GHI CHÚ CỦA BỐ MẸ
Trong gia đình chúng tôi, hàng tuần luôn có một buổi tối thứ Bảy dành cho hoạt động có tên gọi là: Tái tạo năng lượng - gắn kết yêu thương. Tên này do chính Nhật Nam đặt ra và cháu vô cùng hứng thú với những buổi tối thứ Bảy như thế. Khi đó, cả nhà sẽ tắt ti vi, không ai làm việc riêng, tất cả quây quần và kể cho nhau nghe những câu chuyện của riêng mình, những niềm vui, những nụ cười có được trong một tuần vừa qua, cả những nỗi buồn, sự âu lo về điều gì đó. Nhưng những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất, hầu như có trong tất cả các tối thứ Bảy là chuyện về tuổi thơ của Nam. Bố mẹ kể tỉ mỉ khi Nam còn bé, về ngày cháu chào đời, về cái răng đầu tiên, về lần đầu biết ăn cơm, biết đi, biết bò... Vừa kể vừa minh họa bằng những bức ảnh chụp khi Nam còn bé. Nam vô cùng yêu thích những câu chuyện này, cứ yêu cầu bố mẹ kể đi kể lại nhiều lần không chán.
Có lẽ chính vì thế, khi viết phần Những ấn tượng tuổi thơ, Nam nhớ, tưởng tượng và sáng tạo lại những câu chuyện đã được nghe kể cộng thêm vào đó là những suy nghĩ của cá nhân mình. Tất cả chỉ để thấy rằng, tuổi thơ của mỗi người là quãng thời gian thần tiên nhất, đáng yêu nhất!
Trong cuốn tự truyện Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?, tớ đã có dịp kể cho các bạn nghe một phần về những ngày tớ học lớp Một, về những ngày đầu tiên tớ bắt đầu học tiếng Anh. Lần này, tớ sẽ kể cho các bạn nghe tất cả những ấn tượng mà tớ còn lưu giữ được, về việc tớ đã được dìu dắt ra sao để có thể trở thành một chàng trai cũng khá là bảnh bao như bây giờ.
Tớ được sinh ra ở Nhật. Thú thực nước Nhật đối với tớ là một hình ảnh khá xa mờ. Có thể lúc ấy còn bé quá nên tớ không nhớ được gì nhiều. Tớ thấy lạ là bố có thể kể tường tận chi tiết những gì đã xảy ra với bố từ khi bố còn nhỏ xíu nhưng tớ thì không thể. Vì thế, những gì tớ nhớ được và kể lại với các bạn ở đây chủ yếu là dựa vào các bức ảnh. Mà ảnh thì nhà tớ nhiều không kể xiết. Chả là bố tớ có thú vui chụp ảnh. Đi đến đâu, việc đầu tiên là chụp ảnh, bất kể khi đó mặt tớ đang nhầu nhĩ vì nắng, vì mệt. Không hề gì, bố sẽ ghi lại hết những khoảnh khắc đó một cách đầy vui vẻ. Và cũng chính vì thế mà bây giờ mỗi lần giở những tấm ảnh chụp khi còn ở Nhật ra, bố sẽ kể cho tớ nghe tất cả những gì liên quan đến tấm ảnh đó. Sự kết nối của tớ với nước Nhật nhờ đó mà không bao giờ đứt gãy.
Ấn tượng đầu tiên của tớ về nước Nhật không phải là hoa anh đào hay món sushi mà là các phương tiện giao thông. Đơn giản vì sở thích của tớ là chơi với các loại tàu xe. Tớ nhớ những chiếc xe bus sạch sẽ, có in hình sặc sỡ ở Nhật. Đi xe bus ở Nhật không cần mua vé, khi lên xe bạn chỉ cần bỏ tiền vào chiếc hộp bằng nhôm đặt cạnh lái xe hoặc nếu mua vé tháng, bạn sẽ được phát một chiếc thẻ, khi lên xe quẹt thẻ là xong. Thông thường khách lên xe bao giờ trong túi cũng có sẵn tiền lẻ bằng đồng xu. Khi đi qua người lái xe, bạn chỉ cần bỏ những đồng xu vào hộp. Chúng sẽ kêu leng keng và lăn xuống dưới. Không cần quay lại nhìn bạn, người lái xe sẽ nói: Arigato1 và bạn cũng đáp lại lời cảm ơn đó và tìm chỗ ngồi.
1 Arigato: Trong tiếng Nhật có nghĩa là cảm ơn.
Tớ rất thích được làm công việc bỏ tiền vào hộp. Mẹ nói, khi còn quá bé, chưa thể tự đi được, mẹ cho tớ ngồi trên xe đẩy. Lúc lên xe, mẹ bế cả tớ cùng xe đẩy lên, đặt cạnh cái hộp cho tớ nhoài người bỏ tiền. Tớ ngắm từng đồng xu lăn tròn trong chiếc hộp và luôn tự hỏi: Chúng sẽ lăn xuống đâu nhỉ. Lớn hơn, tớ đi chập chững đến cái hộp, cố tình tạo ra âm thanh để người lái xe quay lại. Chú ấy sẽ mỉm cười và nói to hơn: Arigato. Thế là tớ sung sướng. Tớ chỉ ước ao lúc ấy chú lái xe sẽ đứng lên, chỉ vào cái ghế sau vô lăng và nói: Nào, mời cậu bé ngồi vào đây! Nhưng chưa có lúc nào mơ ước đó thành hiện thực. Thế là tớ lại mơ khi nào lớn, tớ sẽ được làm công việc giống như chú ấy, lái xe và ngồi nghe những đồng xu leng keng, leng keng.
Đi xe bus đã thú, đi tàu điện còn thú vị hơn nhiều. Tàu điện ở Nhật có nhiều loại. Có tàu thường, tàu cao tốc, thậm chí cả tàu siêu cao tốc nữa. Tớ thường đi tàu từ ga Kitasenri đến ga Umeda, không xa lắm nên dùng tàu thường. Để vào tàu, mình sẽ phải đi qua một cửa quẹt thẻ. Tớ có thú vui sưu tầm những tấm thẻ đã dùng hết. Mỗi lần giở ra, tớ lại mường tượng đến lúc chiếc thẻ chạy trong thanh ray xoẹt xoẹt và ngay lập tức, trên thẻ sẽ ghi ga đến, ga đi, số tiền mình vừa phải trả. Tớ chờ đợi thẻ xuất hiện ở đầu thanh quẹt và sẽ với lên, giữ chặt thẻ trong tay, cầm trong suốt chuyến hành trình.
Mẹ nói, còn nhỏ xíu như vậy thì không cần thẻ, tớ còn chưa cao bằng thanh chắn cơ mà, nhưng tớ lại không thích cách mẹ nói một chút nào. Tớ muốn được là một hành khách đi tàu chính hiệu, đi ngang vội vàng qua chỗ quẹt thẻ, quay lại mỉm cười với người soát vé ngồi đằng xa và lên tàu cũng vội vàng không kém. Người Nhật đi đâu cũng nhanh. Tớ muốn có sự vội vàng đó mặc dù cũng không biết vội để làm gì!
Sau khi lên tàu, tớ luôn là người chọn chỗ ngồi nếu tàu vắng khách. Ở Nhật, trên các phương tiện giao thông luôn có một dãy ghế gần cửa ra vào dành cho người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và cả trẻ em nữa. Nhưng tớ thì chẳng bao giờ chọn ngồi chỗ ấy, kể cả khi tàu đã chật cứng. Nếu mẹ có ý định đặt vào đấy, tớ sẽ chạy ào xuống, bám vào tay vịn. Ngồi vào đấy thì có vẻ không đàn ông chút nào vì thế tớ chẳng chọn đâu.
