé thích được bay như chim. Với mong ước đó, cô nghĩ đến các loài chim mà mình sẽ hóa thân nhưng loài thì bé nhỏ quá, loài thì xấu xí quá, cuối cùng chỉ có thiên nga là hơn cả. Thiên nga thì đẹp, nghe tên cũng hay. Phiền một nỗi là thiên nga hay bay xuống nước. Cứ khi đang ngủ (lúc đó là cô bé đang ngủ chứ không phải thiên nga) thì hình hài của cô là con thiên nga lại lao ùm xuống nước làm cô lạnh run người. Thế là cô đành từ bỏ giấc mơ biết bay để quay về làm công chúa nhõng nhẽo thôi. Nghe không có vẻ cổ tích chút nào phải không các bạn? Dù vậy, câu chuyện của tớ vẫn được bố mẹ “like” nhiệt tình và còn đem khoe bạn bè nữa chứ.
Việc sáng tác câu chuyện với các tình huống đã khó, nhưng sự sáng tạo này còn khó hơn. Đó là bố mẹ sẽ cho một vài nhân vật. Nhiệm vụ của tớ là dùng các nhân vật đó để sáng tác thành một câu chuyện. Tớ luôn phải suy nghĩ rất lâu. Có những khi hình thành một câu chuyện khá ổn rồi thì phát hiện ra là... thừa nhân vật hoặc không sử dụng hết những nhân vật mà bố mẹ đã “giao nhiệm vụ”. Thế là lại phải tìm cách để cho nhân vật đó đi lại, nói cười trong câu chuyện sao cho hợp lý nhất. Càng ngày những yêu cầu này càng khó, nghĩa là các nhân vật lại có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau. Các bạn xem những yêu cầu đầu tiên ở thể loại này mà bố mẹ tớ “ra đề” nhé: Hãy nghĩ ra một câu chuyện với các nhân vật: giọt nước và nhà du hành. À, câu chuyện này thì đúng là sở trường của tớ.
Không cần mất nhiều thời gian, tớ đã nghĩ ra ngay câu chuyện. Nội dung câu chuyện là:
Một giọt nước mơ được chu du khắp đó đây. Nó bốc hơi, bay lên cao. Ở đó, nó gặp nhà du hành. Nó bám vào cánh của con tàu trong đó có nhà du hành và trò chuyện. Nhà du hành khuyên nó mau trở lại với mẹ sông của mình nếu không nó sẽ tan biến mất. Nó nghĩ, thế còn nhà du hành thì sao, tại sao ông lại có thể cứ rong chơi như thế trong khi nó thì không? Nhà du hành giải thích rằng ông phải có một người trợ giúp đắc lực là con tàu của mình nếu không ông cũng sẽ rơi ngay xuống đất. Con tàu càng lúc càng lên cao. Giọt nước thấy mình nhỏ lại. Và nó thấy đau rát khắp người. Nó đành vẫy tay chào tạm biệt nhà du hành và thả người rơi xuống. Chỉ một lát nó đã về với dòng sông mẹ hiền hòa và mát mẻ, kết thúc chuyến hành trình của mình.
Mẹ rất thích câu chuyện này, đối với mẹ, bất cứ câu chuyện nào có kết thúc là người con sau một hồi ngao du nhớ ra mẹ của mình và trở về với mẹ đều hấp dẫn và đáng khen. Vì thế, khi tớ chỉ mới chợt nói ra ý tưởng của mình là mẹ đã ngay lập tức, từ bếp, chạy vào ghi ngay câu chuyện của tớ vào trong sổ với dòng chú thích: Ủng hộ bạn Nam với ý tưởng sáng tạo đáng yêu!
