GHI CHÚ CỦA BỐ MẸ
Một điều mà chúng tôi kiên trì theo đuổi là ghi chép lại tỉ mỉ quá trình lớn lên của cháu cùng với tất cả những thay đổi về ngôn ngữ. Những ghi chép đó vừa thể hiện tình cảm yêu thương của bố mẹ vừa giúp Nam nhớ lại những giai đoạn phát triển của mình và cũng để làm “tư liệu” khi cháu bắt tay vào viết cuốn sách này. Theo Nam nói, đây chính là “tài sản” lớn mà bố mẹ đã dành cho mình. Bây giờ, tuy Nam đã lớn, chúng tôi vẫn giữ thói quen ghi lại những buồn vui, những kỉ niệm trong gia đình, bạn bè, thầy cô, trường lớp, cả những thay đổi về tâm lý lứa tuổi của cháu... Mỗi khi nhìn lại những ghi chép ấy, chúng tôi cũng tự rút ra những ứng xử cần thiết cho mình để giúp con phát triển trí tuệ và hoàn thiện nhân cách.
Tớ rất băn khoăn khi viết đến phần này. Viết hay không viết? Câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong nhiều ngày liền. Nếu viết, tớ sẽ phải hỏi bố mẹ nhiều vì bố mẹ mới nhớ chi tiết từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của tớ mà tớ thì lại đang muốn giữ bí mật về quyển sách của mình. Nhưng rồi tớ quyết định vẫn viết.
Tớ luôn gặp các câu hỏi như: Nam ơi, sao cháu nói tốt thế? Nam diễn thuyết rất hay, bố mẹ cháu đã dạy cháu như thế nào? Hoặc Nam ơi, cháu có phải là một “thần đồng” về ngôn ngữ không mà cháu dịch sách rồi nói tiếng Anh thật tuyệt... Những câu hỏi như thế, theo tớ đều chung quy ở một điểm: Ngôn ngữ của tớ đã được rèn luyện và tích lũy như thế nào? Tớ thấy đây là một điều hết sức hấp dẫn. Tớ sẽ viết chúng ra như những kinh nghiệm nho nhỏ dù phải tham khảo những cuốn nhật kí bí mật của mẹ. Tớ mong các bạn nếu có em nhỏ có thể áp dụng hoặc áp dụng cho chính mình nữa. Các bạn sẽ ủng hộ tớ đúng không nào?
Trước tiên, tớ phải tìm hiểu về khái niệm Ngôn ngữ cái đã. Cái này dễ thôi, ngoài tìm hiểu thông tin trên mạng, tớ đã có một “quyền trợ giúp” rất đáng tin cậy là bố. Bố tớ là một nhà ngôn ngữ học mà. Xem nào: Nhiều người thường nhầm giữa lời nói và ngôn ngữ. Thực ra, lời nói chỉ những chuỗi âm thanh cụ thể phát ra nhằm trao đổi một vấn đề gì đó. Còn ngôn ngữ thì rộng và khái quát hơn, nó bao gồm tiếng nói, chữ viết, dấu hiệu, cử chỉ... Như vậy, lời nói chỉ là biểu hiện của ngôn ngữ mà thôi. Và theo bố tớ, muốn phát triển tư duy phải quan tâm đến việc rèn luyện và phát triển ngôn ngữ mà biểu hiện sinh động của nó là tiếng nói, chữ viết và những biểu hiện phi ngôn ngữ khác như cử chỉ, điệu bộ... Bởi vậy, ở phần này tớ sẽ trình bày những điều liên quan đến việc ngôn ngữ của mình đã được bố mẹ tích lũy và rèn giũa như thế nào nhé.
GHI CHÚ CỦA BỐ MẸ
Nhật Nam không phải là một cậu bé sớm biết nói. Do ảnh hưởng của hai thứ tiếng Việt Nam và Nhật Bản, Nam có vẻ hơi khó khăn khi phát âm. Để hạn chế điều này, ngay từ những ngày đầu tiên, khi Nam còn chưa bắt đầu học nói, chúng tôi đã có “chiến lược” cho việc phát triển ngôn ngữ của con trai mình. Chúng tôi cố gắng lồng ghép việc dạy ngôn ngữ vào các trò chơi sao cho Nam cảm thấy thú vị nhất. Chúng tôi tìm ra những sở thích của cháu và tận dụng tối đa sở thích đó để cháu “nói” một cách tự nhiên. Ví dụ Nam ham ăn, thích đồ chơi ô tô, máy bay, thích đi tàu... nên hầu hết các phần thưởng cho việc “nói” đúng và hay của cháu đều liên quan đến những sở thích này. Trong quá trình dạy, chúng tôi không bao giờ tỏ ra nôn nóng hay sốt ruột. Chính tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái, coi tất cả như những trò chơi khiến Nam lúc nào cũng vui, cũng cười vang nhà, hầu như không khi nào dỗi hờn hay tỏ ra mệt mỏi.