Có một ấn tượng mà tớ luôn nhớ khi nghĩ về những khoang tàu điện ở Nhật đó là, tàu tuy đông nhưng rất trật tự. Mọi người ngồi yên, ra chiều suy nghĩ lắm. Có những nhóm bạn đi với nhau rất đông nhưng họ chỉ nói chuyện rì rầm. Rất nhiều người bỏ sách ra đọc. Mà thú vị là những người này hầu hết đều cao tuổi còn thanh niên thì nghe nhạc hoặc ngủ. Đối với họ, lên tàu chính là cách để giải trí, thư giãn. Còn với tớ, được đi tàu là một điều tuyệt diệu vô cùng. Tớ thích áp sát mũi vào cánh cửa kính, nhìn làn hơi nước mờ mờ bay trên cửa, thấy nhà cửa, cây cối vùn vụt trôi về phía sau. Tớ có cảm giác mình đang đứng yên trong khi mọi vật cứ chuyển động không ngừng. Những hôm nào trời có tuyết hơi bay bay thì càng tuyệt hơn nữa. Tớ như thấy mình lạc vào một khu vườn cổ tích nơi Bắc cực xa xôi mà ở đó, chỉ cần điều khiển bằng ánh mắt là mọi vật cứ tự động nhảy múa không ngừng. Mỗi lần đi tàu là một lần trí tưởng tượng của tớ được dịp bay mãi, bay mãi. Cho đến khi mẹ tớ phải đập vào vai, ra hiệu xuống ga. Tớ sẽ tiếc nuối quay lại nhìn vệt hơi nước có hình mũi của mình trên cửa kính và tự hỏi, không biết lần sau khi quay lại tàu, mình có còn nhìn thấy vệt hơi nước đó không.
Nhưng đó là đi tàu thường, đi tàu cao tốc mới thật là sướng mê hồn. Tớ chỉ được đi tàu cao tốc có vài lần vì vé lên tàu rất đắt nhưng ấn tượng để lại thì vẫn rõ như chỉ mới hôm qua. Tàu cao tốc ở Nhật thường có hình như con cá mập với mũi tàu nhọn hoắt. Bố tớ bảo như thế để tàu có thể lao vút về phía trước. Thú nhất là được lên tàu, cảm giác không khác gì khi ở một khách sạn thu nhỏ. Ghế trên tàu có thể quay bốn phía để hành khách quay sang nói chuyện với nhau và êm ơi là êm. Mẹ luôn chuẩn bị đồ ăn và tớ sẽ ngả chiếc bàn ăn trên ghế của mình để nhấm nháp. Tàu cao tốc đi nhanh quá nên tớ không thể ngắm cảnh bên ngoài nhưng có hề gì, tớ vẫn tưởng tượng được như thường. Tớ thấy mình đang lạc vào xứ sở của tốc độ. Ở đó, tớ là người chỉ huy những đội quân có thể lao đi nhanh như một cơn gió. Tớ sẽ cưỡi lên những con cá khổng lồ lao vun vút cả trên cạn và dưới nước. Tớ sẽ ngồi trên những đám mây, cưỡi trên đầu ngọn sóng để chiến đấu với yêu quái. Nói chung kết thúc trận chiến bao giờ tớ cũng thắng. Cứ thế, tớ đắm chìm trong những kết thúc hào hùng, oanh liệt cho đến tận lúc xuống ga mà vẫn còn tiếc nuối.
Không chỉ hấp dẫn bởi những con tàu, mỗi ga đến cũng mang đến cho tớ bao điều thú vị. Tớ nhớ nhà ga mà cả nhà thường hay đến là Umeda. Theo nghĩa tiếng Hán, Umeda có nghĩa là vườn mai. Bố luôn giải thích ý nghĩa của từng tên nhà ga mà tớ ghé qua. Bố bảo làm như vậy tớ sẽ dễ nhớ hơn. Tuy được gọi là vườn mai nhưng ga này không có vẻ gì là nơi để trồng trọt cả mà trái lại, ga chính là một thành phố ngầm trong lòng đất.
Đến ga này, bạn có thể đi dạo cả ngày không hết. Tràn ngập là cửa hàng, siêu thị, quầy mĩ phẩm. Nhưng điều đó chỉ hấp dẫn mẹ tớ thôi. Đối với tớ, thiên đường nằm ở chính dọc đường đi từ ga vào sâu bên trong hệ thống các cửa hàng. Hai bên đường, không hiểu nhà kiến trúc tài ba nào đã biến các bức tường đáng lẽ là rất buồn tẻ dưới lòng đất thành các khuông nhạc to lớn. Chỉ cần bạn dựa người vào hoặc khẽ chạm tay vào tường, chúng sẽ ngân nga: Đồ, rê, mi, fa, son... những nốt nhạc cứ vang lên theo từng bước chân bạn. Tớ thường dừng lại rất lâu trước từng nốt nhạc, ban đầu là chạm khẽ để tiếng nhạc chỉ hơi thoảng qua, sau đó mới mạnh dần lên thành những âm thanh khỏe khoắn, vui nhộn khiến ai đi qua cũng quay lại mỉm cười. Lạ nhỉ, sao bức tường lại chứa đầy âm thanh? Hay có một người nghệ sĩ nào ngồi đâu đó và chơi những bản nhạc dưới ngón tay của mình? Tớ luôn tự hỏi điều đó. Và đoán chắc rằng, hẳn người thiết kế ra con đường này cũng có những đứa con nhỏ chừng như tuổi tớ. Khi hoàn thành bức tường, chúng hỏi:
- Bố ơi, sao bức tường lại chẳng biết nói gì cả? Chúng thật là đơn điệu!
Thế là không chần chừ, kiến trúc sư kia đã nghĩ đến việc cho bức tường không chỉ nói mà còn hát, những giai điệu mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích. Tớ tin chắc điều mình nghĩ là đúng bởi có nhiều khi, dưới chân bức tường là một hàng các bạn nhỏ như tớ, người thì rụt rè chạm vào, người thì ra sức đập mạnh vào từng nốt nhạc và khuôn mặt bạn nào cũng bừng sáng những niềm vui. Khi ấy, tớ mơ ước, sau này, tớ sẽ thiết kế mọi đường phố, mọi bức tường đều có khả năng vang lên những âm thanh. Nhưng mẹ tớ nói, nếu thế thì sẽ bão hòa âm thanh và mọi người sẽ không thể nói với nhau bằng lời vì tiếng nhạc từ các bức tường đã át mất rồi. Thay vì hỏi nhau:
- Bạn có khỏe không?
- Cảm ơn, tôi khỏe!
Thì mọi người sẽ nói:
- Đồ mi la son?
- Mi mi, rê fa!
Đại loại là như vậy. Mẹ còn nói vì đường dưới lòng đất, những chú chim không thể làm tổ ở đó được nên người ta phải làm ra những âm thanh vui nhộn thay cho tiếng chim. Còn trên mặt đất, tiếng chim hay hơn tiếng nhạc. Nếu tất cả các bức tường đều phát ra âm thanh thì chim sẽ bỏ thành phố bay hết về rừng vì lúc đó, tiếng hót của chúng sẽ lẫn vào những âm thanh này. Tớ thấy lời mẹ nói cũng đúng bởi chỉ cần ra khỏi ga ngầm lên trên mặt đất là tớ có thể bắt gặp tiếng chim ở mọi nơi, mọi chỗ.
Và chắc để cho thiên nhiên gần với con người hơn nên cũng ở ga đó, vào mỗi dịp Giáng sinh, những con đường dưới thành phố ngầm bỗng trở thành lâu đài xứ tuyết. Tớ còn giữ được những bức ảnh cả gia đình đứng trước rừng thông ngập tràn tuyết phủ trắng xóa. Người ta đã chuyển đến đây cơ man là thông, là lạc đà làm tớ không thể nghĩ được rằng đó chính là nhà ga bình thường mình vẫn đi. Tớ cứ miên man lạc giữa những cây thông Noel, mân mê chạm vào những chú lạc đà dễ thương và trong lòng tràn đầy niềm vui. Thích nhất là được những ông già Noel đứng ở đâu đó trong một góc tối, bất ngờ bước ra, ôm lấy những đứa trẻ và nói: Chúc mừng Giáng sinh!