Nhưng có những câu chuyện mà bố tớ “ra đề” thì “khoai” hết chỗ nói. Đây là một ví dụ về một đề bài của bố: Hãy tưởng tượng ra câu chuyện với những nhân vật là: ông bố, con chằn tinh, em bé, con chim. Tớ cứ nghĩ mãi. Con chằn tinh ăn thịt em bé, con chim chạy đi báo và ông bố đến cứu chăng? Nhưng nghe có vẻ không hấp dẫn. Vả lại có vẻ như ông bố sẽ khó đánh thắng con chằn tinh. Hay là em bé lạc trong rừng, được con chằn tinh chăm sóc, ông bố tìm thấy con, cảm động trước sự chăm sóc của con chằn tinh thế là thưởng cho nó con chim! Hà hà, bố tớ đã bật cười rõ to khi nghe cách tớ tạo dựng nên câu chuyện kiểu này. Với bố, câu chuyện thế nào cũng được cả miễn sao nghe có vẻ xuôi tai là được. Dù trong thực tế, chằn tinh có vẻ như không thể nuôi được em bé và ông bố sẽ không thể lấy con chim để tặng chằn tinh! Nhưng bố không bao giờ nói thế! Bố đều khen: Quá hay, quá hấp dẫn! Truyện thế rất đáng đọc! Làm tớ cứ gọi là sướng ngây ngất. Nếu là bố, câu chuyện sẽ là:
Ông bố giống hệt con chằn tinh, suốt ngày chỉ muốn ngửi hít mùi thơm trên da thịt của em bé, lấy răng nhay nhay vào má, vào tay, vào bụng em bé. Nhưng chỉ là giống con chằn tinh thôi chứ không phải là con chằn tinh thật nên sẽ chẳng ăn thịt em bé đâu. Em bé mỗi khi được ông bố chằn tinh thơm và nhay nhay như thế lại bật cười khanh khách. Tiếng cười giống hệt tiếng chim. Thế là chim bay về đầy vườn. Chúng đậu trên cây hồng trước nhà cất tiếng hót véo von. Và người ta không nhận ra đâu là tiếng cười của em bé, đâu là tiếng chim nữa. Bố mở ngoặc, ông bố chằn tinh chính là bố và em bé là Nam.
Nói xong, bố cúi xuống, dùng râu, dùng răng, cù lét trên bụng, trên ngực tớ. Tớ cười toe toét, bố nói:
- Tiếng chim đấy, tiếng chim đấy, câu chuyện của bố hay chưa nào?
- Không chịu, bố phạm luật nhé, yêu cầu của bố là nhân vật chỉ có một con chim mà trong câu chuyện của bố lại xuất hiện bao nhiêu là chim.
- Ờ nhỉ! - Bố ngẩn người:
- Bố thua cu Nam rồi. Nhưng thôi, bố cứ là chằn tinh thèm “ăn thịt” cu Nam là được.
Bố lại rúc đầu vào thơm tớ, thơm mãi. Những câu chuyện như thế rất vui phải không các bạn. Vậy nên, mỗi buổi tối, cả nhà tớ thường ngồi bình chọn xem câu chuyện của ai hấp dẫn nhất. Và người thư kí cần mẫn là mẹ lại ghi chép lại tỉ mỉ. Tớ biết ơn mẹ về điều đó, nhìn cuốn sổ, tớ gặp lại tuổi thơ mình. Nếu không, những câu chuyện đó theo thời gian sẽ chỉ còn lại rất mơ hồ.
Nhưng không phải lúc nào tớ cũng “hợp tác” với mẹ trong việc sáng tác những câu chuyện đâu. Có rất nhiều lần, mặc kệ các tình huống và các nhân vật chờ đợi, tớ vẫn mải mê với đống đồ chơi vô cùng hấp dẫn của mình. Nhưng mẹ chẳng lấy thế làm buồn. Đối với mẹ, khi nào tớ cảm thấy thực sự thích thú thì “cuộc chơi” với các từ ngữ mới bắt đầu, còn nếu không, tớ cứ việc thỏa thích với đam mê của mình. Có thể vì việc “buông lỏng quản lý” này lại khiến tớ dễ chịu nên, tớ không chán với những câu chuyện mà coi chúng là một phần trong số những trò chơi thú vị của mình. Học tự nhiên thông qua sinh hoạt hàng ngày là cách học hiệu quả cho mọi trẻ em, tớ nghĩ như thế.