Không biết các bạn nhỏ khác thế nào chứ tớ thì không thích những lời giải thích về xuất xứ của ông già Noel hay những chú lạc đà đâu vì tớ muốn tự mình tưởng tượng và tìm hiểu. Lúc đó, tớ sẽ thành chàng hiệp sĩ bảnh trai được ngồi trên lưng những chú lạc đà và được gặp những ông già Noel với quyền phép vô biên. Và bỗng nhiên, từ một ga tàu, tớ được gặp một xứ Bắc cực xa xôi đầy tuyết trắng.
Tớ tin rằng, mọi trẻ em đều có trí tưởng tượng tuyệt vời. Chả thế mà ngồi trên một chiếc ghế, bạn cũng ngỡ mình là hiệp sĩ, mặc một chiếc áo màu xanh, bạn cũng có thể trở thành siêu nhân. Tớ chỉ mong người lớn đừng làm khả năng tưởng tượng ấy của mỗi đứa trẻ biến mất. Như thế, chúng sẽ rất buồn. Thay vì đang vi vu cưỡi trên những đám mây để đánh Đông dẹp Bắc, bạn sẽ nghe thấy tiếng quát: Thôi nào, sắp ngã đến nơi rồi, trèo xuống ghế ngay! Đảm bảo là bạn sẽ rất buồn. Tớ cũng không thích người lớn nói với trẻ con theo kiểu: À đúng rồi, siêu nhân của mẹ, ăn ngoan đi rồi siêu nhân đi đánh quái vật nhé! Nghe không đúng tầm vóc của một siêu nhân chút nào. Tớ chỉ thích kiểu của bố, mỗi lần thấy tớ tưởng tượng mình đang phiêu du đến một xứ sở xa lạ hay gặp một “vĩ nhân” hoặc siêu anh hùng nào đó, bố không hề cười hay bẹo má mà luôn làm ra vẻ rất trầm tư và muốn được tưởng tượng cùng tớ. Chính cái vẻ trầm tư đó làm tớ nghĩ rằng, đó là một chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Ví như khi tớ nói:
- Bố à, bố nghĩ sao nếu con sẽ một mình sống ở ngoài đảo hoang? Bố tớ chỉ khẽ nhăn trán và nói:
- Khi đó, con nhớ mang theo lửa, à, và cả một con dao nữa. Những thứ ấy rất cần thiết cho người sống một mình ngoài đảo.
Chứ không như mẹ tớ, hoặc sẽ phì cười hoặc sẽ nói:
- Thế tối đến thì lấy ai cho con sờ ti?
Nghe không có vẻ hiệp sĩ chút nào!
Sau này lớn hơn, tớ rất thích khi đọc một câu danh ngôn, đó là: “Con người không biết tưởng tượng vẫn có thể thu thập được sự kiện. Nhưng nếu không có tưởng tượng sẽ không thể có phát minh vĩ đại, loài người sẽ không phát triển, cả văn minh vật chất lẫn văn minh tinh thần” (Ti-mi ria-zép). Lúc còn nhỏ, tớ không nghĩ đến những điều cao siêu đó, cũng chẳng nghĩ những gì mình mơ mộng chính là tưởng tượng. Tớ tin mọi điều sẽ trở thành sự thật. Bằng cách đó, tớ thấy mình không nhỏ nhoi, không chỉ là đứa bé 3, 4 tuổi chạy lon ton theo chân mẹ. Tớ thấy mình được là nhiều nhân vật khác nhau. Nhờ tưởng tượng mà tớ tự làm được nhiều việc, thấy mình có nhiều khả năng. Chỉ mong người lớn hãy để trẻ được tự do với những tưởng tượng của mình. Đó là một thế giới riêng mà chỉ những đứa trẻ cùng tuổi mới biết. Tớ cũng ước ao, mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà có một không gian riêng, bé thôi, nhỏ xíu thôi nhưng là nơi mà trẻ được đứng đó, tần ngần và bâng khuâng. Từ cái thế giới nhỏ xíu ấy, mỗi đứa trẻ sẽ được chắp đôi cánh của mơ ước và tưởng tượng để bay đến những không gian rộng lớn, những vùng trời mà chỉ riêng trẻ mới biết.
Những khuông nhạc gắn hai bên con đường ngầm nhà ga Umeda, nếu có dịp quay lại chắc tớ sẽ nhận ra chúng không to lớn như hồi bé thường nghĩ nhưng chúng đã ở lại trong trí nhớ như thể cả nhà ga thành bản nhạc vĩ đại mà tớ là người nhạc trưởng tài ba. Một vài nơi trên thế giới, ở mỗi khu phố người ta đặt một bức tường, cạnh đó là vô số bút màu và trẻ có thể đến đó để vẽ ra những điều mình thích. Đó có thể là một con tàu mơ ước, một hành tinh xa xôi, hay một miếng bánh được vẽ khi một bạn nào đó đang đói meo hoặc đơn giản hơn là những lời chế nhạo nhau của bọn trẻ con nghịch ngợm sau giờ tan học. Nhưng có hề gì, đối với trẻ con, đó là cả một thiên đường thơ ấu. Người lớn thường yêu trẻ con theo cách mong chúng có đủ những thứ mà mình thường thích như quần áo này, đồ ăn này, nhưng đôi khi, chỉ cần một chiếc lọ thủy tinh đựng vài ba con cá với một nhành rong biển đã có thể đưa đứa trẻ đến với những đại dương xanh xa lắc xa lơ nào đó.
Tớ thường được nghe kể chuyện về tuổi thơ của bố. Hồi đó, nhà ông bà nội nghèo lắm mà bố thì thích nghe đài nên mỗi tối bố thường áp tai vào tường nhà hàng xóm để nghe lén. Tớ không hiểu việc nghe đài lén như thế có gì thú vị không, nhưng chắc chắn một điều nhờ những tối khuya lắc ấy mà tâm trí bố được bay ra khỏi lũy tre làng, được đến với những chân trời mộng mơ. Ở đó không còn cánh đồng khô cằn, không còn những mái rạ tường đất ẩm mốc mà là những ngôi nhà chọc trời, những đường ray tàu hỏa đan cài chéo nhau trên mặt đất.
Với tuổi thơ khó nhọc của bố, đó là những điều phi thường. Bởi vậy, khi thành một ông bố, bố đã không buộc dây con diều trí tưởng tượng của tớ mà cho nó mặc sức bay lượn trên bầu trời đầy gió, mặc cho nó có lúc lộn nhào. Có sao đâu, trẻ con luôn có những suy luận rất riêng mà. Tớ thích cái cách bố sà vào đống đồ chơi của tớ rồi hỏi: Bây giờ bố con mình sẽ đi đâu? Tớ yêu vẻ mặt đầy đăm chiêu của bố khi giúp tớ tìm trong chiếc áo siêu nhân cái nút bấm để có thể bay lên, dù bố biết sẽ chẳng có cái nút bấm nào như thế cả. Chẳng thế mà một số bộ quần áo siêu nhân của Mĩ còn có dòng chữ: Áo này không dùng để bay được. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng tớ đoán, chúng dành cho những ông bố như bố tớ. Khi đăm chiêu tìm nút bấm một hồi, họ sẽ ồ lên: Ôi, không dùng để bay được à? Tiếc nhỉ! Thế là họ thở phào nhẹ nhõm, nhìn con trẻ bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương và chia sẻ!
Rời nhà ga Umeda với bao nhiêu là mộng mơ, tớ lại thích con đường từ ga Kitasenri trở về nhà. Đối với tuổi ấu thơ của tớ, đó là con đường đẹp nhất. Những mùa lá đỏ, cây cối hai bên đường bỗng nhiên rực lên như có ai thắp nến hoặc đốt lửa từ trong thân cây. Còn quá nhỏ để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp rực rỡ ấy nhưng không hiểu sao, màu đỏ ở lại trong trí nhớ tớ rất lâu. Đến nỗi cứ nhớ về con đường đó là tớ nhớ đến màu đỏ. Nhưng điều làm tớ thích hơn vẻ đẹp của con đường là những trò chơi của hai mẹ con dọc đường. Mẹ thường để tớ tha thẩn, để mặc tớ đôi khi ngã nhào, khi khóc òa rồi lại đứng dậy cười toe. Chỉ con đường chừng hơn cây số thôi mà có khi hai mẹ con tớ mất hàng tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
Tớ bận rộn trên con đường ấy vì tớ còn mải đếm kiến trong gốc cây! Mỗi hốc cây có rất nhiều kiến chạy lăng xăng. Mẹ nói, kiến là con vật cần mẫn. Tớ không thấy thế. Tớ thấy chúng cứ đi đi lại lại mà chẳng để làm gì. Cũng từ quan sát những con kiến mà tớ học được cách chào nhau đặc biệt: Cụng đầu vào nhau. Tớ đã thử nghiệm kiểu chào này với mẹ, với yêu cầu cả hai mẹ con đều đang chạy ra vẻ rất vội vã, sau đó cụng đầu chào. Kết quả là cả hai mẹ con đều đau điếng. Tớ cũng đã áp dụng cho một số người bạn của mình, nhưng các bạn không thích lắm. Có vẻ như nó hơi bạo lực quá chăng?
Những con kiến nắm rất nhiều bí mật riêng của tớ. Tớ thường thì thầm kể với chúng về món đồ chơi mới của mình, về những món ăn mà tớ cho là dở ẹc và những món ăn ngon không thể tả. Tớ thường xuyên đặt vài con kiến lên trên chiếc ô tô đồ chơi và chuyển chúng từ gốc cây này sang gốc cây khác. Lo lắng chúng bị lạc, tớ tìm lại để chở chúng về. Cứ thế, mỗi gốc cây đều là những bí mật nho nhỏ. Những gốc cây này giống hệt những ụ cát ở công viên trước nhà. Chúng đều là những nơi rất đặc biệt đối với tớ.
Ở Nhật có nhiều công viên. Người ta đánh dấu khu chung cư này đến khu chung cư kia bằng công viên. Bạn ở khu nhà nào, công viên sẽ đánh số theo khu nhà đó. Và mỗi công viên lại có một đặc điểm nhận dạng nhờ bức tượng xinh xắn được đặt ngay lối ra vào. Công viên trước cửa khu nhà tớ ở có tượng một cậu bé đang đứng tè. Bố tớ có thú vui là cứ hàng tháng lại bế bổng tớ lên để đo xem tớ đã cao đến đâu so với chiều cao của cậu bé. Bây giờ, bố thường vẫn nói: Nếu trở lại công viên đó, tớ đã lớn vượt cậu bé ấy nhiều rồi. Cậu bé ấy không lớn nữa, mà cứ đứng đó để làm nhiệm vụ đón các bạn nhỏ, năm này qua năm khác.
Phía trong công viên là cây cầu trượt và một bãi cát to. Chúng tớ thường trượt thỏa thuê rồi lăn ra cát. Ở Việt Nam, bố mẹ thường sợ con nghịch bẩn nên không cho nghịch đất, cát nhưng ở Nhật thì không thế. Có thể vì những bãi cát này đều là cát sạch vì chúng đã được các chú công nhân sàng loại hết đá răm nên trẻ con hoàn toàn yên tâm khi chơi.
Tớ thích nhất trò đắp ụ cát. Những chiếc hầm lần lượt được xây lên và tớ bắt đầu kể cho các bạn xung quanh nghe những điều tớ tưởng tượng khi nằm trong mỗi chiếc hầm. Bao giờ những câu chuyện của tớ cũng thu hút được sự chú ý của bọn bạn xung quanh. Có lẽ vì tớ toàn mô phỏng những câu chuyện bố kể về chiến tranh. Những buổi tối ở nhà, hai bố con trùm chăn, bố nói:
- Nam ơi, đây là hầm Củ Chi nhé, con phải làm nhiệm vụ giữ im lặng để địch khỏi phát hiện ra.
Thế là tớ nằm im, trong bóng tối, tớ lo lắng như thể nếu mình thở to thì địch sẽ phát hiện ra ngay, lắm khi toát hết cả mồ hôi mà vẫn chưa chịu chui ra. Bố thường xoa đầu, gọi tớ là một người lính dũng cảm. Hết địa đạo Củ Chi lại đến hầm Điện Biên. Trước khi chui vào “hầm” bao giờ bố cũng kể về các trận đánh ở những nơi đó. Những câu chuyện khiến tớ mê mẩn. Chả thế mà bà ngoại thường hay kể với mọi người về một kỉ niệm: Khi mới ba tuổi, trong lần cả nhà về phép, tớ được đến Củ Chi chơi cùng bà, trong khi nhiều người sợ bóng tối không dám chui xuống địa đạo thì tớ nằng nặc đòi bà cho xuống. Đến nơi, bà kêu lên:
- Chao ôi, tối quá!
Tớ động viên bà:
- Bà đừng lo,“nơi hầm tối là nơi sáng nhất”!
Cả đoàn ngỡ ngàng, không ai nghĩ một cậu bé ba tuổi lại nói năng một cách văn vẻ và hợp hoàn cảnh như vậy. Tại mọi người không biết những bí mật giữa tớ và bố đấy thôi. Ra công viên chơi, tớ sao chép lại những câu chuyện đó, thêm cả màn âm thanh và khói lửa minh họa nữa, thế là thành những câu chuyện dài bất tận và hấp dẫn vô cùng. Mỗi khi thoáng nhìn thấy tớ ngoài công viên, cả bọn bắt đầu kéo đến, ngồi ào xuống bãi cát và bắt đầu công việc đắp hầm. Không chỉ tạo nên những đường hầm huyền thoại, tớ còn làm trên cát những đường ray, những nhà ga xuyên qua biển. Tớ say sưa với công trình của mình mặc cho mặt mũi lấm lem, chân tay bê bết cát. Mẹ tớ và các bà mẹ khác chỉ ngồi xa xa mỉm cười một cách hạnh phúc nhìn lũ con đứa nào cũng như vừa lội lên từ một cánh đồng bùn đất nào đó.
Sau này mẹ tớ có nói, phải tập rất lâu mẹ mới có thói quen giống như các bà mẹ Nhật là để cho con tự chơi, không can thiệp vào trò chơi của trẻ. Nếu bình thường, mẹ sẽ đứng ngay cạnh nhắc nhở: Con nghịch bẩn quá, cẩn thận cái đó nguy hiểm lắm! hoặc Con lại làm bẩn hết quần áo rồi! Nhưng các bà mẹ Nhật sẽ không như thế. Họ chỉ đứng quan sát từ xa, khi nào con thực sự cần sự giúp đỡ họ mới chạy lại, tuyệt đối không nựng nịu con khi chơi, không cấm đoán và cũng không khuyến khích. Đối với họ, công viên là tuyệt đối an toàn. Ở đó, bọn trẻ sẽ tự làm những gì mà chúng thích. Tớ thích việc người lớn không áp đặt trẻ con khi chúng chơi. Nhưng mẹ tớ nói, để làm được điều đó, khi ở nhà, tất cả người lớn đều phải giải thích cho trẻ những gì là nguy hiểm, những gì là nguyên tắc khi chơi.
Chà chà, chơi cũng phải có nguyên tắc đấy các bạn nhé, ví dụ, bạn phải biết nhường nhịn luân phiên này, không phá hỏng đồ chơi của bạn bè này... Những nguyên tắc này sẽ không đến một cách tự nhiên đâu mà bạn phải quan sát và lắng nghe nữa. Học cách lắng nghe cũng chính là một nguyên tắc. Mẹ tớ nói thế. Hẳn là các bạn nhỏ Nhật Bản khi ở nhà đã được mẹ dặn về điều này rất kĩ nên khi chơi, mặc dù thi thoảng cũng có xích mích với nhau nhưng hầu như không cần có sự can thiệp của người lớn.