Lúc ấy, tớ không nghĩ rằng việc sáng tác những câu chuyện lại là tiền đề để tớ phát triển khả năng tưởng tượng, khả năng ngôn ngữ cũng như rèn luyện tư duy hình tượng. Chỉ đến khi đi học, nhất là ở những lớp học cao hơn, tớ mới thấy hết tác dụng của nó. Tớ không gặp khó khăn gì trước mỗi bài tập đòi hỏi phải dùng đến trí tưởng tượng. Và không chỉ đối với Tiếng Việt, với môn Tiếng Anh, những thói quen sáng tác câu chuyện từ các nhân vật hoặc các chi tiết mà tớ được tích lũy từ khi còn bé đã giúp tớ rất nhiều. Môn Tiếng Anh mà tớ học ở trường hiện nay có các thầy, cô giáo người Mỹ hoặc người Anh phụ trách. Một điểm đặc biệt là kiểu bài sáng tác một câu chuyện dựa trên các nhân vật cho trước rất phổ biến trong chương trình Văn học ở trường phổ thông Mỹ. Thầy cô giáo thường ngạc nhiên vì khả năng sáng tác của tớ. Mới đây nhất, thầy yêu cầu viết một truyện ngắn, tớ đã hoàn thành trong vòng 40 phút. Thầy nói rằng: chỉ thể dùng từ Tuyệt vời vì kết cấu câu chuyện hợp lý, cách miêu tả ấn tượng. Những điều này đối với ngay cả học sinh bản ngữ cũng không phải dễ thực hiện. Tớ sướng rung rinh. Và tớ biết rằng, chính những bài học mà bố mẹ rèn giũa từ khi còn bé đã giúp tớ thực hiện các công việc này một cách dễ dàng.
Đây là một trong những bài tập mà tớ được thầy giáo đánh giá cao:
Xin chao Vietnam
“Once upon a time, in a faraway land, there was a beautiful princess. Wherever she came, the flowers there would start to blossom and the fruits would start to ripe. She had many lovely dresses, each of them gave her fairy power and they even make the princess more beautiful. She’s very talented and the sound she made by the violin would made the even the sun had to smile...”
Ha listened to her mother with an untempered attention. In her mother’s stories, Ha always imagined herself as the characters in them: sometimes Ha turned into beautiful princesses, sometimes she turned into faries and lovely flowers. And only in her mother’s stories that Ha could temporarily forget about her rough life circumstance...
Ha had never met her dad. Her mum said that her dad died in the Vietnamese war when she was having birth to her. Before her dad’s death, they managed to live well and to build a good house. But after his death, Ha’s mum, both having to sustain life but also having to take care of the new - born baby, had to sell everything to the last thing. They had to rent a small, dirty room in the slumdog of the city, surrounded by the sound of the crowded market nearby and by the dusty and filthy environment, to live day by day. Ha’s mum had to work as a housemaid to earn little money for normal expenses. They only got to have one meal a day, and sometimes they had nothing at all. However, Ha’s mum still managed to send Ha to a small school to study. But Ha didn’t want to study, even she was intelligent and was also quick - witted too. She wanted to help her mum with works and she loved and respected her mum alot. In Ha’s glance, her mum’s like an angel to her, who shred her way and who enlightenned her. Ha had a strong characteristic. She loved to try new things, but she’s really disobedience in class. But one circumstance will change her view of life forever...
At last, Tet Holiday, the celebration of the end of the New Year, had came. Both Ha and her mum was really excited because only in this holiday that they got a chance to relax. The 23th of December, according to Lunar Calendar, is the last day that Ha’s mum worked. That day is also the day that you have to place an altar and burn the incense to worship the Kitchen Gods, or Zao Shen for them to come back to the kingdom in the sky and report to the King of Heaven. Knowing that Ha’s family didn’t have any money, the house where Ha’s mum work gave her a pair of Chung cakes and a pack of incense. She came back home at late noon. That time, Ha was very hungry already because she had abstained from food for a day already. Seeing mum, Ha immediately said:
- Mum, can I have some thing to eat?
- Oh my darling, we had to worship and wait for the incense to stop burning. Then you can have this delicious Chung cake!
- Oh mum!!
Ha sighed. She really wanted to have something to put in her roaming stomach.
- Just be patient honey. Now, I am going out to the market. Wait for me at home! When the incense stops burning, just take the Chung cake and eat it. Remember to wait until the incense stops burning!
- Ok mum!
Then, when mum left, Ha waited, and waited, but the incense still burned very brightly. Many times, she wanted to take the Chung cake down, but she couldn’t because she was really scared. What if the spirit went mad at her? Then, because of waiting too long, she was exhausted and was left unconcious. Two hour and a half later, Ha’s mum came back home and saw her daughter unconcious. She immediately brought her on bed and let her rest their. Then, she looked up at the altar and still saw the incense burning. Feeling totally surprised, she inspected the incense. And it turns out that the incense used battery! Burst out in surprise, she cried: “When will our family stop being poor? When can we buy our own incense? When can we have full meals? When!!!”
After that circumstance, Ha was deeply touched. She thought that to stop being poor, she must study really hard. She was really determined to study. At last her efforts were compensated: She got a scholarship “for poor but talented students” to go to the US to study. At first, she really missed her mum, but then, because of studying, of competitions, she started to forget thinking about her mum. At the first 2, 3 years, she came back to visit her mum and gave her money, but then, the cycle of life didn’t allow her to stop. She struggled really hard, and managed to become a very successful businesswoman. One night, when she was working late, her mind had the image of her mum again. She blamed herself, and she decided to came back to Vietnam immediately.
The 24-hour flight made Ha’s head waver. Her eyes, her nose were full with a warm sensation, a sensation of being home, being back after all those years. She took a cab and when back to the slumdog where her mum was waiting for her. Oh, Vietnam has changed so much! Her eyes was full with tears. “And I was such an ignorant person!” The car stopped at the slumdog. Ha stepped out, her senses was filled with the same “taste” as when she left. She walked quickly into the house that her mother and her used to live. It was still the exact same: the small, narrow bed, the altar, a princess poster on the wall, and a small table with chairs in the corner for her to study. She shouted:
- Is there any one at home?
And as to her surprise, an old, squeaky voice replied:
- Hello? Who calling me?
Ha immediately recognized her mom’s voice:
- Mom! It’s me Ha!
An old lady stepped out. She was bent with the effect of time. The hand was wrinkled and crooked with the athritis of old age. She bursted out in surprise: - Oh my god, my sweetheart! I miss you so much! How have you been? - Mum, I am still doing fine. I am now a wealthy businessman and I will bring you to the US to live!
- Oh, I am so proud of you honey!
- Mum, I am so sorry for forgetting of you for such a long time.
- No sweety, I am still fine! From the money you gave I ‘ve been able to manage to live well and I am even thinking of renting a new apartment. I don’t want to go to the U.S or some thing. This sounds like home to me already.
Ha’s eyes were full with tears. She hugged her mother deeply and her mother cried too. She told her all the stories of her being abroad and her mother also told her about how Vietnam had changed since when she left. That night, her mother told Ha princess stories like when she was young and they hugged each other really tightly when they slept, not even caring that the bed was too small for both of them...
“I want to say ‘xin chao’, Vietnam...”
Sau đây là bản dịch tiếng Việt của tớ:
Truyện kể rằng: “Ngày xửa, ngày xưa, ở một vùng đất thần tiên cổ tích, có một nàng công chúa diễm lệ và vô cùng xinh đẹp. Nàng đi đến đâu, mọi vật như bừng tỉnh. Từ nàng tỏa ra một vầng hào quang bao trùm vạn vật, làm hoa lá tốt tươi, cây trái cũng nhờ đó đâm hoa kết quả. Nàng công chúa có những chiếc váy đẹp tuyệt diệu, mỗi chiếc váy có một phép màu thần kỳ và càng làm cho nàng thêm phần rực rỡ. Không chỉ đẹp, công chúa còn rất tài năng, tiếng đàn của cô có sức quyến rũ đến cả mặt trời cũng phải mỉm cười...”
Hà lắng nghe mẹ kể một cách say sưa. Đắm mình trong những câu chuyện mẹ kể, cô được mơ những giấc mơ lãng mạn: Lúc thì được là một cô công chúa xinh đẹp tuyệt trần, khi lại trở thành những thiên thần hay hóa thành những bông hoa tươi thắm. Và chỉ khi được sống trong những câu chuyện kể của mẹ mình, cô bé mới có thể tạm quên đi vô vàn những khó khăn vất vả mà cô đang gặp phải trong cuộc sống...