Mải chơi, chúng tớ chỉ nhớ ra là có mẹ đi cùng khi mặt trời lên cao, đã đến giờ ăn trưa và bụng thì đã đói meo. Lúc đó, các bà mẹ sẽ mở trong túi của mình những hộp đồ ăn đã chuẩn bị sẵn. Chúng tớ chạy ào ra vòi nước rửa tay chân và khoan khoái với hộp đồ ăn, vừa ăn vừa nhìn xem bạn mình có ăn giống mình không. Ăn xong, cả lũ chia tay nhau để về ngủ và nếu có thể buổi chiều sẽ quay lại để chơi tiếp.
Mỗi lần về, tớ đều quay lại nhìn những ụ cát của mình, tưởng tượng có cả một binh đoàn đang ẩn nấp chờ chiến đấu trong đó. Kiểu từ giã ấy giống như một người chỉ huy tài giỏi chia tay các chiến sĩ của mình để đi làm nhiệm vụ khác. Và lần sau khi tớ quay lại công viên thì ụ cát đã không còn. Có hề gì, tớ lại bắt đầu với công việc đắp hầm của mình. Nhiều năm sau, tớ luôn tự hỏi, không biết những ụ cát mình đắp ngày xưa có còn dấu tích gì trên bãi cát trong công viên trước nhà không? Hỏi thế thôi nhưng tớ biết, nó đâu phải là một công trình kiến trúc mà có thể lưu được với thời gian. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là những trò chơi thuở nhỏ sẽ ở lại trong tâm trí mình rất lâu, nó sống động đến mức mình nghĩ nó mới xảy ra ngày hôm qua thôi.
Nhiều lần, khi đã về sống ở Việt Nam, mỗi sáng tỉnh dậy, tớ vẫn nghe tiếng chim hót giống tiếng chim trong rặng cây gần ngôi nhà ở Nhật ngày trước. Tớ luôn nghĩ về những rừng anh đào nở hoa rực rỡ vào mỗi độ tháng Tư. Tớ thường đi dưới hoa, cảm giác từng cánh hoa rơi vào người thật dễ chịu. Hôm trước đi qua hồ Hoàn Kiếm, chợt nhìn thấy một cây hoa anh đào cũng đang vào độ nở hoa, tớ chỉ thấy cây đẹp mà không có cảm giác vui sướng như khi ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản. Chẳng hiểu vì sao? Có thể vì thấy cây đứng một mình lẻ loi quá trong khi ở Nhật, hoa anh đào thường mọc thành từng hàng, từng dãy, thậm chí là cả rừng.
Nơi mà cả nhà tớ hay ngắm hoa anh đào nhất là khu vực bờ sông Miazaki cạnh nhà đúc tiền Osaka. Hoa nở miên man suốt dọc bờ sông. Ngắm lại những bức ảnh chụp cùng bố mẹ và ông bà bên cạnh dòng sông, tớ có cảm tưởng như chính hoa đã kết nên dòng sông ấy - dòng sông hoa. Nhưng ngày ấy còn bé quá, tớ chưa cảm nhận hết vẻ đẹp của hoa, chỉ biết được đi ngắm hoa là rất vui. Tớ sẽ chạy từ gốc cây này sang gốc cây kia, làm người mẫu ảnh bất đắc dĩ cho bố và cùng cả nhà ngồi dưới những tán cây ăn sushi ngon không thể tả. Tớ tin rằng, các bạn nhỏ Nhật Bản, ban đầu cũng chẳng thể thấy hết vẻ đẹp của hoa anh đào đâu. Nhưng tình yêu với hoa sẽ được hình thành từ những buổi dã ngoại cùng gia đình.
Tình yêu đó sẽ lớn lên cùng năm tháng để mỗi khi thấy hoa, ngoài vẻ đẹp đáng ngạc nhiên của nó, họ còn nhớ về những kỉ niệm thân thương cùng gia đình ngày thơ bé.
Bố tớ luôn nói, những thứ gì khi đã trở thành máu thịt đều gắn với những hình ảnh hay kỉ niệm về những người thân yêu. Lúc đó, tớ mới hiểu tại sao, mỗi khi bị ốm ở Nhật Bản, mẹ tớ luôn muốn ăn món cháo hành mặc dù theo như lời mẹ, hành của Nhật Bản không có vị thơm như ở Việt Nam. Mẹ chọn cháo hành vì đó là món mẹ được bà ngoại chăm sóc mỗi lần bị ốm. Khi đó, mẹ không ăn vì đói mà thưởng thức kí ức tuổi thơ, quay về cái cảm giác được bà nâng giấc. Tớ thấy nhiều bậc cha mẹ muốn con mình có đầy đủ mọi thứ, quần áo, đồ chơi, đồ dùng học tập thậm chí cả những vật dụng đắt tiền nhưng lại quên mất những buổi cả nhà đi dã ngoại hoặc có thể là cùng nhau xem một bộ phim, cùng ngắm trăng hay cùng nhau trồng một cái cây. Nếu thiếu những điều đó, kỉ niệm về tuổi thơ của đứa trẻ chắc sẽ không giàu có. Người ta thường nhớ đến một cái nắm tay, một vòng ôm âu yếm, một nụ cười hơn là một cái máy tính, một máy chơi game đắt tiền phải không các bạn. Tớ nhớ có lần bố kể cho nghe câu chuyện về một em bé khi thấy bố mình thường xuyên đi làm về muộn, đã hỏi:
- Bố ơi, mỗi giờ làm việc bố thường kiếm được bao nhiêu tiền? Người bố ngạc nhiên trước câu hỏi đó. Em bé tiếp tục nói:
- Con hỏi để con sẽ để dành tiền và mua một giờ của bố, để con được chơi với bố.
Ông bố đó chắc sẽ rất bất ngờ trước lời đề nghị của con. Nhưng đó là một lời đề nghị hoàn toàn nghiêm túc, tớ tin thế.
Khi xem những bức ảnh chụp cùng bố mẹ, tớ đều nhớ đến những chuyến đi, lúc xa, lúc gần của cả gia đình. Tớ không thể phân biệt nổi đâu là Nhật Bản đâu là Việt Nam, đối với tớ, cảnh ở đâu cũng đẹp nếu có bố mẹ đi cùng. Rất nhiều người thường nói với tớ rằng: Cháu thật may mắn vì được sinh ra ở nước Nhật, được sống một thời gian dài ở đó. Nếu ngồi yên lặng suy nghĩ, tớ sẽ chẳng thể nhớ nổi điều gì đặc biệt ngoài những chuyến đi cùng bố mẹ. Như thế, đâu phải tớ nhớ nước Nhật mà là nhớ kỉ niệm tuổi thơ cùng gia đình mình đấy chứ.
Bố tớ sinh ra ở một làng quê vùng đồng chiêm trũng rất nghèo khổ và lam lũ. Cả tuổi thơ bữa đói bữa no, vừa đi học vừa mò cua bắt ốc, cắt cỏ chăn trâu nhưng trong lòng bố mỗi khi nhớ về làng quê lại ngập tràn yêu thương. Đối với bố, đó là nơi đẹp nhất, lãng mạn nhất. Nơi bố từng đập lúa, giã gạo dưới trăng, ra đồng cày bừa cấy hái, lên núi gánh chè cùng ông nội... Đặc biệt những buổi chơi trốn tìm, chơi đánh khăng, đánh đáo với lũ bạn cùng lứa. Vậy thì đâu cứ phải được sống ở một nơi thật văn minh người ta mới có một tuổi thơ đẹp, các bạn có thấy thế không?
Nhưng nước Nhật cũng giúp tớ học được nhiều điều mà có lẽ những điều đó sẽ theo tớ rất lâu, trở thành một phần làm nên tính cách của tớ. Ngày đó, tớ thường theo mẹ đến các lớp học Mẫu giáo ở gần nhà. Theo mẹ là bởi tớ không đi học chính thức mà chỉ là một học sinh dự khuyết thôi. Đến lớp, việc đầu tiên là phải xếp túi đựng đồ của mình vào ngăn tủ, xếp áo khoác vào ngăn đựng áo và để dép vào đúng vị trí. Tất cả những điều này đều phải tự làm và phải làm rất nhanh. Tớ thường gặp khó khăn nhất ở khâu để giày dép. Tháo giày ra đã khó, để cho đúng lại càng khó hơn. Khi để giày, bạn phải so sao cho hai chiếc thật bằng nhau, để đúng hàng với các bạn, không được xô lệch. Những việc này, không có ai nhắc nhở, các cô giáo đều ở trong lớp học nhưng bạn phải nhìn những người bạn đi trước và để cho đúng vị trí. Nếu một mình bạn để sai, rõ ràng là bạn đã không tuân theo nguyên tắc của lớp học rồi.
Với người Nhật, những điều gì đã thành nguyên tắc thì họ tuân thủ chặt chẽ, nếu để ai phải nhắc nhở mình thì họ cảm thấy rất xấu hổ. Mẹ tớ nói, người Nhật có lòng tự trọng rất cao. Có thể tinh thần võ sĩ đạo vẫn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Nhật Bản. Ở Nhật, nếu bạn nghĩ rằng, bạn làm sai và sẽ có người chạy ra nhắc nhở thì không đúng đâu. Tất cả đều do bạn tự quan sát, tự học hỏi để làm đúng những nguyên tắc nơi công cộng. Lòng tự trọng và tôn trọng người khác đã được hình thành từ những lớp học đầu đời. Tất cả những điều đó, tớ học được hoàn toàn nhờ vào cảm nhận của mình, chỉ khi lớn lên, nhìn lại mới thấy chúng có ý nghĩa với mình nhường nào. Tớ hiểu rằng, nếu mình được tôn trọng, mình sẽ biết tôn trọng người khác và sẽ tìm mọi cách để giữ gìn sự tôn trọng mà người khác dành cho mình.
Trong các lớp Mẫu giáo ở Nhật, cô giáo sẽ chỉ nêu các quy định, không hò hét, không la mắng nhưng các bạn nhỏ vẫn làm đúng những điều đó. Như thế, không phải cứ là trẻ con thì không hiểu gì, là cần “cầm tay chỉ việc”, là phải giảng giải tỉ mỉ mọi điều. Tớ cũng không thích những nơi công cộng mà có biển đề: Không được khạc nhổ bừa bãi; Không vứt rác bừa bãi; Không nói to, làm ồn... Nghe nó có vẻ lạnh lùng làm sao. Mặc dù, mẹ tớ đã nhiều lần giải thích là do có quá nhiều người không chấp hành nên họ phải khuyến cáo như vậy nhưng tớ vẫn thấy không thoải mái lắm khi vào những chỗ đó. Tớ muốn mọi người có thể nhìn nhau và tự điều chỉnh. Ở Nhật, trong dòng người đang xếp hàng rồng rắn, nếu một mình bạn chen lên, sẽ chẳng ai nói cả nhưng bạn sẽ thấy rất xấu hổ. Nỗi xấu hổ đó như đóng dấu lên khuôn mặt bạn khiến ban đầu bạn sẽ đỏ bừng mặt lên, sau rồi bạn sẽ ngại đến mức không thể ngước nhìn lên được nữa. Vì thế, dù mưa hay nắng, dù chỗ đứng xếp hàng ngoài mái che của nhà chờ, bạn vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi nếu không muốn bị xấu hổ.
Chắc các bạn cũng đã được nghe kể về trận động đất sóng thần kinh hoàng ở Nhật thời gian vừa qua rồi chứ. Trong những tòa nhà cao ốc, khi nghe tiếng còi báo động, từng dòng người vẫn xếp hàng đi xuống cầu thang dù mặt ai cũng tái mét vì sợ hãi, tuyệt nhiên không có sự chen lấn, xô đẩy. Tớ tin rằng, phẩm chất đó của người Nhật đã được hình thành từ trong những lớp Mẫu giáo. Khi cô giáo không cần giải thích, không cần làm mẫu mà mọi học sinh vẫn hiểu rằng, chen lấn khi xếp hàng là rất xấu.
Tớ cũng thích cách mà bố mẹ vẫn dành cho tớ mỗi khi cần làm một điều gì đó. Bố mẹ chỉ cần nói: Bố mẹ muốn con thực hiện như thế này, bố mẹ tin ở con. Thế là tớ sẽ cố gắng thực hiện dù có thể gặp khó khăn một chút.
Sự kỉ luật, những nguyên tắc nơi công cộng, tớ đều học được một cách tự nhiên. Và tớ biết ơn những điều tự nhiên đó. Để khi thành một cậu bé chững chạc hơn, tớ không bao giờ bị nhắc nhở vì những hành vi không đúng nơi công cộng nữa.
Tuy vậy, không phải điều gì ở Nhật Bản tớ cũng thích. Nhật Bản vào mùa đông lạnh vô cùng. Trong khi các bà mẹ mặc những cái áo khoác dày đứng co cụm lại ở một nơi để trò chuyện thì những đứa trẻ của họ, có thể vẫn mặc quần đùi và một cái áo len mỏng, nô đùa giữa những cơn gió mạnh ngoài bãi cát. Không phải chỉ tớ đâu mà ngay cả mẹ tớ cũng rất ngạc nhiên vì điều đó. Sau này mẹ con tớ mới hiểu, đó là vì họ muốn những đứa con của mình phải được rèn luyện để có thể thích nghi với khí hậu khắc nghiệt của mùa đông nước Nhật. Dù biết như thế, tớ vẫn thấy không thích lắm, có vẻ như nó hơi lạnh lùng quá chăng. Tớ thích những câu nói nựng của mẹ mỗi khi ngã: Ôi con đau à? Lần sau cẩn thận nhé! Hơn là việc đứng nhìn con ngã rồi tự đứng dậy của các bà mẹ Nhật dù biết là họ làm thế để dạy con tính can trường.
Ở Nhật, đồ đạc dành cho những nơi có trẻ con đều tuyệt đối an toàn, ngay cả trong nhà cũng vậy. Nhưng nếu đứa trẻ nào vẫn thích nghịch ngợm (mà số này tớ cho là rất đông, trong đó có cả tớ nữa) thì họ sẽ không giải thích mà để chúng phải trải nghiệm và tự rút ra bài học cho mình. Nếu con cứ cố tình giằng lấy cốc nước còn đang nóng, con sẽ phải tự nhận lấy hậu quả là tay con sẽ có khả năng bị bỏng. Mẹ tớ nói những “bài học” như thế sẽ nhớ rất lâu nhưng tớ vẫn có cảm giác không thích lắm. Khi lớn lên, mỗi lần mẹ đi vắng, tớ nhớ mùi tóc mẹ, nhớ món ăn mẹ nấu nhưng nhớ nhất là những câu xuýt xoa, dặn dò mỗi khi tớ chẳng may bị đau: Con có sao không? Lần sau cẩn thận nhé! Tớ yêu cái cách mà mẹ tớ vẫn thường làm. Tớ yêu cả sự mềm yếu của mẹ và mong muốn trở thành một chàng trai mạnh mẽ để bảo vệ mẹ.
Kết thúc gần 5 năm ở Nhật Bản, khi đã ra dáng một “chàng thanh niên”, tớ theo bố mẹ về nước. Việc đầu tiên và cũng khó khăn nhất đối với cả tớ và bố mẹ là đi học Mẫu giáo. Mọi thứ đều thay đổi từ cách sinh hoạt, môi trường sống cho đến ngôn ngữ, những quy tắc... mọi thứ cứ rối bời trong đầu tớ. Rất may mắn là tớ được học một cô giáo có tên cực đẹp và khuôn mặt rất hiền: Cô Diễm. Cô Diễm rất thích nghe tớ kể chuyện Nhật Bản và tớ cũng thích được chia sẻ với cô. Cho nên, cứ mỗi buổi trưa, trong khi các bạn khác phải nằm thành hàng để ngủ thì tớ được ưu tiên nằm cạnh cô, có thể không cần ngủ nếu mình không muốn và kể chuyện cho cô nghe. Chuyện của tớ cũng chẳng có gì, chuyện nọ xọ chuyện kia, có khi đang kể về Nhật Bản tớ lại chuyển sang nói chuyện khủng long nhưng cô vẫn rất thích. Nhờ thế mà tớ trốn được ngủ trưa. Rất lạ là người lớn thích trẻ con ngủ trưa nhưng tớ lại thấy không cần thiết một chút nào.