Hà chưa bao giờ được gặp bố. Mẹ nói bố cô đã hy sinh, lúc ấy mẹ đang mang trong mình một hài nhi bé bỏng là cô. Trước khi cha hy sinh, gia đình cô đã từng có một cuộc sống yên ổn và hạnh phúc. Nhưng từ sau ngày cha mất, mẹ cô phải một mình chăm sóc con nhỏ và bươn trải để lo toan cuộc sống. Bà phải bán hết mọi thứ đồ đạc trong nhà. Túng quẫn, gia đình cô phải chuyển đến ở một căn hộ ẩm thấp, chật hẹp ở “khu ổ chuột” tồi tàn, bao quanh nhà là một khu chợ bẩn thỉu, nhếch nhác cùng với những âm thanh mua bán hỗn tạp suốt đêm ngày. Để có tiền trang trải hàng ngày, mẹ Hà phải làm người giúp việc với một số lương ít ỏi. Nhiều ngày Hà phải nhịn đói hoặc cả ngày chỉ được một bữa cơm đạm bạc. Tuy thế, mẹ Hà vẫn cố gắng để cho cô được theo học trong một ngôi trường nhỏ gần nhà. Hà không muốn đi học, cô chỉ mong được ở nhà giúp mẹ. Thái độ có vẻ bướng bỉnh ấy xuất phát từ việc cô quá yêu mẹ mình. Với cô, mẹ như một thiên thần được ban xuống tặng cô. Nhưng đến một ngày kia, một sự kiện đã làm thay đổi tính cách và sau này là cả tương lai của cô...
Cuối cùng thì ngày Tết cũng đến gần. Cả hai mẹ con Hà đều rất vui vì đây là những ngày duy nhất trong năm họ thực sự được nghỉ ngơi. Ngày 23 tháng Chạp là ngày mẹ Hà được nghỉ và cũng là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, thấu hiểu gia cảnh nhà cô, người chủ nhà nơi mẹ cô làm việc đã tặng mẹ con Hà một nén hương và một cặp bánh chưng. Mẹ cô bé về nhà vào cuối buổi trưa. Lúc đó, Hà đã rất đói bụng. Nhìn thấy mẹ, Hà mừng rỡ nói:
- Mẹ ơi, cho con ăn cái gì được không?
- Được thôi, nhưng mẹ con mình phải thắp hương và đợi cho hương tàn đã. Sau đó, ta mới được đánh chén chiếc bánh chưng ngon tuyệt này!
- Ôi thôi mà mẹ! Cho con ăn đi!
Hà thở dài. Cô rất muốn được lấp đầy cái bụng trống rỗng của mình.
- Hãy cố chờ đợi con yêu ạ! Bây giờ, mẹ phải ra chợ và đến nhà ông chủ một lúc. Con ở nhà đợi mẹ! Khi hương tàn, con cứ việc lấy bánh chưng xuống và ăn nhé! Nhớ phải đợi đến khi hương tàn đấy!
- Dạ vâng ạ!
Khi mẹ vừa ra khỏi nhà, Hà đã háo hức ngồi trông cho hương tàn và khấp khởi nghĩ đến lúc mình được ăn chiếc bánh chưng ngon lành ấy. Nhưng Hà đợi mãi, đợi mãi mà hương vẫn không tàn. Đợi lâu quá, cô bé ngất đi vì đói. Hai tiếng rưỡi sau, mẹ cô quay trở lại và đã thấy Hà đang ngất. Hốt hoảng, mẹ đặt cô bé lên giường và nhìn nén hương trên ban thờ. Lúc ấy, mẹ mới tá hỏa khi biết rằng: đó là một nén hương điện! Kinh ngạc, mẹ cô òa lên khóc: Bao giờ thì nhà ta mới có thể hết nghèo? Bao giờ thì ta mới có thể tự lo được cho con mình? Bao giờ!?
Sau sự việc này, Hà vừa xúc động vừa thương mẹ vô cùng. Cô nghĩ rằng để có thể thoát khỏi cảnh cơ cực, bần hàn, cô phải học thật giỏi. Và cô bé đã quyết tâm nỗ lực học tập chăm chỉ, say mê hết mình. Rồi nỗ lực của Hà cũng được đền đáp: Cô nhận được học bổng “Sinh viên nghèo vượt khó” và được đi du học ở Mỹ. Thời gian đầu, cô thương nhớ mẹ da diết. Nhưng guồng quay của học hành thi cử liên miên đã khiến cô dường như quên mất mẹ mình. Khoảng hai, ba năm đầu, cô còn về thăm mẹ hoặc gửi tiền biếu mẹ. Dần dần, nhịp sống và tốc độ học hành, làm việc không cho phép cô dừng lại. Bằng ý chí và nghị lực, cô cố gắng hết sức mình để cuối cùng đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Vào một đêm khuya, khi đang làm việc, tâm trí cô lại hiện lên bóng dáng người mẹ thân yêu. Cô tự trách mình và quyết định trở về Việt Nam ngay ngày hôm sau.