Không chỉ hồi bé, đến bây giờ, không phải ngủ trưa luôn là điều may mắn đối với tớ. Một buổi trưa, tớ có thể làm được nhiều việc, như đọc xong một quyển truyện chẳng hạn mà không hề thấy mệt. Người Nhật cũng có ngủ trưa đâu mà vẫn làm việc hiệu quả đấy thôi. Nhưng bố mẹ tớ thì cực lực phản đối chuyện này. Mẹ còn sưu tầm bao nhiêu bài báo nói về tác dụng của việc ngủ trưa nữa. Tớ không biết những nhà khoa học đó đã bao giờ trốn ngủ trưa để đi bắt chuồn chuồn hay đọc sách chưa? Nếu có, chắc họ sẽ chẳng đưa ra những kết luận về tầm quan trọng của việc ngủ trưa đâu! Không chỉ kể chuyện cho cô Diễm vào mỗi buổi trưa, vào giờ tan học buổi chiều, khi mẹ chưa đến đón mà các bạn đã về hết, cô lại muốn nghe chuyện tớ kể. Sau này, khi tớ lớn hơn, cô Diễm cũng chuyển đi trường khác rồi mất liên lạc luôn, không hiểu bây giờ cô còn nhớ những câu chuyện không đầu đuôi của tớ nữa không.
Học trường mới, điều khó khăn nhất đối với tớ là phải ngồi ngay ngắn nghe cô dạy hát, nghe cô kể chuyện. Tớ không thích điều đó chút nào. Những bài hát tớ đã thuộc, những câu chuyện đã được nghe nhiều lần vậy mà mỗi lần nghe, cô vẫn bắt phải ngồi yên lặng. Tớ muốn được làm những công việc khác thú vị hơn. Nhưng cô giáo thì rất nghiêm, chỉ cần hơi ngoáy ngó, cô đã nói giọng không vui: Con không ngồi yên, cô không yêu nữa. Thế là tớ đành ngồi, có vẻ lắng nghe nhưng thực ra tớ đang đoán xem, dưới bếp, các bác đầu bếp đang nấu món gì. Lớp học và nhà bếp sát cạnh nhau, ngồi học mà mùi thức ăn cứ lọt qua khe cửa bay vào trong lớp thơm nức mũi. Tớ luôn đoán đúng. Ở nhà cũng thế, mẹ còn gọi tớ bằng cái tên âu yếm: Trạng hít nữa. Nhưng “tài năng” đó không được ghi nhận ở lớp học, nhất là trong giờ học. Mỗi khi cô gọi đến, bao giờ tớ cũng mất một lúc để định thần chuyển từ các món ăn trong đầu thành các nhân vật trong chuyện cô kể.
Tớ không thích kiểu kể chuyện như trong các trường Mẫu giáo. Nghĩa là cô kể xong rồi cô hỏi về nội dung, sau đó cô khuyến khích kể lại. Những câu chuyện như thế không còn gì là bí mật, là thú vị cả. Tớ thích cách mà mẹ tớ thường làm. Mẹ chỉ kể một phần sau đó cho tớ tự đoán phần sau của câu chuyện, tất nhiên đều là những câu chuyện tớ chưa biết. Những cái kết mà tớ đoán thường rất buồn cười và không giống cái kết của câu chuyện nguyên gốc một chút nào. Nhưng có hề gì, tớ sẽ nhớ rất lâu về câu chuyện đó, về những nhân vật trong truyện.
Có lẽ biết tớ hơi lơ đãng trong lớp học nên ngày nào khi đưa đến lớp, mẹ cũng dặn: Con ngoan, nghe lời cô nhé! Tớ “dạ” to mà lòng thì buồn ơi là buồn. Xa mẹ từ sáng đến chiều quả là dài. Chơi ở lớp học thì cũng vui nhưng chỉ một lúc là hết các trò chơi. Tớ chỉ ước ao giá mà mọi trẻ em đều chỉ phải đến trường lúc nào mình thích, còn lại có thể tự ở nhà và tự làm những gì mình nghĩ ra. Nhưng nếu như thế thật thì chắc sẽ rất gay. Chẳng có bà mẹ nào yên tâm ngồi làm việc ở cơ quan khi vừa làm vừa phỏng đoán: Không biết con mình đang lôi những gì ở nhà ra để mà “khám phá” đây. Vì thế, lớp học vẫn luôn là nơi khiến các bà mẹ yên tâm nhất. Dù con có khóc lóc, mắt mũi lem nhem, níu chặt áo mẹ đòi theo mẹ mỗi khi mẹ đưa đến lớp cũng không thể thay đổi được tình hình. Con ở lại lớp nhé, chiều mẹ sẽ đến thật sớm để đón con. Đó là câu tớ thường nghe thấy các bà mẹ dỗ dành con trước cửa lớp học.
Đi học được vài hôm, những nỗi buồn, những uể oải của tớ dần tan biến vì tớ được cô giao cho một trọng trách mới. Trong lớp có một em nhỏ hơn bị mắc bệnh tim và tớ được cô tin tưởng giao cho giúp đỡ em đó. Tớ thấy thật là vinh dự và thấy mình người lớn hẳn. Em hơi chậm chạp, mặt lúc nào cũng buồn thiu, có lẽ do em yếu quá. Ban đầu, tớ ngồi gần, hỏi chuyện mà em chẳng thèm đáp lời. Tớ nghĩ ra các trò chơi để rủ em chơi cùng. Tuy còn bé, chẳng hỏi ai nhưng tớ cũng đã biết, nếu chơi những trò chơi như đuổi bắt thì em sẽ rất mệt. Thế là tớ nghĩ ra việc cùng em chơi xếp hình. Em thích trò chơi này lắm. Mỗi lần chơi, tớ kiên trì ngồi đợi em lấy ngón tay nhỏ xíu của mình khó nhọc nhặt từng miếng ghép hình cho vào chỗ trống. Rất nhiều lần tớ vờ như không nhìn thấy hình, đợi em khẽ reo lên:
- Đây rồi anh Nam ơi!
Lúc đó, tớ mới òa lên:
- Em giỏi quá!
Có nhiệm vụ mới, tớ chăm đi học hơn. Một hôm, mẹ em bé đó gọi tớ ra, dúi vào tay một cái ô tô và nói: Cô cảm ơn Nam nhé, con chăm sóc em khéo lắm! Tớ thích quá, đứng ngẩn người ra. Thế là tớ đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình ư? Ngày hôm đó, tớ chỉ mong chóng hết buổi học để khoe mẹ về chiếc ô tô mới, về lời cảm ơn mà tớ đã được nhận.
Tớ chơi với em được chừng hai tháng thì em phải chia tay lớp. Lúc này, bệnh của em nặng hơn, mặt em sưng to, di chuyển chậm chạp khó khăn. Càng lúc em càng ít nói nhưng chỉ ánh mắt nhìn tớ thì vẫn rất tình cảm. Tớ lưu giữ ánh mắt ấy rất lâu, bây giờ mỗi lần nhớ đến em, tớ vẫn nhớ y nguyên ánh mắt em nhìn mình, âu yếm, thương yêu. Nghe đâu mẹ em cho em sang Pháp để mổ tim. Từ đó về sau, không nghe các cô nói gì về em nữa. Sau này có dịp đi làm từ thiện ở bệnh viện nhi, khi chơi với các em nhỏ bị bệnh, tớ vẫn có cảm giác như khi chơi với em ở lớp Mẫu giáo ngày nào. Tớ chỉ mong một ngày nào đó nhìn thấy em hoàn toàn khỏe mạnh, chạy đến bên tớ và nói: Anh Nam ơi, chúng mình lại chơi xếp hình nhé! Lớp Mẫu giáo đã cho tớ một người bạn đặc biệt, cho tớ hiểu rằng, nếu người lớn tin tưởng và giao cho trẻ con một trọng trách nào đó, trẻ con sẽ cố gắng để thực hiện và việc làm đó khiến mỗi đứa trẻ nhanh trưởng thành hơn.