Chuyến bay dài 24 tiếng làm đầu óc Hà chao đảo. Cả tâm hồn cô tràn ngập một cảm giác ấm áp, thân thuộc, đó là cảm giác bồi hồi khi được quay trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình, được về với mẹ sau từng bấy năm xa cách. Cô bắt taxi về lại khu căn hộ tồi tàn nơi mẹ con cô từng sống. Ôi, Việt Nam đã thay đổi đến nhường này ư? Mắt cô nhòa lệ. Vậy mà mình thì lại chẳng biết trân trọng quá khứ. Xe dừng lại. Hà bước ra, một lần nữa cô nôn nao cảm nhận cái mùi quê hương thân thuộc. Cô bước nhanh vào căn nhà lụp xụp nơi có mẹ đang ngóng đợi. Mọi thứ vẫn như xưa: chiếc giường chật hẹp, cái bàn thờ, bức tranh công chúa trên tường và một chiếc bàn nhỏ kê góc phòng nơi cô từng ngồi học. Cô hỏi to:
- Có ai ở nhà không?
Trước sự ngạc nhiên của cô, một giọng nói run rẩy cất lên:
- Ai đấy?
Hà nhận ra, đó là giọng mẹ mình.
- Mẹ ơi! Con là Hà của mẹ đây!
Và một bà lão xuất hiện. Nhan sắc của bà bị thời gian làm cho mai một. Bàn tay bà run rẩy và nổi những đường gân chằng chịt. Bà ngạc nhiên:
- Ôi, con gái yêu quý của mẹ! Mẹ nhớ con nhiều lắm! Bây giờ con của mẹ thế nào rồi?
- Mẹ ơi, con vẫn ổn. Con đã trở thành một doanh nhân thành đạt và lần này con về để đón mẹ sang Mỹ sống cùng con đây.
- Ôi, mẹ rất tự hào về con, con gái yêu ạ!
- Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ vì đã lãng quên mẹ trong khoảng thời gian dài như vậy.
- Không sao đâu con ạ, mẹ vẫn ổn! Với số tiền con gửi về, mẹ đủ để an dưỡng tuổi già và thậm chí còn nghĩ đến việc sẽ chuyển đến một căn hộ mới nữa. Mẹ chẳng muốn đi Mỹ đi miếc gì đâu, đây là nhà của mẹ rồi!
Mắt Hà ngấn lệ, những giọt lệ hội ngộ vui sướng. Cô ôm mẹ thật chặt vào lòng và cả hai mẹ con cùng nức nở. Cô kể hết cho mẹ chuyện cô sống, học tập và làm việc ở bên Mỹ như thế nào, mẹ cũng kể cho cô nghe về quê hương Việt Nam đã thay đổi ra sao kể từ khi cô ra đi. Đêm hôm đó, lại như những đêm nảo đêm nào ngày cô còn thơ ấu, mẹ lại kể cho cô nghe những câu chuyện về nàng công chúa xinh đẹp. Và hai mẹ con họ ôm nhau ngủ thật ngon lành, mặc chiếc giường đã quá nhỏ đối với cả hai người...
Tôi muốn nói rằng: Xin chào Việt Nam.
Khi tớ viết câu chuyện này, thầy giáo người Anh rất cảm động. Thầy hào phóng đặt cho tớ biệt danh là nhà văn. Tớ thì không nghĩ mình sẽ thành một nhà văn. Đơn giản vì đó là những kĩ năng tớ đã được rèn luyện mà thôi. Nếu các bạn chịu khó tạo cho mình một thói quen quan sát và suy nghĩ trước một vấn đề, tớ đảm bảo các bạn sẽ có nhiều vốn sống và khi ấy, ngôn ngữ chỉ là cầu nối để chuyển tải những suy nghĩ của mình. Bố mẹ đã giúp tớ rất nhiều trong việc quan sát thế giới xung quanh. Điều này nhiều khi được hình thành từ những trò chơi mà tớ và mẹ thường hay chơi mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy. Lúc ấy, tớ hoặc mẹ sẽ bốc thăm xem ai là người quan sát. Người nhận nhiệm vụ quan sát sẽ ra sân và quan sát bất kì vật gì. Sau đó, khi trở vào, nhiệm vụ của người quan sát là nói về vật đó nhưng không kèm tên gọi. Người nghe phải đoán đúng tên gọi đó. Chơi trò này cũng rất thú vị. Nhiều khi, quan sát xong một vật mà tớ không biết miêu tả thế nào. Ví dụ cây hải đường chẳng hạn. Xem nào, tớ nói gì nhỉ:
- Mẹ ơi, cái cây có hoa to, màu hồng.