Lớp Mẫu giáo dù rất thân thương nhưng tớ vẫn không theo được đến hết năm học. Những trận sốt do viêm họng liên miên khiến tớ luôn phải nghỉ học, ban đầu là nghỉ một, hai tuần rồi dần dần nghỉ hẳn. Ở nhà, tớ đóng giả làm cô giáo, xếp ô tô thành hàng học sinh rồi ngồi cạnh giảng bài. Mẹ kể, nhiều lần đi làm về, thấy tớ cắp thước đằng sau, hắng giọng rồi đọc thơ, rồi hát rất buồn cười. Chỉ có điều trong lớp học của mình, tớ luôn bịa ra những câu chuyện của riêng tớ, những chuyện không có trong “giáo trình”. Nói về điều này, mẹ cứ tiếc mãi, mẹ bảo giá mà chịu khó ghi lại những câu chuyện tự sáng tác của tớ, chắc sẽ khối bạn nhỏ yêu thích. Tớ có vẻ có tư chất “nhà văn” đúng không? Dù lớp học thế nào, ở không gian nào, tớ luôn đặt một cái ghế ở chính giữa, gần với tớ nhất, trên ghế luôn có một đồ chơi nho nhỏ. Đó là chỗ tớ dành cho em nhỏ mắc bệnh tim mà tớ thương nhất. Em không khỏe mạnh nhưng với tớ em luôn vui vẻ, thân thiện và vô cùng đáng yêu.
Một điều không thể không kể đến trong những ấn tượng về tuổi thơ của tớ (mà tớ tạm coi là khi còn bé xíu cho đến khi bước chân vào lớp Một) đó là những bức tranh tớ vẽ. Tớ rất dở về môn vẽ vì không khéo tay nhưng trong khoảng thời gian ở nhà một mình, tớ gửi niềm say mê của mình vào việc vẽ. Bố mẹ đề ra một nguyên tắc, tớ muốn bôi bẩn chỗ nào trên người cũng được, quần áo, mặt mũi nhưng không được làm bừa ra nhà, không được vẽ lên tường. Trước khi đi làm, mẹ mặc cho tớ một chiếc áo chuyên dành cho những họa sĩ thì phải. À không, nó giống như cho một người thợ sơn tường thì đúng hơn vì nó dính dày đặc và loang lổ màu vẽ. Choàng chiếc áo ấy vào, tớ sẽ thỏa thích pha màu và phóng tác theo khả năng của mình. Gọi là pha màu nhưng thực chất là đổ màu. Tớ thích nhìn sự biến đổi kì diệu của màu sắc khi được phối hợp với nhau. Sau khi đổ hỗn hợp màu, tớ hì hụi làm trên giấy. “Đối tượng” chính trong các bài vẽ của tớ là những con tàu vũ trụ. Tớ nghĩ ra đủ các con tàu với những phép màu kì diệu có thể thám hiểm những hành tinh xa xôi. Tớ mơ ước con tàu của mình sẽ tìm thấy sự sống ở những nơi mà người ta dường như không bao giờ có thể đặt chân đến.
Khi nào làm xong, tớ cũng rất hài lòng với tác phẩm của mình dù mồ hôi nhễ nhại. Nếu mẹ vẫn chưa về, tớ sẽ quay sang một loạt những tác phẩm mang tính “hiện thực” khác, đó là đặt tay của mình lên giấy và tô theo các ngón tay. Có vẻ như mẹ tớ thích những tác phẩm này nhất vì không cần giải thích dài dòng, mẹ biết ngay đó là gì. Mẹ còn thích thú treo lên tường và so sánh xem theo thời gian, bàn tay của tớ đã “lớn” lên như thế nào. Với các tác phẩm khác, mẹ luôn phải suy nghĩ rất lâu để có thể hiểu ý đồ của tác giả. Mẹ toàn đoán sai. Ví dụ như tớ vẽ những hình người đang khoan tìm dòng nước trên sao Hỏa để chứng minh rằng trên đó có sự sống, thì mẹ, sau một hồi xoay ngang xoay dọc, sẽ ngập ngừng hỏi:
- Đây là người đang chơi golf phải không con?
Nói chung là rất đáng buồn vì khả năng cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật của mẹ! Nhưng không sao, mỗi lần thấy mẹ không hiểu, tớ sẽ ngồi kể chi tiết, thậm chí tớ còn thêm những điều mà mình không thể chuyển tải trên trang giấy nữa. Thành ra mỗi bức tranh bao giờ cũng là một câu chuyện. Vì thế, tớ rất thích trẻ con được vẽ những gì mình thích, không “định hướng” kiểu: Em hãy vẽ ngôi nhà, lớp học, cô giáo... như thế sẽ rất khó vẽ. Tớ còn đọc trên báo, ở một cuộc thi vẽ ngoài trời, trong khi các bạn nhỏ đang tập trung cho bức vẽ của mình thì bố mẹ luôn luôn chạy vào và nhắc: Ấy con đừng tô màu này, sao con khỉ lại màu xanh? Trời ơi, sao ô tô mà lại bay trên không vậy? Thêm vài cái cây vào đây nữa mới đúng là thiên nhiên trong sạch chứ... Cứ như thế, bố mẹ làm các bạn ấy rối tung cả lên. Và chắc chắn những ý tưởng sẽ bay vụt khỏi đầu. Với trẻ em, khỉ màu xanh hoặc ô tô bay không có gì là ngớ ngẩn cả. Mọi thứ không vẽ bằng ánh mắt nhìn sự vật mà bằng trái tim trẻ thơ của mỗi đứa trẻ.
Bố tớ luôn treo những “tác phẩm” của tớ một cách rất trân trọng. Mặc dù nếu ai hỏi đến, bố phải mất rất nhiều thời gian để giải thích. Đã bảy năm rồi nhưng những bức vẽ đó vẫn còn, treo trên cánh tủ, treo trên tường, treo cạnh nơi để quần áo, nhìn đâu cũng thấy. Bố bảo bố vẫn sẽ giữ mãi, để sau này khi tớ có đi học xa nhà, nhìn vào mỗi bức vẽ ấy, bố có thể gặp lại tuổi thơ của tớ. Và biết đâu đấy, những ước mơ của tớ sau này sẽ đều trở thành hiện thực. Khi ấy, người ta sẽ nhìn lại những bức vẽ có tính “dự đoán” này chăng? Đó là cách nói vui của bố. Tớ biết thế nhưng vẫn thấy rất thích. Chính những điểm 10 của bố cho dưới mỗi bài vẽ, những lời nhận xét đại loại như: “Bố thích cách pha màu của con” hoặc “Ha ha, tàu đến nơi rồi”... làm tớ sướng mê man. Nhưng tớ chỉ thích vẽ trong khoảng thời gian ngắn đó thôi. Vào tiểu học, môn Mỹ thuật đã trở thành một trong những môn tớ không yêu thích cho lắm. Không biết vì sao nữa. Mẹ tớ nói rằng, “tài năng” hội họa của tớ đã lóe sáng nhưng rồi biến mất, chỉ còn lại những “tác phẩm để đời” thôi. Đúng là một lời an ủi rất... mẹ!
Người ta thường nói, tuổi thơ là khoảng thời gian từ lúc còn nhỏ cho đến khi lên 9 lên 10. Nhưng đối với tớ, khi bắt đầu đi học là bắt đầu bước sang một giai đoạn khác, rất “người lớn”, đầy ý thức trách nhiệm. Chính vì thế, những ấn tượng về tuổi thơ của tớ chỉ dừng lại ở những điều đó. Mọi thứ chuyển sang trang khác. Các bạn đọc tiếp chương sau nhé!