- À, hoa hồng. Mẹ sẽ reo lên.
- Không phải, cây thâm thấp.
- À, hoa mẫu đơn.
- Cũng không phải, lần cuối nhé, cây có lá màu xanh.
- Ồ, thế thì mẹ chịu rồi, cây nào chẳng có lá màu xanh.
Ờ nhỉ, tớ ngẩn tò te. Mẹ ôm tớ vào lòng. “Con chỉ cần nói xem nó có gai không này, nó có dùng để mẹ hái mang vào nhà cắm trong lọ không này, thế là mẹ đoán ra ngay.”
Ui, thế mà tớ không nghĩ ra, mẹ tài thật. Vậy là, từ lần sau tớ rút ra kinh nghiệm khi quan sát là cần chú ý đến đặc điểm của vật được quan sát, cách thức chúng ta sử dụng và nơi mà chúng ta đã quan sát được vật đó. Thế là mẹ đoán được ngay, cũng có nghĩa là tớ đã quan sát và miêu tả thành công rồi. Việc quan sát và miêu tả này cũng áp dụng với các đồ vật khác trong nhà nhưng cách thức thì khác. Với đồ chơi chẳng hạn, mẹ và tớ sẽ chơi trò: Tìm đồ chơi bị thất lạc. Tớ chia cho mẹ một nửa đống đồ chơi, mẹ sẽ vờ làm mất một trong số những đồ chơi đó và dán lên cửa một thông báo, kiểu như:
Tôi tên là Điệp, tôi đang tìm một đồ vật có màu xanh làm bằng nhựa. Trên đồ vật đó có nhiều vết xước. Đồ vật có thể nổi trên mặt nước nhưng nếu bạn ngồi vào thì có khả năng nó sẽ chìm. Ai tìm được xin làm ơn mang tới cửa phòng ngủ số 2. Xin cảm ơn và hậu tạ.
Tớ thì chưa biết đọc nên mỗi khi có thông báo lại phải nhờ mẹ đọc giúp. Sau khi nghe miêu tả, tớ hào hứng tìm kiếm, vì tớ thừa biết đồ vật mẹ đang cần tìm là chiếc tàu thủy đồ chơi mà tớ mua ở bến tàu Tokyo. Tớ chơi với nó nhiều đến nỗi có đầy vết trầy xước trên bề mặt. Mẹ giấu thì dễ tìm lắm, chỉ quanh quẩn hết trong gầm giường lại đến gầm bàn nên tớ thường nhận được quà “hậu tạ” bằng một thanh kẹo socola chẳng hạn. Tớ thích trò chơi này lắm, lúc nào cũng sung sướng khi nhìn thấy thông báo tìm đồ. Mẹ bảo, người bị mất đồ đang buồn bã mà người đọc thông báo lại rạng rỡ quá chừng. Hì hì, chỉ là giả mất thôi mà. Đến lượt tớ “mất đồ”, vì chưa biết chữ nên thay bằng dán thông báo, tớ sẽ phải đọc bằng loa, kiểu như sau:
A lô, a lô, tôi là Nam, hiện tôi đang đi tìm một đồ vật làm bằng nhựa có màu đỏ, có bốn bánh có thể phát ra tiếng kêu khi chạy. Ai tìm được thì mang đến cửa phòng chơi cho tôi. Tôi chỉ cảm ơn chứ không có hậu tạ.
Mẹ nghe loa thì buồn cười lắm. Mẹ bảo mẹ chịu không thể tìm được vì có quá nhiều đồ vật có đặc điểm giống như tớ miêu tả, bộ sưu tập ô tô của tớ hàng trăm cái, màu đỏ cũng có vài chục cái thì sẽ rất khó để tìm. Lại nữa không được hậu tạ thì buồn lắm. Nói thế thôi chứ mẹ vẫn bò nhoài vào các ngóc ngách để tìm kiếm. Tớ hay giấu trong đống chăn chiếu nên mẹ thường “đầu hàng”. Có khi đến tối bố về, đặt lưng xuống giường chợt la lên oai oái:
- Cái gì chọc vào người tôi đau quá!
Thì ra là đồ vật bị giấu rồi để quên ở đó!
Giai đoạn chưa biết chữ, bố mẹ đã giúp tớ sử dụng và phát triển ngôn ngữ bằng những cách vô cùng dễ thương như thế. Có thể vì bố mẹ rất chú trọng đến việc “nói” của tớ nên ở giai đoạn này, tớ đã có “năng khiếu” nói nhiều. Nhưng theo đánh giá của một chuyên gia ngôn ngữ là bố thì, e hèm, tớ không chỉ nói nhiều đâu mà nói rất chuẩn và hay nữa. Bằng chứng của việc này là khi tớ đi đến đâu, mọi người rất thích cách nói chuyện của tớ. Bằng chứng nữa là những câu nói thú vị và ngộ nghĩnh của tớ thường được mẹ kì công ghi chép lại và kèm theo đó là cả bối cảnh của câu nói đó nữa. Các bạn thử xem nhé:
- Mẹ ơi, mẹ con mình như đang khiêu vũ với hoa ấy nhỉ. (Câu này tớ nói khi ba tuổi, trong một lần hai mẹ con chở nhau bằng xe máy, mẹ đặt tớ đứng đằng trước xe kèm theo cả một bó hoa. Khi chở tớ, tay mẹ vòng ra, ôm trọn tớ và bó hoa vào lòng).
- Mẹ ơi, cái rốn để nói với con rằng, khi con nằm trong bụng mẹ, con và mẹ đã được nối với nhau. (Bối cảnh của câu này cũng là khi tớ ba tuổi, để trả lời cho câu hỏi của mẹ: Theo con, cái rốn được dùng để làm gì?)
- Bố ơi, sao ở Việt Nam không có tuyết mà lại có nhân vật là nàng Bạch Tuyết? Sao không đặt là Bạch Mây có phải hay hơn không? (Lúc đó, tớ bước sang tuổi thứ tư, bắt đầu suy nghĩ về những điều có vẻ hơi “vĩ mô” rồi. Bố trả lời: À, ừm... Không phải cứ có tuyết thì mới được đặt là Bạch Tuyết, chỉ cần biết tuyết có màu trắng là được rồi. Còn nếu con muốn đặt để thể hiện ý nàng công chúa trắng như mây thì phải đặt là Bạch Vân kia).
- Bố ơi, con thấy mỗi khi mây khóc là trời mưa, giọt nước mắt của mây nhiều thế. (Khi tớ bốn tuổi, trong một lần hai bố con ngồi quan sát trời mưa).
- Mẹ ơi, sao con gà đẻ được thì gọi là gà mái còn con lợn đẻ được lại gọi là lợn nái? Sao không gọi là lợn mái hoặc gà nái hả mẹ? (Khi tớ bốn tuổi. Câu này mẹ hẹn sẽ trả lời sau, rồi không nhắc đến nữa!).
- Mẹ ơi, một tí mưa phùn mà làm cho mặt đất đầy mồ hôi. (Khi tớ bốn tuổi, sau khi quan sát một cơn mưa xuân lúc về Việt Nam ăn Tết).
Tớ nghĩ rằng bất kì đứa trẻ nào cũng có thể nói những câu tương tự, thậm chí còn hay hơn, nhưng điều đặc biệt là bố mẹ tớ đã kì công chép lại chúng trong niềm vui sướng và tự hào. Những câu nói của các bạn nhỏ khác có thể đã được ghi vào trong trí nhớ, trong trái tim của mỗi bậc cha mẹ, khi cần họ lại nói ra và cười tủm tỉm. Bố tớ nói, đó chính là những “viên thuốc bổ” góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Không có trẻ em thì Trái đất sẽ buồn chán lắm vì lấy đâu ra những câu nói ngộ nghĩnh dễ thương như thế phải không các bạn? Tớ rất mong nhà mình có một em nhỏ. Khi ấy, tớ sẽ lại làm công việc như của mẹ là ghi chép lại những điều vui vẻ, đáng yêu về em. Sau này khi em lớn, tớ sẽ lấy ra và cao giọng: Nào lại đây, anh nói cho nghe nhé, câu này em nói khi... lúc ấy em rất là nhiều chuyện làm anh mệt ghê lắm. Nên anh nói phải nghe lời nhé. Nếu không anh sẽ ghi lại và khi nào em có bạn đến nhà chơi, anh sẽ mang ra cho bạn em xem, đảm bảo các bạn hết muốn chơi với em luôn. Cũng ra dáng một ông anh trai lắm phải không các bạn?